Làm giáo dục phải dựa trên cái tâm  
 

(Post 14/09/2009) Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, đã dành cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn một cuộc chuyện trò xung quanh các vấn đề liên quan đến sự phát triển của các trường đại học Việt Nam.

TS. Lê Trường Tùng

TBKTSG: Thưa ông, đối với một trường đại học có lẽ yếu tố quan trọng nhất để nó phát huy vai trò là tính tự chủ. Quan điểm của ông trong vấn đề này như thế nào?

TS. Lê Trường Tùng: Giống như con cái trong nhà, khi còn bé và nhận thức chưa đầy đủ thì làm gì cũng phải xin phép bố mẹ, khi con cái lớn lên thì nhiều khi ý kiến bố mẹ chỉ mang tính tư vấn.

Các trường đại học cũng vậy. Khách quan mà nói nhiều trường dù có “tuổi đời” lớn nhưng trong cách thức ứng xử xã hội vẫn là “trẻ con” - buông lỏng quản lý là làm sai, cho nên việc mở rộng tính tự chủ cần gắn với trách nhiệm xã hội và đó là một quá trình lâu dài.

Tầm quan trọng của quyền tự chủ với các trường đại học đã được đưa vào nghị quyết chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Kết hợp hợp lý và hiệu quả giữa việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và việc bảo đảm quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm xã hội, tính minh bạch của các cơ sở giáo dục đại học...”.

TBKTSG: Nhưng thưa ông, thực tế là hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa tìm ra mô hình phát triển phù hợp. Nhiều chuyên gia cảnh báo nền giáo dục Việt Nam đang bị tụt lại so với yêu cầu thực tế và cản trở quá trình phát triển của đất nước.

TS. Lê Trường Tùng: Cách đây gần 20 năm, nền kinh tế đã chuyển sang mô hình “thị trường định hướng XHCN”, tuy nhiên đến nay hệ thống giáo dục vẫn chưa chuyển đổi kịp và còn mang nặng tính bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Tất nhiên, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, song đã đến lúc cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống giáo dục - trước hết là giáo dục đại học - sang mô hình phù hợp với sự phát triển chung của nước ta.

Đào tạo nhân lực cho nền kinh tế thị trường mà hoạt động đào tạo lại không tuân theo các quy luật của thị trường thì sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và doanh nghiệp chỉ là giấc mơ thôi. “Thị trường” chính là lời giải cho mong muốn đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, còn “định hướng XHCN” là nhằm đảm bảo cho việc không có tiền nộp học phí không phải là rào cản vào đại học của sinh viên nghèo và để giải quyết các vấn đề “phi thị trường” đặc thù của giáo dục.

TBKTSG: Theo ông, làm thế nào để các đại học tư thực sự “vô vị lợi” và phát huy được vai trò đào tạo nhân tài cho đất nước?

TS. Lê Trường Tùng: Giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt và nó càng đặc biệt hơn khi đây là lĩnh vực nếu làm tốt sẽ quyết định sự hưng thịnh của đất nước, còn làm dở sẽ có hại cho đất nước. Giáo dục là lĩnh vực rất khó nên khi làm cần dựa trên cái tâm thực sự với đất nước và thế hệ tương lai. Không đủ tầm, không đủ tâm thì không nên làm giáo dục đại học. Còn nếu đủ tầm và có tâm thì những vấn đề như “vô vị lợi”, “bệnh thành tích” tự nó sẽ không còn.

Về việc tự quản, theo lý thuyết quản lý thì cấp trên không làm những gì thuộc trách nhiệm cấp dưới vì khi đó việc của cấp trên sẽ không ai làm.

TBKTSG: Hiện nay mô hình “On-the-job-training” mà Đại học FPT ứng dụng có thể giúp giải quyết vấn đề đào tạo hướng cầu (demand-driven training) và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp không?

TS. Lê Trường Tùng: Mô hình “On-the-job-training” - chúng tôi gọi đùa là mô hình sandwich (bánh kẹp thịt) - tức học bốn học kỳ, sau đó đi làm một năm rồi về học tiếp nhằm đạt ba mục tiêu: bảo đảm sinh viên có kinh nghiệm làm việc ngay sau khi ra trường vì một năm làm việc là làm việc thực sự chứ không phải thực tập thuần túy; để sinh viên có kinh nghiệm cần thiết nhằm tiếp thu các môn tiếp theo dễ dàng hơn.

Và mục tiêu cuối cùng, có lẽ cũng là quan trọng nhất, chúng tôi không chỉ định hướng cho sinh viên sau này làm việc trong các doanh nghiệp đã định hình, mà hướng tới việc các em có khả năng tạo lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho bạn bè của mình, làm chủ các doanh nghiệp tương lai. Để làm được điều này, một năm đi làm để có kinh nghiệm “nhân viên” là rất cần thiết. Tất nhiên khi thực hiện các mục tiêu trên, quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chặt chẽ hơn rất nhiều, qua đó chúng tôi có thông tin phản hồi cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chương trình và quy trình đào tạo của trường.

Thành Trung thực hiện
(theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


Thời cơ vàng để "mở khóa" công nghiệp phần mềm ViệtKỷ niệm 10 năm FPT-Aptech
Ra mắt website mới kỷ niệm sinh nhật 10 năm FPT-APTECHĐại Hội CLB Lớp trưởng FPT-APTECH và sinh nhật Báo Aptechite VN tròn 5 tuổi
Cơ hội học tập tại FPT-APTECH và FPT-ARENALãnh đạo Tập đoàn FPT và Trường ĐH FPT tham gia Hội đồng tư vấn Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11