(Post 25/01/2013) Tiếp theo bài trước, bài này tiếp tục giới thiệu đến độc giả những thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện cho người dùng mới làm quen với máy tính Apple...
App Exposé phân chia các cửa sổ làm việc trực quan hơn. |
|
Làm quen với App Expose:
Thông thường, các phần mềm trên Windows sẽ mở trên nhiều cửa sổ tách biệt nhau. Nhưng OS X thì khác. Lấy ví dụ khi sử dụng trình duyệt web Safari, nếu bạn mở nhiều cửa sổ thì các cửa sổ này sẽ không thể chuyển đổi bằng cách bấm Cmd + Tab thông thường mà thao tác trên sẽ chỉ mở ra cửa sổ được mở gần nhất. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải làm quen với App Exposé. Tính năng này giúp tách biệt các cửa sổ làm việc của một ứng dụng ra bằng cách vuốt xuống Trackpad bằng bốn ngón tay (ngược lại Mission Control). Khi đó, tất cả các cửa sổ đã mở sẽ được liệt kê "ngang hàng thẳng lối" để bạn lựa chọn.
Làm thế nào để "Delete"?
Nếu là người thường xuyên soạn văn bản, chắc chắn bạn sẽ không lạ gì phím Delete trên Windows. Phím này có tính năng xóa những kí tự nằm đằng sau đoạn văn bản đang gõ. Nhưng bàn phím máy Mac chỉ có đúng một phím Delete và phím này hoạt động giống như phím Backspace vậy. Nếu muốn dùng nó như phím Delete, ta chỉ có một cách là bấm kèm với phím Fn (phím chức năng nằm ở góc dưới bên trái bàn phím). Tuy thao tác hơi phiền hà nhưng có lẽ nhờ vậy mà chúng ta được sở hữu một bàn phím gọn hơn.
Xem các ứng dụng đang mở và tắt nhanh ứng dụng:
Giao diện chính của Activity Monitor - trình quản lý ứng dụng trên OS X. |
|
Trên Windows có Task Manager thì chương trình tương ứng bên Mac lại có tên gọi là Activity Monitor. Hai chương trình này có tính năng gần như giống nhau, chỉ khác ở giao diện. Activity Monitor sẽ hiển thị các thông tin về bộ nhớ RAM, ổ cứng, kết nối mạng… ở phía dưới chứ không phải qua các thẻ ở bên trên giao diện như Task Manager. Để tắt một ứng dụng bị treo, Activity Monitor cung cấp tính năng tắt nhanh tên Quit Process nằm ở góc trái. Trong trường hợp Activity Monitor cũng treo, ta có hai lựa chọn. Một là khởi động lại máy, hai là kích hoạt lựa chọn Force Quit từ biểu tượng Táo khuyết trên thanh công cụ hoặc bằng tổ hợp phím Cmd + Alt + Esc, tương tự như Ctrl + Shift + Esc để mở Task Manager trên Windows.
Dùng phần mềm "chính chủ" Apple:
Safari trên Mac hoạt động khá mượt, tính năng đồng bộ các thẻ với thiết bị iOS hoạt động ổn định. |
|
Có lẽ việc làm đầu tiên của một người dùng mới chuyển từ Windows qua Mac là sẽ cài các phần mềm của hãng thứ ba như Chrome để duyệt web, Microsoft Office để soạn văn bản, Yahoo Messenger để chat, Evernote để ghi chú nhanh… Thực ra, những ứng dụng của chính Apple cũng rất đáng để thử. Việc hỗ trợ tối đa các thao tác đa điểm trên Trackpad mang lại trải nghiệm sử dụng các ứng dụng khá thú vị. Chỉ cần dùng hai ngón tay trong Safari trượt trái phải, ta có thể trở về trang trước đó, hoặc thực hiện thao tác zoom khi đang xem ảnh… Bên cạnh đó, hệ thống đồng bộ iCloud khá hoàn thiện với người dùng sử dụng đồng thời iOS và OS X. iCloud có thể đồng bộ các dữ liệu cá nhân, tùy chọn cài đặt, các tài liệu giữa các thiết bị với nhau trong thời gian thực. Bản thân người viết cũng thực hiện bài viết này với ứng dụng Notes trên cả MacBook Pro và đồng thời iPad Mini. Tất cả chỉ cần một tài khoản Apple ID.
Tối ưu cho mạng xã hội:
Từ phiên bản Mountain Lion 10.8, Apple đã bổ sung các tính năng hỗ trợ tối đa cho hai mạng xã hội lớn nhất hiện nay là Facebook và Twitter. Bạn đọc có thể tham khảo cách cài đặt và sử dụng các tính năng của Facebook trên OS X tại đây.
Tắt tính năng Dashboard:
Dashboard gần như không có tác dụng gì ngoài giao diện đẹp. |
|
Mặc định, Dashboard được kích hoạt trên mọi máy Mac khi xuất xưởng. Đây là màn hình với các tiện ích nhỏ (widget) như máy tính, dự báo thời tiết, đồng hồ… Tuy nhiên, một nhược điểm của Dashboard là nó khá ngốn dung lượng bộ nhớ RAM và hầu như là một tính năng vô dụng. Nếu muốn cải thiện tốc độ sử dụng máy, bạn có thể tắt tính năng này bằng cách sử dụng Terminal. Đầu tiên, kích hoạt Spotlight bằng tổ hợp phím Cmd + phím cách sau đó gõ Terminal. Trong Terminal, gõ dòng sau: defaults write com.apple.dashboard mcx-disabled -boolean YES;killall Dock và bấm Enter. Nếu muốn kích hoạt lại Dashboard, người dùng chỉ cần thay giá trị YES ở dòng lệnh trên bằng NO.
Thay đổi vị trí, kích thước thanh Dock:
Thay đổi vị trí thanh Dock. |
|
Thanh Dock có lẽ là biểu tượng của OS X. Không giống như các shortcut tràn đầy màn hình Desktop như Windows, các ứng dụng thường dùng sẽ được đưa lên thanh này. Mặc định, thanh Dock này nằm ở phía dưới màn hình nhưng chúng ta có thể di chuyển vị trí của nó sang cạnh trái, phải và phóng to, thu nhỏ bằng cách bấm chuột phải (hoặc gõ hai ngón tay lên Trackpad) và chỉnh sửa các tùy chọn.
Thanh Dock khi nằm ở vị trí bên phải màn hình. |
|
(theo GenK)
Tin liên quan:
|