(Post 16/06/2014) Đó là một trong những chia sẻ của Trưởng đại diện Văn phòng tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Atsusuke Kawada về xu hướng đầu tư của Nhật Bản trong năm 2014 và những năm tới.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Atsusuke Kawada |
|
PV: Năm qua, số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng và là năm thứ 3 tăng liên tiếp. Ông có thể cho biết xu hướng đầu tư chính của số vốn trên?
Ông Atsusuke Kawada: Nếu tính theo số vốn đầu tư thì doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn mặc dù năm 2013, số lượng có giảm nhiều so với trước.
Trong khi về số lượng dự án thì tỷ lệ doanh nghiệp IT, tư vấn…trong tổng số các doanh nghiệp đầu tư mới đều tăng hàng năm.
Cụ thể, năm 2011, doanh nghiệp IT chỉ chiếm 10% trong tổng số lượng dự án tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Nhật Bản thì 2012 tăng lên 11%, 2013 tăng lên 12%.
PV: Từ 2010 đến nay, số lượng vốn đăng ký mở rộng của các dự án có sẵn liên tục tăng và đặc biệt trong năm 2013 số vốn đăng ký mở rộng các dự án tăng đột biến gần 4 lần, ông giải thích như thế nào về điều này?
Ông Atsusuke Kawada: Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả các văn phòng đại diện và có thể nói đến nay hoạt động đầu tư cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp này đã đi vào quỹ đạo phát triển của nó.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp này rất mong muốn được mở rộng hoạt động của mình ở Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ nét trong năm 2013 khi mà số lượng các dự án mở rộng có sự gia tăng đột biến.
Hiện xu hướng của các doanh nghiệp Nhật Bản là mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh thứ 2 hay thứ 3 của họ tại Việt Nam và tập trung mở rộng sang các khu vực, địa phương khác nữa, không chỉ tập trung vào những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.
PV: Vậy theo ông, xu hướng đầu tư chính của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam trong năm 2014 và những năm tới sẽ như thế nào?
Ông Atsusuke Kawada: Đầu năm nay khi đồng yên có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp Nhật có xu hướng đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn và nhất là khi Việt Nam đang là thị trường đang được quan tâm.
Nhưng kim ngạch của các dự án đầu tư vào Việt Nam sẽ ít dự án lớn, chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ và tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT).
Tuy nhiên, liệu con số kim ngạch có vượt năm trước hay không thì để có câu trả lời chính xác là khó, do còn phụ thuộc vào những rủi ro khác như…
Nhưng với những động thái của năm ngoái thì chúng tôi kỳ vọng sự đầu tư này sẽ gia tăng.
PV: Ông đang nói về lĩnh vực IT, liệu đây có phải là hiệu ứng của "Flappy Bird"?
Ông Atsusuke Kawada: Về lĩnh vực phần mềm và cụ thể là game, chúng tôi biết Việt Nam có những tiến bộ và bước phát triển nhất định trong lĩnh vực này.
Nếu nhu cầu trong nước được mở rộng và có các kỹ sư giỏi thì có khả năng mở rộng xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào lĩnh vực phát triển phần mềm ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng lên.
PV: Dựa trên cơ sở thu chi quốc tế, năm qua đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc, Thái Lan giảm nhưng đầu tư vào Việt Nam lại tăng. Điều đó cho thấy Việt Nam có vị trí và vai trò như thế nào trong đầu tư của doanh nghiệp Nhật ở Châu Á và Châu Đại Dương?
Ông Atsusuke Kawada: Liên quan đến vị trí, vai trò của Việt Nam trong đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật tại khu vực châu Á và châu Đại Dương thì có thể nói rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản thật sự họ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại đây.
Chẳng hạn, tổ chức JETRO chúng tôi có một trang website cung cấp thông tin về các quốc gia trên thế giới để cho các doanh nghiệp Nhật Bản có thể nắm được thông tin về môi trường đầu tư.
Theo thống kê của chúng tôi, số lượng truy cập về Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và có lẽ ngang bằng với tỷ lệ truy cập liên quan đến Thái Lan.
Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam đang là một trong những nước được rất nhiều doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm và cũng được coi như là một thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản
Ngoài ra nữa, ở các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chúng tôi đều thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN.
Trong đó, theo thống kê, tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật đăng ký làm hội viên của các hiệp hội doanh nghiệp ở các quốc gia ASEAN này thì ở Việt Nam đứng thứ 2 sau Thái Lan.
Điều này cho thấy có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư và tìm kiếm bạn hàng, đối tác tại thị trường Việt Nam.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN và Việt Nam?
Ông Atsusuke Kawada: Xu hướng này liên quan đến sự chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.
Trước đây chúng ta thường nói về "China+1" để chỉ chiến lược chuyển dịch đầu tư nhằm tránh rủi ro như chính sách, chi phí sản xuất cao, giá nhân công..., tránh đầu tư tập trung vào chỉ một nơi.
Song phần lớn sự chuyển dịch này không phải là chuyển dịch toàn bộ mà là chuyển dịch một phần để phân tán rủi ro.
Trước đây, xu hướng chuyển dịch chủ yếu là chuyển dịch các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhưng hiện nay xu hướng chuyển dịch là sang các lĩnh vực sản xuất tạo ra giá trị thặng dư cao.
Minh Hằng
(theo BizLive/Diễn đàn đầu tư)
Tin liên quan:
|