Xiaomi đang phát triển chưa từng thấy, nhưng chính sự phát triển quá nóng này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho hãng điện thoại Trung Quốc. Mô hình kinh doanh của Xiaomi về lâu dài có quá nhiều bất ổn, hãng cũng phải đối phó với quá nhiều đối thủ.
Thành công của Xiaomi đến từ 2 điều: thứ nhất, hãng này bán các sản phẩm với giá sát so với chi phí sản xuất; thứ hai, hãng bỏ chi phí quảng cáo ở mức tối thiểu nhưng vẫn đủ sức khiến tiếng tăm của sản phẩm lan tỏa. Chính vì vậy, Xiaomi trở thành một trong 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong năm ngoái và cũng vươn lên vị trí số 1 tại Trung Quốc.
Hãy cùng nhìn vào lịch sử của Xiaomi, mọi thứ bắt đầu từ sự thành công của giao diện người sử dụng MIUI ROM, rồi sau đó hãng chuyển sang tự sản xuất phần cứng và bán 61 triệu sản phẩm trong năm ngoái, vượt cả doanh số của Sony, Motorola và HTC. Thế nhưng chẳng có gì là mãi mãi.
Quá nhiều trở ngại
Mọi chuyện dường như khá ổn với Xiaomi nhưng vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Xiaomi vẫn tuyên bố vì sự khác biệt trong thị trường nên hãng này không bán sản phẩm tại Mỹ. Nhưng trên thực tế, Xiaomi không thể bán hàng tại quốc gia này vì hãng đã bị bủa vây bởi các vấn đề liên quan tới bằng sáng chế, giấy phép từ phía những nhà sản xuất lớn khác ngay từ khi bán sản phẩm.
Ngoài ra, liệu những người Mỹ và châu Âu có gu sở thích smartphone giống người Trung Quốc không? Có thể có, nhưng Xiaomi cần phải đem lại những thay đổi lớn và tích cực hơn để tạo dựng được lượng fan hâm mộ trung thành, như những gì Xiaomi đã có tại Trung Quốc.
Một điều nữa là hiện Xiaomi chỉ áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến, nhưng phương thức này có thực sự phù hợp? Mua smartphone trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến nhưng nhiều người tại nhiều quốc gia vẫn có thói quen dùng những thiết bị có hợp đồng với nhà mạng. Với những vấn đề về bằng sáng chế, chắc phải rất lâu nữa những sản phẩm của Xiaomi mới xuất hiện trên kệ của các nhà mạng. Ngoài ra, ngay cả tại Mỹ, một quốc gia có nền thương mại điện tử cực kỳ phát triển, người tiêu dùng vẫn thích thú với thói quen "sờ tận tay" sản phẩm. Vậy liệu chỉ bán hàng trực tuyến có phải là một biện pháp lâu dài?
Là một công ty tư nhân, Xiaomi từ chối chia sẻ những con số trong báo cáo tài chính của mình mà chỉ nói ngắn gọn rằng mình vẫn đang làm ăn có lãi. 61 triệu chiếc điện thoại đã được bán trong năm 2014 và tạo ra doanh thu 12 tỷ USD, nhưng với phần lợi nhuận ít ỏi thu được, nhiều người vẫn hoài nghi về số tiền công ty này thực sự bỏ túi.
Cuối cùng, Xiaomi đang đứng giữa "cuộc cạnh tranh của những kẻ chuyên đi bắt chước". Các ông lớn khác như Huawei, ZTE và Lenovo đã bắt đầu học theo các chiến lược của Xiaomi ví dụ như bán hàng trực tuyến, giảm giá sản phẩm, vì thế Xiaomi cũng đang vấp phải sự cạnh canh của chính những đối thủ này.
