Tôi và vợ tôi từng là đồng nghiệp tại một công ty phần mềm. Lần đầu tiên tôi để ý đến em là khi em đệm đàn hát trong chương trình văn nghệ của công ty. Mấy ngày sau, khi chúng bạn tôi khẳng định chắc nịch rằng "Anh làm ở đây mà không biết A.D. thì fail quá", tôi chính thức biết tên em.
Các bạn từng làm phần mềm, từng học phần mềm hay thậm chí chỉ là từng theo một ngành kỹ thuật sẽ biết tình trạng "mất cân bằng giới" khủng khiếp đến thế nào. Một cô gái dễ nhìn, lại hát hay đàn giỏi chắc chắn sẽ có nhiều người để ý. Tôi thừa biết trước khi yêu nhau, vợ tôi có rất nhiều người thích. Số người tỏ vẻ quan tâm hay thậm chí là hét toáng lên với cả công ty rằng "tao thích em D." không phải là ít.
Sai lầm của họ? Cưa cẩm theo đúng kiểu trai kỹ thuật – "trai tốt kiên định". Ngày nào cũng hỏi thăm. 2 ngày tặng sữa chua một lần (thậm chí còn nhờ người khác tặng). Giấu tên tặng bài hát... Sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào em nhờ.
Còn tôi, tôi "tán" được em nhờ 1 lần chat và 1 lần đi chơi. Lần chat đầu tiên (vừa add nick), tôi hỏi "Em có phải sinh viên kinh tế hay ngoại ngữ gì đó không?"
"Sao anh biết?"
"Anh thấy em treo stt YouTube là bài cover, mà anh cũng thấy thường chỉ sinh viên kinh tế mới hay share mấy bài đó trên face thôi".
Vài ngày sau, tôi hẹn được em đi chơi lần đầu tiên. Em ngồi sau xe, tôi cầm tay và kiên quyết không chịu bỏ cho đến khi em nói "Anh ơi, như thế này không bình thường!" Chúng tôi bắt đầu "tìm hiểu" từ đó. 3 tháng sau, nàng chính thức nhận lời làm người yêu tôi.
Từ lúc ấy đến bây giờ, tôi yêu thương nàng theo một cách khác, chân thành hơn. Nhưng quy luật để đánh bại dăm bảy chàng trai khác trong giai đoạn "tìm hiểu" ban đầu là rất rõ ràng: sẽ khó có chuyện trai tốt mưa dần thấm lâu. Ngay từ đầu, em phải biết rằng tôi có (chút ít) đặc biệt (giống em): cả em và tôi đều xuất thân là "dân ngoại ngữ" bên trong môi trường kỹ thuật, có khẩu vị âm nhạc giống nhau.
Và đã làm quen rồi, tôi cũng sẽ không vì "sợ" em phật lòng như bao chàng kỹ sư hiền lành khác mà không được làm những điều mà tôi muốn. Trong suy nghĩ của tôi - cũng là cái suy nghĩ đã làm cho em thích tôi, tôi xứng đáng được cầm tay em mà không cần xin phép.
Tôi đã từng một lần định chinh phục nghề phần mềm theo cách ấy. Bước ra trường với tấm bằng giỏi, nằm trong nhóm sinh viên được trường tuyên dương, tôi nghĩ mình sẽ là một kỹ sư phần mềm thật đặc biệt. Tôi tin rằng mình sẽ sớm trở thành một con người nổi bật trong công ty.
Kết quả là rất nhiều lúc, tôi cảm thấy bực dọc vì mất cả ngày chỉ để... lùi một chữ số thập phân hay sửa những bug giao diện nhỏ thực sự không có một chút thử thách nào cả. Có lần tôi than phiền với sếp rằng từ khi vào công ty mới chỉ đúng một lần được học công nghệ mới, còn đâu toàn những framework tuổi đời 2 chữ số. Có lần khác, tôi ra mặt không bằng lòng khi phải lập trình automation test thay vì làm công việc code "sáng tạo" như bình thường.
Rồi đến cả vốn tiếng Anh cũng chẳng bao giờ được dùng vì bản thân chỉ là một anh lập trình viên quèn không được làm việc trực tiếp với khách hàng. Trong suốt nhiều dự án đầu tiên, tôi cảm thấy ấm ức vì không phát huy được sự "đặc biệt" của mình, không được làm những gì mình thích – những gì mình xứng đáng được nhận. Tôi cảm thấy mình đang phí hoài cả những gì mình đã được học lẫn những năm tháng tuổi trẻ của mình.
