(Post 07/06/2006) Những ai mong chờ một thông
điệp cụ thể nào đó từ Bill Gates chắc chắn đã không được toại nguyện.
Đúng vậy, ông nói nhiều về công nghiệp phần mềm (PM), Internet..., về
những lợi ích mà CNTT đã và sẽ mang lại cho con người; thậm chí có thể
nhận thấy sự trùng lặp trong các bài phát biểu của ông. Chuyến thăm của
Bill Gates chỉ đơn thuần để ông cảm nhận rõ hơn về Việt Nam (VN). Nhưng
dù sao, câu hỏi vẫn được đặt ra: chuyến thăm của Bill Gates hứa hẹn điều
gì? Và vị thế của CNTT VN được đánh giá ra sao?
Bill Gates đến VN làm gì?
Câu hỏi này chắc chắn đã và sẽ được bình luận nhiều sau
chuyến công du của vị kiến trúc sư trưởng ngành PM thế giới. Cũng có thể
giả thiết, sau quyết định đầu tư của Intel - một đối tác lớn của Microsoft
- vào VN, Bill Gates thấy tò mò? Nhưng giả thuyết này không thuyết phục
vì Bill Gates đã nhận lời đến thăm VN sau lời mời của Thủ Tướng Phan Văn
Khải từ tháng 6 năm ngoái. Hơn nữa, cần biết rằng Bill có một tài sản
kếch sù lên tới 50 tỷ USD, và theo một so sánh vui, cứ mỗi giây vị chủ
tịch này làm ra khoảng 250 USD. Nếu chẳng may, Bill đánh rơi 100 USD,
ông ta sẽ không cúi xuống nhặt vì chỉ trong 4 giây để làm động tác ấy,
ông ta đã làm ra cả nghìn USD. Chẳng lẽ một con người mà mỗi giây làm
việc giá trị như thế, lại bay nửa vòng trái đất, chịu bao vất vả trong
24 giờ viếng thăm VN chỉ để thỏa mãn sự tò mò?
Cho dù trong rất nhiều cuộc tiếp kiến với Chính Phủ,
cộng đồng doanh nghiệp (DN), sinh viên, Bill Gates không đưa ra một lời
hứa hẹn hay một cam kết hỗ trợ, đầu tư nào cụ thể, nhưng sau quyết định
đầu tư của Intel, chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Bill Gates đã khẳng
định một cái nhìn mới, tích cực hơn về VN từ giới CNTT thế giới. Nói cách
khác, chuyến thăm này có thể hiểu như một động thái của Bill khi nhìn
thấy tiềm năng đầu tư và phát triển nào đó ở VN và ông ta muốn tận mắt
chứng kiến nó trước khi lên "giây cót" cho bản kế hoạch của
mình. Bản kế hoạch đó, có thể sẽ được công bố trong vài năm tới hoặc cũng
có thể cuối năm nay. Câu trả lời đang ở phía trước.
Thứ hạng của CNTT VN?
Chúng ta vẫn nói, VN có nguồn nhân lực dồi dào, thông
minh, chi phí nhân công thấp. Nhưng liệu sự đánh giá của chúng ta có trùng
với đánh giá của Bill về VN? Ngay trước cuộc thuyết trình của Bill với
cộng đồng hơn 600 người hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông Trương Gia
Bình, chủ tịch VINASA, tổng giám đốc FPT kêu gọi: "Bill là người
hiếm đi thăm các nước. Chúng ta đang có cơ hội được gặp một người tạo
ra sự khác biệt rất lớn cho thế giới. Chúng ta hãy làm cho Bill Gates
thấy tiềm năng của VN; chứng minh cho họ thấy chúng ta hoàn toàn có khả
năng đón nhận các công nghệ của Microsoft cũng như của các DN nước ngoài.
Đây là điều quan trọng đối với các DN CNTT VN".
Còn theo đánh giá của Bill Gates thì: "VN là nước
có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, VN cần toàn tâm toàn ý để phát
triển nguồn nhân lực. Trong cuộc nói chuyện với các sinh viên của ĐH Bách
Khoa, tôi thấy họ là những con người có năng lực. Theo quan điểm của tôi,
việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT của VN cần có sự phối hợp chặt chẽ của
các ban ngành với các trường ĐH".