Quá nhiều đối thủ
Nếu chúng ta đề cập lại về 5 vấn đề ở trên và đem nó vào Huawei thì có vẻ tình hình của Xiaomi khá tệ. Huawei có những thỏa thuận về bản quyền và bằng sáng chế. Công ty này đã hoạt động tại Mỹ và châu Âu trong vòng nhiều năm. Huawei hỗ trợ cả bán hàng trực tuyến và bán hàng truyền thống với các hợp đồng nhà mạng. Lợi nhuận năm 2014 của Huawei là 4,49 tỷ USD. Huawei hoàn toàn có thể cạnh tranh với Xiaomi và tăng doanh số bàn hàng.
Huawei cũng có thể bán phần cứng với giá rẻ và thậm chí lỗ một chút nếu cần để qua mặt Xiaomi. Kể cả ZTE và Lenovo cũng có thể làm như vậy nếu cần. Điều thú vị là, trong năm ngoái, đối thủ chính qua mặt Xiaomi và lập kỉ lục về tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc và Brazil lại là Apple. Xiaomi đã học theo thiết kế và chiến lược marketing của Apple ngay từ đầu, nhưng thành công của Apple lại cho thấy, cái mà người Trung Quốc thực sự muốn là những chiếc iPhone. Với iPhone 6 và iPhone 6 Plus, Apple thực sự đã hạ gục Xiaomi và chiếm vị trí hàng đầu tại Trung Quốc trong vòng 6 tháng (quý 4/2014 và quý 1/2015)
Đối thủ của Xiaomi ngoài ra còn có Meizu, OnePlus, LeTV và Qihoo. Tất cả những đối thủ này đều có khả năng dìm giá sản phẩm xuống hơn nữa. Giám đốc trung tâm nghiên cứu IHS iSuppli China Research, Kevin Wang khi được tờ Wall Street Jounal yêu cầu đưa ra bình luận về cách thức giảm lợi nhuận để lôi kéo cách hàng, từng nói: "Đốt tiền để lôi kéo người sử dụng. Rất nhiều nhà sản xuất smartphone sẽ chết".
Câu trả lời cho Xiaomi có thể là mở rộng chủng loại sản phẩm và sử dụng đám đông để kiếm tiền. Công ty này đang sản xuất thiết bị đeo, sạc dự phòng, camera, TV, tai nghe và thậm chí cả máy lọc không khí. Xiaomi cũng hy vọng sẽ có thể kiếm tiền nhờ vào các dịch vụ di động, ví dụ như game, ứng dụng. Lei Jun, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Xiaomi cho biết, doanh thu từ các dịch vụ di động có thể đạt đến 1 tỷ USD trong năm nay. Với những bước tiến đúng đắn, Xiaomi có thể chuyển dịch sang một mô hình bền vững hơn và không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường phần cứng. Bất cứ kẻ nào không chịu đa dạng hóa sản phẩm của mình trong tình hình này đều có thể nhận kết cục thê thảm. Khi lợi nhuận bị thắt chặt, sai một bước đi là hỏng cả ván cờ.
|
Tại Trung Quốc và những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Xiaomi rất mạnh. Họ chẳng cần phải bán smartphone ở Mỹ và châu Âu thì mới có thể thành công. Nhưng áp lực vẫn sẽ tăng lên bởi các nhà sản xuất smartphone khác trên thế giới chẳng có lý do gì để chừa Trung Quốc. Những ông chủ lớn với túi tiền nặng và những công ty mới nổi sẽ sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn những gì Xiaomi đã làm.
Apple, Samsung đều có được một vị trí khá chắc chắn trên thị trường smartphone cao cấp, đó mới thật sự là nơi sinh ra nhiều lợi nhuận. Và rất rất nhiều những hãng sản xuất smartphone khác đang "nhặt nhạnh từng đồng lẻ" ở những mảng còn lại. Khi ngày càng có nhiều hãng sản xuất điện thoại giá rẻ xuất hiện, cạnh tranh khốc liệt với số lượng khách hàng không tăng lên ngang ngửa, chắc chắn nhiều công ty nhỏ sẽ nhanh chóng thất bại và biến mất.
Và liệu trong đó có bao gồm cả Xiaomi?
Lê Nga - theo Android Authority
(nguồn ICTnews)
Tin liên quan:
|