(Post 26/07/2008) Tháng 9/2008, trường Đại
học FPT sẽ khai trương cơ sở đào tạo tại Tp Hồ Chí Minh với 200 sinh viên
đầu tiên. Đây là một sự kiện được nhiều phụ huynh và thí sinh khu vực
phía Nam mong đợi vì khoá 1, 2, 3, trường chỉ tổ chức đào tạo tại Hà Nội.
Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với TS.
Trần Nam Dũng, trưởng ban tuyển sinh và công tác sinh viên và TS. Nguyễn
Hồng Phương, trưởng ban đào tạo trường Đại học FPT – Tp HCM để tìm hiểu
về công tác tuyển sinh và chuẩn bị cho ngày khai giảng tại Tp.Hồ Chí Minh.
Cơ sở đào
tạo Trường Đại học FPT TpHCM - tòa nhà Innovation, khu Công viên
Phần mềm Quang Trung |
|
PV: Thưa ông, chỉ còn gần
2 tháng nữa trường Đại học FPT sẽ khai giảng khoá đầu tiên tại Tp Hồ Chí
Minh. Công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đang được tiến hành như thế
nào?
TS. Trần Nam Dũng: Hiện nay chúng tôi
đang tiến hành song song 3 công việc: tổ chức tư vấn và nhận hồ sơ đăng
ký cho kỳ thi sơ tuyển ngày 3/8/2008, chuẩn bị kế hoạch và nhân sự cho
công tác đào tạo và chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học
tập của trường Đại học FPT – Tp HCM. Tất cả các công việc đang được thực
hiện khẩn trương, đúng tiến độ, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho các
sinh viên khoá đầu tiên của trường Đại học FPT – Tp HCM.
PV: Được biết trường Đại
học FPT đã tổ chức kỳ thi sơ tuyển vào ngày 20/4 với gần 10.000 thí sinh
dự thi. Vậy ý nghĩa của kỳ thi ngày 3/8 là gì?
TS. Trần Nam Dũng: Đây là năm đầu tiên
trường Đại học FPT tổ chức đào tạo tại cơ sở Tp Hồ Chí Minh, vì vậy các
bạn học sinh chưa nắm được thông tin này hoặc biết đến quá muộn. Vì thế,
một số bạn đã không kịp đăng ký thi vào trường Đại học FPT trong kỳ thi
sơ tuyển tháng 4. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn tạo ra một cơ hội nữa cho
các bạn đạt điểm sàn đại học được học trong một trường đào tạo công nghệ
thông tin chất lượng tốt.
PV: Cách thức thi tuyển
của trường Đại học FPT khá đặc biệt với hai môn thi – Tư duy logic toán
và viết luận. Điều này tạo sự tò mò và thích thú từ phía các thí sinh,
nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho các bạn thực sự mong muốn vào
học tại trường Đại học FPT. Ông lý giải thế nào về cách thức thi này?
Và thí sinh cần làm gì để có kết quả tốt trong kỳ thi sơ tuyển?
TS. Trần Nam Dũng |
|
TS. Trần Nam Dũng: Các môn thi mà trường
Đại học FPT đưa ra có mục đích lọc ra các học sinh có khả năng theo học
ngành công nghệ thông tin. Các kiến thức sử dụng trong bài thi không nằm
ngoài chương trình phổ thông. Điều quan trọng là phải hiểu yêu cầu đề
bài và phương pháp tư duy logic. Các thí sinh có thể làm quen với đề thi
thông qua các hướng dẫn làm bài và các đề thi mẫu đăng trên trang web
của trường: www.fpt.edu.vn hoặc tham dự các buổi hướng dẫn trực tiếp tại
Văn phòng 590 Cách mạng tháng tám, quận 3 vào các buổi chiều thứ bảy từ
nay đến ngày 3/8.
PV: Việc đăng ký nhập học
sẽ được tiến hành như thế nào? Có sự khác biệt gì giữa các thí sinh đã
thi đậu kỳ thi tháng 4 với các thí sinh sẽ thi đậu kỳ thi tháng 8?
TS. Trần Nam Dũng: Về cơ bản không có
sự khác biệt gì. Tất cả các thí sinh này đều sẽ là sinh viên khoá 4 của
trường Đại học FPT. Khác biệt duy nhất là các thí sinh đã thi đậu kỳ thi
tháng 4 có thể đăng ký nhập học ngay sau khi có kết quả về điểm sàn đại
học (riêng các thí sinh đang là sinh viên đại học đã thi đậu kỳ thi tháng
4 có thể nhập học ngay từ bây giờ), còn các thí sinh thi kỳ thi tháng
8 sẽ nhập học muộn hơn một chút, sau khi trường công bố điểm thi và điểm
chuẩn của kỳ thi này.
PV: Cơ sở đào tạo của trường
Đại học FPT tại Tp HCM sẽ đặt tại công viên phần mềm Quang Trung. Xin
ông giới thiệu rõ hơn về cơ sở vật chất của trường.
