Trái với lầm tưởng của nhiều người, may mắn là một kỹ năng có thể học được. Theo bài viết của giáo sư Tâm lý học Richard Wiseman, ĐH Hertfordshire, Anh.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về khoa học của may mắn từ khoảng một thập kỷ trước. Tôi muốn tìm hiểu xem các cơ hội may mắn có tác động thế nào đến cuộc sống con người. Sau nhiều thí nghiệm thì nay tôi tin là mình đã hiểu tại sao luôn có một số người may mắn hơn những người khác.
Để thực hiện công trình nghiên cứu của mình, tôi cho đặt một quảng cáo trên các báo và tạp chí lớn rằng những ai luôn cảm thấy mình liên tục may mắn hay kém may mắn hay liên hệ với tôi. Qua nhiều năm, 400 người đặc biệt may mắn và xui rủi thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã tình nguyện tham gia vào nghiên cứu, người trẻ nhất là một sinh viên 18 tuổi và già nhất là một kế toán viên về hưu 84 tuổi.
Trong số đó có Jesssica, một nhà khoa học tội phạm 42 tuổi là tiêu biểu trong nhóm may mắn. Cô cho biết "Tôi được làm công việc mình mơ ước, có hai người con tuyệt vời và người chồng mà tôi rất yêu. Thật tuyệt vời phải không. Ngẫm lại cuộc đời thì dường như tôi đã gặp may trong tất cả mọi chuyện."
Trái với Jessica, cuộc đời Carolyn, một nhân viên điều dưỡng 34 tuổi lại là hội tụ của tất cả những gì đen đủi nhất. Cô rất hay bị tai nạn. Chỉ trong một tuần, cô bị trẹo mắt cá vì ngã xuống hố, trấn thương lưng vì một cú ngã khác và đâm sầm ô tô vào một cái cây khi đang tập lái. Cô cũng không hề gặp may trong chuyện tình cảm và luôn cảm giác mình bị sao quả tạ chiếu trên đầu.
Qua nhiều năm, phỏng vấn nhiều tình nguyện viên, yêu cầu họ hoàn thành nhiều bảng câu hỏi và kiểm tra cả về trí thông minh, tôi rút ra một điều là những người này không hề rõ tại sao những sự việc may mắn hay xui rủi luôn đến với họ, và thái độ của họ trước những sự việc đó mới là thứ quyết định.
Hãy lấy ví dụ về các vận may. Nhưng người may mắn luôn gặp thêm nhiều vận may, trong khi những người đen đủi thì không. Tôi đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản và phát hiện ra nguyên nhân chính là ở khả năng nhìn ra cơ hội giữa hai nhóm này.
Tôi đưa cho cả hai nhóm may mắn và đen đủi một tờ báo, yêu cầu họ nhìn qua đếm xem bên trong có tất cả bao nhiêu bức ảnh. Nhóm đen đủi mất trung bình 2 phút để đếm xong, trong khi nhóm may mắn chỉ mất vài giây. Tại sao vậy? Thực ra ngay ở trang thứ hai của tờ báo tôi đề một dòng chữ "Đừng đếm nữa, có tất cả 43 bức ảnh." Dòng chữ chiếm hết nửa trang báo và được viết font khá to, gần như là xoáy thẳng vào mắt người đọc, vậy nhưng những người đen đủi lại không hề để ý mà chỉ chăm chăm đi tìm ảnh. Những người may mắn thì lại rất nhanh chóng nhìn ra.
Để chắc chắn hơn, tôi lại cho đề một dòng chữ nữa ở giữa quyển báo "Đừng đếm nữa. Hãy nói với người thực hiện thí nghiệm là bạn đã nhìn thấy dòng chữ này để nhận được £250." Lại một lần nữa, những người kém may mắn bỏ lỡ cơ hội này chỉ vì bận đi đếm ảnh.
Các bài kiểm tra về tính cách đã cho thấy những người đen đủi thường căng thẳng hơn những người may mắn. Nghiên cứu cũng chỉ ra căng thẳng, lo lắng làm suy giảm khả năng nhìn nhận những điều không ngờ trước của con người. Trong một thí nghiệm, mọi người được yêu cầu theo dõi một chấm tròn nhỏ chuyển động ở chính giữa màn hình máy tính. Không được báo trước, những chấm tròn lớn khác thi thoảng lại xuất hiện nhấp nháy ở góc màn hình. Hầu như tất cả mọi người tham gia đều nhìn ra những chấm lớn này.
