(Post 24/02/2014) Trong bối cảnh câu chuyện về Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông và những ồn ào của giới truyền thông vẫn chưa lắng xuống, The Atlantic, một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, đã lùi lại và đưa ra một cái nhìn mang tính toàn cảnh hơn, rằng liệu Việt Nam có thể tạo nên một thung lũng Silicon thứ hai hay không.
"Để tôi giải thích qua về cơ chế hoạt động của một công ty mới thành lập (start-up)", bà Csaba Bundik, Giám đốc điều hành Ủy ban Thương mại châu ÂU ECOC tại Việt Nam mở đầu. "Bạn bắt đầu với một ý tưởng. Nhưng bạn cần phải cho thấy đó không chỉ là một ý tưởng hay - nó còn phải là một công việc kinh doanh có thể ra tiền!".
Nữ phóng viên Elisabeth Rosen của The Atlantic đã đến Indochina Plaza, một trung tâm thương mại mới tại Hà Nội vào buổi sáng thứ Bảy để tham dự Triển lãm Startup đầu tiên của Việt Nam. Căn phòng chật ních những doanh nhân trẻ, khao khát kết nối với các nhà đầu tư. Người phụ nữ ngồi kế bên Rosen xách theo một cặp tài liệu dày với kế hoạch kinh doanh của mình. Cô nhìn sang cuốn sổ ghi chép của người "hàng xóm" với ánh mắt tò mò. "Ý tưởng của chị là gì?".
Khi nói đến đột phá công nghệ, từ lâu Thung lũng Silicon vẫn được coi là mô hình thống trị cho phần còn lại của thế giới học theo. Nhưng khi mà tốc độ sáng tạo của người Mỹ có phần chậm lại, châu Á lại tăng tốc mạnh mẽ. Sau Trung Quốc, Nhật Bản và một số "con hổ châu Á" khác, gần đây Việt Nam đã triển khai một dự án Thung lũng Silicon đầy tham vọng: một kế hoạch toàn diện để biến đổi quốc gia này từ chỗ chuyên gia công linh kiện điện tử cho nước ngoài trở thành một gương mặt "có vai có vế" trong nền kinh tế số. Được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ, dự án này đặt mục tiêu lập ra những công ty công nghệ có khả năng cạnh tranh tầm quốc tế và biến một trong những thành phố lớn - Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng - thành một trung tâm công nghệ khổng lồ.
"Mục tiêu lớn là có những startup công nghệ có thể phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ", Han Linh, điều phối viên của dự án cho biết. "Nhưng nhanh nhất thì cũng mất 7-8 năm nữa".
Flappy Bird, tựa game đang gây xôn xao toàn thế giới và do một lập trình viên độc lập người Hà Nội là Nguyễn Hà Đông viết ra, là minh chứng hùng hồn cho tiềm năng chưa được khai phá của các startup công nghệ Việt Nam cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt. Đông đã quyết định gỡ bỏ sản phẩm của mình khỏi quầy ứng dụng với lời giải thích rằng chúng quá "gây nghiện". Nhưng những nhà phát triển phần mềm khác lại coi thành công của Đông là một dấu hiệu khích lệ - đồng thời là một bài học quý giá.
"Giới phát triển Việt cảm thấy được động viên, rằng họ vẫn có thể tạo ra những sản phẩm tốt chỉ với một lập trình viên duy nhất cùng một thiết kế không thể đơn giản hơn", Quan Dinh, người sáng lập Digi-GPS chia sẻ. "Câu chuyện của Đông cũng dạy cho các doanh nhân trẻ rằng họ cần phải chuẩn bị tốt về vấn đề bản quyền và thuế, cũng như cách truyền thông với báo giới khi sản phẩm gặt hái được thành công".
