(Post- ngày 1/9/2005) Chương 2: Demo Xu hướng demo là xu hướng dominate trong các sản phẩm phần mềm của Việt nam. Người demo công nghệ, kẻ demo thuật toán, có công ty thì chỉ đơn giản là demo người. FPT cũng không tránh khỏi trào lưu đó. Tổ sư của các sản phẩm demo (ngày nay người ta còn hay gọi là presentation & presenter) là anh Đỗ Cao Bảo tức BảoDC@fpt ngày nay. Vào năm 1989, các loại chương trình như PowerPoint, ScreenCam còn chưa tồn tại. Tuy nhiên IBM có một chương trình tương tự rất độc đáo, gọi là StoryBoard. Chương trình này có nhiều điểm hay mà cho đến nay các chương trình tiên tiến kể trên vẫn không có, tỉ dụ như khả năng định nghĩa một màn hình ảo trong một phần bất kỳ của màn hình máy tính, và cho các chữ, hình chỉ thể hiện trong đó. Anh Bảo là người đầu tiên thiết kế bộ chữ tiếng Việt cho StoryBoard. Các màn trình diễn độc đáo do anh Bảo thiết kế lúc đó thường là quả đấm thép của Công ty trong việc đi ký các hợp đồng. Hơn thế nữa chúng còn được dùng cho các mục đích khoa học và ngoại giao. Thông thường là màn hình được mở ra với hai bàn tay đang nắm chặt và dòng chữ chạy: "Hoan hô đồng chí ...". Trong các đồng chí được hoan hô phải kể đến các Ông Đồng Sĩ Nguyên, bộ trưởng GTVT, Ông Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện công nghệ, Giáo sư thủy lực Obermayer của Viện Max Plank-Đức, Ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc THVN,... nhiều khôn xiết. Tiếp theo là từng đoàn ô tô, máy tính và các kiểu chữ uốn lượn, cụp xòe miêu tả các hoạt động của FPT liên quan đến vụ việc. Kết thúc thường là một cành đào, hoặc một bức tranh phong cảnh. Tôi còn nhớ lúc đầu, khi chưa làm được bộ font tiếng Việt, anh Bảo đã bỏ công ra viết hẳn 1 chương trình tương tự như StoryBoard. Không hiểu có bạn trẻ nào bây giờ có ý tưởng viết lại PowerPoint chỉ vì nó chạy chậm quá không?! Chương trình demo nổi tiếng thứ hai của FPT mà anh Bảo lại là nhân vật chính là chương trình "Đèn đường". Số là hồi đó (1989) AIC có một chương trình rất nổi tiếng gọi là CAMAP. Khi chạy, bản đồ năm châu bốn biển hiện lên và trôi dạt theo điệu nhạc rất du dương. Khi kích chuột vào các vị trí trên bản đồ ta có thể thu nhận được những thông tin về khu vực đó. Phải nói rằng AIC vào quãng năm 1989-1992 là một Công ty rất tập trung vào công nghệ phần mềm, đặc biệt là đồ họa và cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Họ còn được mời sang tận Pari để thực hiện một hợp đồng cho kinh thành ánh sáng. Tôi thỉnh thoảng cũng mò sang chỗ họ chơi và rất lấy làm khâm phục khi thấy anh Phạm Tiến Dũng có trong tay đến hơn 20 cô thiếu nữ xinh đẹp ngày đêm di digitize, vào số liệu bản đồ thành phố Pari. Không hiểu vì sao về sau không còn thấy nhắc đến AIC nữa. FPT, cụ thể là anh Bảo, cũng không phải là tay vừa. Vừa may, lúc đó có Mr. Nguyễn Viết Tuyển giám đốc Xí nghiệp đèn đường Hà nội đến để đặt vấn đề làm chương trình quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng của Hà