"Uber chỉ có vài chục người, ngồi ở Mỹ. Chẳng bỏ xu nào mà được "sở hữu" cả trăm ngàn chiếc xe. Chẳng làm gì trong vòng 3 năm mà có 9 tỷ USD. 9 tỷ USD đó chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin".
CEO Peacesoft Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Thanh Thủy |
|
Đây là chia sẻ rất thẳng thắn của ông Nguyễn Hòa Bình - Tổng Giám đốc (CEO) Peacesoft. Hiện Peacesoft đang sở hữu những giải pháp công nghệ Chodientu.vn, eBay.vn, Ví điện tử & Cổng thanh toán trực tuyến NganLuong.vn...
Nói về Uber, ông Bình dẫn giải một hình ảnh: "Cái xe của Uber sẽ đâm nát các hãng taxi không cẩn thận. Trong vòng 5-10 năm tới sẽ không còn taxi ở trên đường, mà thay bằng chính những người đang đi trên đường tiện tạt qua đón khách... Đây là những khái niệm ban đầu về nền kinh tế chia sẻ, nhưng cũng chính là một ví dụ điển hình của việc ứng dụng công nghệ thông tin".
"Uber là một công ty vớ vẩn, có vài chục người, ngồi ở Mỹ. Chẳng bỏ xu nào mà được "sở hữu" cả trăm ngàn chiếc xe. Chẳng làm gì trong vòng 3 năm có 9 tỷ USD. 9 tỷ USD đó chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin" – CEO Peacesoft giữ lối nói thậm xưng khi nhấn mạnh vào yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin của hãng cung cấp dịch vụ taxi của Mỹ.
Mở rộng E-Commerce sang D-Commerce: Tầm nhìn từ Uber
PV: Có thể nói Peacesoft đã thành công trong lĩnh vực E-Commerce (thương mại điện tử). Nhưng có vẻ như anh chưa muốn dừng ở đó và đang triển khai một lĩnh vực mới toanh – D-Commerce. Anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?
D-Commerce là khái niệm tôi tự định nghĩa ra, để nói đến "Điện tử hóa thương mại truyền thống" (Digitalize Commerce – PV) thay vì chỉ là thương mại điện tử. Thương mại điện tử là một kênh mới, thay vì bán hàng ngoài đường phố thì mở một website bán hàng. Còn cái truyền thống, cái cũ vẫn như thế.
Có cách nào làm cho những người bán hàng ở ngoài đường phố, thương mại truyền thống bán hàng tốt hơn nhờ công nghệ thông tin? Ví dụ như Uber, Uber đã làm cho các công ty vận tải, các hợp tác xã vận tải có xe tự do làm tốt hơn, giúp cho họ thêm khách hàng. Đấy chính là khái niệm manh nha đầu tiên của Điện tử hóa truyền thống. Như Uber là Điện tử hóa giao thông, còn chúng tôi đang làm Điện tử hóa giao dịch thương mại truyền thống.
Ví dụ, tôi không nói chính xác, khái niệm về Location-based Retail (Bán lẻ dựa trên địa điểm – PV) chẳng hạn, đang đi trên đường sực nhớ muốn ăn gì đó, mở máy tính hoặc điện thoại mình ra, nó recommend (gợi ý - PV) xung quanh các địa điểm mua sắm cái mình cần, hoặc đến nơi ăn món ăn mình thích. Đấy chính là một concept (ý tưởng – PV) của Điện tử hóa thương mại.
PV: Concept này đã thử nghiệm tại Malaysia?
Đúng. Tôi làm những concept như Điện tử hóa Xuất nhập khẩu. Trước đây, bạn muốn mua một cái túi Micheal Kor xịn từ Mỹ hoặc từ Nhật về. Chịu, không có cách nào cả. Phải ra một Luxury Shop hoặc Shopping Mall ủy quyền mà chưa chắc mua được đồ xịn. Bạn chỉ có cách mua từ họ, còn họ nhập về, bán qua hệ thống phân phối, đến tay người mua thì giá đội lên mấy lần. Thế tại sao không nghĩ thông qua Internet, bạn trực tiếp nhập khẩu được bất kỳ cái gì, như nhập một cái túi ở Mỹ, ở Nhật về. Đấy là một concept tôi đưa ra.
