(Post 18/08/2009) Đã có một số bạn đọc phản
ánh tình trạng đem laptop đi sửa, khi nhận về thì thấy nhiều linh kiện
bị tráo, nhãn có dấu hiệu bị tháo ra dán lại... Làm sao để tránh tình
trạng này, hoặc ít ra cũng biết được máy của mình có còn nguyên vẹn không
để mà đối chất trước khi đem máy về nhà?
Một máy vi tính (đặc biệt là máy tính xách tay) hàng
hiệu với những linh kiện chính hãng như RAM, màn hình LCD, chip, ổ cứng,
CPU, pin... luôn là những thứ hấp dẫn để các nơi sửa vi tính thiếu lương
tâm chơi trò “trộm long tráo phụng” mà nạn nhân không hề hay biết. Hơn
ai hết, bạn phải là người đầu tiên tự bảo vệ tài sản của mình khi đem
máy tính đi sửa. Sau đây là vài lời khuyên và cách thức phát hiện những
đổi khác bất thường trên máy của mình trước khi nhận lại máy đã được sửa
từ tiệm sửa chữa.
Những lời khuyên:
- Bạn chỉ nên đem máy đi sửa ở những nơi thật sự uy tín, biết rõ,
và tiệm đó có niêm yết đầy đủ bảng giá sửa chữa.
- Yêu cầu người nhận máy sửa phải ghi biên nhận các linh kiện và
ghi đầy đủ số serie (được in rõ trên linh kiện). Tất nhiên, bạn phải
là người trực tiếp xem nhân viên sửa chữa làm việc ghi này từ khi
họ mở vỏ hộp máy tính ra. Bạn hãy thận trọng hơn khi đi sửa máy ở
một nơi chưa quen biết, họ xử lý sự cố trong phòng kín có dòng chữ
“không phận sự, miễn vào!”.
- Cẩn thận với thái độ quá tận tình một cách bất thường của nhân
viên.
- Khi máy của bạn quá cũ, hãy cẩn thận, có thể bạn sẽ là người bị
nhân viên sửa “tự sáng tác thêm bệnh” như cố ý phá hỏng một linh kiện
rồi đề nghị thay thế mới để “rút tiền” của bạn.
- Bạn đừng nghĩ rằng tem bảo hành dán trên linh kiện sẽ là tiêu chí
để bạn nhận ra tài sản của mình. Nó có thể bị bóc ra dán lại, cạo
sửa, làm giả, chẳng có gì là khó!
- Hãy đọc tài liệu và dành chút thời gian để tự trang bị cho mình
những kiến thức về phần cứng tối thiểu, chí ít là trên máy của bạn
để làm chủ nó tốt hơn.
- Hơn ai hết, bạn phải là người biết rõ nhất máy của mình đang có
những linh kiện gì trước khi đem đến tiệm sửa chữa. Và trước khi nhận
máy về, bạn phải là người biết rõ ngoài những linh kiện phải sửa và
phải thay thì có linh kiện nào không cần thay cũng được “tự ý thay
dùm” hàng dỏm không? Hãy dành thời gian quan sát thật tinh tế bên
ngoài, vì khi đem máy về nhà, bạn có hối hận thì không còn kịp nữa.
Nếu điều này là khó thì giải pháp phần mềm sau đây có thể sẽ hữu ích
cho bạn.
Giải pháp phần mềm:
Giải pháp này là sử dụng phần mềm để thống kê tất cả
thông tin về linh kiện trong máy của bạn (khi nó đang hoạt động tốt).
Bạn sẽ lưu thông tin này lại trên một file riêng trong USB chẳng hạn.
Khi máy có sự cố, bạn đem đi sửa. Khi đi nhận máy về, bạn đem phần mềm
này đến tại tiệm sửa và chạy nó trên máy tính của mình. Nó sẽ thống kê
lại một lần nữa những thông tin phần cứng của máy ra thành một file khác.
Công việc của bạn còn lại là so sánh 2 file thống kê cũ và mới xem có
gì khác, và “lật tẩy” hành vi của nơi sửa chữa (nếu có thì khiếu nại ngay!).
Cách thực hiện lấy file thống kê như sau:
Bạn tải phần mềm FreshDiagnose (1,9 MB) tại
đây và cài đặt vào máy tính của mình, sau đó kích hoạt nó. Trên giao
diện chính, bấm Report và một cửa sổ hiện ra, bạn bấm nút Build và chờ
một lát, chương trình sẽ thống kê tất cả “tài sản cấu hình” của máy tính
thành một trang web lưu trên ổ cứng. Quá trình này diễn ra lâu hay mau
tùy thuộc vào số mục bạn muốn thống kê, thông thường ta chỉ nên chọn những
phần cứng quan trọng như đã đề cập ở phần đầu mà thôi. Khi hoàn tất, hộp
thoại Confirm hiện ra, bạn bấm Yes để xem kết quả thống kê. Bạn copy thông
tin của trang web này vào USB chẳng hạn (thường lưu trong My Documents/System
Report/System Report.html) để sau này có cái mà “đối chất” với tiệm sửa.
Bạn cũng đừng quên copy thư mục FreshDiagnose trong C:\Program
Files\FreshDevices vào USB để sau này dùng trực tiếp phần mềm FreshDiagnose
bằng cách chạy file fdiag.exe mà không cần cài đặt lại.
Phần mềm này còn rất hữu ích khi bạn muốn biết thông
tin về một phần cứng bất kỳ trên máy nhằm tìm driver cho nó theo hãng
sản xuất và số hiệu sản phẩm. FreshDiagnose trình bày thông tin phần cứng
chi tiết đến mức không ngờ.
Bạn có thể đọc thêm thông tin về mánh khóe “luộc” linh
kiện và hình ảnh minh họa trên các trang:
Ngoài laptop ra, các đồ điện tử thuộc hàng “zin” như
máy PDA, pocket PC, điện thoại di động... đều là “miếng mỡ trước miệng
mèo”. Bạn sẽ là người thiệt thòi nếu không đủ khả năng bắt tại trận những
hành vi gian dối của những thầy “lang băm” điện tử.
Triều Ca
(theo báo Khoa Học Phổ Thông) |