(Post 24/05/2010) Có phải nghề
lập trình đang kém hấp dẫn các bạn trẻ, không có tương lai, nhiều
áp lực trong khi tuổi đời lại ngắn, chỉ 35-40 tuổi là hết, phải chuyển
sang làm nghề khác?
Thời gian gần đây, các nghề IT nói chung và nghề lập
trình nói riêng dường như đã trở nên kém hấp dẫn các bạn trẻ. Trên các
diễn đàn, không ít lập trình viên lên tiếng “than thở” về nghề, rằng nghề
này nhiều áp lực, không có tương lai, tuổi nghề ngắn. Phóng viên ICTNews
đã có cuộc trao đổi với anh Phan Phương Đạt, Phó Tổng giám đốc công
ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software) xoay quanh nghề lập trình.
PV: Trên các diễn đàn, khi bàn về
nghề lập trình, nhiều người cho rằng nghề lập trình (coder, programmer)
có tuổi nghề ngắn, chỉ 35-40 tuổi là hết, phải chuyển sang làm nghề khác,
điều này thực hư thế nào, tại sao lại như vậy, thưa anh?
Anh Phan Phương Đạt - PTGĐ FPT Software:
Theo tôi, nghề này ở Việt Nam chưa đủ lâu nên khó kết luận nhận định trên
là đúng hay sai. Nếu nhìn ra các nước như Nhật, Hoa kỳ, v.v…, thì các
lập trình viên (LTV) có tuổi ngoài 50 không phải hiếm. Trong phạm vi FPT
thì tôi thấy LTV bị “thúc ép” chuyển sang làm việc khác như quản trị dự
án, quản lý, v.v., lý do thường là vì tốc độ tăng trưởng đang cao.
PV: Trên thực tế, khi tuyển dụng
LTV, nhiều công ty thường giới hạn độ tuổi, ví dụ dưới 30, dưới 35…, nếu
vậy thì cơ hội tìm việc với LTV lớn tuổi sẽ khó khăn?
Anh Phan Phương Đạt: Bản thân tôi chưa
hề gặp việc này, đơn giản là vì chưa thấy LTV nào ở độ tuổi đó đến tìm
việc. Nếu có thì họ đều là những người giàu kinh nghiệm và công ty luôn
phải tìm cách mời mọc. Ngay cả những người lớn tuổi và ít năm kinh nghiệm
lập trình cũng rất quý vì họ có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc
lâu năm, chín chắn hơn. FPT Software là công ty trẻ, thêm vài người lớn
tuổi thì rất hay.
PV: Con đường phát triển nghề nghiệp
của một LTV sẽ trải qua những giai đoạn như thế nào, họ mãi chỉ là coder
đơn thuần, hay sẽ thăng tiến như thế nào trong sự nghiệp? Nếu có sự thăng
tiến, thì có phải cơ hội đó dành cho tất cả các coder?
Anh Phan Phương Đạt: Cũng như bất kỳ
nghề nào khác, cơ hội thăng tiến luôn có và dành cho tất cả. Còn việc
có nắm bắt được cơ hội hay không thì phần lớn phụ thuộc vào từng cá nhân.
Chỉ cần vào bất kỳ forum về IT nào là mọi người sẽ thấy một LTV có thể
thăng tiến như thế nào.
PV: Nghề coder có nhàm chán không,
có phải chỉ bao gồm việc mã hoá các yêu cầu của khách hàng thành những
dòng lệnh?
Anh Phan Phương Đạt: Theo tôi, nhàm
chán hay không phụ thuộc vào quan điểm và ý thức của người làm hơn là
bản thân công việc. Không có ranh giới rõ ràng cho "nghề coder".
Một LTV có thể chủ động làm giàu, làm phong phú công việc của mình. Nếu
anh ta coi nghề coder chỉ là "mã hóa" các yêu cầu có sẵn thì
sẽ thấy chán.
Còn nếu anh ta coi đó là đáp ứng nhu cầu khách hàng thì
tha hồ sáng tạo. Lấy ví dụ nghề may, anh chỉ cắt vải theo mẫu sẵn hay
anh có thể tư vấn cho khách hàng đến may quần áo, và khiến họ hài lòng?
Có ai giới hạn anh đâu ngoài chính anh?
PV: Nhiều ý kiến cho rằng nghề coder
khá vất vả, làm việc không kể ngày đêm, không tiếp xúc nhiều với thế giới
bên ngoài, nhưng thu nhập so với nhiều ngành nghề khác lại thua kém. Trên
thực tế, mức lương của LTV ở FPT Software như thế nào? Các LTV FPT có
phàn nàn gì về mức lương đó không?
