Hằng năm, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn thì cả nước có trên dưới nửa triệu thí sinh trượt đại học, nhưng điều đó với tôi không hề đáng buồn. Những ai có "thành công còn đến muộn" như tôi 3 năm về trước có biết rằng, thành công có thể đến từ nhiều cách khác nhau, nhưng con đường ngắn nhất và thành công nhất chính là vượt qua chính mình...
"Xòe bàn tay ra nhé em! Em có gì nào? Một thân hình khỏe mạnh, một trái tim biết ước mơ, em có những người yêu thương em hết mực… Em thấy mình "giàu có" chứ. Vì thế, hãy viết lên trán mình hai chữ "mạnh mẽ" em nhé! Mạnh mẽ để nhận ra rằng, cánh cổng đại học khép lại không có nghĩa là con đường dẫn tới thành công của em dừng lại đó. Có chăng đó chỉ là thành công tới muộn thôi em". Đã hơn 3 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi những lời động viên của anh trai khi tôi nhận được tin mình trượt đại học.
Nhớ lại, khoảnh khắc nhận thông tin mình trượt đại học, tôi đã như "chết đứng", cả thế giới như sụp đổ. Tôi tự dìm mình vào một góc, im lặng và đau đớn đến tột cùng. Dồn mọi công sức vào kỳ thi, hy vọng và tin tưởng mình hoàn thành bài thi tốt và có thể đỗ vào trường đại học mà mình ao ước. Nhưng cuối cùng, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Lúc đó tôi đã nghĩ, mình thật vô dụng.
Gia đình đã đặt kỳ vọng vào tôi và kết quả là trượt đại học. Tôi nghĩ cha mẹ sẽ buồn lắm. Đúng, cha mẹ đã rất buồn, nhưng "thật lạ" không bắt nguồn từ kết quả trượt đại học, lý do khiến họ buồn vì tôi đã bi quan, chán nản và dễ dàng bị những khó khăn đánh gục. "20,5 điểm, số điểm không hề thấp, không phải con lười biếng, con đã cố gắng hết sức mình. Đỗ đại học có thể là một thành công nhưng trượt đại học sẽ không bao giờ là thất bại với những người biết đứng lên và hết mình phấn đấu, con hiểu chứ!" - câu nói của mẹ đã làm tôi "bừng tỉnh".
Tôi hoài nghi vào những điều mà anh và mẹ mình nói. Nhưng than vãn, đau khổ cũng không thể thay đổi được mọi chuyện, tôi tự nhủ không thử làm sao biết ngày mai sẽ thế nào? Chính vì thế, tôi đã "thử đứng dậy". Cái tính cách hay nói, hay cười của tôi trở lại đã phá tan đi bầu không khí ảm đạm của gia đình. Tôi mày mò tìm thông tin về nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 của các trường đại học và chờ đợi kết quả kỳ thi cao đẳng. Thế rồi, niềm vui đầu tiên đã đến khi tôi đoạt kết quả khá cao vào trường cao đẳng. Tôi vui vẻ đi học và tiếp tục chờ đợi kết quả nguyện vọng 2. Cuối cùng niềm hy vọng của tôi cũng được đền đáp. Đỗ nguyện vọng 2 vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I - một ngôi trường mà tôi hằng mơ ước.
Đã 3 năm trôi qua, tôi giờ đã trở thành cô sinh viên năm thứ 4. Đối với tôi, hằng ngày được học về những vấn đề văn hóa, được đến trường, được trải nghiệm "thử" làm hướng dẫn viên du lịch... là mỗi lần tôi tìm thấy thêm một niềm vui, kinh nghiệm và kỹ năng sống. Tôi đã trải qua đầy đủ những cung bậc cảm xúc khi nếm trải "thất bại" đầu tiên trong cuộc đời. Nhưng tôi đã không bị đánh gục, bởi đúng như mẹ và anh trai tôi đã nói: "Chặng đường nào cũng có những khó khăn và thử thách, điều quan trọng là không được từ bỏ, người chiến thắng là người biết làm chủ ước mơ của mình".
Hằng năm, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn thì cả nước có trên dưới nửa triệu thí sinh trượt đại học, nhưng điều đó với tôi không hề đáng buồn. Những ai có "thành công còn đến muộn" như tôi 3 năm về trước có biết rằng, thành công có thể đến từ nhiều cách khác nhau, nhưng con đường ngắn nhất và thành công nhất chính là vượt qua chính mình. Đại học không phải là lối đi duy nhất, bởi thực tế "trường đời" đã dạy cho nhiều người trượt đại học làm nên thành công từ những thất bại. Vì thế hãy tự tìm ra lối đi, bởi "Ở đâu có nghị lực, ở đó có đường đi" bạn nhé!
Vũ Thị Thủy
(SV năm 4, ĐH Sư phạm Hà Nội)
Tin liên quan:
|