FPT và sứ mạng giải cơn khát nhân lực bậc cao  
 

(Post 20/06/2009) Đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội đang là bài toán nhân lực khó khăn đặt ra không chỉ với riêng các cơ sở đào tạo mà còn cả với các doanh nghiệp. Thực trạng yếu kém về nguồn nhân lực hiện nay tất yếu dẫn đến hiệu quả lao động thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế nói riêng và đất nước nói chung. TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đã trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này.

Sinh viên Đại học FPT trong giờ học

PV: “Khát nhân lực bậc cao” đang là thực trạng lao động ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố phát triển. Nhưng có lẽ cũng cần nói lại cho rõ khái niệm về nhân lực bậc cao. Quan niệm của ông về tầng lớp này? Nhân lực CNTT có được coi là một loại hình nhân lực bậc cao đặc biệt?

TS. Lê Trường Tùng: Với việc dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, thể hiện ở chỗ các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân, nguồn nhân lực trình độ cao ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ngay cả với Việt Nam, một trong các yếu tố để thu hút đầu tư là phải có nguồn nhân lực trình độ cao, chứ không đơn thuần là nguồn nhân lực tay nghề đơn giản, giá thành thấp như trước đây. Có thể hiểu một cách giản đơn, “nguồn nhân lực bậc cao” là nguồn nhân lực được đào tạo tốt, có trình độ từ cao đẳng (diploma) trở lên. Cũng đã đến lúc ngừng việc gắn những người có trình độ cao đẳng trở lên cái mác là người “thầy”, còn trình độ thấp hơn là “thợ”. Ngày nay thì tiến sỹ cũng là “thợ” – Những người “thợ tri thức” trong các ngành kinh tế - kỹ thuật.

Trong chiến lược phát triển công nghệ cao của chính phủ cũng liệt kê ra các ngành trọng điểm: điện tử - CNTT, sinh học, tự động hóa, vật liệu mới. Các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng… cũng là nơi tập hợp nguồn nhân lực bậc cao đông đảo. Những người làm việc trong ngành này không ai nghĩ mình là “thầy” cả, mà chỉ đơn giản là một người làm việc trong ngành dịch vụ, công nghệ cao mà thôi. CNTT là một ngành công nghệ cao như các ngành công nghệ cao khác, chỉ có điểm khác biệt là ngành này đã mang tính chất công nghiệp công nghệ cao, có khả năng thu hút một số lượng đông đảo lao động bậc cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước, và có cơ hội để thể hiện vị thế của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu thông qua ngành này.

PV: Theo ông, nguyên nhân của thực trạng trên đây chủ yếu do đâu? Có mối liên quan nào giữa nhà đào tạo và nhà sử dụng nguồn nhân lực này?

TS. Lê Trường Tùng: Nền kinh tế đã và đang có nhiều thay đổi sâu sắc, dẫn đến yêu cầu nhân lực, quy mô và phương thức đào tạo cũng cần phải thay đổi theo, thậm chí đào tạo còn phải thay đổi mang tính đi trước, đón đầu. Tuy nhiên, rất tiếc là tư duy xã hội không theo kịp các thay đổi này. Quan điểm về thầy – thợ vẫn vậy, tâm lý học vẫn là để có bằng cấp, để làm thầy chứ không phải để làm “thợ tri thức”. Chúng ta vẫn cố giữ mô hình đào tạo định hướng khoa học công nghệ - thiên về hàn lâm, về nghiên cứu, mà né tránh định hướng đào tạo, định hướng kinh tế - kỹ thuật. Việc học hành sau phổ thông vẫn muốn được xem như phúc lợi xã hội, được nhà nước cấp kinh phí, ban phát – chứ chưa trở thành một dịch vụ, chưa trở thành một nghĩa vụ của công dân. Các cơ sở đào tạo thực tế không có nhiều quyền trong việc thực thi sứ mệnh của mình, mà đang bị ép hoạt động theo một kịch bản chi tiết được dựng sẵn… Chúng ta cũng quá sa đà vào việc giải quyết các sự cố giả định, phương thức quản lý thì hướng tới việc để thực trạng không xấu đi chứ chưa tập trung vào làm theo hướng tốt lên.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng nhân lực CNTT nói chung và nhân lực bậc cao về CNTT nói riêng ở Việt Nam hiện nay (cả về đào tạo và sử dụng)?

