Cậu bé lớp 5, Harrison Brammer tự học lập trình thông qua các video YouTube và một quyển sách được tặng. Cậu bé thậm chí còn phát trực tiếp quá trình lập trình của mình lên mạng để nhờ mọi người giúp đỡ
Harrison Brammell, học sinh lớp 5 sống tại bang New Orleans, Mỹ là một cậu bé yêu thích lập trình.
Tỉnh dậy lúc 7 giờ sáng, Harrison nhanh chóng ăn sáng để ngồi trước máy tính một lát trước khi đi học. Sau khi đi học về và tham gia vài trận bóng đá hoặc bowling, cậu bé lại ngồi "mày mò" trước máy tính cho đến giờ ăn tối, đi tắm và đi ngủ lúc 9 giờ. Cậu thường tranh thủ làm bài tập trong giờ giải lao giữa hai tiết học để có nhiều thời gian học lập trình ở nhà.
Harrison sử dụng máy tính của gia đình nhiều đến mức bố mẹ cậu quyết định tặng cậu một chiếc máy tính riêng. Đó là một chiếc laptop Toshiba RAM 4GB (TOSBF) đặt ở một góc phòng khách với hai màn hình và một bàn phím không dây.
Cách đây vài tháng, cậu bé sống tại Louisiana này đã tự học lập trình qua các video trên YouTube và qua quyển sách bố cậu mua tặng có tên là "Sams Teach Yourself Java" (của tác giả Barnes và Noble). Qua đó, cậu bé đã tự lập trình được một game nhập vai nho nhỏ. Niềm đam mê của Harrison được nhen nhóm khi cậu bé chơi Minecraft, một game trong đó người chơi tự xây dựng và phá hủy thế giới ảo của mình thông qua những khối gạch.
Người chơi Minecraft có thể tùy ý thay đổi, quản lý trò chơi giống như cách những đứa trẻ như Harrison học cách lập trình. Cậu bé cho biết: "Cháu muốn có quyền điều khiển các thiết bị giải trí điện tử của mình". Harrison hiện nay đang lập trình một game tương tự như game Galatica (một game chiến thuật). Cậu bé cũng muốn tự học lập trình Objective-C, Swift (iOS), C, C++, C#, HTML và CSS.
Hiện nay có rất nhiều chương trình giúp trẻ em tự học lập trình, tuy nhiên Harrison chọn cách tự mày mò. Cậu không có người dạy, bố mẹ cậu cũng không làm trong ngành công nghệ, trường học chỉ dạy cậu bé những khái niệm cơ bản về máy tính.
Điều khiến Harrison trở nên đặc biệt hơn nữa đó là cậu bé tự phát trực tiếp (live-stream) quá trình lập trình của mình. Cậu cho biết: "Cháu muốn có một nơi để mọi người có thể giúp cháu tìm ra lỗi". Cậu muốn làm chủ một phiên stream trực tiếp 24 giờ để có thêm nhiều người tại nhiều quốc gia cùng giúp đỡ mình.
Bill Hilke, một lập trình viên game và cũng là một lập trình viên thường xuyên phát trực tiếp quá trình viết code của mình với hàng ngàn người theo dõi, cho biết: "Điều này thật đáng kinh ngạc. Tôi chưa từng gặp ai ở tuổi cậu bé tham gia stream trực tiếp như vậy".
Với Harrison, đây là một lời khen khiến cậu rất hạnh phúc. Hilke chính là lý do Harrison tiến hành stream trực tiếp. Khi Hilke bắt đầu phát trực tiếp quá trình viết code của mình trên trang Livecoding.TV vào đầu năm nay, Harrison đã quyết định sẽ làm tương tự như vậy.
Harrison sử dụng công cụ Livecoding.TV thay vì YouTube bởi cậu sẽ không phải chỉnh sửa video, điều này vốn rất nhàm chán và mất thời gian. Hơn nữa, công cụ này cũng có ít người sử dụng hơn YouTube hay Amazon Twich livestream vì thế bài đăng của cậu sẽ dễ được chú ý hơn.
Cậu bé đã đúng. Những video lập trình của cậu đã có hơn 1.500 lượt xem trong vòng vài tháng trở lại đây và cậu còn có vài chục người theo dõi. Harrison khó có thể có một lượng fan trung thành vì thời gian phát video trực tiếp của cậu không theo lịch trình cụ thể. Hầu hết các buổi phát trực tiếp thì đúng giờ nhưng đôi khi bài tập, hoạt động thể thao, thời gian nghỉ ngơi khiến giờ giấc của cậu không chính xác hoàn toàn.
Ngay khi webcam bật, khuôn mặt Harrison rạng rỡ hẳn lên. Cậu bé chào khán giả (và đôi khi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau), cậu đằng hắng, uốn lưỡi, nói lẩm nhẩm. Khi lập trình, cậu xoay ghế rất nhiều và để con trỏ chuột làm mọi việc, giống như cậu bé đang giải trí chứ không phải là đang làm một công việc đau đầu và căng thẳng. Hilke cho biết: "Cậu bé làm khá tốt so với những gì một đứa trẻ 11 tuổi làm được".
Mẹ Harrison, bà Jennifer Brammell cho rằng lập trình là một kỹ năng quan trọng cho công việc mơ ước của cậu sau này. Kể cả việc stream trực tiếp cũng là điều cần thiết. Điều này giúp nâng cao các kỹ năng sống khác của cậu bé như khả năng xoay sở, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng nói trước đám đông.
Nhìn chung những gì Harrison làm không ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình. Điều tệ nhất là việc thuyết phục cậu bé rời khỏi máy tính khi đến giờ đi học mà Harrison vẫn chưa làm xong. Harrison cho biết: "Nó không quá khó. Nếu bạn có thể nhìn và đánh máy, bạn có thể lập trình".
(theo ICTNews)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
Tin liên quan:
|