(Post
27/10/2008) Ý tưởng này của Nguyễn Hoàng Bảo Như, sinh viên Đại học
FPT đã đưa ra tại diễn đàn Tầm
nhìn đổi mới toàn cầu (Global Innovation Outlook - GIO), do tập
đoàn IBM tổ chức tại Singapore từ 16 - 18/10.
Từ trái sang: Bảo Trân, Bảo Như và đại diện của Việt Nam dự GIO 2008. | |
Không ai ngăn được ước mơ Từ mong muốn tìm ra đáp số cho bài toán quản lý nước ở Việt Nam, Nguyễn Hoàng Bảo Như và Dương Hoàng Bảo Trân - hai sinh viên trường Đại học FPT đã tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia cuộc hùng biện tiếng Anh với chủ đề “Quản lý nguồn nước và nguồn biển”, do trường tổ chức. Sau hai vòng thi, Bảo Như và Bảo Trân đã giành giải cao nhất khi đề cập đến việc khôi phục nguồn nước sông suối trên thế giới (của Bảo Như) và ý tưởng hứng nước mưa vừa để sử dụng, vừa chống lụt ở TP Hồ Chí Minh. Kết thúc phần thi của hai sinh viên Đại học FPT, đại diện của tập đoàn IBM đã gặp trực tiếp và nghe hai nữ sinh gốc TP Hồ Chí Minh này trình bày. Khả năng lập luận logic, tiếng Anh trôi chảy, cùng một phong thái tự tin, đã giúp Bảo Như và Bảo Trân gây được ấn tượng trước “đối tác”. Vậy là, hai nữ sinh Đại học FPT lên đường sang Singapore dự GIO 2008. GIO là diễn đàn cấp cao do IBM tổ chức, thu hút nhiều lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các nhà chuyên môn đại diện cho nhiều vùng lãnh thổ, nhằm thảo luận và tìm ra các phương án sáng tạo cải thiện thế giới và các vấn đề môi trường. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có hai sinh viên được mời tham dự diễn đàn này. Và Bảo Như, Bảo Trân cũng là những người trẻ tuổi nhất, giữ “chức” khiêm tốn nhất - sinh viên - tại GIO 2008. “Các thành viên tham dự được chia ra làm hai nhóm, thảo luận theo chủ đề quản lý nguồn nước và tài nguyên biển. Dù đến để lắng nghe và học hỏi các chuyên gia hàng đầu về môi trường trình bày là chính, nhưng mình vẫn mạnh dạn viết đề xuất ý tưởng liên quan đến chủ đề tài nguyên biển. Đó là biến nước biển thành nguyên liệu thay dầu, để đưa những con tàu vượt sóng ra khơi” - Bảo Như kể. “Mình chưa biết bằng cách nào và bao lâu nữa ý tưởng này mới trở thành hiện thực nhưng không có gì là không thể. Trước đây, có ai nghĩ con người làm được mưa nhân tạo đâu. Không ai ngăn được ước mơ sáng tạo của con người, đặc biệt là người trẻ. Vậy thì tại sao chúng ta không mơ ước…” - Bảo Như tâm sự. Và với mơ ước đó, Bảo Trân và Bảo Như cho biết, sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra những lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường nước họ đặt ra, dù chuyên ngành công nghệ thông tin đang học không hề liên quan đến môi trường nước. Học khả năng giao tiếp Dù chỉ được tiếp xúc với các chuyên gia đến từ các nước, vùng lãnh thổ trong thời gian ngắn, nhưng Bảo Như và Bảo Trân cho biết đã học được rất nhiều điều bổ ích. - Bảo Như: Đầu tiên là khả năng giao tiếp. Lần đầu gặp mặt nhưng họ có thể nói chuyện 3 - 4 giờ bên hành lang, trao đổi về những vấn đề họ quan tâm, cứ như là đã quen nhau lâu lắm. Trong khi đó, không ít bạn trẻ Việt Nam “chẳng biết nói gì” khi lần đầu gặp người lạ. Các chuyên gia đầu ngành ở các nước nhưng luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người trẻ. Họ lắng nghe chúng tôi nói từng câu chữ một cách chăm chú từ những điều mới nhất. - Bảo Trân: Cách tổ chức sự kiện của tập đoàn IBM rất chuyên nghiệp. Họp từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, mệt bã người nhưng nụ cười luôn nở trên môi những người tổ chức và đại biểu. Các đại biểu tiếp cận và trả lời thằng vào vấn đề một cách khoa học, không mắc “bệnh nói nhiều”, trình bày vòng vo… Đây là bài học rất bổ ích cho nhiều bạn trẻ. |
Xuân Mai (theo báo Tiền Phong) |