(Post 11/09/2010) Báo Hà Nội Mới đã có cuộc
trao đổi với TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ
FPT xung quanh vấn đề doanh nghiệp tham gia phát triển Khoa học Công nghệ
và những tồn tại trong hoạt động Khoa học Công nghệ nước ta hiện nay.
Sinh viên
tốt nghiệp ĐH FPT là một trong những nguồn nhân lực cho Viện Nghiên
cứu công nghệ FPT. Ảnh: Bảo Lâm |
|
Những công bố gần đây cho thấy, doanh nghiệp (DN) nước
ta đầu tư cho KHCN chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển và 80% không
có chiến lược đầu tư cho KHCN. DN cũng chỉ dành 0,2-0,3% doanh thu cho
đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt
là 5% và 10%. Chính vì thế, sự ra đời viện nghiên cứu (VNC) trong DN đến
nay là chuyện khá xa lạ. Báo Hà Nội Mới đã có cuộc trao đổi với TS Trần
Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ (NCCN) FPT xung quanh
vấn đề DN tham gia phát triển KHCN và những tồn tại trong hoạt động KHCN
nước ta hiện nay.
PV: Tập đoàn FPT là DN ngoài nhà nước đầu
tiên thành lập viện nghiên cứu. Xuất phát từ đâu FPT đi đến quyết định
này, thưa ông?
Tập đoàn FPT vốn dĩ được thành lập bởi các nhà khoa
học và công việc NCCN không chỉ bây giờ mới có. Tuy nhiên, để có sự đầu
tư và chiến lược bài bản thì đây là lúc thích hợp. Sau 20 năm phát triển,
chúng tôi thấy rằng, nếu mình vẫn chạy theo nhu cầu của khách hàng, làm
cái gì họ yêu cầu thì sức ép doanh số sẽ ngày càng gay gắt. Mặt khác,
sự phát triển bền vững của "công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam"
mà FPT đặt ra sẽ bị ảnh hưởng nếu không đầu tư vào mảng nghiên cứu, phát
triển công nghệ khi các đối thủ đã sải những bước dài. Tóm lại, việc ra
đời một bộ phận chuyên NCCN là nhu cầu thiết thực, tự thân của FPT. Điều
này cũng phù hợp với xu thế phát triển của các tập đoàn công nghệ đa quốc
gia như Microsoft, Intel, Nokia... Tất nhiên, để đạt đến tầm như những
tập đoàn đó là câu chuyện dài với FPT. Nhưng khi có công nghệ nguồn, khoảng
cách giữa FPT và họ sẽ được rút ngắn và chúng tôi có thêm cơ hội bắt tay
với các hãng hàng đầu thế giới.
PV: Từ khi thành lập hồi tháng 5-2010, Viện
NCCN FPT đã thể hiện thế nào? Có thể hiểu công việc cụ thể của Viện là
gì?
Năm 2010, FPT dự kiến đầu tư 3,5 tỉ đồng cho Viện và
kỳ vọng 4-5 năm tới, hoạt động này sẽ thu hút khoảng 1-2% doanh thu của
Tập đoàn. Hiện Viện NCCN FPT đã hoàn thiện chính sách, xác định rõ hướng
đi, tìm hiểu các đơn vị có thể hợp tác với mình. Chúng tôi đang thực hiện
một dự án về công nghệ và có thể tiết lộ rằng, nếu được duyệt, FPT đặt
mục tiêu sẽ có bằng sáng chế đăng ký bảo hộ nước ngoài trong năm 2011.
Viện NCCN FPT sẽ tập trung vào bốn hướng nghiên cứu,
gồm: ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành; năng lượng sạch và
tiết kiệm năng lượng; công nghệ sinh học và công nghệ vũ trụ.
PV: DN Việt Nam đầu tư cho KHCN quá ít, trong
khi đầu tư từ Nhà nước vì nhiều lý do còn thiếu hiệu quả. Điều này đi
ngược với mô hình từ các nước phát triển, cụ thể là sự phát triển của
các tập đoàn lớn như đã đề cập ở trên. Ông đánh giá thế nào về vấn đề
này và Việt Nam cần làm gì để thu hút hơn nữa cộng đồng DN tham gia NCCN?
