2010: Internet bùng nổ, phần mềm tăng trở lại  
 

(Post 29/03/2010) Các doanh nghiệp dự báo sự phục hồi trở lại của kinh tế sẽ tác động tích cực đến ngành phần mềm và nội dung số, còn Internet được dự báo tiếp tục bùng bổ. Đây là ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam đánh giá về năm 2010.

Các doanh nghiệp dự báo sự phục hồi kinh tế trở lại sẽ có tác động tích cực với ngành CNTT-TT trong năm 2010

Máy tính thương hiệu Việt tiếp tục khó khăn

Năm 2009, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 400.000 máy tính để bàn thương hiệu Việt. Và tính đến thời điểm hiện nay, máy tính để bàn thương hiệu Việt đang chiếm khoảng 80% thị phần trong nước, 20% còn lại được chia đều cho các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, thị trường lại đang theo đà lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm, nhiều đơn vị nếu tính cả dịch vụ bảo hành thì cầm chắc không có lãi. Còn với thị trường máy tính xách tay, máy tính thương hiệu trong nước chỉ chiếm chừng 10%, còn lại 90% thuộc về IBM, Acer, HP, Toshiba.

Ông Phạm Thiện Nghệ - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Như vậy có thể nhận thấy, do nguyên nhân suy giảm kinh tế, mức tiêu thụ máy tính thương hiệu Việt năm 2009 đều kém hơn năm 2007 và 2008, cho dù có dấu hiệu phục hồi. Còn trong năm 2010, đối tượng dùng máy tính thương hiệu Việt tiếp tục chủ yếu là các chương trình ứng dụng CNTT dùng nguồn vốn ngân sách của Chính phủ, sinh viên, các hộ gia đình kinh tế hạn hẹp… Còn các ngân hàng, doanh nghiệp lớn, các tổ chức nước ngoài… thì phần lớn vẫn dùng máy tính thương hiệu nước ngoài. Để cạnh tranh với thương hiệu “ngoại” thì năm 2010 máy tính thương hiệu Việt vẫn gặp nhiều khó khăn ở vấn đề đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm, rồi chế độ bảo hành, hậu mãi, rào cản tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng.

Di động vẫn còn nhiều cơ hội

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel

Tôi cho rằng năm 2009 sẽ chưa xảy ra việc các mạng di động bị phá sản hoặc rút khỏi thị trường. Việc này chỉ xảy ra khi thị trường di động đạt đến ngưỡng bão hòa, cơ hội tăng trưởng còn rất ít và bắt buộc các doanh nghiệp phải tối ưu hóa các chi phí của mình. Khi đó, giá bán dịch vụ sẽ bị kéo về gần giá thành và chắc chắn sẽ có mạng di động phải bán dưới giá thành. Thời điểm đó, thường các mạng di động lớn có nhiều lợi thế hơn bởi họ tối ưu hóa được chi phí, còn các mạng di động nhỏ sẽ phải bán dưới giá thành và dẫn tới bị thua lỗ.

Nếu các mạng di động nhỏ không còn nhìn thấy tương lai cho mình thì sẽ rút khỏi thị trường di động. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay đã có mạng di động đang lỗ, nhưng họ vẫn nhìn thấy tương lai vì thị trường di động Việt Nam chưa đến ngưỡng bão hòa. Theo ước tính vẫn còn còn vài chục triệu người chưa sử dụng dịch vụ di động, và đây sẽ là cơ hội để các mạng di động thu hút thuê bao cho mình.

ADSL tiếp tục tăng trưởng bùng nổ

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC

Theo nhận định của tôi, năm 2010 ADSL vẫn phát triển mạnh và tốc độ phát triển của dịch vụ này vẫn giữ được như năm 2009. Trong số những thuê bao ADSL phát triển mới thì số khách hàng là hộ gia đình sẽ sử dụng ADSL nhiều hơn. Cùng với dịch vụ ADSL, dịch vụ FTTH (cáp quang đến nhà thuê bao) cũng sẽ tăng trưởng mạnh hơn và chắc chắn dịch vụ này sẽ là thời thượng trong tương lai. Năm 2010, dịch vụ 3G sẽ là yếu tố cộng thêm của thị trường Internet băng rộng. Tuy nhiên, dịch vụ này ra đời sẽ tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng Internet băng rộng di động và tăng thêm thuận lợi cho người sử dụng chứ không phải là đối thủ hay đe dọa đến sự phát triển của ADSL.

