Sinh ra cũng như rất nhiều đứa trẻ bình thường khác, năm 2 tuổi, một biến cố bất ngờ đã khiến Diệu trở thành một người tàn tật. Mọi cử động từ nói năng cho tới đi lại, sử dụng bàn phím vi tính Diệu đều thực hiện một cách khó khăn. Nhưng tất cả những điều đó cũng không ngăn được Diệu - chàng cựu sinh viên FPT-Aptech - trở thành một người mà bất cứ ai cũng phải khâm phục...
Một chuyện cổ tích
Vì ốm yếu, hoạt động khó khăn, nên lên 10 tuổi Diệu mới học lớp 1. Đến năm 15 tuổi Diệu mới học xong chương trình lớp 3. Do việc cầm bút rất khó khăn, Diệu phải bỏ dở việc học giữa chừng và chỉ có thể học các môn tự nhiên ít phải viết. Có lẽ Diệu cũng chỉ học để biết đọc, biết viết nếu không có một câu nói của một cô bạn thuở thiếu thời mà tới tận bây giờ, 6 năm đã qua đi, Diệu vẫn luôn vì nó mà phấn đấu. Cô bạn đó nói "Diệu mãi mãi chỉ là Diệu, chỉ biết đánh cờ (vì lúc đó Diệu rất mê cờ vua và chơi rất giỏi môn này), sau này chẳng thể làm nên sự nghiệp gì cả".
Câu nói tuy không có ác ý của người bạn ấy đã khiến cho quyết tâm vươn lên của Diệu lên cao hơn bao giờ hết. Ở tuổi 17, Diệu lại bắt đầu cầm cây bút tiếp tục chương trình lớp 4 đang bỏ dở. Như một phép lạ, chỉ sau 2 năm Diệu hoàn thành xong chương trình lớp 12. Một kỳ tích ngay cả những người lành lặn cũng khó lòng đạt được. Chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành người vô ích, Diệu luôn nuôi cho mình những ước mơ.
Năm 15 tuổi, Diệu mải mê học đánh cờ với mơ ước sẽ trở thành kiện tướng cờ vua - một môn thể thao chỉ cần dùng trí tuệ mà không cần nhiều lắm đến cử động chân tay. Rồi cùng với việc học văn hóa và học thêm tin học, Diệu lại mong mình sẽ trở thành một nhân viên của Microsoft. Và bây giờ, ước mơ mà Diệu sẽ dành cả cuộc đời mình để thực hiện là lập nên một sự nghiệp tin học của riêng mình và cống hiến cho xã hội. Những ước mơ của Diệu cứ ngày một lớn lên mà không hề bị những khó khăn của cuộc sống làm cho thui chột đi.
"Bố mẹ không thể lo cho con suốt đời!"
Phần thưởng đầu tiên cho sự nỗ lực của Diệu là giải "Nghị lực" trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2002 với phần mềm Pokemon AVD, một giải thưởng mà Diệu xem như "chìa khóa để mở cánh cửa ra với xã hội". Sau giải thưởng đó, Diệu được Trường đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech trao một học bổng là một khóa học miễn phí 1 năm .
Đây vừa là một cơ hội cho Diệu tiếp cận sâu hơn với CNTT, cũng vừa là một thách thức. Diệu sẽ sống như thế nào nếu không có bố mẹ giúp đỡ? Câu hỏi đó trở đi trở lại với Diệu rất nhiều lần. Và mặc dù còn nhiều e sợ sự phức tạp của cuộc sống bên ngoài, Diệu quyết tâm một mình khăn gói đi Hà Nội học. Bố mẹ Diệu dù rất lo cho con nhưng cuối cùng cũng bị thuyết phục bởi câu nói: "Bố mẹ không thể lo cho con suốt cả đời!".
Khi mới ra ngoài, cái gì cũng làm Diệu sợ hãi. Sợ gặp bạn bè xấu, sợ cô đơn, sợ không lo được cho mình... Nhưng không một nỗi sợ hãi nào đủ mạnh để bắt Diệu từ bỏ ước mơ.
