(Post 20/08/2013) Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang dùng smartphone hệ điều hành Android để phục vụ cho mọi nhu cầu giải trí và làm việc. Bên cạnh đó, đa số người tiêu dùng trẻ sử dụng máy có hệ điều hành Android sẵn sàng thoả hiệp khi được dùng mọi thứ miễn phí kết hợp với quảng cáo kèm trong ứng dụng di động. Từ đó, nhiều ứng dụng tiêu cực xuất hiện.
Trò chơi Đua xe moto 3D, đạt 50.000 lượt tải về của nhà phát triển vnfreegame@ khi có trên Google Play rất sạch sẽ, nhưng khi cài đặt vào máy sẽ yêu cầu tải bản nâng cấp nằm ngoài kiểm soát của Google và tự động kích hoạt nhắn tin. |
|
Tập trung chủ đề "người lớn"
Mặc dù Google Play có những điều khoản rất cụ thể về việc tải ứng dụng như: tài khoản sử dụng phải trên 13 tuổi, nội dung không có hình ảnh khiêu dâm… Tuy nhiên với những ứng dụng Việt thì chỉ cần tìm những chủ đề "người lớn" là có lắm thứ để giải trí không giới hạn như: truyện, phim, ảnh, trò chơi… Tất cả đều rất chi tiết và cụ thể. Điển hình như ứng dụng của nhà phát triển H. với chủ đề "người lớn" ra mắt từ năm 2012 đến nay, đạt hơn 100.000 lượt tải về và khi đó các đối tác quảng cáo sẵn sàng bỏ vài trăm USD/ngày để được xuất hiện trong từng màn hình của người tiêu dùng. Thử thống kê với từ khoá "truyện" trong chủ đề này đã ngấp nghé khoảng 60 ứng dụng có nội dung tương tự, khai thác những câu chuyện phòng the...
Không dừng ở đó, chủ đề người lớn bắt đầu dịch chuyển qua các thể loại giải trí như: xếp hình bán thân, đánh bài cởi đồ, tìm điểm nhạy cảm… Và đặc sắc nhất vẫn là thể loại phim "hạng nặng" xem trực tuyến được phân loại và sắp xếp theo từng chủ đề rất chuyên nghiệp.
Ông Lê Duy, quản trị diễn đàn MobileWorld lý giải sự nở rộ: "Từ khi các nhà cung cấp dịch vụ mạng chặn bớt những trang web đen nhu cầu của người dùng đã chuyển sang những ứng dụng miễn phí rất riêng tư và cá nhân kiểu này".
Thủ đoạn nhắn tin 15.000 đồng/lần
Ông Hoàng Việt, lập trình viên Android ở quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: Chiêu thức moi tiền quen thuộc bên trong các ứng dụng Việt chính là khai thác tính năng tự động yêu cầu nhắn tin đến một tổng đài bất kỳ để chia lợi nhuận. Tuy nhiên, chiêu thức này chỉ áp dụng thành công trong giai đoạn 2011 – 2012, bởi vì trong tháng 12.2011, khi kho ứng dụng Upro.vn của Viettel bị mạo danh trên Google Play có những ứng dụng giải trí tự động nhắn tin đến tổng đài 8777 (15.000 đồng/lần). Từ đó các nhà mạng vào cuộc và các ứng dụng Việt "moi tiền" bị loại bỏ. Kết quả đến năm 2013, Google sàng lọc tất cả những ứng dụng Việt dùng thủ đoạn tự động nhắn tin, nhưng vẫn còn nhiều ứng dụng Việt bị bỏ sót vẫn còn khai thác tính năng này như "Tự điển***" của Ping***.
Một số nhà phát triển ứng dụng Việt vẫn nghĩ ra được những chiêu mới để lọt qua hệ thống sàng lọc của Google. Chẳng hạn như Qpla*** của công ty Su***et có một bộ sưu tập vài trăm trò chơi giải trí khai thác tối đa tính năng này mà vẫn có cách tồn tại được trên kho của Google. Họ lách bằng cách tạo ra nhiều nhà phát triển trên Google Play khác nhau và tung các phiên bản trò chơi mới của mình rất sạch sẽ, chỉ đến khi người dùng tải về thì ứng dụng này sẽ bắt đầu kích hoạt...
Nguy hiểm từ việc mất thông tin
Mất 15.000 đồng vẫn không đáng sợ bằng thông tin trong điện thoại bị đánh cắp, ông Hoàng Việt cho biết thêm. Đa số ứng dụng Việt biết "moi tiền" đều là những trò chơi nổi tiếng như Angry Birds, Fruit Ninjia… đã được Việt hoá hoặc mượn ý tưởng thiết kế lại, còn được gọi là Game Clone hoặc Game Rip-off.
Nếu là trò chơi giải trí thì khi cài đặt vào máy sẽ không đòi hỏi được truy cập vào danh bạ điện thoại hoặc định vị hoặc tài khoản, mật khẩu… Ví dụ như so sánh hai trò chơi ứng dụng Việt trên Google Play đạt 50.000 lượt tải trở lên như: Sipdo Mario của Mecorp.vn và Vua bai tien len Viet Nam của vuabaitienlen@ thì Mario chỉ xin phép truy cập mạng wifi hoặc 3G để cập nhật thông tin trong khi đó Vua bai thì xin phép được xem danh bạ điện thoại, cuộc gọi, định vị, camera, hoặc có quyền truy cập vào những ứng dụng khác… Và người dùng thử giả định một nhà phát triển nào đó có thể dùng máy chủ cá nhân lập trình để sao chép thông tin người dùng bao gồm: mật khẩu, danh bạ, vị trí, cuộc gọi… để sử dụng cho những mục đích không muốn tiết lộ như bán dữ liệu, chạy quảng cáo ngầm cho những đối tác khác.
Cảnh giác với những ứng dụng đòi nhiều thông tin
Ông Nguyễn Đức Minh, quản lý cửa hàng Mobile Corner, Q.1, TP.HCM chia sẻ: Người dùng cần đọc kỹ phần giấy phép ứng dụng trước khi cài đặt trò chơi miễn phí vào máy, nếu thấy ứng dụng xin phép quá nhiều như xem danh bạ, cuộc gọi, tin nhắn… thì không nên cài đặt. Trường hợp vẫn muốn dùng thì trước khi cài đặt nên cài đặt sẵn ứng dụng Permission Explorer hoặc aSpotCat cho phép thiết lập lại những quyền hạn trong trò chơi giải trí. Tuy nhiên, một số trò chơi khi bị hạn chế quyền này sẽ báo lỗi. Đây là cách nhà phát triển muốn "bảo vệ" quyền lợi giữa hai bên, bởi không phải cái gì cũng miễn phí.
(theo SGTT)
Tin liên quan:
|