Làn sóng thứ hai  
 

(Post 16/07/2007) Người FPT đang đi làm dự án ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Danh sách khách hàng nước ngoài ngày càng dài ra và sẽ càng có thêm sự hiện diện của chúng ta ở nước ngoài. Không nghi ngờ gì nữa, FPT đang toàn cầu hoá, và đó là làn sóng toàn cầu hoá lần hai.

FPT hiện có văn phòng ở Nhật, ở Singapore và sẽ sớm có ở Mỹ, như lời CEO Trương Gia Bình đã mời đại diện của Microsoft tới dự lễ khai trương văn phòng. Khẩu hiệu năm 2006 - WEGUC - được treo ở tất cả các văn phòng của FPT, được ghi như lời dẫn của báo nội san Chúng ta. WEGUC là Đoàn kết, chúng ta là tập đoàn toàn cầu.

Hiện FPT có gần 200 nhân viên đang làm việc tại các quốc gia trên thế giới và "back up" cho họ là hàng trăm, hàng ngàn nhân viên khác đang làm việc tại Việt Nam, gia công và cung cấp dịch vụ cho những dự án, những thương vụ ở nước ngoài.

Còn nhớ lần đầu tiên FPT phát động toàn cầu hoá (globalisation) cách đây cả thập kỷ. Có lẽ FPT là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nghĩ tới toàn cầu hoá. Chúng ta đã nghĩ tới khái niệm này ngay cả khi nó chưa phổ biến trên thế giới. Khái niệm này chỉ thực sự phổ biến trên diện rộng khi cuốn Chiếc Lexus và cây Ô-liu của Thomas Friedman ra đời và trở thành best-seller trên thị trường Mỹ vào năm 2000.

Rất tiếc, làn sóng toàn cầu hoá lần một đã thất bại, dẫu không thể gọi là thê thảm nhưng phần lớn những gì chúng ta thu lượm được chỉ là những bài học.

Hai văn phòng ở Ấn độ và Mỹ đã “tan” sau gần một năm hoạt động, tiêu tốn của công ty chắc hẳn không ít tiền dù đến bây giờ cũng vẫn chưa có một thông kê chính xác cho biết thiệt hại từ thương vụ mang nhiều cảm tính đó.

Đương nhiên, toàn cầu hoá không phải là "một thương vụ ngon ăn". Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại trong quá trình mở rộng thị trường ra nước ngoài và cũng chẳng hiếm những thương hiệu nước ngoài cũng gục ngã trên con đường chinh phục thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Điều đáng chú ý là ở lần toàn cầu hoá lần thứ nhất, chúng ta cũng chưa rõ khái niệm về toàn cầu hoá mà tất cả chỉ là "ném đá dò đường". Chúng ta đã làm một cách chủ quan, bắt chước nước ngoài mà thiếu đi sự nghiên cứu, chuẩn bị cần thiết.

“Mọi việc bắt đầu khá đơn giản. Một đêm tháng 11/1998. Tôi với anh Bình ngồi ăn mì tại sân bay Băng-kok, chờ máy bay về Việt Nam. Cả hai ngồi im lặng tha thẩn nhai. Chúng tôi đều đang ở trong trạng thái shock sau tất cả những gì được chứng kiến ở Bangalore (Ấn Độ). Một đất nước đang còn rất nghèo nhưng đã hiện nguyên hình là một cường quốc CNTT trong thế kỷ 21. Hồi lâu, anh Bình nói: 'Em lấy một đội và thử đi'. Tôi gật đầu, không cảm xúc”, Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Fsoft đã viết về làn sóng toàn cầu hoá lần thứ nhất ở FPT như vậy trong bài "Đi tìm sức mạnh cốt lõi của FPT".

Năm 1998, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công nghệ FPT, TGĐ Trương Gia Bình trong báo cáo của mình đã đúc kết những bài học căn bản nhất từ hoạt động 10 năm của FPT về định hướng cho FPT trong tương lai và khi đó TGĐ cũng công bố rằng giai đoạn đầu đã kết thúc, FPT chuyển sang giai đoạn hai - "Toàn cầu hoá". Lần đầu tiên, khái niệm “Toàn cầu hóa” được nhắc đến ở FPT.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất, FPT tập trung cho xuất khẩu phần mềm (XKPM). XKPM được nâng thành chiến lược then chốt trong Hội nghị tổng kết trên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, chuẩn bị cho mục tiêu XKPM FPT hầu như chẳng có gì. FPT đi ra biển lớn với con số "không": Thương hiệu không, nguồn lực yếu, mối quan hệ ít, kinh nghiệm quốc tế hầu như chẳng có gì… Chẳng có gì khó hiểu khi cả hai văn phòng của FPT ở Mỹ, Ấn Độ không thể “kéo về” những hợp đồng như dự tính và tan rã tất yếu.

Mỗi bước tiến ra “toàn cầu” của FPT ở thời điểm này (giai đoạn 1998 – 2002) đều là “lần mò” và hy vọng. Thời điểm năm 2000, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FPT đứng trước khả năng kinh doanh thua lỗ do việc đầu tư cho những bước đi ban đầu quá lớn. Chi nhánh FPT India được cấp phép ngày 04/11/1999 và văn phòng FPT ở Sillicon Valley đi vào hoạt động từ tháng 01/2000.

