(Post 22/07/2014) Phải mất ba năm liền tôi mới có thể vượt qua kỳ thi đại học và ngồi trên giảng đường mơ ước. Tôi hân hoan trong niềm vui ngày nhận giấy báo nhập học, nghĩ rằng tương lai mình đang rất rộng mở ở phía trước...
Có lẽ đại học là đích đến cuối cùng nên luôn có những sinh viên giống như tôi: đi học muộn, trốn học, thi lại nhiều môn, thậm chí có cả những môn phải học lại và coi đó là những chuyện "rất bình thường", "rất sinh viên". Tôi ung dung nghĩ đến ngày ra trường đã có những người quen trong gia đình có chức có quyền giúp đỡ xin việc làm. Tuy không nói ra nhưng tôi luôn mặc định tấm bằng đại học của trường mình đang theo học rất có giá trị, hơn hẳn những người đang theo học liên thông, tại chức, văn bằng 2.
Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như tôi từng nghĩ. Gần đến ngày tốt nghiệp, ba mẹ tôi bắt đầu cố gắng lục tìm mọi mối quan hệ, chuẩn bị tiền "chạy việc" cho tôi. Nhưng rất nhiều trong số những người quen có địa vị, họ lần lượt trả lời với bố mẹ tôi rằng: "Năm nay cắt giảm biên chế nhà nước, muốn có việc phải chờ đợi rất lâu", hoặc "đợt thi tuyển viên chức này không tuyển nữ", hoặc yêu cầu "phải có hộ khẩu ở thành phố"... Hơn một năm loay hoay chỉ biết ở nhà chờ việc, tôi nhận về rất nhiều lời chỉ trích từ gia đình, bạn bè và cuối cùng tôi quyết định "tự thân vận động".
Tôi xin vào làm việc ở hai công ty tư nhân trong thành phố. Công việc đầu tiên đúng ngành nghề được học nhưng làm chưa hết thời gian thử việc thì họ cho tôi nghỉ vì "em thiếu kiến thức cơ bản rất nhiều". Công ty thứ hai cho tôi làm được ba tuần rồi nói thẳng: "Bạn học đại học, lại là trường A mà không bằng người học trung cấp...".
Gần đây nhất, một người bác trong gia đình tôi mở công ty riêng, tôi được bác nhận vào làm việc vị trí nhân viên hành chính. Nhưng rồi tôi không thạo tiếng Anh, đánh máy vi tính chậm, không nhớ gì về Excel... Và với "năng lực" như vậy, dẫu có thân quen đến mấy bác cũng không thể cho tôi làm công việc hành chính - một công việc tưởng chừng rất đơn giản và nhẹ nhàng.
Gần hai năm thất nghiệp, giờ đây tôi mới kịp nhận ra lý do phần lớn sinh viên mới ra trường thất nghiệp không phải tại nhà trường, tại số lượng sinh viên quá lớn hay tại khủng hoảng kinh tế... mà cốt yếu là do bản thân chưa thật sự cố gắng trong quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm làm việc, thiếu đam mê với nghề nghiệp mà tôi là một ví dụ.
Phi Thủy
(theo báo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|