Công nghệ thông tin - thị trường ngách duy nhất cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài
PV: Ông có khuyên các bạn trẻ phải nghĩ đến việc biến thị trường của các nước khác thành thị trường của chúng ta. Nghĩ thì rất dễ, nhưng làm thì không dễ. Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để hiện thực hóa suy nghĩ này?
Đúng là làm thì rất khó. Một cái dễ nhất để làm là công nghệ mobile (điện thoại di động – PV). Công nghệ mobile rất phát triển. Hiện chúng ta, đặc biệt những người làm công nghệ thông tin, từ trước đến nay chưa có cơ hội nào dễ như thế. Nó có 2 con đường.
Một là, bạn làm cái gì thành công ở Việt Nam trước, nhưng làm ở Việt Nam đầu tiên cũng nghĩ đến việc thiết kế sản phẩm như thế nào đấy để nó có thể mở ra khu vực. Đấy là một cái tôi muốn kêu gọi.
Thứ hai, như tôi nói về trường hợp Nguyễn Hà Đông. Hiện nay thế giới hội nhập rất sâu rồi, một sản phẩm của bạn có thể bán ra thị trường toàn cầu rất đơn giản, như Apps Store, các kho ứng dụng... chính là một hình thức phân phối, đem lại cơ hội cho tất cả mọi người. Tôi đã nói: Mobile is the future (Công nghệ di động là tương lai – PV). Rồi đây ai ai cũng dùng điện thoại.
PV: Công nghệ cần phát triển thế nào để đáp ứng được cho sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp ngoại nhảy vào thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đều vượt trội hơn doanh nghiệp của chúng ta về vốn, công nghệ và nhân lực?
Công nghệ hay không công nghệ cũng là do con người. Công nghệ do con người làm nên. Nhiều sản phẩm công nghệ do các nhóm nhỏ Việt Nam làm nên cũng rất tốt, cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng công nghệ rất lớn của nước ngoài. Nhiều khi, các doanh nghiệp nhỏ làm rất flexible (cơ động – PV), thay đổi rất nhanh so với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn. Còn các doanh nghiệp lớn nước ngoài thay đổi rất chậm, chi phí cao, nhiều khi không phù hợp với đặc thù của thị trường địa phương.
Quan trọng nhất, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm được điểm yếu ở đâu đấy, tận dụng được lợi thế chi phí thấp, phục vụ người dùng tốt hơn để cạnh tranh lại. Sau khi vững được trong thị trường nội địa, phải tìm cách ra nước ngoài.
PV: Nhưng trước đó, ông cũng có nói công nghệ Việt Nam bây giờ khoảng cách còn xa hơn rất nhiều so với 40 năm về trước...
Đấy là toàn bộ ngành khoa học công nghệ nói chung của Việt Nam. Nhưng nói trong một số ngành hẹp như công nghệ thông tin, thì tôi nghĩ rằng trình độ của Việt Nam là khá cao, thậm chí cao hơn mặt bằng của khu vực Đông Nam Á. Chỉ còn một vài ngách như vậy thôi. Như FPT là đi rất đúng hướng.
... Thực ra chỉ có mỗi ngách đấy.
PV: Ông có chủ quan không khi ông đang làm công nghệ thông tin và khẳng định chỉ ngành này là ngành ngách vươn ra thế giới?
Có thể tôi chủ quan thật. Nhưng nông nghiệp thì hiện năng suất cực thấp, đất chật người đông. Cứ thử xem các ngành ô tô, công nghệ sinh học... Một cái máy nhập về hàng triệu USD, làm sao có đủ điều kiện nhập được. Chỉ có công nghệ thông tin, chỉ cần mấy lập trình viên, mấy cái máy tính, điện thoại... đầu tư ban đầu cực thấp thì mới thực hiện được.
Mình phải chọn ngành nào mà đường cơ sở của mình đã tương đương rồi thì mới có cơ hội vượt các nước khác, đừng nghĩ chuyện đi tắt đón đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Thủy - theo Trí thức trẻ
(nguồn ICTNews)
Tin liên quan:
|