(Post 15/10/2009) Có một thực trạng đáng buồn
là hầu hết chúng ta đang phải chịu đựng sự tấn công ồ ạt dường như không
có ngày kết thúc của thư rác. Điều này không chỉ diễn ra trên máy tính
cá nhân, mà giờ còn lan sang cả lĩnh vực điện thoại di động. Vấn đề càng
tồi tệ hơn khi thư rác trên ĐTDĐ không chỉ làm bạn mất thời gian mà còn
mất tiền bạc.
Những tin nhắn văn bản không mong muốn và email kỳ quặc
có thể tiêu hao nhiều dữ liệu quý giá được dành riêng cho bạn, và các
cuộc gọi tiếp thị phiền toái sẽ "ngốn" nhiều phút nói chuyện
rất giá trị của bạn.
Điều may mắn là bạn không bắt buộc phải cam chịu tình
trạng này. Hãy làm theo các thủ thuật sau, bạn sẽ có thể loại bỏ được
thư rác khỏi chiếc di động của mình. Bất kể bạn nhận được thư rác, tin
nhắn không mong muốn trên ĐT thông minh hay thậm chí những cuộc gọi tiếp
thị, bạn có thể "cản bước" những loại nội dung rác này bằng
cách thực hiện theo các bước đơn giản sau đây.
Hình 1:
Để chặn tất cả tin nhắn rác nhưng vẫn muốn nhận tin nhắn văn bản
từ những số điện thoại khác, bạn có thể lên trang chủ để kích
hoạt tính năng vô hiệu hóa tin nhắn gửi từ máy tính (qua địa chỉ
email) |
|
VÔ HIỆU HÓA TIN NHẮN
Thực tế cho thấy, một số người không bao giờ nhận được
tin nhắn văn bản dạng rác trong nhiều năm, trong khi số khác lại thường
xuyên bị những thứ này quấy rầy. Tại Mỹ, tin nhắn rác là phạm luật, nhưng
bằng nhiều cách "lách luật" nên hình thức này vẫn tồn tại.
Các tin nhắn bất hợp pháp có thể xuất hiện bởi vì một
kẻ phát tán thư rác nào đó đoán được số điện thoại của bạn. Và vì các
hãng ĐTDĐ cho phép các máy tính được gửi tin nhắn văn bản cho bạn tại
một địa chỉ email đích xác, thường là your_phone_number@your_phone_company.com,
do đó kẻ phát tán thư rác chỉ cần phỏng đoán theo kỹ năng là có thể thâm
nhập vào hàng ngàn địa chỉ giá trị mà không mất chút thời gian nào.
Bạn có thể vô hiệu hóa hoặc cải tiến địa chỉ email của
điện thoại mình để ngăn các tin nhắn không mong muốn, trong khi vẫn tiếp
nhận được các tin nhắn văn bản thuần túy từ các số điện thoại khác. Các
phương pháp ngăn cản tin nhắn văn bản khác nhau tùy nhà cung cấp mạng
di động mà mình đang sử dụng, tuy nhiên bạn có thể dễ dàng tìm được công
cụ và hướng dẫn thích hợp trên website của nhà cung cấp. Tại Việt Nam,
hầu hết các mạng di động đều triển khai dịch vụ chặn tin nhắn quấy rối
(có thu phí dịch vụ).
Ngoài ra, hầu hết các nhà cung cấp đều cho phép tạo một
bí danh cho địa chỉ email trong điện thoại của bạn, do đó bạn có thể sử
dụng tên nào đó khác hẳn với số điện thoại đang dùng. Việc thay đổi địa
chỉ sẽ giúp bạn ngăn cản hầu hết các tin nhắn rác dạng văn bản có thể
đến từ nguồn phát tán thư rác dựa trên phỏng đoán hoặc thậm chí biết rõ
số di động của bạn.
Cũng cần lưu ý, thao tác cài đặt này có thể làm cho bạn
không thể nhận được tin nhắn từ ngân hàng, hãng hàng không hay vài dịch
vụ khác. Nếu dịch vụ chặn thư rác cho ĐTDĐ đang sử dụng có tính năng tạo
danh sách số điện thoại hay email hợp lệ (whitelist), hãy cung cấp địa
chỉ đã được cập nhật của mình cho các hãng này hoặc bổ sung địa chỉ miền
của họ vào danh sách này. Thậm chí, trong vài trường hợp, tin nhắn thông
báo từ nhà cung cấp dịch vụ cũng chính là tin quấy rối nếu chúng xuất
hiện liên tục (hoặc nếu như bạn khó tính).
