Cảnh giác "công nghệ luộc” linh kiện laptop  
 

(Post 11/10/2010) Đưa máy tính đến tiệm sửa chữa, khi đem về nhà chạy được vài hôm thì máy đổ bệnh. Nhờ người kiểm tra mới biết máy bị “luộc” linh kiện. Không ít người đã khóc dở mếu dở vì chuyện này...

P.H.N. biểu diễn “luộc” tem bảo hành một thanh RAM - Ảnh: Nguyễn Đức

Muốn “luộc” một con máy cho thật ngọt trước hết cần lột được các loại tem gắn trên máy, phải thật cẩn thận tránh làm hư tem để gắn lại sau khi “luộc” khiến khách không thể nhận ra. Tem trên laptop luôn dán kèm nhãn trên các linh kiện và dán bịt trên đầu mỗi con vít nên việc tháo máy mà không làm hỏng tem là khá khó.

Khó mấy cũng tháo được

P.H.N., một thợ sửa máy vi tính, cho biết: “Việc bóc tem chống tháo lắp mất nhiều thời gian. Mỗi loại tem đều có cách bóc khác nhau, kể cả loại khó xơi như loại tem bảo hành có thể rách vẫn bóc ra được bằng cách dùng máy sấy làm nóng tem, chờ lớp keo bên dưới mềm rồi lấy lưỡi lam cạy nhẹ ra. Việc này cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và chút khéo tay, đôi lúc cũng cần sự kiên nhẫn vì laptop thường có đến 20 con tem các loại và chưa kể người muốn sửa máy có thể gắn vào thêm”.

Sau khi bóc hết tem, thợ sửa máy có thể tháo và tráo đổi linh kiện dễ dàng rồi dán tem lại, khách hàng khó mà phát hiện lúc bàn giao. Nếu khách đem máy về mà phát hiện cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đã có nhiều trường hợp khách quay lại tranh cãi ở tiệm nhưng phần vì tem dán vẫn còn nguyên, phần vì tự thấy mình không cẩn thận nên cuối cùng đành bỏ cuộc.

Chị B.H., nhân viên Công ty TNHH CL, bức xúc: “Laptop của tôi mua được hơn một năm thì hư phần mềm, sử dụng một lúc là đứng máy và hiện lên màn hình màu xanh, lúc này đã hết hạn bảo hành nên tôi đem ra tiệm máy tính gần nhà nhờ xem hộ. Khi mang máy về thấy tem còn nguyên, kiểm tra sơ lại cấu hình vẫn như cũ nên tôi cũng yên tâm. Nhưng sau đó thấy máy xử lý các chương trình chậm hơn, lại không thể kích hoạt Bluetooth như trước, tôi nhờ em trai rành máy tính kiểm tra lại mới biết họ đã thay thanh RAM 2GB bằng hai thanh RAM cũ 1GB, ngoài ra còn thay card WiFi xịn có tích hợp Bluetooth bằng loại card khác mà được vài hôm cũng hư luôn”.

Phá máy để... sửa

Phần lớn khách hàng không thể thạo máy tính bằng thợ, nhưng khi gặp khách có trình độ về máy tính, am hiểu về các linh kiện đủ để thợ khó qua mặt, sẽ có những thợ cố tình chơi ác: phá máy, bắt khách phải sửa. Cách phá máy này càng tinh quái hơn, nhiều khi khách biết ngay lúc ấy mà không làm gì được.

P.H.N. cho biết thêm: “Có hai cách thông dụng. Thứ nhất là phá hỏng luôn, thường bằng cách rạch đứt các đường vi mạch, rạch đứt chân chip cầu, tháo - đảo chiều IC và thứ hai là phá để còn sửa, thường là cắt đứt chân vài con chip con hoặc làm chập các tụ nguồn. Việc này có thể làm trước mặt chủ máy, chỉ cần chủ lơ đễnh một chút là có thể ra tay, đối với người đã hẹn thời gian lấy máy thì càng dễ. Những máy không lên hình hay khởi động được như bị vô nước, hư cáp màn hình là dễ “luộc” nhất, mình có thể thay nguyên bo mạch, linh kiện trong máy rồi ráp ruột dỏm vào. “Thơm” nhất là máy không hư hỏng gì hết, chỉ bị kiệt hay chết pin, vấn đề là mình phải có xác máy giống vậy để tráo”.

Anh Tuấn, nạn nhân của chiêu này, cho biết: “Chỉ đúng người phá mới có thể sửa được vì chỉ họ mới biết vị trí đã phá, đem đến nơi khác thì đừng hòng. Có mang máy đi lòng vòng rồi thì cuối cùng phải quay lại chịu sửa ở tiệm đó, dù họ hét giá mắc bao nhiêu”.

Để tránh bị “luộc” máy, người dùng nên cẩn thận trong lúc bàn giao máy trước và sau khi sửa, ghi chú kỹ cấu hình, tem và tốt nhất là đến các trung tâm sửa chữa có uy tín.

Từ “luộc” trắng trợn đến “luộc” tinh vi

Từ khách hàng có nhu cầu sửa lỗi phần mềm đến các khách hàng muốn thay, nâng cấp phần cứng, các “chuyên gia” luôn có cơ hội tháo hay tráo linh kiện trên máy ngoài yêu cầu của khách. WiFi card, CPU và đầu đọc DVD/Bluray là món được ưa thích nhất của các chuyên gia “luộc” đồ, vì cáp nối của chúng thông dụng và gần như giống nhau, nếu gặp “tay mơ” là họ tháo luôn chứ chẳng thèm đổi đồ dỏm vào máy.

Ngoài ra, thanh RAM, nguồn và bộ tản nhiệt, ổ cứng HDD, kể cả màn hình LCD cũng là những bộ phận dễ bị “luộc”. Có thể đơn giản bằng cách tháo lắp thủ công. Mà cũng có thể rất tinh vi bằng cách vừa thay vừa thêm một bước chỉnh thông số bằng những phần mềm quản trị trên hệ điều hành hay cao tay hơn là bằng lập trình trên bộ nhớ quản trị phần cứng…

Về nguyên tắc thì BIOS (hệ thống nhập xuất cơ bản) gần như là bất khả xâm phạm, thường chứa trong bộ nhớ (ROM) của bo mạch chính ở các máy tính, nhưng do ngày nay mọi người thường có xu hướng nâng cấp, ráp linh kiện mới cho máy tính nên có thể cập nhật BIOS. Nhờ vậy có thể thay đổi linh kiện mà thông số, cấu hình máy nhận được vẫn như cũ bằng những chương trình điều chỉnh BIOS.

Nhờ vào cách sửa đổi thông số của các linh kiện máy tính này mà xuất hiện những laptop “đồ chôm” có cấu hình mạnh mà rất rẻ tiền ngoài thị trường như laptop có CPU Core 2 dual, RAM 3GB mà giá chỉ 3-4 triệu đồng, thật ra đó có thể là CPU Pentium và RAM 256MB. Các máy này do các tiệm mua “xác” laptop đã hư rồi gắn linh kiện “luộc” vào kèm theo một bước điều chỉnh thông số máy, lừa được cả người mua khi xem bằng hệ điều hành.

Nguyễn Đức
(theo báo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan:


 
 

 
     
 
Công nghệ khác:


Trợ lực cho PC yếuLập trình xử lý âm thanh với Irrklang
Cài đặt liên cung SQL Server 2005Tổng quan về công nghệ clustering
10 kỹ năng IT ‘hot’ của năm 2011Để đừng trở thành nạn nhân website mạo danh
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11