(Post 03/06/2006) Ngày 20/5, tại NVH Thanh
Niên, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech Việt Nam phối hợp
với Hội Tin học TPHCM tổ chức “Ngày hội việc làm công nghệ thông tin –
IT Job’s Day 2006” thu hút hơn 1.000 sinh viên, thanh niên tham gia. Theo
đánh giá của các nhà tuyển dụng thì nhu cầu nguồn nhân lực phần mềm hiện
nay và sắp tới của thị trường rất lớn, vượt xa khả năng cung ứng của thị
trường.
|
Tại ngày hội “IT Job’s Day 2006”, đại diện của FPT Software
cho biết, trong giai đoạn 2006 – 2008 sẽ tuyển thêm 8.000 nhân viên mới;
trong đó, riêng năm 2006 phấn đấu tuyển được 1.000 lập trình viên với
các vị trí như: lập trình viên, nhân viên kiểm thử phần mềm, quản lý dự
án, quản lý chất lượng phần mềm, biên dịch phiên dịch tài liệu dự án...
Tuy nhiên, trong buổi sáng 20/5, FPT Software chỉ nhận được khoảng hơn
100 mẫu phiếu đăng ký tham gia dự tuyển. Còn công ty Paragon Solution
Vietnam (PSV) cũng đặt mục tiêu phấn đấu tuyển được hàng chục ứng viên
ở các vị trí như: kỹ sư lập trình C++ và J2EE, kỹ sư kiểm tra chất lượng,
quản lý dự án, chuyên viên phân tích yêu cầu, kỹ sư lập trình tin học
viễn thông... Cuối buổi, công ty này cũng chỉ nhận được chưa tới 100 hồ
sơ. Đặc biệt hơn, công ty ICHI Corporation Việt Nam lại đưa ra chương
trình tuyển dụng đội ngũ nhân lực phần mềm làm việc tại Nhật Bản với điều
kiện làm việc và lương bổng thật hấp dẫn như sẽ được công ty hỗ trợ tư
vấn xin visa nhập cảnh và gia hạn visa, hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi,
miễn phí tiền đặt cọc và không bị truy cứu tiền bồi thường, lương khởi
điểm 300.000 yen (khoảng 2.500 USD/tháng)... nhưng vẫn không có đủ 1/5
số ứng viên đạt tiêu chuẩn để tuyển dụng.
Ông Trần Lạc Hồng – Tổng thư ký, Phó
chủ tịch Hội Tin học TPHCM: Nhu cầu thị trường nguồn nhân lực phần
mềm ở Việt Nam rất lớn
Nhu cầu thị trường đối với lực lượng trung
cấp kỹ thuật của riêng ngành phần mềm là rất lớn. Tôi cho rằng đây
là con đường tương đối thuận lợi cho phần đông các bạn thanh niên
khi tham gia vào ngành công nghiệp phần mềm với vị trí là những
kỹ thuật viên trung cấp có chuẩn quốc tế. Các bạn cần đâu tư ngắn
nhưng nghiêm túc cả công nghệ thông tin và sinh ngữ (Anh hoặc Nhật
ngữ) khoảng 2 năm để có thể tham gia ngay vào đội ngũ phần mềm.
Sau khoảng từ 2-3 năm, một số bạn có thể trở về trường đại học để
nâng cao kiến thức: Lúc đó, các bạn đã có một số vốn kinh nghiệm
thực tế nên sẽ tiếp thu và chuyển hóa nhanh, hữu hiệu những kiến
thức mới cho hành trang sự nghiệp của mình |
Như vậy, chất lượng đào tạo và nhu cầu quá lớn đối với
thị trường nhân lực công nghệ phần mềm khiến các doanh nghiệp không tài
nào tuyển đủ số lượng theo yêu cầu phát triển của mình. Điều này mở ra
cơ hội lớn cho các bạn sinh viên đã và đang theo học ngành này. Trong
một khảo sát trực tiếp của Hội Tin học TPHCM vào tháng 7/2005 về tình
hình sử dụng nhân lực của 89/340 doanh nghiệp phần mềm tại TPHCM đã thống
kê được số lượng cán bộ điều hành, quản lý, kinh doanh chiếm 13%; trưởng
dự án chiếm 12%; lập trình viên chiếm 60%; lĩnh vực khác (hành chính,
hậu cần…) chiếm 15%. Theo con số ước tính thì lực lượng phần mềm của TPHCM
hiện nay khoảng 15.000 người với tỷ lệ 72% là số lượng phát triển phần
mềm nói chung (bao gồm cả trưởng dự án và lập trình viên sẽ vào khoảng
10.800 người, mặt khác tỷ lệ giữa trưởng dự án và lập trình viên là 1/6,
có nghĩa là có khoảng 1.800 trưởng dự án và khoảng 9.000 lập trình viên).
Sắp tới, hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin Việt
Nam và VN Computerworld Expo do Hội Tin hoc TPHCM và IDG tổ chức (tháng
7/2006) sẽ tiếp tục đề cập đến chủ đề Công nghiệp công nghệ phần mềm một
cách toàn diện và chi tiết hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị
tuyển dụng tại ngày hội thì chất lượng đào tạo của các trường hiện nay
cũng đang là vấn đề đáng bàn, phần lớn sinh viên mới ra trường đều chưa
đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và trong quá trình học họ chưa được tiếp
xúc với các chương trình phần mềm, đề án thực tế. Hi vọng, thời gian tới
nguồn nhân lực này sẽ có bước khởi sắc hơn qua các chương trình đào tạo
thực tế và hiệu quả hơn.
Phúc Tiến – Thi Phú
(theo báo Giáo Dục TpHCM)
|