nội. Lúc đó FPT chẳng có ai thành thạo về Fox cả, nên chỉ có một ý tưởng là làm kiểu GIS. Ban chuẩn bị đề án được cấp tốc thành lập gồm có anh Công chủ trì, anh Bảo lo phần vẽ và xử lý bản đồ, tôi lo phần quản trị và thể hiện các đèn sáng-tối, anh Ngọc lo phần âm nhạc. Chương trình được hoàn thành trong hai tuần, mở đầu bằng cảnh bản đồ Hà nội trôi trong tiếng nhạc "Trùng trùng quân đi như sóng ...". Tiếp đến là sơ đồ nối các bốt đèn gọi là mạch vòng, các đường phố,... Tóm lại rất ấn tượng. Tiếc rằng khi đến trình bày cho Xí nghiệp, anh Công lại chỉ ra quá rõ sự yếu kém về chuẩn bị của đội bạn, do đó đội bạn sợ chạy mất. Giả sử lúc đó chúng tôi có đôi chút kinh nghiệm về thương mại hay láu cá hơn một chút thì có lẽ sự phát triển phần mềm của FPT đã đổi sang hướng khác và biết đâu ngày hôm nay nước Việt nam đã có một Bill Gates ?! Tuy nhiên chương trình "Đèn đường" - 4D thực sự đã có một tác dụng demo tích cực và được chạy đi chạy lại hàng trăm lần cho các quan khách khắp nơi xem. Cũng có thể coi 4D là sản phẩm Multimedia đầu tiên của FPT. Mr. Nguyễn Viết Tuyển quả là người có tầm nhìn xa trông rộng. Tất cả những kiến thức sơ đẳng về GIS mà chúng tôi học được hồi đấy giờ đây vẫn tỏ ra còn có tác dụng. Tiện đây cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới anh cùng gia quyến. Nếu tôi không nhầm, chương trình vẫn còn được lưu trữ trong server FPT_SS. Thiết tưởng các nhóm GIS và Multimedia khắp nơi của FPT cũng nên ngó qua tí chút cho các bậc đàn anh được mát lòng thỏa dạ. Tiêu biểu cho trường phái lập trình lãng mạn của FPT là chương trình "Flight Simulation" - "Mô phỏng bay". Cuối năm 1992, anh Tô Dũng, PTS Hàng không Kiev về, đã tìm đến Thành Nam đặt vấn đề: "Xí nghiệp sửa chữa máy bay A76 quyết định trình lên chính phủ duyệt đề án xây dựng cabin tập lái máy bay TU134, do đó A76 muốn tìm các cộng sự mạnh về tin học, toán và điều khiển". Không một chút do dự, FPT nhận lời ngay. Cùng tham gia dự án còn có các nhóm chế tạo đầu đo của Viện Vật lý, nghiên cứu tên lửa của Không quân, AIC. Bài toán khá phức tạp, đòi hỏi phải thể hiện được sự thay đổi của không gian 3 chiều xung quanh người lái dựa trên các tham số đầu vào đo được như độ cao, tốc độ, hướng gió, hướng bay, vị trí bay,.... dự tính sẽ chi 400.000 USD, một con số khổng lồ đối với thời bấy giờ và có lẽ đối với mọi thời đại. Để được tham gia chính thức vào đề án, FPT phải làm một chương trình demo và dự án. Nam, Bảo, Hữu được giao lo chuẩn bị. Dự án có 3 phần, anh Hữu viết về các phương trình khí động học, anh Bảo viết về việc thể hiện những cảnh 3 chiều. Nam lo phần thiết kế mạng và các máy tính. Đối với tôi, đó quả là một nhiệm vụ hết sức nặng nề bởi vì chúng tôi hiểu rằng phải đưa các trạm làm việc (WorkStation) đồ họa vào mạng, mà tại thời điểm đó lại không có một tí thông tin nào về chúng cả. Nghe người ta mách, tôi mò lên Trung tâm Thông tin Khoa học của UBKHKT (ngay đối diện với FPT 25 Lý Thường Kiệt cũ). ở