Thế rồi tôi được nghe một câu nói đã giúp tôi thay đổi góc nhìn về vị trí, công việc của mình: "Nghề của mình thực ra không hề khó, không hề đòi hỏi em phải thông minh xuất sắc. Chỉ cần chịu khó cần cù, tích lũy dần dần, sẽ có ngày em trở thành người giỏi".
"Chân lý" này, phải tới khi trực tiếp dìu dắt lứa đàn em thực tập đầu tiên tôi mới hiểu được. Tôi bỗng dưng nhận ra rằng, trong những năm tháng đầu tiên, tôi đã tích lũy được những kỹ năng mà nhà trường không thể dạy trong một hai khóa học: từ các vấn đề to tát như load balancing đến cách chia hàm để người đến sau không mất cả ngày để dịch chữ số thập phân, từ những chuyện "cả đời" như code thế nào để tester không mất nhiều thời gian vào những lỗi nhỏ nhặt cho đến những mẩu email xin lỗi khách hàng vì... các bạn hiểu sai user manual do mình viết.
Hóa ra, nghề của tôi không phải lúc nào cũng là những thuật toán phức tạp tầm cỡ giải rubik 20 mặt hay những slide PowerPoint "hoành tráng" để khoe khoang bản thân. Trái lại, làm chủ được vị trí kỹ sư outsource chỉ là một quá trình tích lũy lâu dài để một ngày nào đó trở thành chỗ dựa cho khách hàng, cho team và cho sếp.
Rồi tôi nghĩ lại những khía cạnh công việc mà tôi ghét nhất. Code automation test và quá trình làm việc với giới tester khó tính đã biến tôi thành một người cẩn thận. Phải làm việc với các công nghệ cũ khiến tôi buộc phải hiểu rằng công nghệ chỉ là phù du, tư duy giải pháp mới là vĩnh cửu. Điều mà sếp tôi, khách hàng tôi cần là một kỹ sư có tư duy ấy chứ không phải là một cậu sinh viên bằng đỏ thừa sự tự tin.
Thế rồi, khi đã thấm thía ý nghĩa và hoàn thành thật tốt các công việc nhỏ nhặt, tôi mới nhận được sự tin tưởng từ sếp. Phạm vi công việc mở rộng từ một hàm, một package, một module lên thành một dự án, một hệ thống. Chuyện viết mail cho khách hàng hay thậm chí đi nước ngoài để làm việc cùng họ giờ đã trở nên... bình thường.
Đây là lúc sự tự tin, niềm tin "đặc biệt" của chúng tôi được phát huy nhiều nhất: với khách hàng quốc tế, người Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng ra những hệ thống phức tạp nhất.
Tôi viết bài viết này không phải là để khuyên bảo các bạn trai "đừng tốt với bạn gái của mình": khi đi qua giai đoạn chinh phục để nghĩ đến tình yêu và hôn nhân, bạn sẽ cần thực sự yêu thương và cũng sẽ cần rất nhiều sự kiên nhẫn để chứng minh với nàng rằng bạn là chỗ dựa vững chắc. Tình yêu thương, sự kiên nhẫn ấy không thể chỉ đo bằng 1 cốc sữa chua mỗi ngày. Nhưng tôi cũng nghĩ bạn đã hiểu cái "tip" trong câu chuyện tình yêu của tôi: trước hết, hãy tự tin, mạnh dạn và hãy buộc nàng phải công nhận bạn là người đặc biệt của nàng.
Còn với phần mềm, hãy hiểu rằng hướng đi tốt nhất, an toàn nhất là hãy tận tâm với từng công việc, với từng điều bạn không thích ngay từ đầu. Đúng, các bạn đang ở trong một môi trường rất trí tuệ, rất cần lòng dũng cảm và cần lòng tự tin. Nhưng trên tất cả, sự nghiệp của các bạn cũng giống như mỗi hệ thống phần mềm, giống như một ngôi nhà được xây dựng từ từng viên ngạch nhỏ vững chắc.
Lê Hoàng
(theo GenK)
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
Tin liên quan:
|