Thống kê từ FPT cho thấy, tại Việt Nam, hơn 60% các công ty startup đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực tiễn. Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam đang rất biết cách tận dụng công nghệ tạo lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, DN phần mềm Việt vẫn chưa có mấy lợi thế trên sân nhà...
Thách thức từ thị trường
Cuối năm 2015, kết quả khảo sát do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thực hiện cho thấy nhiều bất ngờ. Dù là địa phương có tốc độ phát triển cao nhưng việc ứng dụng CNTT của hơn 117 nghìn DN vừa và nhỏ, DN nhà nước và công ích trực thuộc thành phố vẫn rất hạn chế, mới dừng lại ở mức cơ bản, nhỏ lẻ, thiếu tính tổng thể.
Mỗi năm, trung bình DN chỉ đầu tư khoảng 0,15 - 0,3% tổng doanh thu cho việc ứng dụng CNTT. 50% số DN sử dụng các thiết bị lưu trữ dữ liệu như ổ cứng rời, đĩa từ... nhưng hầu hết chưa lưu trữ tập trung, chủ yếu lưu trữ tại các máy trạm của từng cán bộ, nhân viên. 70% số DN chưa có nhân sự về CNTT...
So với Hà Nội, mức độ ứng dụng CNTT ở TP.HCM trong khối DN cả về chỉ số tổng thể, chỉ số phần cứng, chỉ số phần mềm và chỉ số internet đều khá hơn, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
"Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý DN còn ít, đa số chỉ mới dừng ở phần mềm kế toán", ông Trần Việt Tiến - Giám đốc Công ty Gia Long nhận xét. Điều này có nghĩa còn rất nhiều "đất" để DN phần mềm Việt Nam chinh phục thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng bộ phận tư vấn, phân tích và thiết kế của TTSOFT, công ty chuyên về phần mềm quản trị, kế toán, những điều kiện cần để phát triển ứng dụng CNTT trong DN tại Việt Nam đều đã có, như hạ tầng mạng hiện đại, giá cước rẻ, những cải cách hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực thuế, mà tiêu biểu là hệ thống kê khai thuế, kê khai hải quan qua mạng, hệ thống thanh toán điện tử cũng đã rộng khắp và cuối cùng là smartphones và các dịch vụ đám mây đã là lựa chọn của rất nhiều người.
"Thay đổi về cách thức, hành vi sử dụng và chất lượng truyền thông tin dẫn tới thay đổi về nhu cầu phần mềm quản trị. Thực tế là các DN Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với công nghệ mới. Thấy được lợi ích của CNTT, họ bắt đầu chi tiền nhiều hơn cho phần mềm quản lý", ông Tuấn Anh khẳng định.
Và những tín hiệu vui
Theo báo cáo năm 2014 của Gartner, Việt Nam nằm trong top 10 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và top 30 trên toàn cầu về lĩnh vực gia công phần mềm. Khả năng gia công phần mềm của Việt Nam đã được chứng minh, phần còn lại là chinh phục thị trường trong nước, trước nay vẫn còn chưa có nhiều DN mặn mà.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều phần mềm ứng dụng cho DN nhỏ có chất lượng cao, như Kiotviet (phần mềm bán hàng), GETfly (phần mềm CRM)... Ở mảng DN vừa và lớn thì có SEWMAN trong ngành may.
Đầu tháng 3/2016, TTSOFT giới thiệu phiên bản mới nhất của phần mềm kế toán 1A, được đón nhận rất tốt, lượt tải về bản dùng thử đầy đủ chức năng tăng khá nhanh. "Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam vẫn đang rất ngóng đợi những phần mềm đi sát với hoạt động của họ", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, mặt trái của tín hiệu vui này là việc mua và sử dụng phần mềm, đơn giản như phần mềm kế toán đối với DN cũng còn rất hạn chế.
Theo ông Trần Việt Tiến, khi mua phần mềm thì phải học cách sử dụng, nhưng trong quá trình sử dụng còn gặp nhiều vướng mắc và cần sự tư vấn, hướng dẫn của chính nhà cung cấp thì phải mất nhiều thời gian liên hệ, trao đổi, chờ đợi.
Thông thường, cho tới khi DN sử dụng được phần mềm một cách trôi chảy thì nhanh cũng vài tháng, lâu thì hơn cả năm. Nguyên nhân chính là các phần mềm Việt Nam dù có tính bản địa cao nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu.
Ông Tuấn Anh chia sẻ, Việt Nam đúng là có khả năng trong lĩnh vực gia công phần mềm, nhưng việc lập trình từ đơn đặt hàng đơn giản hơn nhiều so với việc sáng tạo và nuôi sống nó, để nó có chỗ đứng thật sự trên thị trường.
TTSOFT cũng phải mất đến 10 năm để "thấm" hết các yêu cầu thực tế của người dùng, từ đó mới có được phiên bản kế toán 1A cập nhật đầy đủ các tính năng như hiện nay, để người không có nghiệp vụ kế toán cũng có thể làm kế toán được.
Ông Đoàn Hữu Lợi - Phó giám đốc Cloud & Data Online Service Center của FTI cho biết, dịch vụ đám mây hiện đang là xu hướng phát triển. Theo ước tính, hiện 2/3 lượng dữ liệu trên thế giới đang được lưu giữ và truyền tải thông qua Cloud. DN Việt Nam cũng đã bắt đầu hưởng ứng vấn đề này.
Như vậy, chỉ cần DN sản xuất phần mềm nắm bắt xu hướng và đầu tư chỉn chu để đón đầu xu hướng, thì chắc chắn cơ hội dành cho họ ở thị trường trong nước là không nhỏ.
Đặng Quý Yên
(báo Doanh Nhân Sài Gòn)
Tin liên quan:
|