Game mobile Trung Quốc năm 2014 có giá trị 4,4 tỷ USD, đóng góp một phần đáng kể vào con số 18,5 tỷ USD của toàn ngành game Trung Quốc, và không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhà phát triển phương Tây cũng muốn có được một phần của "món hời" này. Nhưng để đưa game của mình thâm nhập vào Trung Quốc thì không phải là một công việc dễ dàng gì...
Gian hàng China Game Mobile ở ChinaJoy |
|
Bản địa hóa hiệu quả là một công việc quan trọng và có ý nghĩa hơn là chỉ dịch vài dòng chữ, và những nhà phát triển cũng như nhà phát hành phải đương đầu với một thị trường Android có tính chia cắt cao, được phân ra thành hơn 200 cửa hàng khác nhau.
Ở sự kiện Casual Connect Europe được diễn ra hồi đầu tháng 2 vừa qua, số lượng nhà phát hành định hướng sản phẩm tới Trung Quốc và phần còn lại của Châu Á đã tăng vọt một cách đáng kinh ngạc. Đại diện từ các công ty này cho biết rằng thị trường Trung Quốc đang tràn ngập tiềm năng, nhưng cần những hướng tiếp cận đa dạng để có được thành công.
Những gamer mới mẻ
Sẽ thật vô lý nếu như ta "vơ đũa cả nắm" số lượng gamer ở một nước lại làm một khối, nhưng bối cảnh lịch sử của Trung Quốc có phần đặc biệt so với những thị trường game lớn khác. Luật cấm console kéo dài tới 13 năm ở Trung Quốc cũng mới được chính thức bãi bỏ trong năm ngoái, và việc mua một máy tính cá nhân vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều gia đình Trung Quốc. Thị trường game PC khổng lồ ở Trung Quốc vẫn tập trung chủ yếu vào các quán cafe internet, nhưng đối với nhiều người, trải nghiệm game đầu tiên của họ là ở trên những chiếc smartphone.
"Ở Trung Quốc, thiết bị điện tử đầu tiên của rất nhiều người chính là chiếc điện thoại di động của họ," ông Johnny Lo, chuyên viên của công ty quảng cáo internet Septini của Nhật Bản cho biết. "Trước đây, họ không đủ điều kiện để sở hữu một hệ thống console, hay thậm chí không thể chi trả cho một chiếc TV, chứ đừng nói đến sự đắt đỏ của một hệ thống PC. Vậy nên bây giờ khi đất nước phát triển hơn - mọi người kiếm ra nhiều tiền hơn - chiếc smartphone là thiết bị chơi game đầu tiên mà họ có."
Sự tiếp xúc mới mẻ với game, cộng với thời gian di chuyển tương đối ngắn để tới chỗ làm ở khu vực thành thị, khiến cho gamer Trung Quốc có lối chơi rất khác so với phương Tây. Và công tác dịch game của bạn cho thị trường đó không chỉ đơn thuần dừng lại ở ngôn ngữ.
"Bản địa hóa chính là điểm mấu chốt," ông Lo tiếp tục chia sẻ. "Không chỉ bản địa hóa ngôn ngữ mà còn cả văn hóa. Đồ họa và mọi phương diện khác của game đều cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người chơi Trung Quốc." Đây là một điều cơ bản được nhiều nhà phát triển phương Tây đúc kết nếu muốn thành công ở thị trường game đông dân nhất thế giới.
Smartphone là một thiết bị chơi game phổ biến của người Trung Quốc |
|
Một thị trường chia cắt
Kể cả nếu bạn sở hữu một game phù hợp với thị trường Trung Quốc, công tác phát hành nó cũng là cả một vấn đề nan giải. Không đến mức như thị trường iOS khi bị Apple kiểm soát hầu hết mọi sự phân phối đối với các thiết bị smartphone và tablet, nhưng mặt trận Android (chiếm tới 78,5% thị trường smartphone ở Trung Quốc) lại chẳng hề có lấy một hệ thống store thống nhất nào cả và tồn tại nhiều rủi ro hơn.
SkyMobi là một công ty đang giúp đỡ những nhà phát triển phương Tây có thể thuận lợi phát hành sản phẩm ở thị trường Trung Quốc. Họ đã có 6 game trên thị trường Android Trung Quốc, với hai sản phẩm tiêu biểu Pele: King of Football và Beach Buggy Racing. Họ chỉ tiếp nhận 2 game mỗi tháng bởi lẽ bản địa hóa không phải là công việc dễ dàng, và họ muốn đích tay chọn những game mà mình tin rằng thực sự có thể thành công.
"Để phát hành ở Trung Quốc bạn cần phải làm việc với hàng chục, thậm chí hàng trăm kênh phân phối khác nhau," ông William Heathershaw, trưởng bộ phận marketing quốc tế tại SkyMobi giải thích. "Tiềm lực của một nhà phát hành thì cũng có giới hạn, vậy nên chúng tôi sẽ tập trung vào có thể là top 50 kênh hàng đầu, đủ để cho sản phảm của bạn tiếp cận với hơn 95% thị trường."
Hơn nữa, mỗi kênh đó lại cần một bản copy riêng của game. "Không đơn giản như ở phương Tây, bạn phải tạo một bản copy 'vô tính' game của mình cho từng cửa hàng ứng dụng khác nhau. Một vài cửa hàng ứng dụng lớn hơn có thể có những yêu cầu nhất định khiến bạn phải điều chỉnh game. Hoàn toàn mọi công việc đó cần rất nhiều thời gian và công sức," ông Heathershaw bổ sung.
SkyMobile nhận nguồn code trực tiếp từ nhà phát triển và từ đó tự giải quyết mọi thứ, kể cả gửi phần thanh toán. "Bởi chúng tôi là một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán (NASDAQ), nên có khả năng chuyển tiền cho các nhà phát triển nhanh hơn các nhà phát hành địa phương Trung Quốc," ông Heathershaw cho biết. "Một vài nhà phát triển phải chờ đợi có khi 3 tháng mới thu lại tiền từ sản phẩm họ làm ra."
Pele: King of Football |
|
Nhưng liệu nó có đáng với công sức bỏ ra không?
"Chúng tôi đã có một thành công tốt với sản phẩm Beach Buggy Racing. Trong tháng đầu tiên, nó đã có vài triệu lượt download chỉ riêng ở một thị trường Trung Quốc. Điều đó thực sự là khá ấn tượng khi một game có tỷ lệ download nhiều như vậy chỉ đến từ một quốc gia."
Ở phương Tây, các nhà phát triển phải trích 30% lợi nhuận của mình cho bên nắm giữ nền tảng ví như Apple và Google. Ở Trung Quốc, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thanh toán thường được kiểm soát bởi bên thứ ba, bởi người dân đa phần không có thẻ tín dụng.
Vậy là cuối cùng bạn phải trích 30% cho bên nắm giữ nền tảng và 30% cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Như vậy chỉ còn 40% tổng lợi nhuận mà sau đó bản phải chia với bên nhà phát hành. "Bạn có muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc hay không? Nếu có thì phải chịu thôi, đó là quy luật rồi," ông Heathershaw thẳng thắn chia sẻ.
(theo Trí Thức Trẻ)
Tin liên quan:
|