Với Việt Nam, nuôi dưỡng một môi trường để những sản phẩm độc lập như Flappy Bird có thể thành công, là hướng đi chiến lược logic để thoát khỏi vị thế gia công offshore cho những công ty nước ngoài như GE (đang sỏ hữu nhà máy sản xuất động cơ turbine gió 61 triệu USD ở Hải Phòng) hay Intel (đã đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy chip tại TP HCM). Chỉ có thúc đẩy cùng lúc sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao mới có thể giúp Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Mà như lời đề dẫn của dự án Thung lũng Silicon thì "đây chính là thời điểm Việt Nam cần gia nhập cuộc đua công nghệ. Những nước nào không thể thay đổi trong một thế giới dẫn dắt bởi công nghệ sẽ rơi vào vòng đói nghèo và tụt hậu tất yếu".
Các đối thủ của Việt Nam trong cuộc đua công nghệ này đã có sự khởi đầu khá sớm. Khi Linh bắt đầu xây dựng dự án này cách đây 2 năm, "chính phủ còn chưa thực sự hiểu đầu tư mạo hiểm (VC) là gì", anh nhớ lại. Nhưng dưới sức ép của việc phải hiện đại hóa nền kinh tế, Chính phủ đã tiến hành một loạt cải cách, bao gồm cả việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần lớn hơn ở ngân hàng nội và cổ phần hóa các Tập đoàn - tổng công ty Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 6 năm 2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định "khuyến khích khu vực tư nhân hợp tác cùng các doanh nghiệp/tổ chức có vốn nhà nước để lập ra các quỹ VC mới".
Dự án Thung lũng Silicon có cách tiếp cận mang tính "tuần tự" nhằm thiết lập một hệ sinh thái startup - đó có thể là những chương trình hỗ trợ doanh nhân phát triển ý tưởng, cũng có thể là xây dựng một quỹ hỗ trợ kinh doanh dạng như Y Combinator của Mỹ (thành lập từ năm 2005, Y Combinator là một quỹ liên doanh tập trung vào việc đầu tư cho các công ty khởi nghiệp. Đây được coi là cha đỡ đầu cho các công ty mới thành lập khi là nơi cung cấp tài chính, đem đến những ý tưởng, những mô hình kinh doanh cũng như các cơ hội làm ăn cho họ).
Theo lời Linh thì ngay cả tại Mỹ, ý tưởng về Y Combinator cũng còn rất mới. "Chúng tôi không tụt xa lắm đâu", anh nói. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã rót 3 triệu USD cho dự án, đồng thời hứa cấp 50 triệu USD mỗi năm cho "việc ứng dụng công nghệ thông qua start-ups" và 100 triệu USD để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông qua một dự án hợp tác cùng Ngân hàng Thế giới.
Starthub.vn, một trong những website nhận được vốn từ dự án Thung lũng Silicon, tự miêu tả về mình là "trái tim của hệ sinh thái start-up Việt Nam". Cơ sở dữ liệu của trang này có chứa thông tin về hàng trăm startup công nghệ, từ Tiki.vn (một công ty học theo Amazon) cho đến Foody.vn (lấy cảm hứng từ Yelp). Nhà sáng lập Đỗ Anh Minh dự đoán sẽ có ít nhất 1000 công ty nội xuất hiện trên cổng Starthub.vn vào giữa năm nay. "Việt Nam đã có được thành công bước đầu với startup. Chúng tôi coi như đang ở thế hệ thứ ba rồi", anh chia sẻ.
Tất nhiên, không phải chỉ Việt Nam mới quan tâm tới startup. Nhưng theo lời Minh thì Việt Nam có "nhiều tham vọng hơn những quốc gia láng giềng". Thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay lớn lên trong thập niên 80 và 90, thời kỳ mà Việt Nam chuyển mình từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Lần đầu tiên, người dân được phép sở hữu doanh nghiệp của riêng mình và họ đã khai thác triệt để những lợi ích mà sự tự do kinh tế đó mang lại. Bài học đó cũng được con cái của họ thấm nhuần.
