Đam mê sách và làm giàu từ sách, ông chủ trang thương mại điện tử tiki.vn - một cựu sinh viên Trường FPT-APTECH - cũng có hai quyển sách làm động lực để anh có được ngày hôm nay...
Trần Ngọc Thái Sơn - một cựu sinh viên Trường FPT-APTECH |
|
Trần Ngọc Thái Sơn khởi nghiệp từ năm 30 tuổi với trang Tiki.vn, ban đầu chỉ bán sách tiếng Anh, sau đó mở rộng sang buôn bán các ngành hàng khác. Anh nói, mỗi năm doanh thu Tiki luôn tăng trưởng hơn 100% và đây chính là động lực để anh vượt qua chặng đường khó khăn 5 năm kể từ khi khởi nghiệp.
Năm thứ nhất đại học anh Sơn được đọc quyển "Cha giàu cha nghèo". Anh học được từ quyển sách rằng, muốn làm giàu có nhiều cách, trong đó cách tốt nhất là mở một công ty, vì một công ty không chỉ mang lợi nhuận đến cho mình mà còn giúp nhiều người khác. Từ đó, năm 19 tuổi, anh luôn ao ước mở một công ty, nhưng công ty kinh doanh lĩnh vực gì thì… chưa nghĩ ra.
Mơ ước mở công ty của anh Trần Ngọc Thái Sơn âm ỉ cho đến khi anh đọc được quyển "Tỷ phú bán giày" (Delivering Happiness), kể về hành trình làm giàu từ năm 9 tuổi của Tony Hsieh - triệu phú người Mỹ. Anh nói quyển sách đã thôi thúc anh ngay lập tức phải thành lập công ty và đó cũng là thời điểm anh mở Tiki.vn.
"Đã có những quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi tin rằng sẽ có những quyển sách khác đâu đó mà Tiki bán sẽ thay đổi cuộc đời những người khác", anh Trần Ngọc Thái Sơn nói.
Khởi nghiệp không chỉ là mở công ty riêng
Anh Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng, đa số công ty khởi nghiệp phải trải qua năm năm "đau khổ". Trong năm năm đầu, người chủ công ty phải bỏ ăn bỏ ngủ, cắt giảm tối đa các hoạt động vui chơi giải trí, chỉ biết vùi đầu vào công việc. Anh Sơn nói vui: Đó chính là lý do vì sao những người trẻ hay khởi nghiệp, vì họ không biết sẽ có năm năm đau khổ đó. Tuy vậy, nhìn "đứa con" Tiki phát triển, lớn lên đẹp đẽ thì "bậc cha mẹ" như anh rất vui, dù cực khổ thế nào.
Anh Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ, mình may mắn vì Tiki.vn hiện tại đã được nhiều người biết đến, chứ nếu khởi nghiệp thất bại thì "năm năm đau khổ" có lẽ sẽ đau khổ hơn. Vì lẽ đó, để tránh các rủi ro khi khởi nghiệp, anh Sơn cho rằng còn một con đường khác để khởi sự làm chủ, ít rủi ro hơn nhưng vẫn có thể làm (một trong các) chủ và… giàu lên. Đó là tìm kiếm các công ty có chính sách chia cổ phiếu cho nhân viên, hoặc có chính sách hỗ trợ nhân viên làm các dự án riêng. Sau đó, cố gắng hết sức để trở thành người quan trọng trong công ty và được chia lượng cổ phiếu vừa đủ để làm chủ một phần công ty. Anh ví dụ nhiều cổ đông lớn của Google, Facebook, Microsoft đều xuất phát từ nhân viên của công ty, hoặc các công ty có chính sách tương tự ở Việt Nam là VNG, hay nhaccuatui.com và thậm chí là Tiki.
Anh Trần Ngọc Thái Sơn từng chọn cách này để khởi nghiệp, nhưng cải hai công ty anh đầu quân đều không được như ý muốn của anh và, tất nhiên, đó là lý do vì sao Tiki.vn lại ra đời.
Không phải ai cũng có thể khởi nghiệp
"Chuyện một đêm ngủ dậy bỗng dưng có ý tưởng rồi thực hiện và trở thành doanh nhân thành đạt chỉ là… truyền thuyết", anh Sơn nói. Để làm Tiki, anh Sơn nhen nhóm ý tưởng làm chủ từ năm 19 tuổi, trải qua 10 năm làm việc và học tập, lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin rồi lấy bằng thạc sĩ thương mại điện tử ở Úc, bổ sung nhiều kiến thức khác nhau sau đó mới khởi sự ngay tại thời điểm thích hợp.