Anh Phan Phương Đạt: Tôi không đồng
tình với một số nhận định trên, đó là “không tiếp xúc với thế giới bên
ngoài” và “thu nhập thua kém so với nhiều ngành nghề khác”. Các khẳng
định như vậy cần có số liệu đi kèm. Ở FPT Software, các LTV có cơ hội
được ra nước ngoài, làm việc với khách hàng khắp nơi trên thế giới, được
tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều kiểu kinh doanh (business style),
mở mang tri thức.
Tuy ở FPT Software hay các công ty khác vẫn có những
phàn nàn về thu nhập, nhưng bảo thu nhập như vậy thấp hay cao, hợp lý
hay chưa thì rất khó. Có thể thấp với nhóm này nhưng cao với nhóm khác,
và lẽ thường người ta chỉ kêu thấp chứ không ai kêu lương cao bao giờ.
Chính sách đãi ngộ bao giờ cũng là vấn đề lớn đối với một công ty dịch
vụ và phát triển nhanh như FPT Software, vì chi phí lương chiếm tỷ trọng
lớn nhất so với các chi phí khác. Và chúng tôi phải liên tục cải tiến
để cân bằng giữa cạnh tranh nhân lực và hiệu quả kinh doanh. Đó là một
loại “cân bằng động”, không bao giờ được dừng lại.
PV: Nhiều người nói rằng những LTV
nổi tiếng và giàu có hiện nay đều không phải giàu vì lập trình mà vì họ
chuyển hướng sang kinh doanh, điều này có đúng?
Anh Phan Phương Đạt: Câu hỏi là về các
LTV ở Việt Nam hay là trên thế giới? Nếu trên thế giới thì có thể lấy
ví dụ ông Charles Simonyi của Microsoft – người đã bỏ tiền ra để bay lên
vũ trụ hai lần. Theo tôi biết thì ông này chỉ làm kỹ thuật chứ không kinh
doanh. Còn ở Việt Nam thì không rõ thế nào là “nổi tiếng và giàu có”?
Ở FPT, từ khi công ty lên sàn năm 2006, có một số lượng LTV có tài sản
đáng kể. Tất nhiên khả năng làm giàu từ kinh doanh nhiều hơn.
PV: FPT Software tạo những điều
kiện như thế nào để các LTV phát triển nghề nghiệp cũng như giảm áp lực
trong công việc?
Anh Phan Phương Đạt: Nếu công ty giữ
được đà tăng trưởng thì các LTV sẽ luôn có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Còn áp lực công việc thì cá nhân tôi thấy không giảm mà chỉ có tăng. Do
đó, quan trọng là mỗi người biết tự nâng cao khả năng chấp nhận và xử
lý áp lực, chứ không phải giảm áp lực.
Rõ ràng có nhiều người làm khối lượng công việc lớn hơn
nhưng có vẻ nhàn nhã hơn, là do họ rèn luyện được khả năng quản lý thời
gian hiệu quả và làm việc tập trung. Còn giải tỏa là chuyện khác. Lao
động trí óc căng thẳng rất cần giải tỏa. Công ty luôn tạo môi trường thân
thiện, cởi mở, và các hoạt động ngoại khóa để nhân viên thư giãn.
PV: Dường như hiện nay sinh viên
ngành IT thích đi theo những hướng như quản trị mạng, phát triển web,
thiết kế web…, điều này có ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng LTV?
Anh Phan Phương Đạt: Nếu có ảnh hưởng
cũng chẳng đáng kể, vì kiểu gì cũng đang quá thiếu :). Tôi mong số lượng
sinh viên IT ngày càng tăng và tăng thật nhanh, bất kể họ học quản trị
mạng hay thiết kế web hay gì. Hy vọng những chương trình lớn sắp tới của
quốc gia sẽ tạo được đột phá cho vấn đề nhân lực này.
PV: Theo anh, đâu là sức hấp dẫn
của nghề lập trình?
Anh Phan Phương Đạt: Tôi thấy nhiều
người sử dụng máy tính, yêu máy tính. Từ yêu máy tính đến thích lập trình
là một bước cũng khá tự nhiên. Hơn nữa việc lập trình có vẻ hợp với các
bạn trẻ Việt Nam vốn thích học toán. Ngoài ra, mặc dù ở Việt Nam chưa
có nhiều nhưng trên thế giới thì rất nhiều người thành đạt và nổi tiếng
vì lập trình, đó cũng là sức hấp dẫn. Bill Gates là thần tượng của nhiều
bạn trẻ Việt Nam mà.
PV: Xin cảm ơn anh!
Ngọc Mai thực hiện
(theo ICTnews)
Các tin liên quan:
|