Theo quan điểm của tôi, trong năm 2010, công nghệ WiMAX chưa có nhiều dấu hiệu phát triển mạnh tại Việt Nam cho dù đã được tất cả các doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm thành công. Năm 2010 nội dung số chắc chắn sẽ bùng nổ và tốc độ của nó sẽ tăng mạnh hơn tốc độ phát triển Internet băng rộng. Mục tiêu trong năm 2010, VNPT vẫn tiếp tục phát triển mạnh Internet băng rộng phục vụ cho giáo dục y tế… để tạo hạ tầng Internet băng rộng cho xã hội.

Nội dung số hướng đến lĩnh vực giáo dục

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chiến lược VTC Intecom

Năm 2010 chắc chắn thị trường công nghiệp nội dung và dịch vụ số Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mạnh hơn so với các năm trước, vì có nhiều điều kiện thuận lợi như tốc độ phát triển nhanh của mạng Internet băng rộng, nhu cầu của người dân ngày càng cao, cơ hội thị trường quốc tế...

Cùng đó, bên cạnh những nội dung hướng đến lĩnh vực giải trí sẽ xuất hiện nhiều hơn nội dung phục vụ nhu cầu học tập như lịch sử, toán học, địa lý, tiếng Anh…, hỗ trợ tốt hơn việc dạy và học của giáo viên, học sinh, sinh viên. Thị trường công nghiệp nội dung số trong nước sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn sản phẩm của Việt Nam với mức lan tỏa mạnh, không như thời kỳ từ năm 2009 trở về trước chủ yếu triển khai sản phẩm của các nhà sản xuất của nước ngoài (thể hiện rõ ở lĩnh vực game online). Tôi nhận định năm 2010 là năm quan trọng để bắt đầu từ năm 2011, tỷ trọng nội dung số do Việt Nam sản xuất sẽ dần tăng lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam với những quy mô khác nhau mở rộng khai thác thị trường quốc tế.

Là một doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam, riêng VTC tiếp tục đặt mục tiêu đạt mức độ tăng trưởng gấp vài lần so với năm 2009. Năm 2010 được chúng tôi coi là một năm nền tảng để phát triển ra thị trường quốc tế, tạo tiền đề bền vững để phát triển cho những năm tiếp theo. Cụ thể, VTC đạt mục tiêu vươn ra từ 10 đến 13 nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường ASEAN + 3 (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).

Xuất khẩu phần mềm tươi trở lại

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT

Năm 2009, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT đã suy giảm hơn chục phần trăm. Nhưng mức suy giảm đó so với các công ty bản địa của nước ngoài thì còn quá tốt. Nhiều công ty nước ngoài chấp nhận làm miễn phí để giữ khách hàng.

Trong năm 2010, kế hoạch của FPT là đẩy xuất khẩu phần mềm tăng trưởng trở lại ở mức 40%. 2010 là thời điểm kinh tế bắt đầu khôi phục. Trong giai đoạn bắt đầu khôi phục, những khách hàng thuê gia công sẽ chọn đối tác có chất lượng nhưng giá phải thấp nhất, đó là cơ hội của FPT. Về thị trường, FPT đặt khá nhiều kỳ vọng vào thị trường Mỹ trong năm 2010. Thị trường Nhật, hiện chiếm gần 60% doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT, dự kiến sẽ chỉ còn chiếm một nửa.

Trong năm 2010, chúng tôi mong muốn nhà nước có những hỗ trợ với xuất khẩu phần mềm. Một khó khăn của FPT là khách hàng nước ngoài không biết đến, mặc dù ở trong nước FPT là công ty số một. Vì vậy, hỗ trợ đầu tiên nhà nước nên làm là làm sao để thế giới biết đến thương hiệu của phần mềm VN. Hỗ trợ thứ hai là vấn đề nhân lực. Sang năm 2010 và 2011, FPT vẫn sẽ tiếp tục thiếu nhân lực mặc dù đã có trường đại học riêng.