đấy quả là có một lô các đĩa CD với đầy đủ thông tin về máy tính. Sau một hồi tán phét, anh Nguyễn Khắc Sơn, giám đốc Trung tâm đã cho tôi ngồi để chọn ra tất cả các thông tin có chữ "WorkStation". Nhờ thế trong bản dự án lúc đó, FPT mới có thể chào được cả máy SunSpac và RS/6000. Nói thêm đôi chút về anh Sơn. Anh luôn băn khoăn tìm cách sử dụng kho thông tin vô giá trong tay. Vừa có lợi cho xã hội, tập thể và bản thân. Vậy mà không được. Lúc đó anh nổi tiếng hơn về cung cấp các bộ font tiếng Việt cho Ventura, PageMaker. Theo như anh khẳng định, đa số các loại fonts tiếng Việt khác đều có nguồn gốc từ anh. Sau đó tôi được biết Sở Khoa học & Công nghệ & Môi trường Tp HCM chổ anh Nguyễn Trọng đã triệt để thương mại hóa được nguồn thông tin tương tự. Lại nói về phần demo của chương trình, theo thiết kế chung sẽ có 2 modules chạy trên hai máy khác nhau. Một để tính toán ra các thông số về tốc độ và độ cao dựa trên các phương trình khí động học lúc máy bay cất cánh. Các thông số tính được sẽ được truyền qua cổng COM sang máy thứ hai chạy chương trình mô phỏng visual cảnh máy bay cất cánh. Chương trình tính toán do anh Lê Quốc Hữu chịu trách nhiệm, vì phải tính toán nhiều nên được ưu tiên chạy trên chiếc máy 486 duy nhất lúc đó: NipponTech. (Máy này hiện vẫn còn trong danh sách tài sản cố định của FPT. Xuất xứ của nó khá buồn cười: hồi đó FPT muốn kinh doanh máy ĐNA, tìm được một hãng cung cấp cực củ chuối, thậm chí còn đồng ý cho mình đặt mark máy luôn, nhãn hiệu NipponTech là do Trung Hà đưa ra làm người ta dễ nghĩ rằng đây là một loại máy cao cấp do Nhật sản xuất). Chương trình truyền/hứng dữ liệu qua cổng COM do Phan Minh Tâm viết. Chương trình máy bay cất cánh do Đỗ Cao Bảo viết cũng thấy đường băng chạy giật lùi và máy bay ngóc đầu lên trời mây. Kỳ lạ thay là cả hệ thống phức tạp như vậy đã hoạt động. Hôm bảo vệ đề án, quân ta đã dùng máy chiếu chiếu lên tường toàn bộ cảnh tính toán và máy bay cất cánh, rất gây ấn tượng. Tiếc rằng sau đó đề án không được lãnh đạo Hàng không phê duyệt. Chẳng hiểu tại sao, có lẽ tại Việt nam đang muốn vứt TU134 đi. Giá dụ như mà chúng tôi mạnh dạn theo phương hướng đổi mới của Đảng và nhà nước mà đặt béng tên đề án là "Buồng lái Boeing 767", thì không khéo đã được chấp nhận. Lễ hội 1993 Năm 1993 là năm quan trọng với tôi, cũng là năm FPT kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy rằng đó là một năm thành công nhất với FPT cả về kinh doanh, công nghệ, văn hóa cũng như STiCo. Sở dĩ quan trọng đối với tôi vì năm đó tôi được đi nước ngoài. Tôi được cử đi Hong Kong học về PB (Platform for Banking) của Olivetti. Đây là lần đầu tiên FPT cử một cán bộ kỹ thuật đi học không nhằm mục đích kinh doanh trực tiếp gì cả. Có thể coi đó như một cam kết của công ty với công nghệ. Mặc dù trước đó đã học hơn 8 năm ở Nga, và cũng đã đi khá nhiều nước như Bun, Ru, Tiệp, Hung, Đức song Hong Kong là nước tư bản đầu tiên mà tôi đặt chân đến. Theo dự