Mặc dù đi lại rất khó khăn, nhưng Diệu vẫn di chuyển như con thoi suốt ngày để theo các lớp học, để làm việc. Cứ mỗi ngày, Diệu phải mất từ 40.000 - 80.000 đồng tiền xe ôm, phương tiện di chuyển duy nhất Diệu có thể đi. Ngoài học, Diệu còn làm cho FPT Software, dù tiền lương không đủ để chi trả cho việc đi lại. Quãng thời gian đi làm đó, những gì Diệu thu được không tính bằng tiền mà tính bằng những kinh nghiệm, những bài học và thêm cả sự quyết tâm gây dựng một sự nghiệp của riêng mình.
Nguyễn Hoàng Diệu và MC Lại Văn Sâm tại lễ trao giải Trí Tuệ Việt Nam |
|
|
Không chỉ ước mơ cho bản thân!
Thấy được những gì mình có là chưa đủ, Diệu quyết định nghỉ làm ở FPT để tiếp tục theo đuổi việc học. Hằng ngày, lịch của Diệu kín mít với việc học thêm về CNTT ở Trường đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech tại Hà nội, học tiếng Anh, tiếng Nhật. (Dù việc phát âm rất khó khăn nhưng, Diệu bảo: "Không nói được thì Diệu có thể học nghe, mọi sự học hành đều là có ích"). Đêm về lại mải miết với hai dự án lớn là dự án EOPL (Event Object Programming Language - một ngôn ngữ lập trình giúp người sử dụng có thể lập trình bằng nhiều thứ tiếng. Nhờ đó ta có thể đưa các ứng dụng Windows Application lên Internet) và dự án phối hợp với Hội Sinh viên Nhân ái lập một xưởng sản xuất, tạo việc làm cho những nạn nhân chất độc da cam. Dự án này của Diệu đã nhận được giải thưởng "Ngày Sáng tạo Việt Nam 2006".
Khi được hỏi rằng, Diệu đã quá bận rộn và mệt mỏi với những dự định của riêng mình, bạn sẽ lấy đâu ra thời gian và sức lực để theo đuổi những dự án nhân đạo, thì Diệu cười: "Tôi không phải nạn nhân chất độc da cam nhưng tôi hiểu nỗi đau của họ và tôi muốn chia sẻ nỗi đau đó. Đừng cho họ tiền vì bạn sẽ không thể cho được mãi, hãy chỉ cho họ cách kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân". Lại thêm một điều để chúng ta ngả mũ trước Nguyễn Hoàng Diệu, một người bạn nhỏ bé nhưng ý chí và trái tim thì không hề nhỏ.
Hiện tại, Diệu đang ấp ủ dự định mở một công ty phần mềm riêng và tin tưởng sản phẩm của mình khi được tung ra sẽ gây tiếng vang. Lập công ty không phải để kiếm tiền cho mình mà để dùng lợi nhuận nuôi những dự án nhân đạo là mục đích cuối cùng của Diệu. Tâm sự về những khó khăn, Diệu chỉ nói rằng đó là những khó khăn về đi lại, về sinh hoạt, về công việc nhiều mà không nói gì về những lúc chán nản, những khi ngã lòng, những lúc tưởng như phải đầu hàng. Trong con người nhỏ bé của Diệu là một nghị lực vô cùng tận.
"Lập trình cũng giống như sáng tác một bản nhạc, có lúc thăng, lúc trầm". Diệu đam mê lập trình bởi ngôn ngữ lập trình sẽ giúp ích cho nhiều người, không giới hạn quốc gia, dân tộc. Hạnh phúc lớn nhất của Diệu đó là có thể đem lại những điều tốt đẹp không chỉ cho mình mà còn cho xã hội. Và công nghệ thông tin rồi sẽ chắp cánh cho mọi ước mơ của cậu bạn giàu nghị lực, giàu lòng nhân ái ấy.
(theo Sinh viên Việt Nam)
Tin liên quan:
|