Trở thành vua sáng tạo từ những sản phẩm chuẩn mực  
 

Những sản phẩm như máy hút bụi, máy sấy tóc trên thị trường dường như là chuẩn mực. Nhưng với Dyson, ông già 69 tuổi, lại không nghĩ vậy. Tái sáng tạo những máy móc quen thuộc giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh.

Dyson trong ngày công ty về trụ sở mới. James Dyson tạo dựng một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới nhờ chiêu mộ những kỹ sư tài năng trẻ tuổi về vùng thôn dã thi vị nước Anh và cho họ cơ hội thất bại hàng trăm lần. Cách làm này giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh và cách mạng hóa nhiều sản phẩm từ máy hút bụi đến máy sấy tóc.
FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Mặc một chiếc áo chấm tròn xanh dương và đi đôi giày sọc hiệu Reebok, James Dyson bất ngờ rẽ khỏi con đường lát gạch đi xuyên công ty rộng 56 mẫu Anh của ông (hơn 60.000 m2). Vị tỷ phú 69 tuổi có dáng người dong dỏng len vào một bụi cây và hướng lên tấm kính phản chiếu bên ngoài phòng thí nghiệm tuyệt mật mới của ông. Đó là tòa nhà hình vuông hai tảng trông như vừa được nhập trực tiếp từ Santa Clara đến Cotswolds. Với vẻ hân hoan, ông không nói rõ những kỹ sư của mình đang làm gì bên trong. "Tôi hy vọng họ đang làm việc", ông nói và cười khúc khích.

Bên trong những phòng thí nghiệm của Dyson, các kỹ sư cố gắng và cố gắng, cả nghìn lần nếu cần. Theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái: Căn phòng thử nghiệm âm thanh để đảm bảo sản phẩm đạt độ yên tĩnh; kỹ sư thử nghiệm mô hình cánh quạt trong động cơ của Dyson; kiểm tra máy sấy Supersonic bằng cách cho thổi khô tóc thật; đội phát triển kiểm tra cùng lúc 332 mô tơ.

Thực tế, hôm nay là ngày dọn vào làm việc đầu tiên tại cơ sở mới toanh trị giá hơn 200 triệu USD, và ở phía bên kia bãi cỏ, nhiều kỹ sư trẻ đang dỡ đồ đạc để sắp đặt vào khu của mình. Công việc của họ tại D9, bí danh của trung tâm, là thử nghiệm một cách không sợ hãi, thất bại liên tục và ghi chép lại những thất bại đó trong những cuốn sổ tay màu vàng và đen do công ty cấp, làm cơ sở cho nhiều thử nghiệm và thất bại nữa (đây cũng là một lĩnh vực phụ của công ty trong lĩnh vực kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế). Thảng hoặc, vòng tròn bất tận của những lần thất bại này cũng giúp tạo ra những sản phẩm mới mang tính cách mạng như máy hút bụi không túi (5 năm, 5.127 mẫu thử), người máy 360 Eye (17 năm, hơn 1.000 mẫu thử) và máy sấy tóc Supersonic (4 năm, 600 mẩu thử). Nhưng những thành công ít ỏi này "đắt xắt ra miếng". Bằng chứng, 58 sản phẩm của Dyson tạo ra doanh thu 2,4 tỷ USD trong năm ngoái và khoảng 340 triệu USD lợi nhuận, ngay cả sau khi Dyson tái đầu tư 46% lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao cho R&D (nghiên cứu và phát triển), nhiều hơn cả những đối thủ lớn như Electrolux và Techtronic. Dyson sở hữu 100% công ty có trị giá khoảng 4,8 tỷ USD.

D9 là nền tảng cho những nỗ lực của Dyson trong việc chiêu mộ kỹ sư từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học về làm cho ông tại bản doanh công ty gần Malmesbury, thị trấn có 5.400 dân nằm cách London hai giờ lái xe về phía Tây. Độ tuổi trung bình của những kỹ sư là 26 (Dyson có 3.000 kỹ sư trên thế giới và muốn thuê thêm 3.000 người nữa từ nay đến năm 2020), và tuổi thanh xuân của họ không phải điều ngẫu nhiên. "Lòng nhiệt thành và không biết sợ rất quan trọng", Dyson nói. "Việc không đếm xỉa đến giới chuyên gia để thực hiện điều mình muốn bởi mình tin vào nó là rất quan trọng. Khi còn trẻ, bạn càng dễ làm thế hơn nữa".