định có 2 người đi là tôi và Hùng xoăn. Tuy nhiên khi đội bạn gửi chương trình sang thì thấy toàn học phần mềm nên Hùng xoăn phải ở lại. Hình như lúc đó anh cũng hơi buồn. 20 ngày ở HongKong một mình thật là đáng nhớ. Bài học đầu tiên mà tôi rút ra được là mọi thứ cũng không đến nỗi đắt như mình nghĩ. Sau khi đi xe buýt đến tận khách sạn, phát hiện ra khách sạn quá sang (sau khi xài thử video đen) tôi vội vàng gọi điện nhờ anh Thăng hiện là giám đốc Đồng Nam tìm cho chỗ ở khác rẻ hơn. Hiếm thấy anh Việt kiều nào nhiệt tình như anh Thăng. Mặc dù trước đó không hề quen biết tôi và hết sức bận bịu, anh đã tận tình giúp tôi trong việc ổn định chỗ ăn ở. Anh có mời tôi đến nhà chơi, lấy thuyền đưa tôi đi thăm cảnh chèo thuyền truyền thống ở Discovery Bay . Bây giờ anh vẫn là người bạn tốt của FPT. Học trên lớp được 3 ngày, tôi đã cảm thấy chán. Mặc dù PB là một môi trường rất hấp dẫn và hứa hẹn, nhưng cách dạy của Tây rất chậm. Tốt hơn hết là copy hết tài liệu mang về mò sau. Sau một tuần tôi quyết định không tham gia tiếp khóa sau mà nhờ Angelo Canepa (hiện là giám đốc Olivetti Việt nam) giới thiệu cho cấu trúc và các bộ phận của Olivetti Hong Kong. Sau đó tôi tìm cách đi đến các Công ty như Microsoft, Novell, Sun,... những tên tuổi lẫy lừng của công nghệ thông tin thế giới mà lúc đó ở Việt nam vẫn chưa có dấu vết. Đến Hong Kong, tất nhiên không thể không đến Golden Center, trung tâm mua bán các thiết bị vi tính và phần mềm sao lậu. Bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác như mình lạc vào thiên đường vậy, thấy cái gì cũng quý. Chỉ nhớ lúc về xách cho anh Đức bảo hành hai thùng đủ các loại cable, board và copy hàng trăm đĩa mềm khác nhau. Sau này tôi còn ghé lại Golden Centre nhiều lần nữa, nhưng chẳng bao giờ thu hoạch được như lần đầu. Sau hơn 1 tuần đấu tranh tư tưởng, tôi đã quyết định mua một bộ Multimedia đầy đủ của Creative: Sound Blaster và Video Blaster gồm đủ cả Video-in và Video-out, giá chính xác là 995 USD. Cũng được các xếp khuyến khích vì năm đó là năm kỷ niệm lần thứ Năm thành lập Công ty. BGĐ quyết định sẽ tổ chức đại lễ hội cực kỳ ầm ĩ. Để góp vui ISC và STC quyết định sẽ liên doanh để cống hiến một chương trình Super Multimedia đặc biệt. Nhóm Hùng xoăn và Đức béo được giao nhiệm vụ thiết kế một hệ thống tương tự như truyền hình cáp trong khuôn viên phòng họp lớn của Khu biệt thự Hồ Tây. Mục tiêu là để replicate lại chương trình trên nhiều màn hình. Sau một hồi thử nghiệm, thất bại chán chê, bọn chúng quyết định nhờ anh Võ Mai (lúc đó đang ở Singapore) mua 4 bộ Commandor là thiết bị Multidisplay có thể nhân hình ra nhiều màn hình. Tất cả các TV của cán bộ FPT ở khu Thủ lệ đều bị trưng dụng. Nội dung chương trình được giao cho tôi và anh Bảo. Lại một lần nữa anh Bảo thể hiện là một chuyên gia lập trình xuất sắc, bất kể ngôn ngữ nào. Hồi đó, trong bộ Video for Windows của Creative có một chương trình thương mại là Action, không hiểu thế nào hỏng béng