Sau đó thí nghiệm được lặp lại với một nhóm khác với thông báo họ sẽ nhận được tiền thưởng nếu nhìn chính xác chấm tròn ở chính giữa màn hình. Thông báo này khiến người tham gia trở nên căng thẳng. Họ tập trung hơn vào chấm nhỏ ở giữa và hơn 1/3 trong số họ không biết đến sự xuất hiện của các chấm lớn ở góc màn hình. Có thể nói rằng họ càng căng thẳng nhìn vào màn hình bao nhiêu thì càng nhìn thấy ít thứ bấy nhiêu.
Các cơ hội cũng tương tự như vậy. Những người kém may mắn luôn bỏ lỡ cơ hội bởi họ quá tập trung tìm kiếm thứ gì đó khác. Họ đi tiệc chỉ chăm chăm tìm được một "đối tác" hoàn hảo để rồi bỏ lỡ cơ hội giao lưu với bạn bè. Họ lục tìm các tờ báo tìm quảng cáo tuyển dụng một nhóm việc nào đó để rồi bỏ lỡ những công việc hay ho khác. Những người may mắn, trái lại, luôn thoải mái và cởi mở với mọi cơ hội đến nên luôn nhìn thấy những gì có ngoài kia chứ không phải chỉ những gì họ kiếm tìm.
Nghiên cứu của tôi đã cho thấy những người may mắn luôn tự tạo ra một vầng may mắn quanh họ bằng 4 nguyên tắc:
- Họ rất giỏi tạo ra và nhìn thấy các cơ hội tiềm năng;
- Họ chịu khó lắng nghe trực giác và đưa ra quyết định;
- Họ tự linh cảm trước may mắn sẽ xảy ra bằng những mong đợi tích cực
- Họ luôn bình tĩnh trước những điều không may và biết cách nhìn nhận chúng dưới dạng may mắn.
Tôi phân vân không biết liệu 4 nguyên tắc này có thể được dùng để "tăng" may mắn cho những người luôn đen đủi hay không. Để thử nghiệm, tôi đã thành lập một "lớp dạy may mắn" với thí nghiệm đơn giản test xem con người có thể cải thiện vận may của mình hay không.
Tôi yêu cầu những người tham gia (kể cả những người cảm thấy mình may mắn và kém may mắn) dành một tháng thực hiện các bài tập khiến họ suy nghĩ và hành xử như một người may mắn. Những bài tập này được thiết kế để họ nhìn ra những cơ hội trong cuộc sống, lắng nghe trực giác, kỳ vọng tích cực hơn và luôn giữ thái độ bình tĩnh trước những việc tồi tệ.
Một tháng sau, họ quay lại và mô tả lại những thay đổi trong cuộc sống. Kết quả rất tuyệt vời: 80% mọi người cảm thấy hạnh phúc, hài lòng hơn với cuộc sống hiện tại và đặc biệt là cảm thấy may mắn gõ cửa họ nhiều hơn. Những người vốn đã may mắn lại gặp được nhiều vận may hơn và những người vốn hay xui rủi cũng cảm thấy không còn như vậy nữa. Hãy lấy Carolyn tôi vừa đề cập làm ví dụ. Sau khóa học về may mắn, cô thi đỗ kỳ thi lấy bằng lái sau 3 năm nỗ lực và trở nên tự tin hơn, không còn dễ tai nạn như trước nữa.
Chốt lại, có 3 lưu ý giúp mọi người "tăng" tần suất may mắn của mình lên:
Những người không may thường không lắng nghe trực giác khi đưa ra quyết định, trong khi đó những người may mắn lại rất tôn trọng trực giác của mình. Những người may mắn thường thích nhìn nhận vấn đề dưới cả góc độ lý trí và cảm xúc chứ không chỉ nhìn đúng những gì vừa diễn ra. Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu mọi người biết cách sử dụng trực giác của mình như những chiếc chuông cảnh báo để đưa ra quyết định cẩn trọng hơn.
Những người không may mắn thường là những người luôn tuân theo thông lệ, lối mòn. Họ có xu hướng lặp lại mọi việc như lịch trình hàng ngày hay chỉ nói chuyện với một số loại người nhất định trong các bữa tiệc. Trái lại, những người may mắn thường cởi mở với mọi sự khác biệt đến với họ.
Những người may mắn cũng thường nhìn nhận mặt tích cực của những sự đen đủi đến với họ. Họ thấy được sự việc có thể sẽ còn tồi tệ hơn như thế. Trong một cuộc phỏng vấn, một tình nguyên viên đến với một bên chân bó bột vì ngã cầu thang. Khi được hỏi liệu có còn thấy may mắn nữa không, anh vui vẻ trả lời rằng thực ra anh vẫn còn may mắn vì nhiều người ngã như vậy có thể đã gãy cổ rồi.
(theo The Telegraph)
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
Tin liên quan:
|