Sáng 18/3, tại Viện Đào tạo Quốc tế FPT (FAI), đã tổ chức Hội thảo "Thị trường CNTT Nhật Bản cần gì ở Lập trình Viên" dành cho các sinh viên đang theo học tại FAI nói riêng và Tổ chức Giáo dục FPT nói chung với mong muốn đem lại cho sinh viên một cái nhìn toàn cảnh về nhu cầu tuyển dụng lập trình viên của thị trường Nhật Bản. Đồng thời, hội thảo cũng cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến các kỹ năng cần thiết khi tham gia ứng tuyển vào các công ty của Nhật Bản hoặc có liên quan đến Nhật...
Hội thảo "Thị trường CNTT Nhật Bản cần gì ở Lập trình viên" đã thu hút đông đảo sinh viên chuyên ngành CNTT đến tham dự |
|
Tham gia chương trình hội thảo lần này có ông Nguyễn Vũ Hiển, Giám đốc bộ phận Giải pháp hệ thống Công ty Co-well Châu Á, doanh nghiệp nhiều năm hợp tác với đối tác Nhật Bản, thầy Nguyễn Tuân – Giám đốc Đào tạo FPT Aptech Hà Nội. Hội thảo diễn ra trong không khí gần gũi và cởi mở giữa 2 vị khách mời với hơn 80 sinh viên của FAI.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc cùng các đối tác Nhật Bản, ông Nguyễn Vũ Hiển đã chỉ ra xu hướng "đặt hàng" của các đối tác trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như cách đây khoảng 5 năm là thời kỳ hoàng kim của iOS, thì hiện nay lại đang có xu hướng dịch chuyển sang hai ngôn ngữ lập trình là Java và PHP. Trong đó, PHP đang được dự kiến sẽ bước sang thời kỳ hoàng kim trong những năm tới. Thực tế này có thể thấy tại CO-Well, với hơn 200 kỹ sư CNTT trong đó khoảng 50% lập trình PHP, 30% lập trình Java, 20% còn lại dành cho các ngôn ngữ khác.
Tuy nhiên, đại diện CO-Well cũng khẳng định rằng dù bạn lập trình ngôn ngữ nào đi chăng nữa cũng nên học tốt phần kiến thức nền rồi mở rộng các ngôn ngữ mà bạn yêu thích. Bên cạnh đó, các đối tác Nhật Bản, cũng như các công ty sản xuất phần mềm cho Nhật cũng có xu hướng muốn tuyển dụng ứng viên có khả năng viết trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, phục vụ cho nhiều dự án khác nhau.
Ông Phạm Vũ Hiển – chia sẻ với sinh viên về những kỹ năng cần có khi làm việc với đối tác Nhật Bản |
|
Khi được hỏi về các kỹ năng cần thiết để apply các công ty phần mềm của Nhật, cả hai vị khách mời đều khẳng định: trước hết cần có một kỹ năng lập trình tốt, sự tự tin, không ngừng học hỏi. Bên cạnh đó, cần có các kỹ năng mềm thật tốt bởi Nhật Bản là đối tác giàu tiềm năng nhưng cũng vô cùng kỹ tính trong từng khâu sản xuất. Việc làm việc cho khách hàng đến từ Nhật Bản cũng cho các lập trình viên được rất nhiều cơ hội như: làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt, yêu cầu cao về sản phẩm, kỹ năng teamwork... Ông Phạm Vũ Hiển có chia sẻ, nếu một coder đáp ứng được yêu cầu của một đối tác khó tính như Nhật Bản thì coder có thể đi xa hơn nữa. Chính vì thế, ông Hiển cũng cho rằng, "Nhật Bản là điểm khởi đầu chứ không phải là đích đến" của bất cứ ai muốn trở thành một coder giỏi.
Cũng tại hội thảo, thầy Nguyễn Tuân, Giám đốc Đào tạo FPT Aptech Hà Nội cũng chia sẻ, trong quá trình đào tạo FPT luôn đẩy mạnh tinh thần tự học, kích thích sự ham học trong mỗi sinh viên. Bên cạnh các chương trình đào tạo trong chương trình chính thức tuân thủ với đối tác FPT Aptech cũng sẵn sàng mở thêm các chương trình đào tạo nếu sinh viên cần và nhu cầu xã hội cần.
Thầy Nguyễn Tuân –Giám đốc Đào tạo FPT Aptech, "chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ sinh viên những thứ sinh viên còn thiếu cho đến khi các em tốt nghiệp" |
|
Qua những gì hai vị khách mời chia sẻ sinh viên đã có những góc nhìn mới về thị trường CNTT Nhật Bản với những thuận lợi, cơ hội và cả thách thức cho một sinh viên mới ra trường. Hội thảo lần này cũng đã mở ra những cơ hội việc làm, thực tập tại CO-Well dành cho các sinh viên FPT Aptech
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
|