Đại học FPT: Vào không quá khó, ra không dễ dàng  
 

(Post 30/06/2007) Dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay theo mô hình trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ngoài công lập, nhưng Đại học FPT đã thu hút khá nhiều sinh viên. Trường đang tuyển sinh khoá 2, chỉ dự định tuyển 750 sinh viên nhưng đã có tới 5.000 hồ sơ dự tuyển. Tại sao một trường đại học mới ra đời, chưa có thương hiệu trong “làng” đại học mà lại hấp dẫn đến vậy? Thời Báo Vi Tính Sài Gòn (TBVTSG) đã phỏng vấn ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT.

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT

TBVTSG: Xin ông cho biết vì sao Đại học FPT chỉ chuyên đào tạo về phần mềm?

Ông LÊ TRƯỜNG TÙNG: Nhân lực phần mềm đang thiếu hụt nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Vì thế, trong giai đoạn đầu, Đại học FPT hướng đến đào tạo chuyên ngành kỹ nghệ phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu của chính FPT và các doanh nghiệp phần mềm trong nước. Sau khi đáp ứng được mục tiêu trước mắt, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đào tạo thêm nhiều ngành nữa.

Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Đại học FPT với các trường đại học có đào tạo chuyên ngành CNTT khách, thưa ông?

- Điểm khác biệt đầu tiên có thể thấy là mức học phí khá cao, 11.200 đô-la/ 4 năm. Song, việc thu học phí cao không nhằm vào mục đích kinh doanh mà để trang trải chi phí đào tạo nhân lực chất lượng cao (giáo trình, giáo viên và điều kiện học tập, nghiên cứu quốc tế…). Những sinh viên không có điều kiện, trường có thể bảo lãnh cho vay ngân hàng để nộp học phí (mức vay là 50%, 70% và 90% học phí) với khoảng 4-5 năm để hoàn nợ cho ngân hàng. Năm đầu tiên sinh viên sẽ học ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nhật) và những năm học tiếp theo sẽ học chuyên ngành trực tiếp bằng ngoại ngữ). Sau khi hoàn tất năm thứ hai, sinh viên sẽ được trường bố trí cho đi làm bán thời gian và được hưởng lương. Một điểm khác biệt lớn của Đại học FPT so với các trường khác là: thi vào đại học hiện nay rất khó, nhưng tốt nghiệp thì khá dễ; chúng tôi muốn làm ngược lại: thi vào không quá khó, nhưng để tốt nghiệp thì không phải dễ dàng.

Theo ông, đâu là lợi thế của Đại học FPT trong đào tạo chuyên ngành CNTT?

- FPT hiểu rất rõ kỹ sư ngành CNTT nói chung và phần mềm nói riêng cần những phẩm chất và kỹ năng gì để đưa ra tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào. Cũng chính vì vậy, Đại học FPT đề nghị khi dự tuyển sinh chuyên ngành chỉ cần thi trắc nghiệm hai môn là toán và tư duy lôgic với các đề thi quốc tế tham khảo từ hãng Aptech và các cơ sở đào tạo nổi tiếng trên thế giới, chứ không thi khối A (toán, lý, hoá) như hiện nay.

Chương trình đào tạo của Đại học FPT dựa trên những tiêu chuẩn nào, thưa ông?

- Chương trình đào tạo của Đại học FPT được xây dựng dựa trên năm khối kiến thức – kỹ năng: chuyên môn, ngoại ngữ, văn hoá-xã hội, thực tập công nghiệp và kỹ năng mềm. Về mặt chuyên môn, chương trình được xây dựng tuân thủ tiêu chuẩn tiên tiến đào tạo đại học nhóm ngành máy tính của ACM (Association for Computing Machinery) của Mỹ gồm năm ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin và ứng dụng CNTT. Đồng thời định hướng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ITSS (Information Technology Skill Standards) của Nhật, gồm 11 nhóm công việc với ba mức độ khác nhau cho mỗi nhóm.

Ông có thể cho biết sơ lược về chương trình đào tạo của trường?

- Ngày 13-1 vừa qua, Đại học FPT đã khai giảng khoá 1 với 300 sinh viên chuyên ngành kỹ nghệ phần mềm. Các sinh viên có sáu tuần lễ đầu tiên để nghiên cứu phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp, một số kỹ năng “mềm” (như đọc và nghiên cứu tài liệu, viết báo cáo, thảo luận, phát triển nhân cách) và rèn luyện tập trung. Tiếp theo sẽ là thời gian học chuyên môn, trong đó 2/3 thời gian của năm thứ nhất là học ngoại ngữ (tiếng Anh), thời gian còn lại dành cho môn toán, xã hội-nhân văn, phát triển cá nhân và nhập môn công nghệ phần mềm. Tiếng Nhật và các môn chuyên ngành sẽ được giảng dạy từ năm thứ hai. Chương trình thực tập tại các công ty phần mềm sẽ bắt đầu từ năm thứ ba.

Cơ sở vật chất của trường bảo đảm đào tạo được 900 sinh viên. Nhưng tại sao khoá 1 lại chỉ tuyển dụng được 300?

Khoá 1, Bộ Giáo dục-Đào tạo giao chỉ tiêu 500 sinh viên nhưng trường chỉ tuyển được có 300. Trong số sinh viên khoá 1 có nhiều người đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Có khoảng 15% sinh viên chuyển sang từ các trường khác. Trường tuyển lượng sinh viên ít hơn so với chỉ tiêu không phải do thí sinh dự tuyển ít mà do nhiều thí sinh không đạt yêu cầu chất lượng. Mục tiêu đề ra của trường là đào tạo chú ý đến chất lượng, không chạy theo số lượng. Bởi nếu không làm kỹ về yêu cầu chất lượng thì sau này nhân lực sẽ không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Xin ông cho biết kế hoạch tuyển sinh của Đại học FPT trong thời gian tới?

Đại học FPT đang tuyển sinh khoá 2, khai giảng vào ngày 3-9 tới. Trường dự kiến tuyển 750 sinh viên nhưng có tới 5.000 thí sinh dự thi. Đã có khoảng 1.500 thí sinh qua được vòng sơ tuyển. Năm 2009, khi trường Đại học FPT tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tuyển 5.000 sinh viên. Theo kế hoạch, quy mô tuyển dụng sau mỗi năm tăng gấp ba lần.

Vân Oanh
(Nguồn: Thời báo Vi Tính Sài Gòn)


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


FPT Software có nhân viên thứ 2.000“Đại học FPT sẽ trở thành nơi đào tạo sinh viên bằng tiếng Nhật lớn nhất Việt Nam”
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản thăm và làm việc tại Đại học FPTTriễn lãm mỹ thuật "Just do it" - Arena Style, Arena 4 Teen!
Aptech và cuộc thi tiếng Anh "Happy together"Aptech captures 32 % market share in China - Ranked Number 1 in Chinese IT Training market for the 5th consecutive year
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11