TS. Trần Nam Dũng: Cơ sở đào tạo của
trường sẽ được đặt tại toà nhà Innovation Building nằm trong công viên
phần mềm Quang Trung. Hiện nay chúng tôi đang hoàn tất việc trang bị các
phòng học, hội trường, thư viện, khu công cộng, các phòng chức năng, lên
phương án cho cơ sở hạ tầng mạng … đảm bảo cơ sở vật chất cho ngày khai
giảng.
PV: Tâm lý chung của nhiều
phụ huynh và thí sinh lo ngại rằng cơ sở vật chất và công tác đào tạo
tại chi nhánh sẽ không tốt bằng tại trụ sở chính. Ông có ý kiến gì về
vấn đề này?
TS. Trần Nam Dũng: Trường Đại học FPT
là một thực thể thống nhất và có những quy định chung về cơ sở vật chất,
chương trình học, đội ngũ giảng viên, chế độ chính sách đối với sinh viên
và giảng viên. Vì thế, sẽ không có sự khác biệt cơ bản nào giữa cơ sở
đào tạo tại Hà Nội và tại Tp Hồ Chí Minh. Không những thế, chúng tôi còn
thừa hưởng được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tế gần 2 năm thực hiện
công tác đào tạo tại Hà Nội.
Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) nơi thực tập của các sinh viên Trường Đại học FPT |
|
PV: Chuyển sang vấn đề
đào tạo, thưa TS Nguyễn Hồng Phương, xin bà cho biết đôi điều về việc
tổ chức đào tạo của trường Đại học FPT.
TS. Nguyễn Hồng Phương: Kể từ khóa 4,
cũng là khóa đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh của trường Đại học FPT,
sinh viên sẽ trải qua khóa học tiếng Anh tập trung trước khi vào chương
trình đào tạo chuyên ngành kỹ nghệ phần mềm. Chương trình đào tạo chuyên
ngành kéo dài 8 học kỳ. Ngay sau 4 học kỳ học đầu tiên, tất cả các sinh
viên sẽ được thực tập 1 năm tại công ty FPT Software. Trong thời gian
này, các em sẽ có cơ hội làm việc trên các dự án thực tế và được cung
cấp các kiến thức về quản trị dự án. Sau đó các em sẽ quay về trường và
học tiếp 3 học kỳ về kiến thức chuyên sâu của ngành.
PV: Một điều khiến nhiều
thí sinh lo ngại, đó là yêu cầu phải có điểm TOEFL 500 mới có thể theo
học giai đoạn chuyên ngành. Bà có thể giải thích gì về yêu cầu này ?
TS. Nguyễn Hồng Phương: Có nhiều lý
do để trường Đại học FPT đưa ra yêu cầu này. Chúng tôi đặt mục tiêu là
sinh viên tốt nghiệp trường Đại học FPT phải làm việc được trong môi trường
quốc tế. Trong quá trình đào tạo, các tài liệu, giáo trình sử dụng cho
giảng dạy và học tập đều được chọn từ các đối tác quốc tế có uy tín về
đào tạo, nguyên bản tiếng Anh. Trường Đại học FPT cũng sẽ mời các giảng
viên nước ngoài tham gia giảng dạy ở một số môn. Yêu cầu phải có trình
độ tiếng Anh tương đương TOEFL 500 mới có thể theo học giai đoạn chuyên
ngành là vì vậy.
PV: Vậy trường có kế hoạch
gì để giúp cho các sinh viên của mình học tốt tiếng Anh ?
TS. Nguyễn Hồng Phương: Các sinh viên
ngay sau khi nhập học sẽ qua một kỳ kiểm tra tiếng Anh, qua đó, chúng
tôi sẽ xếp các lớp tiếng Anh theo 5 mức độ khác nhau. Điều này sẽ giúp
việc dạy và học được hiệu quả.
TS. Nguyễn Hồng Phương |
|
PV: Thưa Bà, Trường Đại
học FPT ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy như thế nào ?
TS. Nguyễn Hồng Phương: Kể từ khoá 4,
nhà trường sẽ hỗ trợ để toàn bộ sinh viên trường Đại học FPT sử dụng laptop
trong học tập. Ngoài các thiết bị học tập hiện đại được trang bị để tiến
hành các buổi học trên lớp, sinh viên sẽ sử dụng tài nguyên học tập của
trường thông qua Internet vào thời gian tự học. Cách thức này giúp sinh
viên có thể tương tác với giảng viên và các bạn đồng môn, tự kiểm tra
trình độ của mình, tải các tài liệu, chuẩn bị tốt và chủ động trong các
buổi học tiếp theo. Chúng tôi tin rằng các giáo trình đã được nhà trường
cân nhắc sử dụng và phương pháp học tập mới này sẽ đem lại hiệu quả.
PV: Như vậy, có thể nói,
trường Đại học FPT – Tp HCM đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai trường.
Và ngày khai giảng cũng đã được ấn định?
TS. Nguyễn Hồng Phương: Ngày khai giảng
chung cho khoá 4 trường Đại học FPT trên toàn quốc đã được chọn là ngày
16/9/2008. Chúng tôi đã sẵn sàng!
S.Nâu - Trần Nguyễn
(theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
|