Ở trong nước, thị trường CNTT của VN năm 2010 trông cậy vào các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến OTC hay công ty niêm yết. Các công ty này cần một công cụ thực sự để cạnh tranh. Do đó, ERP sẽ tiếp tục phát triển rất nhanh. Mảng dịch vụ gia tăng trên Internet và di động cũng sẽ tăng trưởng rất cao.

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Công ty giải pháp phần mềm CMC

Khủng hoảng là cơ hội

Gia công phần mềm là dịch vụ phức tạp, vì vậy các doanh nghiệp nước ngoài ngại chuyển đổi đối tác. Tuy nhiên, khi có khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phải lựa chọn giảp pháp tối ưu nhất để tồn tại, họ sẵn sàng chấp nhận vất vả hơn từ việc đổi đối tác mới để giảm chi phí. Điều đó tạo cơ hội cho những thị trường gia công mới như Việt Nam.

Khủng hoảng có thể làm cho quy mô ngành gia công phần mềm giảm đi nhưng điều đó chưa ảnh hưởng nhiều đến những thị trường nhỏ như Việt Nam. Doanh thu gia công phần mềm Việt Nam đạt khoảng 100 triệu USD mỗi năm là con số rất nhỏ so với quy mô nhiều tỷ USD của thị trường gia công phần mềm toàn cầu. Nếu không có khủng hoảng kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong gia công phần mềm. Bởi xét trên các phương diện từ chất lượng, năng suất cho đến quy mô, Việt Nam đều không có cửa cạnh tranh với các nước này.

Thị trường GCPM thế giới được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2010, trong đó Mỹ và tây Âu sẽ phục hồi nhanh hơn so với Nhật. Riêng với CMC, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 50% trong năm 2010, đạt khoảng 3 triệu USD doanh thu.

Di động sẽ là đích ngắm mới của hacker

Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkis

Năm 2010, virus sẽ tiếp tục xuất hiện hằng ngày với số lượng ngày càng tăng, đặc biệt là các virus nguy hiểm như virus siêu đa hình, virus ghi đè file chuẩn của hệ điều hành. 2010 cũng sẽ là năm chứng kiến sự tăng đột biến của các chương trình diệt virus giả mạo, nhắm vào sự lơ là mất cảnh giác của người sử dụng.

Điện thoại di động sẽ là đích nhắm mới của giới tội phạm, đặc biệt là khi mạng 3G bắt đầu được đưa vào hoạt động tại Việt Nam. Nguy cơ người sử dụng bị hacker tấn công và lấy cắp thông tin cá nhân trên điện thoại di động rất dễ xảy ra. Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều nước có mạng không dây băng rộng và 3G phát triển. Nếu xét về mức độ nguy hiểm thì bị tấn công qua điện thoại di động nguy hiểm gấp nhiều lần so với bị tấn công qua máy tính và mạng Internet vì tâm lý người sử dụng luôn nghĩ rằng, điện thoại là vật dụng rất cá nhân, lại luôn nằm trong tay mình nên không có ý thức cảnh giác với thiết bị này.

Trong khi đó, khi có 3G, rất nhiều dữ liệu mật thiết, quan trọng lại được lưu giữ, cập nhật và giao dịch trên chính điện thoại di động như các dữ liệu về tài chính, thông tin riêng tư... Chúng tôi dự đoán năm 2010 sẽ có nhiều cuộc tấn công lừa đảo và phát tán mã độc trên điện thoại di động tại Việt Nam.

Nhóm phóng viên ICT
(theo ICTnews)


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


Phát động sinh viên FPT "Tiết Thực" vì cộng đồngHọc phí đại học ngoài công lập cao nhất 150 triệu đồng/năm
Thị trường phần mềm 2010: kỳ vọng bứt pháĐại học FPT công bố học bổng Nguyễn Văn Đạo
Aptech Pakistan học tập kinh nghiệm cùng FPT Aptech Việt NamSinh viên FPT “Sẻ chia giọt máu nghĩa tình”
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11