Hình 2: Nếu máy chủ email thường dùng của bạn thiếu một
tính năng lọc thư rác hiệu quả, hãy sử dụng dịch vụ email trên nền web
có khả năng lọc thư rác như Yahoo |
|
CHẶN THƯ RÁC TRÊN ĐTDĐ THÔNG MINH
Không giống người dùng sử dụng các tiện ích gửi nhận
thư điện tử (email) trên máy tính để bàn như Microsoft Outlook, hầu hết
người dùng tiện ích email trên ĐTDĐ không có giải pháp nào để nhận dạng
và loại bỏ thư rác trên thiết bị của chính họ. Sử dụng một bộ lọc trên
nền web để phân loại tất cả email trước khi chúng tiếp cận phần mềm trên
ĐTDĐ là cách tốt nhất để cắt giảm lượng thư rác.
Hãy kích hoạt những cài đặt này thông qua nhà cung cấp
dịch vụ ISP hay email mà bạn đang sử dụng, mục này thường được đưa lên
website. Với Yahoo Mail, trước hết hãy đăng nhập thông qua địa chỉ mail.yahoo.com.
Nhấn chuột lên liên kết Options ở góc trên cùng bên phải, chọn Mail Options
và sau dó nhấn vào mục Spam Protection để đảm bảo Yahoo đang lọc email
đến, nhấn chuột vào liên kết Turn SpamGuard ON nếu tính năng này chưa
hoạt động. Các dịch vụ email trên nền web khác, như Gmail, luôn luôn để
cho tính năng lọc thư rác hoạt động trên máy chủ.
Nếu bạn nhận email thông qua một máy chủ dịch vụ web
(địa chỉ email của bạn có dạng your_name@your_domain.com), bạn hãy đến
mục điều khiển hoặc cài đặt của nhà cung cấp dịch vụ. Các bước thiết lập
có thể khác nhau tùy dịch vụ, nếu cần thiết, bạn hãy liên hệ bộ phận hỗ
trợ kỹ thuật.
Nhiều biện pháp khác cũng có khả năng đề phòng thư rác
bậy bạ "lẻn vào" điện thoại của bạn mà không cần đến bộ lọc.
Bọn phát thư rác thường cần có những thông tin liên lạc của bạn để xâm
nhập, nên bạn phải bảo vệ địa chỉ email của mình. Khi đăng ký với ngân
hàng, với hãng cung cấp truyền hình cáp hay với các hãng khác, bạn phải
xem xét kỹ biểu mẫu đăng ký đối với danh sách thư đi hoặc thư đến để giữ
địa chỉ của mình không trở nên hấp dẫn.
Bạn đừng bao giờ cung cấp địa chỉ email cá nhân của mình
lên trực tuyến, như trên một diễn đàn; bọn phát tán thư rác có thể tìm
thấy địa chỉ email của bạn ở đó để đưa vào danh sách chuẩn bị "quấy
rầy". Ngay cả khi mua sắm trực tuyến, bạn cũng nên cân nhắc tạo một
địa chỉ email thứ hai để giữ sạch tài khoản email chính của mình. Ngoài
ra, bạn cần có một tài khoản riêng dành cho ĐTDĐ và thậm chí còn hạn chế
công khai địa chỉ này hơn cả tài khoản email chính của mình.
Giống như những gì vẫn làm đối với các tin nhắn văn bản,
bọn phát tán thư rác có thể "đánh trúng" địa chỉ email của bạn
bằng cách gửi một lượng lớn thư rác cho các địa chỉ được phỏng đoán ngẫu
nhiên tại các tên miền quan trọng. Những địa chỉ ngắn gọn tại các tên
miền thông dụng– như earthlink.net, google.com hoặc yahoo.com - thường
dễ bị "dính chưởng" hơn. Để giảm thiểu nguy cơ, bạn nên đặt
địa chỉ có trên 8 ký tự, có cả số và dấu chấm. Quan trọng nhất, khi nhận
được thư rác, bạn đừng nhấn chuột lên bất kỳ liên kết nào (kể cả liên
kết mang nhãn "KHÔNG ĐĂNG KÝ”) và tuyệt đối không tải về các bức
ảnh gửi kèm. Cả hai việc này có thể là cách để thư rác sử dụng "xác
nhận" địa chỉ của bạn đang hoạt động, và bảo đảm, nếu đã nhấn vào
liên kết đó, bạn sẽ nhận được nhiều thư rác hơn từ đây trở về sau.
Bùi Xuân Toại - PC World USA
(theo PC World VN) |