(Post 25/12/2012) Dù sản phẩm mang ý tưởng tốt, thế nhưng đa phần đối tượng sinh viên tại Việt Nam khi làm lập trình di động đều mang tính tự phát, thiếu định hướng thị trường để đánh trúng nhu cầu người dùng.
Ứng dụng của sinh viên cần được định hướng thị trường ngay từ đầu |
|
Vài năm gần đây, lĩnh vực lập trình trên thiết bị di động đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ đam mê công nghệ, sinh viên CNTT… Cho dù phần lớn đều tiếp cận qua con đường tự học nhưng nhiều sinh viên đã có được sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế cao.
Qua thực tế cuộc thi lập trình trên thiết bị di động "Tài năng trẻ 2012" do Trung tâm Tin học Đại học KHTN TP.HCM tổ chức mới đây, ông Trần Văn Thành, thành viên Ban tổ chức đánh giá: "Nhiều sản phẩm của sinh viên có thể thực thi tốt trên các thiết bị với cấu hình, kích thước màn hình khác nhau. Bên cạnh đó, các công nghệ mới cũng được đưa vào sản phẩm như nhận diện giọng nói, nhận diện khuôn mặt, các giải thuật phức tạp…".
Nhận định của Ban tổ chức còn cho thấy, các sản phẩm tham gia cuộc thi có ý tưởng tốt và tính ứng dụng cao như tìm đường cho xe buýt, gọi món ăn trong nhà hàng, game MagicBox3D, game Chuột lém, Cổng thông tin cho du lịch Việt Nam, mạng xã hội sự kiện chuyên cập nhật tin tức giao thông, ứng dụng chăm sóc sức khỏe, ứng dụng tìm kiếm cây xăng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt đến bước thương mại hóa thì đó còn là một quá trình khó khăn, nhất là khi nhiều sinh viên tự lập nhóm và tìm cách phát triển sản phẩm chỉ với mong muốn mơ hồ là "một ngày nào đó sẽ tung ra thị trường".
Ông Trương Minh Sang, đại diện Công ty Evers, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kiểm thử phần mềm, phát triển ứng dụng trên di động cho rằng giới trẻ cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của những người giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm để khắc phục lỗi và hoàn thiện sản phẩm.
Quan trọng hơn, đó còn là sự tư vấn từ các công ty chuyên về lĩnh vực ứng dụng trên thiết bị di động để sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận.
Để thương mại hóa, ứng dụng di động của sinh viên còn phải qua nhiều "cửa" khắt khe. |
|
Đại diện Trung tâm Tin học Đại học KHTN TP.HCM cho hay, xuất phát từ nhu cầu nói trên, trong cuộc thi "Tài năng trẻ 2012" nhà trường cũng tổ chức hoạt động như hội thảo "Tư vấn, hướng nghiệp nghề lập trình ứng dụng di động", "Lập trình Game trên thiết bị di động"… với mong muốn tạo được sân chơi cho giới trẻ đam mê lập trình di động trải nghiệm, có thể hiểu thêm thị trường đang cần gì để phát triển sản phẩm cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia tổ chức cuộc thi "Tài năng trẻ 2012" như Công ty Tin học Hành tinh, Công ty An Phát còn đề cập đến vấn đề cần nhiều hơn những sân chơi công nghệ để sinh viên có thể tích lũy thêm kinh nghiệm. Bởi theo như bà Nguyễn Thị Tuyết, đại diện Công ty GameLoft, nếu một sân chơi học thuật được đầu tư nghiêm túc cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng lập trình.
Cùng đó, nhận định của các chuyên gia còn cho thấy, hiện nay ngoài những công ty chuyên về phát triển phần mềm, ứng dụng cho thiết bị di động thì các nhà sản xuất thiết bị di động cũng rất quan tâm đến các sản phẩm của sinh viên.
"Kho ứng dụng cũng là thị trường tiềm năng, do đó các bạn trẻ có thể hoàn thiện sản phẩm để thiết thực, hấp dẫn nhu cầu của người dùng", bà Lê Thúy Anh, Giám đốc truyền thông HTC Việt Nam nói.
Trang Quỳnh
(theo ICTnews)
Tin liên quan:
|