(Post 12/01/2009) Tối 27/12/2008, tại khách
sạn Movenpick, thành phố Hồ Chí Minh, lễ trao giải cuộc thi “Viết trò
chơi và ứng dụng trên thiết bị di động -Mobile Labs 2008” do Tập đoàn
FPT tổ chức đã vinh danh các lập trình viên trẻ tuổi với sản phẩm của
mình trong 15 giải thưởng với tổng giá trị lên tới 265 triệu đồng.
Ông Hoàng
Minh Châu (bìa phải), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT - Trưởng
BTC Mobile Labs 2008 trao thưởng cho các đội đoạt giải |
|
Lễ trao giải Mobile Labs 2008
Trước đó, sáng 27/12, một hội thảo mở bàn về con đường
thương mại hóa cho các sản phẩm từ Mobile Labs đã thu hút nhiều công ty
dịch vụ viễn thông, nhà sản xuất điện thoại, công ty phân phối các sản
phẩm gia tăng trên điện thoại và các lập trình viên tới dự.
Điểm mới của Mobile Labs 2008 là ban giám khảo có hai
hệ thống tiêu chí chấm điểm riêng cho sản phẩm ứng dụng và sản phẩm trò
chơi. Đồng thời, tiêu chí “kết nối cộng đồng” được coi là thước đo lớn
nhất cho các sản phẩm. Từ 32 sản phẩm dự thi ban đầu, ban giám khảo đã
chọn ra 15 sản phẩm vào vòng chung khảo.
Trong vòng chung khảo, các thí sinh và nhóm thí sinh
có thêm thời gian và hỗ trợ của nhà tổ chức để hoàn thiện sản phẩm của
mình hơn. Vòng chung khảo diễn ra dưới hình thức các nhóm tự bảo vệ sản
phẩm cả về chuyên môn lẫn đề án thương mại hóa sản phẩm.
Từ ngày 01/12/2008, ban tổ chức cuộc thi đã giới thiệu
rộng rãi 15 sản phẩm lọt vào chung khảo để người tiêu dùng tải về dùng
thử và tự đánh giá. Trong đó, sản phẩm Cờ tướng trực tuyến (G11) đã được
cộng đồng quan tâm nhất và được bình chọn là Sản phẩm được cộng đồng biết
đến nhiều nhất. Ban tổ chức đã trao 5 triệu đồng giải thưởng nhằm tôn
vinh tính kết nối cộng đồng của sản phẩm này.
Phát biểu về nét độc đáo và tiêu chí chấm giải của Mobile
Labs 2008, ông Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và
Nội dung số Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Mobile Labs
2008 nhận xét: “Cuộc thi Mobile Labs năm nay đã tập hợp được thí sinh
là những lập trình viên rất trẻ và có năng lực chuyên môn cao trong lĩnh
vực thiết bị di động. Đây là điểm tích cực để đưa Mobile Labs hành một
trong những cuộc thi tiêu biểu về lập trình. Cuộc thi cũng đã thu hút
được sự quan tâm, chú ý của những công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ
giá trị gia tăng trên thiết bị di động. Đây là một tín hiệu đáng mừng
về khả năng thương mại hóa những sản phẩm dự thi. Viết ứng dụng trên thiết
bị di động là xu hướng chung của thế giới và cũng là nhu cầu của thị trường
Việt Nam, tôi tin rằng Mobile Labs sẽ là đòn bẩy tích cực cho xu hướng
này”.
Bước vào năm thứ 4 tổ chức, Mobile Labs 2008 đã trở thành
sân chơi chờ đón của các lập trình viên trẻ tuổi và đam mê Việt Nam. Cuộc
thi đã nhận được 32 sản phẩm dự thi với tỷ lệ đồng đều 50:50 cho phần
mềm ứng dụng và game. Ban giám khảo đã buộc phải thông báo loại 01 sản
phẩm do hình ảnh không hợp lệ.
Trong số 15 sản phẩm vào tới vòng chung khảo có 8 ứng
dụng và 7 game. Điểm chung của sản phẩm ứng dụng là tất cả đều có tính
hữu dụng cao đối với người dùng thiết bị di động, thể hiện rõ nét sự “kết
nối cộng đồng” – tiêu chí hàng đầu của cuộc thi. Trong khi đó, sản phẩm
game đem lại bất ngờ cho ban tổ chức cả về trình độ lẫn nội dung . Các
sản phẩm có tính tương tác cao khi có thể chơi trực tiếp với nhau thông
qua Bluetooth hay Wifi.
Hội thảo thương mại hóa sản phẩm trên thiết bị
di động
Nhằm hỗ trợ các nhóm thí sinh tiếp cận sâu hơn với thị
trường, ban tổ chức đã xúc tiến một hội thảo bàn về hỗ trợ thương mại
hóa cho các sản phẩm trên thiết bị di động. Các đơn vị liên quan như nhà
cung cấp dịch vụ viễn thông, nhà sản xuất và phân phối điện thoại, nhà
sản xuất và phân phối các phần mềm ứng dụng trên điện thoại và các nhóm
thí sinh Mobile Labs 2008 đã được mời tham dự.
Buổi hội thảo được tổ chức bàn tròn theo chủ đề “Thương
mại hóa sản phẩm trên thiết bị di động, dễ hay khó” với những nội dung
thảo luận xung quanh nền công nghiệp hấp dẫn này. Để thành công, theo
ông Bùi Trường Sơn – nguyên Giám đốc Sản xuất Punch-Entertainment, cần
sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 thành tố chính liên quan là: Nhà cung cấp dịch
vụ viễn thông (Telco), nhà sản xuất điện thoại (PhoneMaker), nhà phân
phối điện thoại-phân phối sản phẩm trên thiết bị di động (Distributor)
và nhà sản xuất sản phẩm trên thiết bị di động (Developer) – cũng chính
là vai trò của những thí sinh Mobile Labs 2008.