đĩa setup, tìm mua cuống cả lên không thấy. Anh Bảo quyết định dùng một chương trình khác có tên là Tempra cũng đi kèm nhưng là miễn phí. Đó là một kiểu ngôn ngữ lập trình đơn giản (script) cho phép người dùng có thể điều khiển các objects multimedia như bài hát, âm thanh, ảnh và băng video. Phải thừa nhận là tuy có khó sử dụng nhưng Tempra rất giàu về tính năng và mềm dẻo. Và anh Bảo đã nhanh chóng thành thạo. Để có nguồn dữ liệu chế biến, anh Bảo xách máy quay video (của anh Bình) đi quay lung tung: khách hàng, công ty, các hoạt động STC. FPT cũng đã có sẵn một số băng. Chúng tôi cũng phát minh ra một phương án đưa các bức ảnh lịch sử vào máy tính mà không cần scaner màu: kê một cái bệ thật chắc cho camera (cho nó khỏi rung), dí ảnh cần lưu vào. Sau đó play băng đó trên máy tính và capture ảnh. Tuy có vất vả một chút nhưng vẫn đưa được hầu hết các cảnh lịch sử vào máy tính. Chẳng hạn như chiếc xe máy nổi tiếng của Hùng râu có cuộn dây trong hộp đèn pha. Chỉ có điều là những ảnh đó có palette màu đối lập với Windows nên khi show nó, những thứ xung quanh có màu không giống cũ nữa. Nguồn âm thanh rất đơn giản, về nhạc có bạn Hưng đỉnh, trong nhóm Hoa sữa vác Organ đến và ghi lại tất cả các bài hát truyền thống của STC. Về lời, Mr. Bảo ra sức luyện giọng để đọc lời bình, song câu "Vỗ tay..." với âm lượng kéo dài the thé có dáng dấp của một Công Công là thành tựu nhất. Lại còn thuê cả một hội vỗ tay rào rạt để chêm vào trong những chỗ quan trọng. Khẩu hiệu "Vỗ tay..." nổi tiếng của anh Bảo được phát kiến chính trong dịp này. Sau khi đã hoàn tất các phụ kiện, chúng tôi ngồi lắp ghép. Đầu tiên cũng định play ra màn hình và ghi hết vào một băng. Sau đó phát hiện ra rằng, ngay cả với cái đầu ghi hiện đại nhất của anh Ngọc, cũng không có cách nào ghép các băng lại thành một băng duy nhất mà không bị ngắt đoạn ở giữa. Đành quyết định ghép nối bằng tay tại sàn diễn. Anh Bảo lập tức dựng lên một menu để nhắc nhở tôi là người điều khiển khi nào phải ấn cái gì. Kịch bản được dàn dựng khá công phu, theo đó thì các cảnh video và nhạc nền sẽ thay đổi liên tục để khớp với bài phát biểu tổ hợp của anh Bình, Tiến, Ngọc, Trản Cuối cùng thì cũng đến ngày công diễn. Hội trường này trước đó chỉ dành cho các cuộc họp của TW Đảng. Thật là một cảnh ấn tượng. Các đại biểu (kể cả quân ta) được tiếp đón từ dưới thềm, hoa cài ngực. Mỗi bộ phận được phân một góc khoe khoang những thành tựu của mình. Góc Sotico đông như kiến cỏ vì là nơi trưng bày tờ báo ảnh nổi tiếng do Tú Huyền và Khánh hói làm tổng biên tập (hiện không hiểu tờ báo này lưu lạc ở đâu?) Tuy nhiên nếu bạn muốn xem đầy đủ thì có thể xem lại bức ảnh chụp lại trong Album của STC, còn nguyên bản đã bị chú Đào Vinh xóa mất bức ảnh gây ấn tượng nhất. Cả một hội trường rộng lớn bày la liệt các màn hình máy tính và TV thể hiện cảnh sông Đà hùng vĩ (đề án Thủy điện) trong tiếng nhạc "Đoàn FPT". Được một lúc thì có sự trục trặc, đúng lúc anh Bình