Chính thái độ không biết sợ hãi của Dyson cho phép ông liên tục thử nghiệm sản phẩm mới, mặc dù tính cầu toàn thường ngăn ông tung chúng ra thị trường. Ông nổi tiếng nhất nhờ tạo ra máy hút bụi không túi đầu tiên cách đây ba thập kỷ, và công ty ông vẫn kiếm được 70% doanh thu từ máy hút bụi, phần lớn trong số này có trọng lượng nhẹ, cầm bằng một tay và chạy bằng pin. Nhưng Dyson còn thành công cả với máy sấy tay Airblade, máy tạo ẩm Dyson và Pure Cool Link, quạt gió kiêm máy lọc không khí. Tạo phẩm mới nhất từ công xưởng của ông là chiếc máy thổi - sấy Supersonic. Dyson chi 71 triệu USD và dành thời gian nghiên cứu lượng tóc người dài đến 1.609 km để phát triển thiết bị có giá bán 400 USD, có tác dụng giảm tổn hại do nhiệt và giảm tình trạng tóc bị thổi rối bù. Sản phẩm ra mắt tại Nhật Bản vào tháng 4/2016 và sắp có mặt tại Mỹ.

Các kỹ sư của Dyson dành thời gian nghiên cứu lượng tóc người dài đến 1.609 km và hãng chi ra 71 triệu USD để tạo chiếc máy thổi - sấy Supersonic.
FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Dyson hy vọng những kỹ sư mới sẽ đẩy mạnh tiến trình sáng tạo của công ty: ông đang lên kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triểt ít nhất 100 sản phẩm mới từ nay đến năm 2020, gần gấp đôi lượng sản phẩm họ đang có trên thị trường và tương đương với số lượng sản phẩm được tung ra kể từ ngày thành lập. "Chúng tôi lúc nào cũng tái sáng tạo chính mình", Dyson nói. "Chúng tôi đang chống lại sức ì. Chúng tôi vẫn thấy mình nhỏ bé, lanh lợi và tiên phong".

Tuy Dyson không tiết lộ nhiều chi tiết, ông cho biết nhiều sản phẩm sẽ liên quan đến chăm sóc cá nhân hoặc ánh sáng. Hệ thống ánh sáng là đứa con tinh thần của con trai đầu và người thừa kế tiềm năng của ông, Jake, 46 tuổi, từng làm tại Dyson hai năm trước khi rời đi vào năm 2002 (anh lập doanh nghiệp riêng chuyên bán đèn LED tự làm mát). "Tôi muốn tách ra làm thứ mình muốn và chứng minh khả năng của mình", Jake nói. Anh trở về công ty vào tháng 4, mang theo những ý tưởng lẫn công nghệ LED của mình.

Nhưng vụ đánh cược lớn nhất của Dyson là trong mảng pin. Ông cho rằng, pin sạc lithium-ion (li-ion) đang cung cấp năng lượng cho hầu hết thiết bị trên thế giới, gồm cả các sản phẩm của công ty ông, không có thời lượng đủ lâu và cần phải an toàn hơn vì thỉnh thoảng chúng lại bốc cháy. Đúng với bản chất của mình, thay vì cải thiện công nghệ li-ion hiện có, Dyson đang đi con đường mới: Thử nghiệm pin li-ion thể rắn làm bằng chất liệu gốm. Để làm thế, Dyson thực hiện vụ thâu tóm đầu tiên trong lịch sử công ty vào tháng 10/2015, chi 90 triệu USD để sở hữu Sakti3, công ty khởi nghiệp làm pin ở Ann Arbor, Michigan, Mỹ.

Và đó mới chỉ là khởi đầu. Dyson cam kết chi 1,4 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy pin và đầu tư cho R&D trong vòng 5 năm tới, cú đánh cược khổng lồ so với quy mô của hãng. Nhưng Dyson không nao núng khi tuyên bố họ sẽ sớm sản xuất những viên pin đáng tin cậy hơn, và có thời lượng lâu nhất thế giới. Đây như lời tuyên chiến sống còn với thị trường pin li-ion toàn cầu có giá trị khoảng 40 tỷ USD theo ước tính của hãng nghiên cứu Lux. "Pin là những thứ thú vị và hấp dẫn", Dyson nói.