Có mặt tại buổi hội thảo, các doanh nghiệp Viettel, Punch-Entertainment,
Visky, đại diện cộng đồng người sử dụng – diễn đàn TinhTế và cả những
thí sinh nêu lên những điểm khó khăn và hướng giải quyết những điểm khó
khăn đó.
Tổng kết lại buổi hội thảo, ông Hoàng Lê Minh – Viện
Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt nam - Bộ Thông tin và Truyền
thông đã nêu lên nhu cầu cần thiết có một mô hình kết hợp hoạt động giữa
các bên liên quan để thương mại hóa phần mềm trên thiết bị di động phát
triển, trên cơ sở các bên cùng có lợi.
Ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT –
Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Mobile Labs 2008 chia sẻ: “Ý nghĩa của
một cuộc thi không chỉ là sản phẩm đoạt giải mà quan trọng hơn là chính
các cá nhân làm ra sản phẩm đó sẽ được khuyến khích để tiếp tục theo đuổi
hoàn thiện sản phẩm của mình. Năm 2008, công nghiệp nội dung trên di động
tại Việt Nam đang được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Mong muốn của Tập
đoàn FPT khi tổ chức cuộc thi Mobile Labs là mở ra cơ hội và động lực
khuyến khích các bạn trẻ đam mê công nghệ, đam mê sáng tạo có thể tạo
ra những sản phẩm, những ứng dụng phục vụ cho chính cộng đồng của mình
và góp phần cho sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt
Nam.”
Mobile Labs 2008 là cuộc thi “Viết trò chơi và ứng dụng
trên thiết bị di động năm 2008” do Tập đoàn FPT tổ chức với sự tài trợ
của Nokia N-Gage. Cuộc thi không hạn chế chủ đề và đối tượng dự thi. Tất
cả các sản phẩm dự thi sẽ được đưa lên website: www.mobilelabs.com.vn
để cộng đồng người sử dụng tải về dùng thử và đánh giá.
Cuộc thi năm nay khép lại không chỉ với việc phân định
thứ hạng và những giải thưởng được trao tặng. Quan trọng hơn, cuộc thi
tiếp tục mở ra làn sóng khuyến khích cổ vũ tinh thần phát triển năng lực
thiết kế phần mềm và game ứng dụng trên thiết bị di động trong giới trẻ
Việt Nam. Đó cũng là tinh thần mà Tập đoàn FPT muốn truyền đi qua mỗi
năm phát động Mobile Labs.
Cơ cấu giải thưởng của Mobile Labs 2008 gồm 1 giải nhất,
2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng dành tặng
một giải thưởng riêng cho sản phẩm được cộng đồng biết đến nhiều nhất,
căn cứ trên số lượt tải về dùng thử của người dùng sau khi ban tổ chức
giới thiệu các sản phẩm rộng rãi ra cộng đồng. Riêng nhà tài trợ cuộc
thi Nokia N-Gage sẽ bình chọn thêm 3 sản phẩm mà Nokia cho là phù hợp
nhất đề ứng dụng vào một số dòng máy điện thoại của Nokia. Dự kiến trong
các lần tổ chức sau, sẽ có hệ thống giải thưởng riêng cho sản phẩm trò
chơi và ứng dụng.
Danh sách sản phẩm đoạt giải cuộc thi Mobile
Labs 2008
1 Giải nhất (Trị giá 50 triệu đồng + 1 ĐTDĐ Nokia N95):
- Game Đường đua Việt của thí sinh Nguyễn Việt Hải
2 Giải nhì (Trị giá 30 triệu đồng + 1 ĐTDĐ Nokia N82)
:
- Sản phẩm: Game Cờ tướng trực tuyến của thí sinh Nguyễn Hà Đông
- Sản phẩm: Game CrocoCup 2009 của nhóm CrocoGamez
3 Giải ba (Trị giá 20 triệu đồng + 1 ĐTDĐ Nokia N72):
- Sản phẩm: Game Bài tiến lên của thí sinh Đinh Thái Minh Tâm
- Sản phẩm: Ứng dụng Socbay Mobile Search của nhóm S.M.S
- Sản phẩm: Ứng dụng Hệ thống nhà hàng thông minh của nhóm SmartRestaurant
5 Giải khuyến khích (ĐTDĐ Nokia N73):
- Sản phẩm: Ứng dụng Thám tử của thí sinh Trần Anh Huy
- Sản phẩm: Ứng dụng Karaoke trên điện thoại di động của nhóm G9
- Sản phẩm: Ứng dụng Mobile MapVN của nhóm HaloMap
- Sản phẩm: Game Ký ức của nhóm Hunter
- Sản phẩm: Game đua xe FP1 của thí sinh Nguyễn Tấn Bảo
3 Sản phẩm do nhà tài trợ Nokia bình chọn ( ĐTDĐ N82
):
- Sản phẩm: Game Cờ tướng trực tuyến của thí sinh Nguyễn Hà Đông
- Sản phẩm: Game Bài tiến lên của thí sinh Đinh Thái Minh Tâm
- Sản phẩm: Game Đường đua Việt của thí sinh Nguyễn Việt Hải
Sản phẩm do cộng đồng biết đến nhiều nhất (Trị giá 5
triệu đồng):
- Cờ tướng trực tuyến của Nguyễn Hà Đông – Sinh viên Đại học Bách
Khoa Hà Nội
Thu Thảo
(theo fpt.com.vn) |