đang hùng hồn cao giọng thì tôi lại ấn nhầm vào nút vỗ tay, tiếng vỗ tay trong máy được phóng to nghe cũng rất ấn tượng. Quan khách ngơ ngác, rồi cũng theo đà vỗ tay ầm ĩ. Luống cuống tôi lại bồi thêm nhạc bài "Công ty sáng tác". Từ đó trở đi ảnh, hình một nơi, nhạc một nơi, người phát biểu một nơi, không còn khớp với nhau như kịch bản nữa. Tuy nhiên sau đó mọi người đều có nhận xét: "như thế FPT hơn". Đó là câu nhận xét mà tôi rất tâm đắc và thường xuyên đem ra kiểm nghiệm mỗi khi có dịp. Toàn bộ hệ thống demo đó về sau còn được trưng bày tại trụ sở ISC ở 146 Nguyễn Thái Học, đặc biệt là được đem sử dụng trong dịp khai trương Ngân hàng Chinfon (lúc đó gọi là Cathay Trust), ông khách sộp của SIBA. Về sau chỉ còn mỗi Cù Huy Minh Tuấn là nhớ cách chạy demo. Sau mấy lần chuyển qua chuyển lại, giờ không thấy đâu nữa. Thật đáng tiếc cho một sự nghiệp khởi đầu hứa hẹn nhưng đã nhanh chóng mai một, để bây giờ Hùng Râu không kiếm đâu ra người lập trình Multimedia cho các trường phổ thông. |
Lễ hội năm 1993 thực sự là một ngày hội vĩ đại. Ngoài việc kích thích công nghệ multimedia phát triển, còn phải kể đến cuộc đua xe đạp xuyên Hà nội do Hùng Râu đứng ra tổ chức. Cuộc đua gay go và căng thẳng không kém gì Tour de France. Mở màn bằng cảnh pe-dan bị gẫy gục dưới sức dướn của TGĐ Trương Gia Bình và anh phải dắt xe chạy bộ đoạn của mình. Kết thúc bằng pha lâm ly: em Bình (hiện ở phòng kế toán FPT), buông tay lái ngất xỉu trong lúc Hùng kều (Zodiac) bật sampanh mừng chiến thắng. Nếu hồi đó ISC có thêm một số nữ nữa thì chắc đã thắng cuộc. Chặng cuối, từ Láng Hạ về Giảng Võ, Vũ Mai Hương đã dẫn trước cả ki-lo-met. Các chàng trai kiểu Tiến béo, Hải kều,Thắng còm, Nam béo,... phi xe máy bám theo đông như kiến, anh nào cũng cố sờ tay vào xe của nàng vừa để lấy danh vô địch, vừa để lấy oai với người đẹp. Chẳng hiểu bọn chúng ghét nhau hay tay chân loạng quạng thế nào mà em Hương tự dưng ngã lăn đùng, xe thành hình số 8, người đầy xây xước. Về sau họp kiểm điểm, Hương chỉ khóc mà không nói được câu nào. Bí mật đấy coi như bị đi vào quên lãng. Client/Server Một chương trình ấn tượng khác là chương trình Ngân hàng Client-Server. Hồi năm 1993-1994, thuật ngữ "Open System" rất được ưa chuộng. Trong các cuộc khẩu chiến, cánh UNIX, ORACLE thường thắng thế. Chúng tôi được IBM xúi rằng, "Open System" là cái đinh, Client-Server mới là ác chiến. Sau khi Nam đi học về PB (Platform for Banking), một môi trường C/S của Olivetti, FPT quyết định mua một bộ các công cụ demo ngân hàng của Oliveti, trị giá tới hơn 7000 USD. Có lẽ đây là một trong những đầu tư quan trọng, phức tạp và tốn kém nhất của công ty. Bộ công cụ bao gồm: - Máy chủ Olivetti LSX 5010, to đùng, tráng kiện, có cài UNIX SVR4 và LanManager
- Cơ sở dữ liệu Informix
- Card X.25, cho phép ghép nối mạng LAN với mạng X.25
- Máy đọc thẻ từ
- Máy ghi thẻ từ
- Máy in sổ có đầu đọc và ghi thẻ từ
- PB for UNIX
- PB for Windows
