Năm nào các công ty công nghệ cũng gây chuyện và sau đó lại xin lỗi nhưng có vẻ 2016 là một năm có quá nhiều lỗi lầm. Hãy điểm lại xem những tên tuổi nổi bật trong làng công nghệ như Samsung, Microsoft, Apple, Huawei… đã làm gì để phải xin lỗi.
Samsung xin lỗi vì sự cố pin của Galaxy Note 7
Chiếc phablet siêu phẩm của Samsung phát nổ là sự kiện gây choáng váng nhất của cả ngành công nghệ trong năm nay. Trong khi Apple hân hoan vui sướng vì Samsung đã cứu iPhone 7 khỏi một thất bại trông thấy thì Sam fan lại đau đớn buồn bã.
Samsung đã chính thức đưa ra lời xin lỗi cho sự cố này trên website của công ty vào tháng 11 và thậm chí còn đăng một lời xin lỗi lớn bằng nguyên khổ trang báo với nội dung:
"Một nguyên lý quan trọng trong sứ mệnh của chúng tôi là đem đến sự an toàn và chất lượng hàng đầu. Gần đây, chúng tôi đã không đạt được lời hứa này. Vì vậy, chúng tôi thực sự lấy làm tiếc".
"Chúng tôi đang tiến hành điều tra cẩn thận chiếc Note 7 và kết quả sẽ được thông báo khi quá trình này hoàn tất… Chúng tôi sẽ kiểm tra lại tất cả các chi tiết của thiết bị, bao gồm cả phần cứng, phần mềm, dây chuyền sản xuất và cấu trúc tổng thể của pin. Chúng tôi sẽ tiến hành càng nhanh càng tốt, nhưng sẽ mất thời gian cần thiết để có được câu trả lời đúng".
Evernote: "Chúng tôi đã hoàn toàn làm đảo lộn mọi thứ"
Evernote đã gửi thông báo cho khách hàng cho biết kể từ nay, các nhân viên của công ty sẽ có quyền đọc một số nội dung ghi chú nhằm phát triển các thuật toán dành cho công nghệ máy học. Thế nhưng, điều này đã được chứng minh là một động thái hết sức thiếu khôn ngoan của công ty. Khách hàng tức giận và lập tức CEO Chris O'Neill đã phải lên tiếng để xoay chuyển tình hình. Ông tuyên bố sẽ chỉ cho phép các nhân viên đọc một số nội dung trên cơ sở khách hàng tùy quyền cho phép hoặc không.
"Chúng tôi đã công bố một sự thay đổi trong chính sách của công và điều này dường như đã thể hiện rằng chúng tôi không hề quan tâm đến sự riêng tư của khách hàng hoặc những ghi chú của họ. Đây không phải ý định của chúng tôi và khách hàng giúp chúng tôi hiểu ra rằng mình đã sai hoàn toàn. Chúng tôi lắng nghe họ và chúng tôi đang tiến hành những biện pháp để khắc phục vấn đề này ngay lập tức", ông O'Neill cho biết. "Chúng tôi rất hào hứng với những gì mình có thể đem đến cho khách hàng thông qua công nghệ máy học, thế nhưng chúng tôi phải hỏi xin phép chứ không phải mặc định rằng mình được phép. Chúng tôi xin lỗi vì đã làm khách hàng thất vọng và chúng tôi đang xem xét lại toàn bộ chính sách về quyền riêng tư từ sau sự cố này".
Apple: Error 53 trên iPhone
Không dễ để gã khổng lồ như Apple ngỏ lời xin lỗi. Chẳng hạn như trước đây khi chiếc iPhone 6 Plus bị lỗi cảm ứng, Apple đã nhanh chóng khẳng định rằng vấn đề này xảy ra là do khách hàng "nhiều lần đánh rơi chiếc điện thoại của họ vào mặt phẳng cứng". Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, Apple đã nhận ra rằng lỗi Error 53 xuất hiện trên điện thoại thực sự là lỗi của công ty chứ không phải khách hàng. Táo khuyết đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về sự cố này như sau:
"Một số thiết bị của người dùng hiện thông báo 'Connect to iTunes' khi đang cố gắng cập nhật iOS hoặc restore từ iTunes trên máy tính Mac hoặc PC. Thông báo này được phản ánh với tên gọi lỗi 'Error 53' trong iTunes và xuất hiện khi một thiết bị không qua được một bài test bảo mật. Bài test này được thiết kế để kiểm tra xem cảm biến vân tay Touch ID có hoạt động bình thường hay không, trước khi thiết bị rời nhà máy.
Hôm nay, Apple phát hành một bản update phần mềm cho phép người dùng gặp phải lỗi này có thể restore thành công thiết bị bằng công cụ iTunes trên Mac hoặc PC. Chúng tôi xin lỗi nếu đã gây ra sự bất tiện cho khách hàng nhưng 'Error 53' không phải được thiết kế để làm ảnh hưởng tới người dùng. Những ai bị ảnh hưởng có thể liên hệ dịch vụ AppleCare để được hoàn trả lại chi phí sửa chữa".
