(Post 07/01/2014) Hàng triệu người châu Âu vật vã trong cảnh thất nghiệp dù cơ hội việc làm có nhiều. Theo Ủy ban châu Âu ước tính đến năm 2015, sẽ có khoảng 900.000 việc làm trong ngành CNTT bị bỏ trống, hiện nay chỉ riêng tại Ireland còn 4.500 vị trí trong ngành CNTT đang để trống do nguồn cung nhân lực có kỹ năng quá thiếu hụt. Thiếu kỹ năng cần thiết về công nghệ, cơ hội đang khó hơn cho những người mất việc.
Những người trẻ ở châu Âu ngày càng khó kiếm việc hơn bởi những "lệch pha" kỹ năng với nền kinh tế tri thức - Ảnh: NY Times |
|
Hết tuần này sang tuần khác, báo chí Ireland liên tục chạy những hàng tin "hi vọng:" Microsoft, PayPal, Fujitsu và một loạt tập đoàn khác đang mở rộng đầu tư ở nước này, tạo ra hàng ngàn việc làm mới.
Nhưng có một nghịch lý ở đây: các tập đoàn không thể kiếm đủ người có kỹ năng để làm việc. Trong một số trường hợp, các tập đoàn phải kiếm nhân công ở ngoài Ireland để tìm người có kỹ năng. Theo báo New York Times, mới đây giám đốc chi nhánh Hãng PayPal ở Ireland thừa nhận công ty này phải tuyển dụng lao động từ 19 quốc gia cho 500 vị trí ở Dundalk. Hãng Fujitsu có 800 nhân viên ở Ireland cũng cho biết thuê phần lớn chuyên gia cấp thạc sĩ từ nước ngoài.
"Lệch pha" kỹ năng
Thống kê cho thấy khoảng 50% công việc liên quan đến công nghệ thông tin ở Dublin do người nước ngoài nắm giữ. Ở quốc gia này còn 4.500 vị trí trong ngành công nghệ thông tin đang để trống do nguồn cung nhân lực có kỹ năng quá thiếu hụt. Các công ty công nghệ khác như Microsoft, muốn mở rộng tại Ireland, cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Báo cáo của Hãng tư vấn Accenture cảnh báo sự thiếu hụt này khiến các công ty đặt trụ sở tại Ireland "không thể thực hiện chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả", dẫn tới nguy cơ tăng trưởng chậm.
"Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo nạn "lệch pha" kỹ năng sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp châu Âu tiếp tục duy trì ở mức cao, giảm hiệu quả của các chính sách kích thích tăng trưởng" |
|
Tình hình ở Ireland, theo giới chuyên gia, là tình trạng chung mà nhiều nước châu Âu đang đối mặt. Sau năm năm khủng hoảng, hàng triệu lao động thất nghiệp, hoặc thanh niên trẻ đang vật vã kiếm việc nhưng không đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới, dựa nhiều hơn vào tri thức.
"Mọi người đều kỳ vọng nhiều việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế tri thức. Nhưng một số lượng lớn người thất nghiệp không đủ kỹ năng để đảm nhận những công việc này" - nhà kinh tế Glenda Quintini thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết.
Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo tình trạng "lệch pha" kỹ năng đang trở nên trầm trọng ở châu Âu sau khủng hoảng tài chính. Người lao động từ các ngành bị khủng hoảng tàn phá như xây dựng và tài chính phải trải qua quá trình đào tạo lại rất lâu, trong khi có quá ít người mới tốt nghiệp đại học chọn các ngành như cơ khí, khoa học hay công nghệ để tham gia thị trường việc làm của ngành công nghệ đang tăng trưởng mạnh. Ngay ở Mỹ, tình trạng tương tự cũng khiến thời gian thất nghiệp bị kéo dài hơn.
Giám đốc Fujitsu tại Ireland Regina Moran cho biết vấn đề của các nước châu Âu là sau sụp đổ của các công ty dot.com hồi đầu thập niên 2000, các ngành công nghệ ở trường đại học mất dần sự hấp dẫn. Ví dụ như ở Ireland, người trẻ đổ dồn vào các ngành như xây dựng hay du lịch, các ngành tăng trưởng mạnh hồi giữa thập kỷ vừa qua.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế
Theo Ủy ban châu Âu (EC), tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phục hồi kinh tế bởi khối đồng euro vẫn đang chật vật với tỉ lệ thất nghiệp lên đến 12%. Thất nghiệp quá cao sẽ cản trở châu Âu quay lại thời kỳ tăng trưởng, dẫn tới những tổn thất kinh tế và xã hội đáng kể. ILO cảnh báo nạn "lệch pha" kỹ năng sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp châu Âu tiếp tục duy trì ở mức cao, giảm hiệu quả của các chính sách kích thích tăng trưởng.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết hiện ở châu Âu có 2 triệu việc làm đang chờ lao động trong đủ mọi ngành nghề. Nghiên cứu mới công bố của Eurofound, cơ quan nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU), cho thấy bất chấp khủng hoảng, gần 40% các công ty khu vực gặp khó khăn trong việc tìm người lao động có kỹ năng phù hợp. Tỉ lệ này cao hơn mức 37% của năm 2008 và 35% của năm 2005.
Trong đó, các công ty công nghệ đặc biệt gặp khó khăn bởi đang tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn các ngành nghề khác. EC ước tính đến năm 2015, sẽ có khoảng 900.000 việc làm trong ngành công nghệ và thông tin ở EU bị bỏ trống. "Đây là một thách thức đáng kể đối với tính cạnh tranh của châu Âu nói riêng và toàn bộ nền kinh tế khu vực nói chung" - EC nhấn mạnh. Hiện chính phủ và công ty các nước châu Âu đang tăng cường nỗ lực tái đào tạo lực lượng lao động thất nghiệp cho các ngành liên quan đến công nghệ.
Các chính phủ cũng mở rộng chiến dịch thu hút sinh viên đại học tập trung vào các ngành như toán học, cơ khí, khoa học...
Hiếu Trung
(theo báo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|