"Hầu hết thanh niên Việt Nam đều muốn kinh doanh", Chris Zobrist, một doanh nhân Mỹ - nhà sáng lập Trung tâm START kiêm cố vấn dự án Thung lũng Silicon nhận xét. "Bố mẹ của họ lập công ty riêng, làm ăn rất tốt nên vô hình chung, họ cũng có ấn tượng trong đầu là kinh doanh là con đường thực sự dẫn tới thành công".
Bên cạnh đó, giới trẻ Việt còn không ngần ngại học hỏi từ Mỹ, nơi rất nhiều doanh nhân trẻ trở nên giàu có chỉ nhờ ý tưởng. Sự năng động này tương phản sâu sắc với không khí chung tại Trung Quốc, nơi sinh viên tốt nghiệp đại học ra có xu hướng sợ rủi ro, chỉ chăm chăm kiếm việc ở các doanh nghiệp nhà nước thay vì tự mình kinh doanh. Và cũng khác với làn sóng startup mới tại Ấn Độ, nơi có rất nhiều công ty là do người Mỹ lập ra, sự bùng nổ công ty tư nhân tại Việt Nam được dẫn dắt bởi chính thanh niên bản địa. Tại triển lãm Startup mà tác giả đề cập ở đầu bài, rất nhiều diễn giả là người nước ngoài nhưng tuyệt không có một người Tây nào bên dưới cử tọa. Những website tin tức như Action.vn hay TechDaily.vn cũng đưa tin về startup hoàn toàn bằng tiếng Việt - không hề có bản dịch tiếng Anh nào.
"Nhiều người Mỹ vẫn nghĩ về Việt Nam như những ruộng lúa. Nhưng hệ sinh thái startup ở đây đang rất sôi nổi và sống động. Đất nước này có tiềm năng trở thành một nền kinh tế trí thức", Aaron Everhart, một trong những nhà sáng lập ra Hatch, đơn vị tổ chức triển lãm nhấn mạnh.
"Sức mạnh của một nền kinh tế nằm ở những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ (SME). Nhưng ở Việt Nam, SME lại thiếu quy mô và sự ổn định. Mọi người có ý tưởng, nhưng họ không biết cách làm sao để duy trì hoạt động kinh doanh. Do đó, chúng tôi cho rằng cần có một tổ chức đứng ra để hỗ trợ họ, giúp đỡ họ", Everhart lý giải về sự ra đời của Hatch.
Dan Schupp, một cựu nhân viên IBM tại Mỹ và Trung Quốc trước khi chuyển đến TP Hồ Chí Minh để lập ra công ty Free Range Technology đồng tình rằng sự hứng thú dành cho kinh doanh tại Việt Nam "ít nhất thì cũng mạnh ngang ngửa Mỹ", nhưng so với người láng giềng khổng lồ phương Bắc là Trung Quốc thì Việt Nam có một bất lợi lớn. "Việt Nam là một quốc gia nhỏ muốn vươn ra sân chơi rộng lớn nên mọi người có xu hướng nhìn ra thế giới nhiều hơn Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là dòng tiền đầu tư tại đây không thể so với Trung Quốc được", Schupp phân tích.
Hơn nữa, mặc dù thanh niên Việt có thể có cả động lực kinh doanh lẫn kỹ năng công nghệ (học sinh cấp III Việt Nam có điểm số cao hơn học sinh phổ thông Mỹ về toán và khoa học), nhưng các start-up vẫn rất khó trụ được lâu dài nếu như không tuyển được những chuyên gia giàu kinh nghiệm.
"Nhân tài sẽ là một thách thức cực kỳ lớn. Ở Thung lũng Silicon, bạn có thể tìm thấy rất nhiều "chiến binh kỳ cựu", những người đã sáng lập thành công nhiều công ty. Nhưng ở đây, bạn không tìm thấy được chiều sâu kinh nghiệm đó", ông Jonah Levey, doanh nhân Mỹ sáng lập ra mạng tuyển dụng Vietnam Works chia sẻ.
Trọng Cầm
(theo VietNamNet)
Tin liên quan:
|