(Post 13/10/2012) Có rất nhiều lý do cản trở con đường học tập của bạn, để có được một quyết định đúng đắn, bạn hãy biết lắng nghe lời khuyên của bố mẹ, nhưng cũng đừng quên chính kiến riêng của mình. Chỉ cần bạn có ý chí, có quyết tâm và thật bình tĩnh bạn sẽ biết mình nên làm gì...
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn
"Mình đi học ĐH, bố mẹ mình không vui. Mẹ mình bảo, nhà khó khăn, học hết được lớp 12 là đủ rồi, đi làm kiếm tiền chứ bố mẹ không nuôi mãi được" - Nguyễn Thị Minh (Hà Nam) nói trong nước mắt.
Dù đã là SV năm ba của một trường ĐH tại Hà Nội nhưng Minh chia sẻ: "Ý nghĩ không cần học ĐH, không cần học cao của bố mẹ mình giờ vẫn còn. Mỗi lần mình về quê là bố mẹ lại bảo ở đó mà cố gắng làm thêm, kiếm tiền thêm vào đi học". Dù biết bố mẹ khổ cả đời, không lo được cho mình, cũng chỉ muốn tốt cho con nhưng mỗi khi nghe mẹ nói thế Minh cũng không khỏi tủi thân.
Còn với Nguyễn Văn Tôn (Sơn La), gia đình không muốn cậu học ĐH vì ở nhà chỉ có hai mẹ con, "con trai lớn thì phải chăm sóc, đỡ đần mẹ". Tôn bồn chồn nói: "Mình biết với sức lực của mình nếu không đi học thì mình có thể đi làm nuôi mẹ. Nhưng nếu bỏ học, lao động chân tay thì cũng không biết khi nào mới khá lên được. Vì thế mình vẫn quyết định đi học" - hiện giờ Tôn đang là SV năm 2 của một trường ĐH tại Hà Nội.
"Cứ đi học nữa là mất con như chơi"
Bác Nguyễn Thị Khuyên (Hưng Yên) có con trai đi học ở miền Nam đã 5 năm nay, mỗi năm con trai của bác về thăm nhà được một lần, bao nhiêu lần bác gọi con trai về quê làm việc nhưng vẫn không được. "Con bác học CĐ xong rồi. Giờ bác gọi nó về quê xin việc mà làm rồi lấy vợ nhưng nó cứ đi biền biệt thế. Nó có về đâu, nó bảo ở ngoài Bắc khó xin việc, rồi còn bảo phải học lên cao. Cứ đi học nữa là mất con như chơi thôi" - Bác Khuyên tâm sự.
"Học ĐH xong biết có xin việc được không? Lại mất bao nhiêu tiền xin việc nữa thì làm gì lo được?" - cô Mai (Thanh Oai, Hà Nội) nói. "Cô thấy bây giờ nhiều người học xong không xin được việc, toàn phải nhờ người quen biết chạy tiền thôi".
Mặc dù Thắm đã là SV năm cuối, nhưng mỗi lần bạn về quê chơi cuối tuần là cả nhà lại thấy thương, thấy nhớ. "Bố mình bảo, không có tiền chạy việc cho mình ở quê, mình phải tự lo tìm việc ở Hà Nội. Nhưng mẹ mình lại sợ mình đi học, đi làm xa nhà rồi cũng lấy chồng xa thế là mất không" - Thắm cười nói.
Mê tiền, ham việc
Nhiều bạn mới là sinh viên năm nhất, năm hai nhưng đã có thể kiếm được một công việc tốt với mức thu nhập cao. Cũng chính vì thế, nhiều bạn quyết định xin bảo lưu kết quả học, thậm chí là rút luôn hồ sơ nghỉ ngang để tập trung vào công việc của mình.
Với suy nghĩ đó, một số bạn phải hối hận vì công việc đấy không ổn định hay không thể tiếp tục làm vì nhiều lý do khác nhau. Nên các bạn ấy đành phải ngậm ngùi bắt đầu việc học lại từ đầu hay trở nên hoang mang vì không biết phải làm gì.
Quỳnh Mai (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: "Lúc trước mình được nhận vào làm việc cho một công ty khá lớn với lương gần 10 triệu một tháng. Nhưng tính chất công việc rất căng thẳng và áp lực, buộc lòng mình phải xin nghỉ học để tập trung. Thế nhưng chỉ 1 năm sau, do vài lý do cá nhân mà mình không thể tiếp tục làm việc ở đó nữa. Bây giờ mình cảm thấy chán nản với việc học mà CV khi nộp xin việc lại chưa có bằng cấp gì ra hồn. Mình cũng không biết làm sao và nên bắt đầu con đường nào cho tốt".
Vì học cao khó lấy chồng
Lý do này nghe thật hài hước, nhưng đó hoàn toàn là thật đấy nhé!
Phạm Thị Loan (Hải Dương) cười nói: "Năm nay mình đã 27 tuổi, mình cũng vừa học cao học được 1 năm. Ở nhà bố mẹ lo lắm vì thấy bạn bè bằng tuổi mình con bồng con bế hết rồi. Nhớ lại năm ngoái khi mình báo thi cao học bố mẹ kêu ầm lên "học thế bao giờ mới lấy được chồng hả con. Rồi lại lỡ dở một đời thì khổ".
"Ở quê, tầm 25 mà chưa lấy chồng, chưa có người yêu là bố mẹ lo lắm. Mình đi học muộn 1 năm, lại thi lại 1 năm nữa. Thời gian mình ôn thi lại bố mẹ cũng nói ghê lắm, cứ bảo thôi ở nhà lấy chồng rồi vợ chồng bảo nhau làm ăn, học thế là được rồi. Con gái, cứ kiếm được chồng tử tế thương vợ là đủ" - Vũ Thùy Dương (Nam Định) chia sẻ.
Để có được một quyết định đúng đắn, bạn hãy biết lắng nghe lời khuyên của bố mẹ, nhưng cũng đừng quên chính kiến riêng của mình! Chỉ cần bạn có ý chí, có quyết tâm và thật bình tĩnh bạn sẽ biết mình nên làm gì.
Tin liên quan:
|