(Post 20/12/2005)
10 câu chuyện dưới đây, mỗi cái một vẻ, không chỉ làm nên bộ mặt "hỉ,
nộ, ái, ố" của CNTT thế giới 2005 mà còn dự báo cho những xu hướng
lớn hơn trong năm 2006. Bình chọn của IDG News.
1. Oracle mua Siebel
Giờ đây, thị trường ứng dụng doanh nghiệp chỉ còn là
cuộc đua song mã giữa hai đối thủ Oracle và SAP AG. Sau vụ mua lại PeopleSoft
"đắng chát" trị giá 10,3 tỷ USD hồi tháng Giêng, Oracle lại để
mắt tới Siebel Systems. Tháng 9 vừa qua, Oracle tuyên bố sẽ mua lại
hãng phần mềm quản lý nguồn lực khách hàng (CRM) này với giá 5,85 tỷ
USD. Cũng giống như PeopleSoft, Siebel từng một thời oanh liệt trên
thị trường phần mềm doanh nghiệp, nhưng khi vấp phải sự cạnh tranh gay
gắt từ các đối thủ mới thì... đuối.
Xu hướng sáp nhập, thâu tóm và nuốt chửng kiểu Oracle
rất nóng trong năm 2005 vừa qua, cả trong lĩnh vực IT lẫn viễn thông.
Tiêu biểu là cảnh SBC Communications mua lại AT&T, Cisco Systems
mua Scientific-Atlanta và đình đám nhất là vụ eBay nuốt chửng Skype
Technologies.
2. HP "ăn cháo đá bát", sa thải Fiorina
Việc Hewlett-Packard đuổi việc giám đốc điều hành Carly
Fiorina hồi tháng 2 có thể đã gây sốc cho cả thế giới. Nó cũng đồng
nghĩa với một sự thừa nhận chua xót, rằng chiến lược mà HP theo đuổi
trong nhiều năm qua (mà đỉnh điểm và việc sáp nhập với Compaq), hoàn
toàn không hiệu quả.
Bất chấp những lời phản đối, Bà Fiorina vẫn đổ tiền
để mua lại Compaq, dẫu biết rằng kinh doanh PC thời nay không lỗ đã
là may. Fiorina cho rằng thông qua việc bán phần cứng trọn gói cho các
khách hàng doanh nghiệp, HP có thể thúc đẩy được doanh số máy chủ và
dịch vụ. Thế nhưng 3 năm sau khi mua lại Compaq, tình hình tài chính
của hãng vẫn dậm chân tại chỗ. Người thay thế bà là cựu chủ tịch kiêm
giám đốc điều hành NCR Mark Hurd. Ông này chưa tiến hành cải tổ gì nhưng
đã sa thải ít nhất 15.000 nhân viên HP.
3. Sony có vị Giám đốc điều hành nước ngoài
đầu tiên
Tháng 3/2005, tập đoàn Sony sa thải Nobuyuki Idei và
chọn Howard Stringer làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành mới.
Đây là lần đầu tiên một người nước ngoài được nắm quyền
sinh sát tại đế chế này, và nó cũng hàm chứa một tuyên cáo ngầm: từ
đây, Sony sẽ chuyển hẳn từ các thiết bị analog sang Kỹ thuật số.
4. Hiệu ứng mang tên Google
Nếu việc Google phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) là
một "top story" của năm 2004, thì đến năm nay, hãng này lại làm nên
lịch sử khi qua mặt cả Time Warner, trở thành hãng truyền thông có giá
trị cao nhất thế giới. Giá cổ phiếu của hãng trong tháng 6/2005 đã vượt
mức đỉnh cao 400 USD, bỏ xa các kình địch như Yahoo và Microsoft (dao
động trong tầm 350 USD).Đây là phần thưởng cho việc Google sở hữu công
nghệ tìm kiếm tối ưu nhất trên thị trường, cũng như kiếm tiền giỏi nhất
từ quảng cáo. Tất nhiên, nhân vô thập toàn. Google cũng có vài vấp váp
như dịch vụ mới có lỗ hổng bảo mật, hay chưa chuẩn bị kỹ đã hấp tấp
khai trương dịch vụ, dẫn tới phải tạm thời đóng cửa. Thế nhưng với trào
lưu "Web hóa", "online hóa" đang nổi như cồn trong địa hạt IT, Google
chính là kẻ đi tiên phong.
5. Web 2.0: Web hóa phần mềm đã trở thành hiện
thực
Cuộc khủng hoảng dotcom ngày càng lùi xa vào dĩ vãng.
Internet giờ đây lại nổi lên như một nền tảng mới, cho phép các hãng
cung cấp phần mềm và dịch vụ desktop như một mô hình kinh doanh mới.
Đấy chính là thế giới có tên Web 2.0. Google là kẻ nhanh chân nhất và
đang tiên phong cho xu hướng này: người dùng nhận dịch vụ miễn phí,
kẻ trả tiền là các nhà quảng cáo.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp, ý tưởng dùng phần
mềm tải từ Web, tính tiền theo đầu người, cũng bắt đầu trở nên thịnh
hành. Các đại gia IT như IBM, Sun Microsystems đang chào hàng những
dịch vụ mới, theo yêu cầu và rất linh hoạt. Microsoft khai trương dịch
vụ "Live" đầu tháng 11, cùng lời thề thốt sẽ web hóa cả Windows lẫn
Office phiên bản mới nhất.