Lòng quyết tâm và bền chí trong Dyson xuất phát từ bờ biển Norfolk, đông bắc nước Anh, nơi ông lớn lên là con út trong gia đình có ba anh em. Cha ông dạy văn học cổ điển tại Gresham's, trường nội trú dành cho giới tinh hoa thành lập từ năm 1555; còn mẹ ông, người bỏ học khi 17 tuổi để gia nhập phi đội tiêm kích không lực Anh trong Thế chiến II, giúp nuôi dạy bầy con. Cha ông mất vì ung thư khi Dyson mới 9 tuổi. Sau mất mát này, Dyson bắt đầu thúc đẩy bản thân nỗ lực hơn. Ông chọn học kèn bassoon dù biết đây là nhạc cụ khó nhất trong dàn giao hưởng. 14 tuổi, ông bắt đầu thi chạy; ông thường thức dậy lúc 6h sáng để luyện tập bằng cách chạy trên những đồi cát (ông nghiệm ra cách làm này tốt hơn cho việc luyện sức bền). Đến đêm, ông thường chạy thêm hai giờ nữa cho đến sau nửa đêm. "Bỗng nhiên thi thoảng tôi đã có một cái gì đó để vênh mặt với người khác", Dyson viết trong cuốn tự truyện năm 1997 của ông.

Tòa nhà hình sóng não xây vào năm 1998 để trông giống như làn sóng trên những cái cây, trụ sở chính của Dyson, trung tâm Research Design & Development, là địa điểm gây choáng ngợp giữa khu Malmesbury đồng quê. Bên trong là 129 phòng thí nghiệm cùng các bộ phận văn phòng.
FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Tự nhận mình là học kém, ông theo học trường Nghệ thuật Byam Shaw ở London, nơi ông gặp người vợ Deirdre. Sau này, ông được nhận vào học thạc sĩ tại ĐH Hoàng gia về Nghệ thuật, dù chưa học xong cử nhân. Thời đó, Dyson phát triển thiết kế khác thường cho mái nhà bằng nhôm. Điều này đưa ông đến gặp Jeremy Fry, nhà phát minh tiếng tăm từng lắp đặt mái nhà tương tự. Hai người lập tức trở nên thân thiết, và Fry đem đến cho Dyson công việc toàn thời gian đầu tiên tại công ty sản xuất Rotork của ông. Dyson giúp thiết kế tàu vận tải biển đầu tiên của công ty, tức về cơ bản là những tàu chở hàng tốc độ cao, và cung cấp cho quân đội các nước trên thế giới, bao gồm cả quân đội Ai Cập, nước sử dụng những loại tàu này để chống lại Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973.

Khi Dyson không có mặt tại Rotork, ông dành thời gian sửa sang khu trang trại 300 tuổi gần Bath. Chính công việc chở xi măng trong giai đoạn tu bổ này đã truyền cảm hứng cho những ý tưởng "cách tân một sản phẩm đã có" sớm nhất của ông: Chiếc xe cút kít chở vật liệu được hiện đại hóa. Phiên bản cút kít của ông dùng một quả bóng làm bánh xe thay vì bánh xe kiểu cũ, vì nó giúp phân phối trọng lượng đều hơn và không bị kẹt trong bùn.

Năm 1974, ông nghỉ việc và bắt đầu sản xuất Ballbarrows bằng những khoản vay ngân hàng và sự trợ giúp từ người em rể vừa được nhận tiền thừa kế. Hai năm sau, khi lãi suất tăng vọt cùng khoản nợ 270.000 USD, họ bán 33% cổ phần cho một nhà đầu tư. Năm 1979, Dyson bị buộc ra khỏi công ty, một phần bởi ông muốn vay thêm tiền để phát minh còn những cổ đông khác muốn giảm nợ.