TS. Lê Trường Tùng: Trong đa số các trường Đại học dạy về CNTT, các thầy chỉ có kinh nghiệm nghiên cứu, không có kinh nghiệm làm việc, cho nên chỉ dạy được “cán bộ nghiên cứu”. Các trường Đại học được xem như là đầu ngành về CNTT của Việt Nam – Chẳng hạn Đại học Bách Khoa đang bằng lòng với con số sinh viên CNTT ra trường mỗi năm chỉ 200 – 300, chưa đủ cho một công ty CNTT cỡ trung bình. Tức là bức tranh đào tạo CNTT hiện nay chất lượng có vấn đề, và số lượng cũng có vấn đề. Các doanh nghiệp CNTT luôn phải trăn trở để giải quyết bài toán nhân lực cho mình…

Về phía FPT, là Trường Đại học mới thành lập, không bị ảnh hưởng nhiều bởi phương thức đào tạo “cổ điển”, chúng tôi đặt mục tiêu sinh viên tốt nghiệp của trường nằm trong số các sinh viên có thể làm việc trong ngành được ngay, không phải đào tạo lại. Hiện nay thực tế sinh viên của FPT đang đi làm từ năm thứ 3 chứ không phải chờ cho đến khi tốt nghiệp. Để làm được điều này, chương trình đào tạo của trường vừa đảm bảo chuẩn đào tạo của trường vừa đảm bảo chuẩn đào tạo Đại học ngành CNTT, đồng thời tạo thêm các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, trong đó có ngoại ngữ, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm…

PV: FPT (cả nhà trường và doanh nghiệp) đã và đang làm gì để đào tạo và sử dụng tốt nguồn nhân lực bậc cao đặc biệt – nhân lực CNTT?

TS. Lê Trường Tùng: Trong khuôn khổ các Hội thảo Quốc gia về “Đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin – Truyền thông theo nhu cầu Doanh nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ ngành tổ chức, Trường Đại học FPT đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam VINASA, với Công viên Phần mềm Quang Trung và với các công ty phần mềm khác. Theo thỏa thuận được ký kết, Trường Đại học FPT sẽ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thực hiện các khóa học, cấp chứng chỉ ở các trình độ, các ngành nghề từ yêu cầu của các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, Công viên Phần mềm Quang Trung. Trường Đại học FPT cũng sẽ tiến hành tìm hiểu nhu cầu nhân lực của các công ty phần mềm là hội viên VINASA hoặc đang hoạt động trong khu Phần mềm Quang Trung về số lượng, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và các phẩm chất cá nhân khác để xây dựng chương trình, triển khai đào tạo với mục tiêu cung cấp nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội; đồng thời giới thiệu những sinh viên sắp tốt nghiệp để Hiệp hội Phần mềm Việt Nam VINASA và Công viên Phần mềm Quang Trung tuyển chọn.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam VINASA, Công viên Phần mềm Việt Nam Quang Trung sẽ cung cấp các thông tin về nhu cầu nhân lực và đặt hàng về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các công ty phần mềm để Trường Đại học FPT có kế hoạch thực hiện. VINASA và Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ tham gia vào công tác đánh giá chương trình đào tạo, phối hợp cùng Trường Đại học FPT xây dựng và chỉnh sửa chương trình phù hợp với tiêu chuẩn của ngành Công nghệ thông tin và nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Đây được coi là một trong những bước tiến quan trọng, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam.

Bộ Chính trị đưa ra định hướng phát triển giáo dục

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Theo đó, ngành giáo dục cần sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, không duy trì các trường Đại học, Cao Đẳng có chất lượng kém…

Phát triển quy mô hợp lý cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời, rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông. Tăng nhanh quy mô đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới.

Nguyễn Hoàng
Theo Tạp chí Trí Tuệ


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


FPT-APTECH hướng dẫn Kỹ năng quản trò cho cho đội sinh viên tình nguyệnFPT-APTECH Counter-Strike Open Cup 2009 đã có chủ
Việt Nam lọt top 10 nước hấp dẫn về gia công phần mềmKhai giảng 4 Lớp đầu tiên chương trình off-site top-up +2 của FPT Greenwich
Cháy cùng FPT-Arena Idol 2009CEO Aptech toàn cầu: "Bóng đá là số 2, giáo dục mới là số 1"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11