Dù thế nào, thứ hạng của CNTT VN sau chuyến thăm của
Bill Gates đã được nâng lên thấy rõ. Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên
Cứu của Thủ Tướng nhận định: "Đón tiếp Bill Gates ở VN là một cơ
hội tuyệt vời. Trên một ý nghĩa nào đó, nó còn quan trọng hơn chuyến thăm
của nguyên thủ quốc gia một nước. Nó sẽ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu
hỏi: "Bill Gates đã đến thăm VN, vậy tại sao ta lại không đến và
tìm hiểu những cơ hội ở đó?".
Hơn nữa, trong khi chúng ta đang rất quan tâm đến thu
hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao thì chuyến thăm của Bill
Gates chính là sự bỏ phiếu quan trọng cho VN. Nói cách khác, cùng với
việc Intel được cấp phép xây dựng nhà máy lắp ráp chip, chuyến thăm của
Bill Gates sẽ tạo nên những dấu ấn mới trong thu hút đầu tư vào công nghệ
cao - một mục tiêu mà chúng ta đã theo đuổi mấy năm gần đây".
Cũng theo bà Chi Lan, cho dù Bill Gates chưa quyết định
đầu tư gì vào VN nhưng chuyến thăm này là cơ hội tốt để VN quảng bá mình
với các nhà đầu tư nước ngoài. Không phải DN VN nào cũng có cơ hội tiếp
cận với Bill Gates, nhưng họ vẫn nên tận dụng sự kiện này để "quảng
bá” trong các mối quan hệ về sau với đối tác quốc tế.
Bill
Gates nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam tại khách sạn Hilton
Hà Nội. |
|
Thông điệp của Bill Gates với CNTT VN
Có khá nhiều thông điệp của Bill Gates được đưa ra với
cộng đồng CNTT VN. Một con người, bằng tài năng và bộ óc của mình đã làm
thay đổi cả thế giới cũng như tư duy làm việc và cuộc sống của mọi người
lại có lời khuyên rất giản dị với sinh viên: "Các bạn hãy cứ học
hết đi đã”.
Theo Bill thì: "Quan trọng là phải đầu tư vào việc
học hành của mình. Những công việc làm ra nhiều tiền, cải tạo cuộc sống
và thế giới đều đòi hỏi phải học hành rất chăm chỉ. Học hành là đầu tư
quan trọng nhất mang lại sản phẩm sau này. Những ai có cơ hội học hành
thì hãy làm thế nào để trả ơn cuộc sống".
Khi được hỏi về cơ hội cho VN, Bill khẳng định: "Không
có toàn cầu hóa hoàn toàn về một vấn đề. Mỗi quốc gia có một chiến lược
riêng. VN nên khai thác chất xám ở bên ngoài. Rất nhiều công việc và khả
năng được tạo ra trong thời gian tới nhưng nó không chỉ dành cho một ngành
cụ thể nào cả. CNTT phải được ứng dụng trong các ngành nghề khác nhau
như du lịch, nông nghiệp. VN phải nhìn một cách tổng thể trong mọi lĩnh
vực".
Riêng với phát triển CNTT, Bill phân tích: "Để có
thể tạo được việc làm cho người trẻ tuổi trong 10-20 năm tới thì phải
có những công việc và chất lượng tuyệt vời trong mọi lĩnh vực khác nhau.
Nhưng theo tôi, VN không nên chỉ tập trung vào gia công CNTT như Ấn Độ.
Tôi nghĩ chúng ta nên tập hợp kinh nghiệm từ các nước. VN cần có cách
nhìn phong phú, đa dạng hơn, tìm kiếm ở những thị trường khác hơn, mới
hơn".
Và khi tiếp cận Bill Gates người ta đều tò mò muốn biết,
điều gì quan trọng với người đàn ông thông minh và giàu có nhất thế giới
này. Câu trả lời của Bill tại hội trường Bách Khoa đã được Bill khẳng
định qua nhiều phương tiện truyền thông khác: "Tôi có 3 điều quan
trọng: Thứ nhất, gia đình của tôi. Thứ 2, công việc ở Microsoft và được
làm việc với những người thông minh. Thứ 3, trong tương lai tôi sẽ sử
dụng tài sản của mình như thế nào để nó có thể quay lại với thế giới này.
Tôi yêu quý gia đình, công việc mang tính nền tảng của mình."
Cuối cùng, Bill chia sẻ bí quyết thành công: "Nên
tập trung vào một lĩnh vực thôi để làm cho thật tốt. Trước đây tôi đã
bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về máy tính để hiểu nó như thế nào. Hãy
chấp nhận những rủi ro. Tôi làm việc nhiều giờ và thích làm việc".
Hạnh Lê
(theo PC World VN) |