Để khởi nghiệp thành công, theo anh Sơn, phải hội đủ ba yếu tô: đam mê, kinh nghiệm, thị trường. Phải có đam mê ở một lĩnh vực nào đó thì người khởi nghiệp mới tìm hiểu kỹ về nó, và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi đam mê và tìm hiểu, một người sẽ tích lũy được kinh nghiệm thực tế cực lớn về lĩnh vực mình tìm hiểu. Khi đã am hiểu lĩnh vực của mình, người khởi nghiệp mới tìm được thị trường phù hợp để khởi sự kinh doanh. Thị trường mới nên là thị trường ngách, ít người biết và ít cạnh tranh, nhưng phải là một thị trường lớn về sau này. Cái khó của người khởi nghiệp cũng chính từ đây, phải tìm được thị trường ngách rất ít người để ý, nhưng sau đó thị trường này phải "phồng ra". Để thấy được thị trường như vậy, người làm kinh doanh phải có tầm nhìn xa.
Như Tiki là ví dụ, thời điểm đó, theo anh Sơn, cũng có các nhà sách trên mạng nhưng đa số hoạt động cho có vì lượng khách hàng không như ý. Anh mở Tiki.vn chỉ bán sách tiếng Anh, là một thị trường ngách ít người quan tâm. Sau khi có ít thành công, Tiki chuyển sang bán sách các lĩnh vực khác, cho đến nay Tiki bán sách, hàng điện tử, công nghệ, thời trang, nội thất, làm đẹp, mẹ và bé...
Tương lai, theo ông chủ trẻ, Tiki sẽ mở rộng lĩnh vực, sẽ bán thêm những thứ vô hình khác (nhạc, phim, ứng dụng...) chứ không chỉ là những món hữu hình như hiện tại. Những kế hoạch này anh Trần Ngọc Thái Sơn đã hình dung ra ngay từ ngày đầu thành lập tiki, và cũng chính tầm nhìn này đã thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Tiki.vn như hiện nay.
Giao hàng 24h và miki
Với anh Trần Ngọc Thái Sơn, sự thoải mái của khách hàng là quan tâm số một. Chính vì thế, khi khảo sát khách hàng, anh nhận thấy vấn đề giao hàng chính là điểm mà khách mua hàng qua mạng vẫn chưa hài lòng. Đó là lý do vì sao anh cho ra đời chính sách giao hàng 24h, nghĩa là trong vòng 24 giờ kể từ khi đặt mua, khách hàng sẽ nhận được hàng (hiện chỉ áp dụng những thành phố lớn), nếu trễ hơn thời gian quy định, Tiki sẽ đền tiền cho khách.
"Tất nhiên Tiki muốn áp dụng giao hàng trong vòng 24h cho mọi khách hàng ở mọi tỉnh, nhưng việc này hiện nay quá khó. Nhưng Tiki sẽ giải quyết trong tương lai", anh Sơn nói.
Bên cạnh đó, anh cũng khoe dự án mới mikiapp.com, một ứng dụng đọc sách, mua sách ebook trên điện thoại di động. Sau 3 tháng ra mắt, có khoảng 80.000 người dùng đã tải ứng dụng.
"Đọc sách chưa phải là thói quen của đa số người Việt Nam, nhưng khi dân trí đi lên, người đọc sách sẽ nhiều hơn… Sau khi đọc chán Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh, thì người ta sẽ đọc sách", anh Sơn nói, và đó là lý do anh kỳ vọng tương lai miki sẽ thu hút thêm nhiều người dùng hơn. Tiện lợi của miki là cho phép người dùng mua sách bằng tài khoản điện thoại, mỗi cuốn sách phổ biến khoảng 10.000đ, 15.000đ. Với giá bán này, theo Sơn, lợi nhuận miki không cao, "nhưng khi có khách hàng rồi, chuyện lợi nhuận sẽ đến sau".
"Có những quyển sách rất hay nhưng nhà xuất bản không tái bản vì chi phí in đắt đỏ, có những cuốn mất luôn file trên máy tính nên thậm chí miki phải cho người gõ lại để đưa lên ứng dụng. Không tốn chi phí in và phát hành, những quyển sách đó mỗi năm dù chỉ bán được vài quyển, cộng với hàng trăm ngàn quyển khác sẽ tạo ra lợi nhuận. Trên hết, sách ebook tồn tại mãi và miki muốn tạo giá trị gì đó cho thế hệ sau này", anh Trần Ngọc Thái Sơn bộc bạch.
N.H.Đăng
(theo ICTnews)
Tin liên quan:
|