Microsoft xin lỗi vì email phân biệt chủng tộc và chatbot ăn nói bậy bạ
Cách đây không lâu, Microsoft vừa gửi tới khá nhiều người dùng trên thế giới một đoạn email quảng cáo cho Dead Rising 4 vốn sẽ được ra mắt vào kỳ Giáng Sinh 2016 trên XONE. Chuyện chẳng có gì để nói nếu như email này không để tiêu để là cụm các chữ: "NNNNGGGHHHAAAA". Cụm từ rõ ràng ám chỉ hành động của một con Zombie đang gầm gừ. Tuy nhiên cách sắp xếp thứ tự của các chữ cái này dễ khiến người ta liên tưởng tới cụm từ: "Niggha" hay "Nigger", ám chỉ sự khinh thường người da đen. Sau đó công ty đã nhanh chóng đưa ra môt thông báo xin lỗi trên Gizmodo với nội dung: "Hôm nay, chúng tôi đã gửi 1 email DR4 miêu tả cảnh 1 con Zombie đang gào nên nhưng nó vô tình trở thành ý tứ như thể đang phân biệt chủng tộc. Chúng tôi xin lỗi và hứa sẽ làm tốt hơn vào lần sau".
Đây cũng không phải email xin lỗi duy nhất của Microsoft. Trước đó vào tháng 2, chatbot trí thông minh nhân tao tên "Tay" của Microsoft ngay trong ngày đầu ra mắt đã trở thành một trong những chatbot khét tiếng nhất thế giới. Tay chuyển từ một "cô gái tuổi teen" ngoan ngoãn thành một chatbot chướng tai gai mắt, ủng hộ phát-xít, phản đối nữ quyền.
Microsoft cũng đã khẳng định rõ ràng là những điều mà Tay đã nói ra không phải do Microsoft lập trình. Công ty này cũng chưa công bố thời gian sẽ đưa Tay trở lại, mặc dù đã khẳng định rằng các lập trình viên đang nỗ lực hết sức để vá các lỗ hổng an ninh.
Huawei dính bê bối về quảng cáo camera
Một trong những tính năng quan trọng nhất trên chiếc smartphone cao cấp P9 của Huawei là hệ thống camera kép ở mặt sau và trong một bài đăng trên Google+, công ty này đã sử dụng hình ảnh chụp bằng máy ảnh DSLR cao cấp để quảng cáo cho chất lượng ảnh chụp từ chiếc smartphone P9.
Chia sẻ với trang công nghệ Android Police, Huawei thừa nhận đã xin lỗi vì gây ra sự hiểu nhầm. Hãng công nghệ này cho biết:
"Bức ảnh được chúng tôi chia sẻ hoàn toàn không phải chụp bằng smartphone P9. Bức ảnh chuyên nghiệp này được chụp trong khi đang quay một quảng cáo cho Huawei P9, và được chia sẻ để truyền cảm hứng cho người dùng của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng cần phải có được sự rõ ràng hơn nữa cho chú thích của bức ảnh. Chúng tôi xin lỗi vì điều này và đã xóa đi hình ảnh".
Google xin lỗi vì trò đùa Mic Drop vào ngày Cá tháng 4
Google đã giới thiệu chức năng Gmail Mic Drop như một trò "Cá tháng Tư" trong năm 2016. Nó cho phép người dùng trả lời bất kỳ email nào với nút "Send+Mic Drop". Kết quả là đã có người dùng thông báo rằng mình đã mất việc làm vì Mic Drop. Họ phải gửi một email quan trọng cho kịp tiến độ làm việc nhưng sếp chỉ nhận được một email mang hình Minion. Và sáng hôm sau, họ đã nhận được tin đuổi việc.
Sau khi khiến 900 triệu người dùng "nổi điên", Google buộc phải nhanh chóng xóa chức năng này và thông báo xin lỗi. Công ty cho biết họ đang làm việc để đem các email Mic Drop đã bị ẩn trước trở lại hộp thư cho người dùng có thể xem lại họ có thể bỏ lỡ cuộc hội thoại nào.
Google nói rằng đáng lẽ họ nên hỏi ý kiến người dùng trước khi bật "trò đùa" này lên và nó phải có bản xác nhận trước khi gửi. Đồng thời, họ cũng không lường trước rằng người dùng sẽ lỡ ấn vào nút này vì nó được đặt quá gần nút gửi thông thường và gây hiểu lầm.
Cả CEO Facebook và 2 triệu người dùng đều bị tuyên bố đã chết
Theo AFP, khoảng hai triệu thông điệp chia buồn đã được đăng tải nhầm trên tường của nhiều tài khoản Facebook trong ngày 11.11. Thậm chí nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng nhận được thông điệp "Tưởng nhớ Zuckerberg".
Ngay lập tức, phát ngôn viên của công ty đã đưa ra lời xin lỗi chính thức và tuyên bố:
"Các thông điệp chia buồn dành cho những người dùng Facebook qua đời vô tình được đăng tải trên nhiều tài khoản. Đây là một lỗi nghiêm trọng chúng tôi đã khắc phục".
Lê Kiên
(theo ICTnews)
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
Tin liên quan:
|