Dẫu vậy, khởi nghiệp đầu tiên này cho Dyson món quà phi thường: Bột màu sơn trên những chiếc xe cút kít Ballbarrows. Ngay trước khi bị đuổi, ông nảy ra ý tưởng hút bụi sơn bằng cách lắp đặt quạt công nghiệp tự làm có cơ chế quay nhanh trên trần nhà máy. Khoảng cùng thời gian ấy, ông đang vật lộn sửa máy hút bụi tái chế Hoover của nhà mình (ông không mua nổi một chiếc máy mới). Mỗi khi túi đầy là chiếc máy ngừng hoạt động. Một Chủ nhật trong tháng 10/1978, sau khi quan sát chuyển động của cỗ máy làm theo nguyên lý tụ gió của nhà máy, Dyson chạy về nhà và mở banh chiếc máy hút bụi ra. Ông thay nó bằng phiên bản giấy bìa cứng mà ông tự làm trong nhà máy. Nó hoạt động tốt đến mức thúc đẩy Dyson tạo ra phiên bản thương mại hóa đại trà.

Ban đầu, ông và người thầy Jeremy Fry, mỗi người góp 53.000 USD. Và trong 5 năm tiếp theo, trong lúc ông chi hàng nghìn giờ làm việc (lẫn USD) để làm ra 5.127 mẫu thử trứ danh đó, người vợ nghệ sĩ của ông giúp nuôi sống gia đình bằng cách bán tranh minh họa cho tạp chí Vogue của Anh và dạy vẽ tĩnh vật.

Dyson và cựu Thủ tướng Anh David Cameron.
FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Khi mọi thứ gần hoàn thành, vào năm 1983, máy hút bụi không túi của Dyson mạnh đến mức cơ cấu tụ gió bên trong nó giúp tách không khí và bụi ở tốc độ khoảng 1.487 km/h và có thể hút cả khói thuốc lá trong không khí. Để trả hết nợ, ông quyết định cấp phép sản xuất công nghệ này. Phải mất thêm hai năm nữa để ký được hợp đồng với khách hàng lớn đầu tiên. Công ty Apex (Nhật Bản) đồng ý trả trước ông 78.000 USD cùng phí bản quyền 10% để phát triển mẫu máy hút bụi G-Force có giá bán 1.800 USD. Mọi chuyện diễn ra không thuận lợi như vậy ở Mỹ, nơi những thỏa thuận cấp phép ban đầu bị đổ bể và dẫn tới hàng loạt vụ kiện tụng.

Sau mọi vướng mắc, Dyson quyết tâm ra mắt thương hiệu của riêng mình. Bằng cách sử dụng số tiền chủ yếu lấy từ thỏa thuận với người Nhật cùng khoản vay ngân hàng 1 triệu USD, ông ra mắt chiếc Dyson Dual Cyclone màu vàng và bạc đặc trưng vào năm 1993. Bất chấp mức giá trên trời, 300 USD, đắt gấp đôi sản phẩm cùng loại, chiếc máy thành công vang dội khi trở thành máy hút bụi bán chạy nhất nước Anh và "hút" được tổng cộng 1,6 tỷ USD doanh thu tới năm 1997. Trong khoảng thời gian này, Dyson thuê Martin McCourt, từng làm cho Duracell và Toshiba, về làm Giám đốc tài chính. McCourt được bổ nhiệm làm CEO năm 2001. Mười một năm sau, CEO hiện tại, Max Conze, người có 17 năm kinh nghiệm làm cho Procter & Gamble, nhận công việc điều hành hoạt động thường nhật của công ty.

Thoát khỏi những vụn vặt thường ngày, Dyson tái tập trung vào phát minh. Năm 1998, ông tuyển 5 sinh viên đang làm nghiên cứu sinh từ ĐH Kent và giao họ trọng trách phát triển máy hút bụi tự động đầu tiên của Dyson. Một lần nữa, ông lại trải qua nhiều năm và tạo ra 1.000 bản thử nghiệm trước khi thấy thỏa mãn. Ông vứt mô hình đầu tiên đi vì khó khăn về công nghệ và chi phí cao. "Chúng tôi không bao giờ ngại việc lùi một bước và tự nhủ: 'Thế này không đúng. Chúng ta không tung nó ra thị trường được'", Mike Aldred, kỹ sư trưởng mảng người máy, cho biết.