Anh Nguyễn Thành Nam từng trả lời: “… Chúng ta biết là rất khó khăn, nhưng không biết là có khó khăn gì. Anh Bình chẳng nói là chỉ mang rổ sang mà xúc vàng. Chúng ta không biết rằng, nói chung ở ngoài Việt Nam, ba chữ FPT chẳng gợi lên bất cứ cảm xúc gì và việc chúng ta có thể lập trình được chẳng khác nào con khỉ biết đi xe đạp.”, (trích Chúng ta đã lớn lên nhiều).

Làn sóng toàn cầu hoá lần hai bắt đầu với rất nhiều thuận lợi. Việt Nam đã gia nhập WTO và mỗi doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ "ba làn sóng dân chủ: dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính và dân chủ hóa thông tin" (Thomas Friedman - Chiếc Lexus và cây Ô-liu). FPT đã "lên sàn" và trở thành một trong những công ty cổ phần có thị giá cổ phiếu lớn nhất của Việt Nam. Trong nhiều năm liền, công ty đã có mức tăng trưởng 50 đến 70%, làm dầy thêm tiềm lực để bước ra biển lớn.

Chúng ta đã chuẩn bị được một nguồn nhân lực đủ mạnh và có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Nếu trong năm 1998, FPT mới chỉ có khoảng vài chục lập trình viên (LTV) thì vào năm 2006, riêng FSoft đã có hơn 1500 LTV với hàng trăm bằng cấp giá trị quốc tế, bao gồm cả Microsoft, Cisco, Oracle…

Trên hết, chúng ta đã có những bài học cay đắng từ làn sóng lần một và những mối quan hệ được mở ra ngày càng rộng, một phần nhờ vào việc Việt Nam trở thành thị trường được nhiều hãng nước ngoài quan tâm.

“Cơn gió Đông Du” đã tạo ra những nhịp sóng đầu tiên. Tháng 11/2005, FPT thành lập công ty TNHH FPT Software Nhật Bản, “đóng đô” ở Osaka. Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở toàn cầu, FSoft phát triển chi nhánh ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch” mà “đánh”. Thị trường Nhật Bản mở ra quá nhiều cơ hội. Việc chuẩn bị để mở văn phòng lần này khá chu đáo, từ lựa chọn địa điểm, chuẩn bị lực lượng LTV biết tiếng Nhật và cử người nằm vùng, khảo sát ở Nhật lâu ngày. Với FSoft, đi onsite ở Nhật đã trở thành chuyện “cơm bữa”.

FSoft không quá khó khăn để thành lập tiếp văn phòng chi nhánh thứ hai ở Singapore. Tháng 03/2006, từ việc lần đầu tiên làm chủ thầu nước ngoài trị giá 6.42 triệu USD với tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia), FSoft đã phác thảo ngay kế hoạch dựng “cột đèn” ở khu vực giàu tiềm năng này. Ngày 13/03/2007, FAPAC đã ra đời trong khí thế hừng hực của thủy triều lên.

Khác hẳn với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, FPT tiến lên “toàn cầu hóa” không chỉ tập trung vào chiến lược phần mềm. Mảng dự án, triển khai sản phẩm cũng bắt đầu được đẩy mạnh. Trước kia, “toàn cầu hóa” gắn với FSoft và phần mềm. Bây giờ, dân FPT biết đến những trận “đánh Tây” của lính FIS, FSS hay thậm chí của cả cái tên mới nổi FPT Media.

FIS đã tung lưới ở cả những ngư trường xa xôi như Công-gô, Tazania, Nam Phi. FSS liên tục đưa người đi bán SmartBank ở Lào, Campuchia, Thái Lan. FPT Media ra đời “hoành tráng” với tư cách nhà phân phối độc quyền bản quyền truyền hình FIFA World CUP Germany 2006.

Đầu năm 2007, FIS, FSS và FES được sát nhập như một phản ứng phù hợp cho sự phát triển bền vững của FPT, tạo ra sức mạnh mới để "đi làm toàn cầu". Hợp nhất đã tạo nên một “bộ mặt mới” của đơn vị tích hợp hệ thống, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

“Thương hiệu FPT” bước đầu được tạo dựng trên trường quốc tế sau hàng loạt cái bắt tay chiến lược với các “siêu đại gia” kinh tế, chính trị thế giới. FPT đã là một trong 20 công ty đối tác cao cấp của Microsoft! FPT đã được nhắc đến nhiều lần trong bài phát biểu của “người giàu nhất thế giới” Bill Gates, của “công thần số 1 Microsoft” Steve Balmer, của Tổng thống Mỹ G.W.Bush! Tất cả đang dần tạo cho FPT chỗ đứng vững chãi, một tầm vóc mới, một thế vào lực mới trong hội nhập, cạnh tranh quốc tế - phần tất yếu của toàn cầu hóa.

Cơn sóng đã nhấp nhô, chỉ chờ gió là sẽ thành sóng cả.

(theo chungta.vn)


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


FPT khai trương cơ sở đào tạo mới: Nhiều hoạt động hướng tới sinh viênQuý III/2007, “sàn” FPT chính thức hoạt động
“Không ai mạnh bằng tất cả chúng ta cộng lại”Aptech kí biên bản thoả thuận với FPT-Việt Nam
100% sinh viên FPT-Aptech tốt nghiệp 2 năm đều có việc làmAptech giới thiệu chương trình đào tạo mới: Lập trình viên quốc Tế ACCP i7.1
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11