Ngày 10/11, hơn 50 nhà quản lý, chuyên viên, sinh viên Công nghệ thông tin trong và ngoài nước đã đến tham gia Agile Tour 2013, tổ chức tại FPT Aptech, tầng 4, Cung Văn hóa Hữu nghị, 1A Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là sự kiện về Agile mang tính chất quốc tế được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, do FPT-Aptech phối hợp cùng Agile Việt Nam đồng tổ chức.
Đông đảo sinh viên FPT Aptech cùng các doanh nghiệp công nghệ tham gia sự kiện Agile Tour 2013 |
|
Sự kiện này có sự tham gia góp mặt của nhiều chuyên gia Agile hàng đầu quốc tế: ông Alexandre Cuva (Thụy Sĩ), ông Kiro Harada (Chuyên gia về Lean và Hệ thống sản xuất Toyota, Nhật Bản),... Vì ảnh hưởng của cơn bão Hải Yến nên một số diễn giả nước ngoài đã không kịp tới tham gia chương trình.
Hai diễn giả chính của chương trình đã hâm nóng bầu không khí với phần trình bày về Management 3.0 (Quản trị 3.0) và Toyota Production System – TPS (Hệ thống sản xuất của Toyota).
Ông Alexandre Cuva nhận định "tầm nhìn của một người quản trị 3.0 là xây dựng các dự án xoay quanh những cá nhân". Theo đó, nhân viên sẽ được làm việc trong môi trường tốt nhất và được đáp ứng những yêu cầu họ cần. Người quản lý đặc biệt phải tin tưởng họ có thể hoàn thành công việc.
Lý giải cho "niềm tin" này, ông Alexandre cho rằng "điều đó xảy ra được là nhờ sự tồn tại của các nhóm tự quản. Quản trị 3.0 hướng tới việc thay thế sự chỉ tay, giao việc bằng việc ủy nhiệm và trao quyền". Nguyên tắc của nhà quản trị Agile bao gồm các tiêu chí: Nếu công việc không gây được hứng thú và động lực làm việc cho nhân viên, đừng bao giờ người quản lý nghĩ tới việc triển khai Agile; Hãy trở thành một nhà quản lý lười biếng và hãy trao quyền cho nhân viên của mình; Về năng lực nhân viên, người quản lý phải có ý muốn những người chưa qua đào tạo rời khỏi nhóm nếu mình muốn đạt được mục tiêu đề ra; Chìa khóa để lèo lái đội ngũ đi cùng hướng với mục tiêu của công ty là hãy chia sẻ cho đội ngũ một mục tiêu rõ ràng (chia sẻ tầm nhìn).
Trong suốt buổi hội thảo, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề trao quyền và tự quản. "3.0 thì phải trao quyền. Nhân tố để trao quyền thành công là đội ngũ tự quản thành công", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, để tự quản thành công tất cả nhân viên cần phải được đào tạo để trở thành những nhân viên 3.0 với khả năng tự giác cao. Việc của người quản lý là tạo dựng cho họ môi trường tốt nhất, chia sẻ với họ tầm nhìn, mục tiêu mà mình muốn họ đạt tới, cho họ động lực để hoàn thành mục tiêu và tin tưởng họ sẽ hoàn thành mục tiêu đó.
Những chia sẻ trên không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà được các diễn giả kết hợp cùng những trò chơi rất thú vị: nhà máy sản xuất pizza, nhà máy sản xuất máy bay,…
Những người tham được chia thành nhóm trong trò chơi nhà máy sản xuất pizza |
|
Trong trò chơi nhà máy sản xuất pizza, người tham gia Agile Tour được chia thành các nhóm khác nhau. Họ được yêu cầu vào vai các quy trình trong một nhà máy pizza, quy trình làm pizza đã được cho trước và các đội phải phân bố các quy trình sao cho đạt được hạn mức đã đăng ký. Trò chơi này đòi hỏi không chỉ phân bổ quy trình hợp lý mà còn phải tính toán hiệu suất và dự đoán được khối lượng công việc đã hoàn thành để đạt được mục tiêu hợp lý. Ngoài ra, các đội còn phải ứng phó với tình huống có yếu tố biến động, khi mà ông Alexandre Cuva yêu cầu thay đổi hẳn cách làm bánh, làm cho quy trình cũ không thể sử dụng được nữa.
Khác với trò chơi nhà máy sản xuất pizza, ông Kiro Harada mang đến Agile Tour trò chơi nhà máy sản xuất máy bay. Luật chơi rất đơn giản, người chơi gấp bay giấy, với nhiều nguyên tắc khác nhau. Sản phẩm được tính điểm khi nó qua được bài kiểm tra là "phóng được xa 3m từ vạch xuất phát" ngay từ lần đầu tiên. Nhiều nhóm tham gia thậm chí không tin được là mình đã không hoàn thành được sản phẩm nào trong lần chơi đầu tiên.
Tour là một chuỗi sự kiện của cộng đồng Agile diễn ra tại các thành phố trên thế giới từ tháng 10-12 hàng năm. Agile Tour đầu tiên được tổ chức vào năm 2008, từ đó đến nay, sự kiện đã ngày một phát triển rộng rãi trên nhiều thành phố với số lượng người tham dự ngày càng nhiều. Agile Tour 2012 với sự tham gia của Ken Schwaber – một thành viên đồng sáng lập Scrum và các diễn giả đến từ nhiều nước trong khu vực. |
|
Ông Kiro đã liên tục trao cho các đội chơi lòng tin rằng họ có thể cải tiến tiếp với mục tiêu tốt hơn. Trò chơi lên đến đỉnh điểm khi ông chia sẻ rằng "tại Toyota, có những đội đã hoàn thành tới 50 chiếc máy bay giấy trong vòng 1 phút". Chia sẻ này nhằm mục đích thuyết phục các đội chơi rằng, trong công việc luôn luôn có thể cải tiến để mang lại hiệu quả tốt hơn nữa.
Những trò chơi này được tổ chức không đơn thuần chỉ để giải trí mà hướng tới mục tiêu giúp người tham gia trải nghiệm quy trình Agile. Các trò chơi đều có luật, có mục tiêu cần đạt được, người quản lý không bao giờ áp đặt cách làm cho các đội nhưng luôn đòi hỏi mục tiêu cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc các đội phải liên tục cải tiến quy trình làm việc. Hiệu quả thấy rõ khi thành quả sau lần cải tiến cuối cùng của tất cả các đội luôn ở một mức mà chính họ ngay lúc đầu cũng không thể tin được.
Sự kiện Agile Tour thực sự hữu ích với các cá nhân, tổ chức đam mê và thực hành Agile. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút rất nhiều giáo viên và sinh viên FPT-Aptech tham gia.
Thầy Dương Trọng Tấn, Giám đốc FPT-Aptech, đơn vị đồng tổ chức Agile Tour Hanoi 2013, chia sẻ "chương trình thực sự bổ ích và thú vị dành cho tất cả những người có cơ hội tham gia. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, FPT-Aptech sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho cộng đồng công nghệ thông tin".
Đặng Hậu
Tin liên quan:
|