Hành trình kiếm tìm hoàn hảo có thể vừa là điểm mạnh lẫm điểm yếu lớn nhất của Dyson. iRobot đã đánh bại Dyson trên thị trường đến 14 năm, khi giới thiệu máy hút bụi người máy đầu tiên vào năm 2002. Năm ngoái, iRobot bán được khoảng 2 triệu sản phẩm này, theo Euromonitor, với giá từ 375 đến 900 USD. Cuối cùng, 360 Eye, máy hút bụi tự động của Dyson, ra mắt tại Mỹ mùa hè qua. Với giá 1.000 USD, chiếc máy kết hợp tầm quan sát 360 độ với hệ thống dò đường giúp di chuyến quanh ghế phòng ăn và dưới giường ngủ tốt hơn. Công ty từ chối cho biết họ đã bán được bao nhiêu chiếc.

Nghiên cứu và Phát triển là công việc không ngừng nghỉ ở văn phòng của hãng.
FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Đam mê phát minh của Dyson nằm bên trong những cuốn sổ vàng và đen, trong mỗi cuốn đều đóng dấu "Tuyệt mật" mà những kỹ sư của ông mang bên mình. Bên trong, họ ghi chép mọi sáng kiến nảy sinh, từ làm thế nào để chải tóc nhanh hơn cho đến "vọc" lại những máy hút bụi chạy bằng pin. Khi những cuốn sổ được ghi chép kín, chúng sẽ được cất trong kho để những kỹ sư có thể tiếp cận nếu cần thông tin hoặc ý tưởng từ những ghi chép cũ. Nhưng chủ yếu, những cuốn ghi chép thường được dùng như bằng chứng cho những đơn xin cấp bằng sáng chế và những vụ kiện tụng thường xuyên của Dyson. Công ty chi khoảng 6,5 triệu USD mỗi năm cho những tranh chấp về bằng sáng chế. Tuy nhiều, nhiều vụ được dàn xếp ngoài tòa án với những khoản tiền không tiết lộ bởi ai cũng biết rằng Hoover đồng ý trả cho Dyson hơn 6 triệu USD vào năm 2002 vì vi phạm bản quyền phát minh công nghệ tụ gió của hãng này.

Sẽ có người xem Dyson như một gã mơ mộng viển vông, nhưng rõ ràng ông biết cách chơi "theo cách của mình". Người đàn ông sở hữu gần 7.500 bằng phát minh toàn cầu là nhân tố chính trong việc khiến Vương quốc Anh cải tổ luật thuế của họ để có lợi cho người giữ bằng phát minh. Dyson, chủ sở hữu công ty cổ phần đăng ký tại Malta, một thiên đường né thuế, đã viết báo cáo năm 2010, với nhan đề "Nước Anh tài trí", theo chỉ thị từ David Cameron, người sau này trở thành Thủ tướng, trong việc làm thế nào để biến đất nước này thành thế lực xuất khẩu công nghệ hàng đầu. Trong bài viết, ông ủng hộ ý tưởng về "hộp phát minh" (patent box), giúp giảm thuế thu nhập trên sản phẩm được đăng ký bản quyền phát minh xuống còn 10% cùng những sáng kiến cho công tác nghiên cứu và phát triển. "Hộp phát minh" có hiệu lực vào tháng 4/2013. Một tháng trước đó, Dyson đã đem công ty của ông về lại Vương quốc Anh để hưởng lợi thế của luật mới. Kể từ đó, thuế của công ty, trên danh nghĩa phần trăm doanh thu, đã giảm 1/4. "Kết quả là chúng tôi có thể tái đầu tư thêm nhiều hơn, nên điều này có ích cho chúng tôi," Dyson nói.

Pin luôn là một nỗi ám ảnh nơi Dyson. Ông mường tượng ra "số lượng khổng lồ những cơ hội sản phẩm" đến từ việc kết hợp công nghệ pin tốt hơn với những sản phẩm đang có của ông. Để chứng minh quan điểm, Dyson nhảy xuống từ chiếc bàn của ông ở Malmesbury, với lấy chiếc máy hút bụi không dây màu đỏ và tím từ trên đi-văng, và chạy máy dọc trên sàn nhà để cho thấy chiếc máy dễ dùng hơn máy hút bụi cắm dây điện truyền thống ra sao. Máy hút bụi chạy bằng pin hiện chiếm 2/3 trong tổng số 9 triệu máy hút bụi hãng ông bán mỗi năm. "Sản phẩm này thực sự vượt trội, và tôi nghĩ sẽ còn tiếp diễn như thế nữa", Dyson nói. "Nhưng chúng tôi cần công nghệ pin tốt hơn". Những máy hút bụi không dây của Dyson chỉ có thể chạy được 40 phút sẽ cần phải mất 3,5 tiếng sạc lại.