Tóm lại là một mớ những phần mềm và thiết bị đầy công nghệ. Để thấy mức cao của công nghệ, xin kể một chuyện: Hồi đó FPT đang còn duy trì việc thi chuyên môn cho những nhân viên mới. Phải thừa nhận đó là một cuộc thi khá phức tạp, thậm chí có phần khó hơn luận văn tốt nghiệp. Tỷ dụ như câu hỏi ưa thích của Đức béo là: "Làm thế nào để cắt đôi con 8866?" (hoặc con gì đó, tôi không nhớ rõ). Của Trần Ngọc Trí là: "Hãy viết một chương trình bat có 500 dòng lệnh để tìm được file cần thiết" (tương tự như find file của Word bây giờ). Nhiều chí sỹ đã có kinh nghiệm hẳn hoi mà vẫn phải ngậm ngùi nhận 0 điểm. Đình Anh khi đó vì mới vào nên cũng phải thi. Hắn là một tay láu cá, biết có học cũng trượt bèn dùng võ cùn. Khi được hỏi đang làm gì, hắn dõng dạc tuyên bố: "Đang lập trình PB" và nhìn các vị giám khảo một cách rất thông cảm. Quả nhiên không ai dám hỏi gì và hắn được nhận vào cho đến tận ngày nay. PB là một môi trường lập trình phân tán được thiết kế khá mềm dẻo, cho phép người lập trình có thể tạo ra và sử dụng các services không phụ thuộc vào services đó đang được cài đặt ở máy nào. Đại loại có thể viết các chương trình như print server, com server một cách không phức tạp lắm. Đội quân thiện chiến nhất của ISC gồm Phương và Đình Anh được tung vào cuộc. Bọn chúng mày mò cài đặt, sử dụng non-modem cable để giả lập đường X.25 và lập một chương trình thực sự, chương trình quản lý tiết kiệm cho Ngân hàng. Khách hàng được cấp một sổ tiết kiệm có băng từ, khi đến Ngân hàng thì máy sẽ tự động đọc và update sổ đó, và nhiều features khác tựa như thay vì gõ password thì cầm thẻ kéo xoẹt một cái qua. Bản thân tôi thấy rất ấn tượng. Vậy mà không hiểu sao các bọn Ngân hàng mà chúng tôi đem đi demo chẳng có phản ứng gì và chương trình Client-Server đầu tiên mãi mãi vẫn chỉ là demo. Tuy nhiên việc nghiên cứu môi trường PB cũng đã đặt những nền móng đầu tiên cho việc xây dựng NICS và sau này là TTVN. Chỉ tiếc rằng ngoài Phương và Đình Anh ra chỉ có 2 tay thạo PB khác là giáo sư Văn và Hưng K34 đều không ở lại FPT cho đến bây giờ. Bây giờ nhìn lại mỗi chương trình demo đều thực sự là những thử nghiệm lớn, đã mang lại cho những người lập trình và thiết kế những kinh nghiệm kỹ thuật hết sức quý báu. Tiếc thay những kinh nghiệm, những kết quả đúc kết được đã không được đem sử dụng triệt để mà dần dần bay hơi theo thời gian. Bây giờ thì tôi hiểu rằng chúng tôi đã bỏ qua một khía cạnh quan trọng của việc phát triển phát mềm: thương mại hóa. Nghe có vẻ như xủng xoẻng hơi hướng tiền bạc. Làm sao lại có thể là động lực khoa học. Vâng, tiền tôi nghĩ không phải là yếu tố quyết định lúc đó. Thương mại ở đây phải hiểu rằng khả năng áp dụng vào cuộc sống. Chính cuộc sống mới là thước đo cao nhất đánh giá các phần mềm máy tính. Có lẽ việc sớm nhận ra điều đó và kiên quyết coi phần mềm như một doanh nghiệp độc lập chứ không phải là công cụ trợ giúp cho việc kinh doanh đã giúp cho chúng ta vẫn giữ được đội ngũ như hiện nay. (còn nữa) |