(Post 10/04/2008) Anh ít nói, hiền và dễ lẫn
vào trong đám đông bởi vóc người nhỏ nhắn nhưng lại khiến người nào gặp
một lần cũng nhớ rất lâu bởi cách nói chuyện thủ thỉ nhưng đầy hào hứng.
Nhìn vẻ ngoài cơng nghị và trầm lắng nhiều người gọi anh là “Người Aptech
trầm lặng” nhưng biết anh lâu, mới hiểu….
Ước mơ và hiện thực
Hồi bé người nhỏ xíu, thỉnh thoảng bị gọi là Xuân Còi,
tính lại hơi nhút nhát nên anh thích học võ, vừa là để rèn luyện sức khỏe
nhưng cũng là để thực hiện ước mơ muốn thành võ sư. Anh cũng theo học
võ được một thời gian ngắn, nhưng cảm thấy môn võ chưa phù hợp với mình
nên phải bỏ dở. Anh tâm sự, nhất định sẽ có một ngày quay trở lại thực
hiện ước mơ thơ bé đó. Cũng rất may mắn anh chưa phải dùng đến miếng võ
nào bao giờ.
Nhưng duy nhất một đam mê mà anh không phải nói tiếc,
đam mê với IT. XuânQN đến với CNTT khá sớm, từ hồi học nghề lớp 8. Khi
đó với anh, máy tính thật kỳ diệu, chỉ gõ ra có mấy chữ mà hiện ra biết
bao điều. Nó hút hồn anh ngay từ lần gặp đầu tiên, hôm nào đến giờ thực
hành anh cũng về muộn nhất, mặc dù tổng kết môn đó không hề cao. Nhưng
tự mình lập trình được một số chương trình nho nhỏ, anh thấy rất vui vì
đó là sản phẩm mình làm ra, những công trình đầu tiên ấy là động lực để
anh quyết tâm vào khoa CNTT - Đại học Bách Khoa.
Giờ đây khi đứng lớp trong vai trò một giảng viên trẻ
của Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT-Aptech, XuânQN không
khỏi ngại ngùng khi kể về những ước mơ thời thơ bé.
Xuân ngón trỏ và những đam mê
Hồi nhỏ ham chơi bắn thun, nhiều lúc dành cả tiền quà
sáng để mua thun, tết thành dây xanh đỏ dài như tóc đuôi sam. Anh chơi
chưa phải giỏi nhất nhưng lại có đặc trưng riêng là chỉ chơi bằng ngón
trỏ và chơi khá tốt nên được bạn bè đặt biệt danh “Xuân ngón trỏ” từ đó.
Lớn lên anh cũng được gán nhiều biệt danh khác, tuy nhiên cái biệt danh
đầu tiên đó để lại cho anh nhiều kỷ niệm nhất.
Học xong Đại học, anh vẫn mê mẩn với cái máy tính và
vùi đầu vào code. Sau này khi đứng lớp, anh vẫn luôn cố gắng truyền nhiệt
huyết vào các thế hệ học trò Aptech. Nhưng bên cạnh công việc, học viên
FPT-Aptech còn biết đến một thầy Xuân của những đam mê. Nhà xa trung tâm,
đường đi hay tắc nhưng anh vẫn trung thành với chiêc Vespa cổ Sprint màu
đen vân gỗ. Chiếc xe là người bạn đồng hành của anh trên mọi nẻo đường.
Có lần trời mưa tầm tã, trên vai là cặp sách đựng máy tính, vai kia là
máy ảnh, áo mưa sù sụ, xe chết máy dọc đường, nó “hành” cho anh đến khổ
nhưng anh vẫn không “bỏ ” nó, vẫn “yêu” và “chung thủy” với nó vô cùng.
Anh thích vẻ đẹp cổ điển, sự phóng khoáng và phong cách của Vespa cổ và
cũng rất quí những người bạn yêu Vespa.
Anh kể thỉnh thoảng đi trên đường có thể bắt gặp những
người đi Vespa chào nhau mặc dù họ không quen biết nhau. Công việc của
anh quá bận rộn “Nếu tôi không tự tìm cho mình những niềm vui thì
chắc khó mà lạc quan sống được!”, anh tâm sự.
Bạn bè nhìn thấy anh mỗi ngày cuối tuần là “tay xách
nách mang” bởi bên anh luôn có người bạn thân là chiếc Canon, anh thích
đi và cũng chịu khó ghi lại những khoảnh khắc đẹp giữa đời thường. Đôi
lần, đi chơi cùng bạn bè, thấy cánh đồng hoa cải vàng rực, anh tách hội
thẩn tha cũng được một bộ ảnh ưng ý. Anh gửi tất cả tình cảm của mình
trong từng góc bấm máy, mặc dù ảnh anh chưa đẹp, bạn bè vẫn trêu đùa “dáng
chụp pro mà ảnh xấu mù”.
Anh ham đi dù luôn nhận mình không đi được nhiều nhưng
ngày nghỉ liên lạc với anh thật khó, anh lên đường cùng Vespa, Canon và
không quên “Tôi cũng chưa đi được nhiều nơi lắm, đáng kể nhất là chuyến
đi Hà Giang 30/4 năm trước”. Anh cùng nhóm bạn khoảng gần 20 người
đi “phượt” bằng xe máy lên địa đầu của Tổ quốc, trải qua cung đường hơn
1000 km. Cảm giác 4 ngày ê ẩm trên xe máy, bấm máy dọc đường đi, xa rời
sự bận rộn công việc thường ngày thật khó quên. Những người bạn chưa hề
quen nhưng đều có tính cách thú vị, những vùng đất chưa hề qua nhưng rất
thân thiết.
Niềm đam mê lớn nhất với anh là IT nhưng anh quan niệm
nếu chỉ đơn giản coi IT là một nghề để kiếm sống thì sẽ rất khó theo.
“Tôi giờ vẫn thèm cảm giác mong chóng ngủ dậy sớm để ngồi hoàn thiện
nốt đoạn code đêm trước đang làm dở”. Niềm đam mê ấy anh gửi vào
trong từng bài giảng, niềm đam mê cháy bỏng khiến các thế hệ Aptechite
vẫn gọi anh bằng cái tên trìu mến “Người thầy của những đam mê”.
Mạnh Sơn
(theo Nội san Aptechite) |