Đây là điều khiến Dyson trả 90 triệu USD để mua start-up về pin đầy hứa hẹn Sakti3. Hãng này đã phát triển trong một phòng lab nhỏ những mẫu tế bào pin thể rắn thử nghiệm sử dụng tấm màng gốm, trên đó đặt những tấm phim thay vì chất điện phân thể lỏng trong pin thông thường, giúp chúng trở nên an toàn hơn. Pin thể rắn còn lưu trữ được nhiều hơn 30% năng lượng trong cùng một dung lượng hoặc hơn 50% trong cùng một khối lượng, theo đơn xin cấp bằng phát minh của Sakti3, đồng nghĩa với việc các sản phẩm có thể trở nên nhỏ hơn và nhẹ hơn so với khi sử dụng những pin lithium-ion tân tiến nhất hiện tại. Sakti3 tuyên bố những loại pin này sẽ có thời lượng gấp đôi bất cứ sản phẩm nào đang có trên thị trường, và tốn ít thời gian sạc hơn.

FPT-APTECH-tro-thanh-vua-sang-tao-tu-nhung-san-pham-chuan-muc

Dyson là một trong vài công ty, gồm Toyota, Nissan và Bosch, đang đặt cược vào pin thể rắn để thay thế cho những loại pin sạc hiện có, dù đa phần chỉ đang tập trung vào ứng dụng cho xe hơi. Nhưng nếu Dyson có thể tăng phạm vi sử dụng loại pin này sang cả sản phẩm gia dụng bên cạnh xe hơi thì sẽ "gây chấn động", Daniel Abraham, chuyên gia về pin tại phòng thí nghiệm quốc gia Argonne ở bang Illinois, cho biết.

Nhưng nhà sáng lập lừng danh của Tesla, Elon Musk, người chi hàng tỷ USD để cải thiện loại pin lithiumion hiện có, lại không có vẻ đồng ý. Tại cuộc họp báo gần đây, ông cho biết không quá lo lắng về pin thể rắn, ít nhất trong lĩnh vực xe hơi: "Từ hiệu quả trong thí nghiệm đến khi sản xuất đại trà cần ít nhất 4 đến 5 năm. Chúng tôi không biết có cái gì, ngay cả còn đang thí nghiệm, có thể tốt hơn cái mà chúng tôi đang làm", Elon Musk nói.

Có lẽ trở ngại lớn nhất là mức giá "cắt cổ." Hiện tại, một pin thể rắn dùng trong máy hút bụi không dây có chi phi sản xuất ít nhất 2.000 USD, theo nhiều chuyên gia về pin. Dyson tuyên bố họ có thể giảm mạnh chi phí này để sản xuất pin có giá phải chăng trong một tương lai không xa. Những người khác không chắc chắn đến mức vậy. "Chúng tôi không nghĩ pin thể rắn có sức cạnh tranh trong ít nhất một thập niên nữa", Chris Robinson, chuyên viên nghiên cứu tại Lux Research, chuyên theo dõi sự phát triển của pin thể rắn, cho biết.

Nhưng đừng nói điều này cho một '"Tín đồ" của Dyson. Nói như Bruce Brenner, Giám đốc phát triển mảng lưu trữ năng lượng của Dyson, "chúng tôi lao về phía trước chính vì sự bất khả thi đó".

FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001

Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT

Thanh Mai
(theo Forbes)

Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tếaptech.fpt.edu.vn


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Sinh viên vỡ mộng khởi nghiệpThân thế thiếu gia của CEO Grab
Kỹ sư CNTT Việt Nam sẽ nhận lương từ 60 triệu - 80 triệu nếu làm việc tại NhậtCâu trả lời xuất sắc của cựu kỹ sư Google cho câu hỏi "Người kiếm được 500.000 USD/năm thường làm công việc gì?"
Lời khuyên của "lão làng" gửi developers tương lai: "Hãy làm phần mềm giải quyết vấn đề thực tế, đừng làm những thứ sáng tạo nhưng không ai cần"5 ví dụ chứng minh dân coder là những anh chàng vui tính nhất thế giới
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11