Những tập đoàn như Nokia, Intel, Microsoft... có xu
hướng định hướng tiên phong công nghệ nên việc họ tập trung cho NCCN là
câu chuyện đương nhiên nếu không muốn đánh mất vị trí. Trong khi đó, 95%
DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, ngân sách eo hẹp dẫn đến việc đầu tư
cho NCCN là chuyện khó. Điều này dẫn đến hệ quả là sự phát triển của DN
công nghệ về lâu dài thiếu bền vững. Tuy nhiên, một lý do cần quan tâm
giải thích cho việc DN chưa đầu tư mạnh cho lĩnh vực này là vì họ cũng
chưa nhìn thấy mô hình nào thật sự thành công.
Tôi cho rằng, cơ chế chính sách về NCCN ở nước ta hiện
đã khá đầy đủ nhưng điều quan trọng nhất là việc thực thi chúng ra sao
thì ta làm chưa tốt. Cốt lõi của câu chuyện này là những dự án, đề tài
NCCN phải gắn liền với DN, xác định được nơi chuyển giao kết quả nghiên
cứu và mang lại doanh thu thật sự. DN cảm thấy họ thực sự có lợi từ NCCN
thì họ sẵn sàng đầu tư trở lại.
Nhóm nghiên
cứu vệ tinh nhân tạo (Fspace) của Viện nghiên cứu Công nghệ FPT
lắp đặt cột angten thu sóng vệ tinh trên nóc tòa nhà FPT |
|
PV: Bài phát biểu nhậm chức Tổng Giám đốc
FPT của ông Nguyễn Thành Nam có đề cập đến vấn đề FPT phát triển nhanh,
nhưng việc sở hữu các bằng sáng chế đến thời điểm này là nhiệm vụ "bất
khả thi". Từ thực tế này, ông có suy nghĩ gì về môi trường hoạt động
khoa học ở Việt Nam hiện nay?
Hoạt động KHCN là một thành tố của nền kinh tế. Theo
tôi, trở ngại lớn nhất trong hoạt động này ở nước ta là vấn đề kết nối
VNC, trường ĐH, DN. Sở dĩ mối quan hệ này đến nay cơ bản vẫn "đường
ai nấy đi" bắt nguồn từ việc nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu
thực tế. Tuy nhiên, với các VNC tư nhân, hiệu quả hoạt động không thể
không xuất phát từ đòi hỏi của thực tế. Còn với các VNC sử dụng ngân sách
nhà nước, tôi cho rằng, chúng ta có thể áp dụng chính sách ưu tiên phê
duyệt các dự án nghiên cứu có đơn đặt hàng từ xã hội. Trở lực chính đang
nằm ở chỗ thiếu cầu nối các nhà khoa học với nhu cầu xã hội. Đây là vấn
đề cấp thiết chúng ta cần giải quyết để KHCN có thể phát triển đúng như
kỳ vọng. Tôi nghĩ, cơ chế là do con người làm ra và ta thấy nếu không
phù hợp thì phải sửa.
PV: Thu hút nhân lực trình độ cao là điều
kiện sống còn của cơ sở nghiên cứu, vậy Viện đã có kế hoạch quy tụ các
nhà khoa học khắp nơi về FPT hay chưa?
Có hai nguồn chất xám mà Viện có khai thác là trình
độ trung cấp và cao cấp. Nguồn chất xám trung cấp, Viện hướng đến là nguồn
nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp ĐH, các cán bộ FPT có năng lực. Tuy nhiên,
đội ngũ "tinh hoa" là những nhà khoa học có tên tuổi trong và
ngoài nước cũng là sự lựa chọn của chúng tôi. FPT cam kết trả lương cứng
cho cán bộ nghiên cứu ở mức sống khá, ngoài ra là sẽ thưởng theo tiến
độ dự án. Nếu nhà khoa học có bằng sáng chế được thương mại hóa, đương
nhiên họ sẽ được hưởng lợi tương đương với công sức bỏ ra. Tóm lại, Viện
sẽ bảo đảm mức sống cho nhà khoa học có thể nuôi dưỡng ước mơ chinh phục
các đỉnh cao khoa học.
PV: Xin cảm ơn tiến sĩ.
Đan Nhiễm
(theo báo Hà Nội Mới)
|