6. Xbox 360 gây sốt
Việc Xbox 360 chính thức phát hành có thể coi là một
cột mốc khó quên của công nghệ thế giới trong năm 2005. Trước đó, nhất
cử nhất động, thậm chí là một cái hắt hơi của Microsoft đều được cả
thế giới dán mắt theo dõi. Không phải Windows, không phải Office, sự
ra mắt của Xbox 360 là sự kiện được chờ đợi nhất trong năm từ đế chế
của ngài Bill Gates. Ai cũng thừa nhận chất lượng hình ảnh đồ họa của
Xbox 360 là một bước tiến vượt bậc so với các phiên bản Xbox cũ cũng
như như PlayStation 2 của Sony. Vì thế, hãy chuẩn bị cho muộc chiến
khốc liệt khi Sony tung ra PSP3 vào năm 2006.
Nên nhớ rằng Xbox 360 không đơn giản chỉ là thiết bị
chơi game. Trong mắt Microsoft, nó chính là nền móng của một "ngôi
nhà số" trong tương lai - hãy tưởng tượng, không gian quanh bạn trở
thành một thế giới giải trí số, chìm đắm trong âm nhạc, video và giải
trí online.
7. Hai hổ đấu nhau: AMD kiện Intel
Tháng Sáu vừa qua, AMD đệ đơn kiện chống độc quyền
lên tòa án liên bang, cáo buộc Intel đã lạm dụng vị thế thống trị trên
thị trường đối với kim ngạch chip của AMD. Đi kèm với vụ kiện này là
một chiến dịch PR rình rang và hoạt náo chống lại Intel. Quan trọng
hơn, có vẻ như AMD đã thắng được hiệp đầu trong cuộc chiến chip lõi
kép với Intel, do thị trường nhận định sản phẩm của hãng có hiệu suất
tốt hơn. Tại thị trường bán lẻ, thị phần của AMD cũng đang nhích lên.
Châu Á trở thành đấu trường mới cho hai gã khổng lồ Intel và AMD so
tài cao thấp, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ luôn nhận được sự o bế nhiệt
tình.
8. Apple tiếp tục huy hoàng
Sự ra đời của máy nghe nhạc iPod năm 2001 đích thực
là một bước ngoặt kỳ diệu: đưa Apple từ chỗ ngắc ngoải lên đỉnh cao
"vinh quang" chỉ trong nháy mắt. Một thiết bị nghe nhạc thời thượng
đi kèm với một dịch vụ nhạc số trả tiền hấp dẫn đã mở toang cánh cửa
cho Quả táo. Tiếp tục quyến rũ người dùng bằng việc giới thiệu iPod
Nano hồi tháng 9, Apple đã có một quý tài khóa lãi chưa từng có trong
lịch sử lập hãng. Thành công của iPod cũng giúp máy tính Mac được "thơm
lây". Quỹ IV năm nay, Apple đã xuất xưởng được 1,23 triệu máy Mac.
9.Sony và Cơn ác mộng rootkit
Tuần đầu tiên của tháng 11, hãng đĩa Sony BMG bắt đầu
lĩnh giáo những đòn đầu tiên. Báo chí thế giới đồng loạt khui ra vụ
CD hãng này có chứa phần mềm chống sao chép mà không hề thông báo nửa
lời với khách hàng. Sự việc còn tệ hơn khi phần mềm này sử dụng kỹ thuật
mã rootkit mà phần mềm gián điệp và virus vẫn thường khai thác.
Càng cố gắng xoa dịu người dùng đang phẫn nộ, Sony
càng trượt dài trên sai lầm. Miếng vá mà hãng này tung ra (để các chương
trình chống virus nhìn thấy rootkit) lại bị phát hiện có thể phá hỏng
Windows.
10. AOL - Thân này về đâu?
Báo chí đưa tin rằng Time Warner đang đàm phán căng
thẳng trong suốt cả năm qua về tương lai của AOL, không loại trừ cả
khả năng bán tống bán tháo toàn bộ gánh nặng này (AOL bắt đầu sáp nhập
vào Time Warner từ tháng 1/2001). Nhưng càng về đến cuối năm 2005, ý
tưởng "hợp tác" càng được chú ý: nhiều khả năng được đặt lên bàn: bắt
tay cùng công cụ tìm kiếm MSN của Microsoft chăng, hay siết chặt thêm
quan hệ quảng cáo với Google, hãng đang cung cấp công nghệ tìm kiếm
cho AOL?
Sự dùng dằng trong tương lai của AOL đang cho thấy
một thực tế: đến giữa thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3, khu
vực online đang bị chia rẽ thành 2 tuyến: một bên là những hãng thành
công trong việc kiếm tiền từ tìm kiếm và cung cấp dịch vụ Web còn một
bên là những kẻ "trâu chậm" không muốn uống nước đục.
Cầm Thi (Theo InfoWorld) |