Lời dẫn: Vào một ngày rất
đặc biệt như ngày 20-11 hôm nay, xin giới thiệu tới các bạn một bài viết
vội với những cảm xúc mộc mạc nhưng rất đổi chân thành mà chúng tôi vừa
nhận được từ một cựu sinh viên FPT-APTECH - bạn Trần Minh Điền - gởi tới
những người thầy của mình - những người mà sự tận tâm và nghiêm khắc đã
góp phần tạo nên một cán bộ IT vững tay nghề và tâm huyết của VietBank
ngày hôm nay. Có lẽ, vượt trên hết mọi thứ kiến thức, cái TÂM của người
thầy mới là điều mà mỗi học trò trân trọng trong suốt cuộc đời...
"Tôn Sư Trọng Đạo" là truyền thống tốt đẹp,
lâu đời của nhân dân ta. Dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là
thầy (Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư).
Tôi được Cha-Mẹ cho ăn học từ bé đến khi là "Một
người đã có công việc vững chắc". Cũng hơn 10 năm đèn sách, tôi được
học nhiều trường, nhiều thầy/cô. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in hình
ảnh hai thầy đã diu dắt và hướng nghiệp bước đường tương lai của công
việc và cuộc sống: Thầy Lê Gia Minh và Thầy Kiều Trọng Khánh ở FPT-Aptech.
Suốt những năm học ở FPT-Aptech tôi không thích học môn
Java và không nghĩ rằng mình sẽ chọn và đi theo nghề Lập trình. Nhưng
"duyên phận" đã đưa đẩy tôi đến với ngành Lập trình, và rồi
qua những bài giảng của thầy tôi cảm nhận mình đã "bén duyên"
với nghề Lập trình từ khi nào không hay ...
Qua lời giảng cùng những buổi chuyện trò cởi mở, thân
tình, thầy đã đánh thức và làm lớn dần trong tôi tình yêu đối với ngành
Lập trình và cả tình cảm nghề nghiệp mà khi ấy tôi còn nhiều bỡ ngỡ và
không ít dao động. Tôi tâm đắc câu thầy răn dạy: "Phải luôn luôn
khiêm nhường trước sự hiểu biết trong cuộc sống về công nghệ".
Tôi hiểu đó không chỉ là phương cách làm việc, cách đặt mình trước vấn
đề học và hiểu công nghệ mà còn là cách đối nhân xử thế của thầy ở đời.
Mấy năm chen lấn nơi phố thị tôi càng ngẫm ngợi trọn
vẹn hơn câu nói ngắn gọn chất chứa đầy ý niệm ấy. Vẫn nhớ mồn một những
phút giây sâu lắng khi thầy giảng bài "JSP (Java Server Page)",
mà lớp chúng tôi gọi đó là tiết học "sống cùng thế giới ảo, hít thở
không khí ảo". JSP qua giờ học của thầy ắp đầy những éo le,
khúc khuỷu cùng những biến cố dồn dập dưới cái nhìn đa chiều cạnh như
một thứ hấp lực cuốn hút thôi miên qua từng câu chữ về công nghệ. Giờ
của thầy, giảng đường không còn một chỗ trống. Những lời giảng khúc chiết,
sinh động và những câu chuyện để nghiệm sinh không chỉ gợi mở trong chúng
tôi những suy tư, trăn trở với thời cuộc về công nghệ mà còn mang lại
nhiều trải nghiệm trong thế giới đa công nghệ thật thú vị, hữu ích không
thể nào quên.
Chúng tôi cũng học được từ thầy cách xử lý tình huống
sư phạm rất ấn tượng, mới mẻ và sắc sảo sẽ không tìm thấy trong bất kỳ
cuốn giáo trình nào. Nhớ buổi học đầu tiên của chuyên đề "CPD (Communication
Personal Develop)" do thầy hướng dẫn, lời "phi lộ" đồng
thời cũng là câu hỏi thầy đặt vấn đề cho chúng tôi: "Cái gì đã kích
động thái độ không thiện cảm với việc giảng dạy môn "Phát triển kỹ năng
giao tiếp" Tại sao môn học này trở nên nặng nề, đầy nghi hoặc đến thế?...".
