(Post 13/05/2014) Với tỉ lệ chỉ 4% sáng chế đến từ các trường ĐH từ năm 1995 - 2012 (Báo cáo thường niên Cục SHTT), mảng nghiên cứu và phát triển của khối giáo dục bậc cao này bị đánh giá là yếu kém, ngay cả khi so với Philippines, nước có trình độ phát triển tương đương Việt Nam...
Ảnh : Công tác nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH gặp nhiều khó khăn do vấn đề ngân sách |
|
"Rào cản" cơ chế, ngân sách
Trong chỉ số thành tựu quốc tế (Technology Achievment Index), yếu tố "Sáng tạo ra công nghệ" được xếp hạng đầu tiên, đo bằng số bằng phát minh sáng chế cấp cho dân định cư tính trên đầu người, số thu phí quyền sở hữu trí tuệ và phí bản quyền của nước ngoài trên đầu người. Nếu nhìn từ chỉ số này, Việt Nam đang có sự thụt lùi nhanh chóng với các quốc gia trong khu vực.
Ở giai đoạn 2006 - 2010, theo thống kê của Bộ KH-CN, Việt Nam (khoảng 84 – 89 triệu dân) chỉ có 5 bằng sáng chế quốc tế, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế. Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines thì có đến 27 sáng chế.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ở nước nào cũng vậy, ĐH là nơi đào tạo các nhà khoa học và là nơi đóng góp phần lớn phát minh, sáng chế. Số lượng phát minh, sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở GDĐH nước ta và của nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra.
Tuy số lượng bằng sáng chế đạt thấp, nhưng theo công bố của Bộ GD&ĐT, dự toán ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học sẽ giảm 30% so với năm 2013. Điều này càng làm khó khăn thêm cho các trường ĐH, vốn trước đó đã eo hẹp về tài chính.
Thực tế, trong vòng 02 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm số bằng sáng chế được cấp bởi Cục SHTT cho các trường đại học trên toàn quốc là 05 bằng sáng chế, một con số khiêm tốn so với tiềm lực cũng như yêu cầu hội nhập về khoa học công nghệ.
Cơ chế duyệt đề tài và cấp kinh phí rắc rối cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH còn hết sức hạn chế. Theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, cơ chế duyệt đề tài "do những người không bao giờ làm khoa học vẽ ra, góp phần đáng kể làm cho nhiều người trong giới khoa học thỏa hiệp và nhụt chí".
Thúc đẩy mô hình hợp tác ĐH – Doanh nghiệp
Mô hình hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm khá phổ biến ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam còn manh mún và kém hiệu quả. Một phần nguyên nhân bởi trình độ nghiên cứu khoa của các trường vẫn thấp so với đòi hòi thực tế, chưa tích cực cập nhật thông tin quốc tế. Thêm vào đó, vấn đề cơ chế chính sách phức tạp cũng làm không ít doanh nghiệp "nản lòng" với chuyện hợp tác.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp nằm ở cách thức xây dựng lòng tin từ cả hai phía: doanh nghiệp tin tưởng vào năng lực của nhà khoa học và nhà khoa học không phụ lòng tin đó.
Nếu hợp tác thành công, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Cụ thể, trường ĐH sẽ có đủ ngân sách và các "bài toán" từ thực tiễn để nghiên cứu giải quyết. Qua đó hạn chế bớt những nghiên cứu thuộc diện không dùng được hoặc chưa biết ứng dụng vào đâu. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nhờ các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo độc quyền.
Câu chuyện của Viettel hợp tác với Viện CNTT - ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện dự án phát triển bộ phông (font) và bộ gõ tiếng Khmer trên điện thoại di động nhằm hỗ trợ cộng đồng người dân Campuchia nhắn tin SMS từ năm 2012 là một ví dụ điển hình.
Trước đó, Viettel chưa thể đạt nhiều doanh thu SMS tại Campuchia vì người dân Campuchia vẫn buộc phải sử dụng tiếng Anh khi nhắn tin SMS. Dự án phát triển bộ gõ và font tiếng Khmer hoàn thành đã đẩy nhanh việc kinh doanh SMS của Viettel tại đất nước Chùa Tháp.
Gần đây nhất, Viện Nghiên cứu công nghệ trường ĐH FPT (thuộc tập đoàn FPT) đã đón nhận bằng sáng chế đầu tiên mang tên "Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn". Đây là một trong số 25 sáng chế được viện nghiên cứu nộp lên Cục SHTT.
Theo ông Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ trường ĐH FPT, viện được thừa hưởng tính ứng dụng thực tiễn của doanh nghiệp (tập đoàn FPT) và nguồn lực nghiên cứu tới từ sinh viên (ĐH FPT).
Dự kiến trong năm 2014, Viện nghiên cứu công nghệ của Trường ĐH FPT sẽ tiếp tục nộp thêm 18 sáng chế, cũng như trông đợi tiếp tục có thêm sáng chế được chính thức cấp bằng SHTT.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc.
(theo báo Tiền Phong)
Tin liên quan:
|