Tiếp đó là một buổi học "đối thoại" sôi nổi đến mức căng thẳng đúng
chất dân "Cải ngang ba làng cải không lại"…
Thầy chỉ đóng vai người cầm trịch, để chúng tôi thảo
luận đưa ra những kết luận mà trong đó có nguyên nhân rất lớn do lỗi từ
đâu khi coder viết. "Vậy người Lập trình tương lai phải chuẩn
bị những gì và sẽ làm gì để đứng vững trước thế giới đa công nghệ ?"
- thầy đặt lại vấn đề. Và chúng tôi tiếp tục cùng nhau tranh luận để tìm
ra những giải pháp thực tiễn mà công việc của người Lập trình phải làm.
Tiết học ngắn lại nhưng tình yêu nghề, hiểu nghề trong mỗi chúng tôi được
đẩy dài thêm.
Sau này trong lứa chúng tôi, nhiều bạn đã trở thành người
lập trình viên giỏi về Java, Project Manager, được mọi người biết đến.
Đó chính là kết quả lòng tận tâm và cảm hứng mà thầy truyền cho chúng
tôi, những điều dường như rất khó truyền thụ nhất trong nghề giáo, nhưng
thầy đã làm được một cách đơn giản.
Buổi học cuối, thầy tâm sự nhiều về nghề nghiệp, kể về
kinh nghiệm thực tế giảng dạy… Chúng tôi còn nhận được những lời căn dặn
quí báu, thân tình như của một đồng nghiệp, một người anh đi trước. "Phải
kiên tâm trì chí thì các bạn mới có thể chen lách vào ngõ hẻm giữa những
dòng code để bắt chúng "nhảy múa" với hiện tại, và phải hiểu cái gì ẩn
tàng nằm dưới những công nghệ mới có thể thổi hồn vào những ứng dụng và
những dự án bằng cả sự rung cảm từ trái tim của một người Lập trình chuyên
nghiệp".
Thầy cũng không quên căn dặn chúng tôi phải luôn tự học,
"học để làm việc và học để làm người". Hàng trăm bạn
bè đồng môn cùng lứa hay khác lứa mỗi khi có dịp tụ họp luôn nhắc nhớ
những lời thầy dạy năm ấy và luôn tự hào vì là học trò của thầy. Những
kiến thức quí báu mà thầy truyền giảng sẽ là hành trang trên đường đời
để nhiều học trò tiếp nối sự nghiệp cao cả về ngành CNTT nói chung và
Lập Trình nói riêng.
Riêng tôi, trước khi ra trường, đã có được việc làm,
ước mơ cháy bỏng được làm đúng chuyên môn đã thành hiện thưc. Hàng năm
mỗi khi đến dịp 20-11 là những kỷ niệm về thầy/cô, về mái trường và đại
gia đình FPT-Aptech lại ùa về. Nhớ cái dáng khom gầy tất tả, gương mặt
ngời ngời, giọng hào sảng lại nặng trịch cùng cái chém tay quyết liệt
trong bài giảng đầy tâm huyết ngày xưa của thầy, lòng tôi cứ dậy lên,
xốn xang, đau đáu về người thầy kính quí.
Đã lâu rồi không về thăm thầy, thầy bây giờ đã già hơn
và vẫn miệt mài lặng lẽ dìu dắt, dạy dỗ ươm đúc những thế hệ non trẻ của
FPT-Aptech. Xin mượn những lời viết ngắn ngủi này, thay lời những học
trò cũ xin gửi đến thầy lời tri ân sâu sắc, lời chúc hạnh phúc, sức khỏe
để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quí, thiêng liêng!
Con, học trò thầy!
Trần Minh Điền |