PV: Chào anh Dũng, được biết anh là một nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực CNTT. Anh có thể chia sẻ lý do anh chọn CNTT và thành công như hiện tại?
Mọi thứ bắt nguồn từ đam mê. Hồi học cấp II anh đã năn nỉ bố mẹ mua cho máy tính bàn. Từ khi có máy, anh tha hồ 'lùng sục' những kiến thức liên quan đến CNTT và lập trình. Mới học lớp 8, anh đã tự mày mò tạo ra trang web cho riêng mình rồi. Trong anh lúc đó và ngay cả bây giờ, luôn khao khát mãnh liệt được tiếp cận cái mới, nắm bắt cái mới, và nhất là tự tay tạo ra được cái mới đi đôi với giá trị công nghệ thời đại.
|
Đặng Minh Anh Dũng (1990) – Giám đốc Công ty TNHH & DV Kiến tạo Việt |
Anh học chuyên ngành lập trình tại Aptech. Khi vừa tốt nghiệp, để bổ trợ khiếu thẩm mỹ cho việc xây dựng web, anh cũng đã đăng ký học thêm ngành thiết kế đồ họa ở Arena và lấy bằng 2 năm sau đó. Hiện tại chuyên môn của anh là lập trình và thiết kế website.
Tuy nhiên con đường học vấn của anh cũng không phải một đường thẳng suôn sẻ. Đầu tiên anh học CNTT ở trường ĐHQT Hồng Bàng. Nhưng vì chương trình đại học với các môn đại cương kéo dài mà kiến thức lại quá "khó hiểu" khiến anh cảm thấy thất vọng so với những gì đã mong đợi, cho nên anh đã quyết định từ bỏ trong năm học đầu tiên và đến với chuyên ngành lập trình.
PV: Lúc từ bỏ đại học, rẽ hướng sang lập trình, anh có nghĩ quyết định của mình là quá mạo hiểm, trong khi vấn đề bằng đại học luôn "nhức nhối" trong quan niệm xã hội ngày nay?
Lúc đó, ba mẹ cũng không đồng ý lựa chọn của anh, ba mẹ bắt buộc phải lấy cho được tấm bằng đại học. Anh đã phải thuyết phục ba mẹ bằng tất cả những lý lẽ, nguyện vọng, tâm tình của mình. Đến khi anh nói: "Nếu không được học ngành mình yêu thích, con sẽ thành một đứa vô dụng", thì ba mẹ mới đồng ý cho anh rẽ hướng đột ngột sang lập trình như vậy.
Tuy nhiên với quan điểm cá nhân của anh, vấn đề bằng đại học không phải là nhân tố quyết định tương lai mỗi người. Chủ các doanh nghiệp, bao gồm cả anh hiện tại, chắc chắn sẽ chỉ chọn một người không có bằng cấp nhưng kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc tốt, chứ không tuyển dụng một người có bằng đại học nhưng kỹ năng trống rỗng.
PV: Trở lại vấn đề một chút, đam mê và thực hiện đam mê ở thực tế là hai điều hoàn toàn khác nhau, vậy trong quá trình theo đuổi ngành lập trình yêu thích, anh có gặp phải nhiều khó khăn không?
Về việc tiếp thu kiến thức thì anh không gặp khó khăn, vì hầu hết những gì thuộc lập trình, anh nắm vững từ thời học cấp II, cấp III rồi. Chỉ có khi cần tìm nơi thực tập lúc đang học để vừa học vừa trải nghiệm thực tế thì anh có gặp khó. Vì phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên chính thức chứ không có nhu cầu tuyển thực tập sinh, mà lại là dạng partime vừa học vừa làm như anh. Cuối cùng sau bao ngày chạy đôn đáo, anh tìm được một vị trí công việc cộng tác viên thiết kế website. Anh còn nhớ mức lương lúc đó là gần 6 triệu đồng, với một công việc ở dạng bán thời gian, đó là số lương khá cao tại thời điểm đó.
Và khi làm đồ án, trong lúc các ngành khác chỉ cần tìm kiếm thông tin trên mạng, sau đó 'chế biến' lại, thì ngành lập trình tụi anh phải tự thân vận động mọi thứ: tự sáng tạo ý tưởng, tự code. Anh nhớ lúc làm đồ án tốt nghiệp, cả nhóm phải cùng hoàn thành sản phẩm website lấy ý tưởng về thương mại điện tử. Hai tuần liền, cả nhóm (3 người) phải liên tục chiến đấu 'ăn ngủ với code'. Cực nhất là khi gặp phải vấn đề với sản phẩm, việc fix lỗi, sửa chửa rất nhọc công, đòi hỏi phải tập trung và tỉ mẫn cao độ thì mới hiệu quả.
PV: Khó khăn như thế, khác với con đường đam mê màu hồng đã tưởng tượng, vậy động lực nào khiến anh tiếp tục học?
Không chỉ là 'tiếp tục học' (cười), mà anh luôn nằm trong Top đầu học lực của lớp trong khóa Lập trình 2009. Khẩu quyết của anh là: "Học tới đâu phải làm được, hoặc làm cho kỳ được tới đó". Muốn giỏi bất kỳ thứ gì, đều phải thật nỗ lực. Để có kết quả học tốt, phần lớn anh đều phải tự mày mò, tự tìm hiểu. Thức đêm thức hôm để code là chuyện đều đặn mỗi ngày (cười). Nhưng nó không gây cảm giác áp lực hay mỏi mệt, vì niềm đam mê thôi thúc mà. Mỗi khi code hoàn thiện hoặc fix lỗi hiệu quả, cảm giác chinh phục và chiến thắng dâng trào chỉ có làm mình 'lâng lâng' thôi (cười).
Không chỉ tiếp thu kiến thức ở trường, anh còn trau dồi thêm bằng cách vừa học vừa làm như đã nói. Sở dĩ anh nỗ lực như vậy, ngoài đam mê tự nhiên, còn do định hướng trở thành người dẫn đầu và tạo dựng tự do tài chính mà anh buộc mình phải thực hiện.
PV: Anh nói về định hướng dẫn đầu và tạo dựng tự do tài chính, từ đâu mà anh có ý nghĩ đó và bằng cách nào để thực hiện?
Sau khi trải nghiệm cuộc sống, anh đúc kết được rằng: Một nền tảng tài chính vững chắc là điều tối quan trọng. Điều này thôi thúc anh phải tạo dựng được những giá trị lớn lao và vững chãi. Do đó anh bắt đầu kinh doanh và mở công ty cho riêng mình.
Để xây dựng Công ty TNHH và DV Kiến tạo Việt, anh đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài về ý chí, tài chính, kinh nghiệm, bản lĩnh, kiến thức, người đồng hành, nhân sự giỏi và các mối quan hệ ngoại giao. Làm part-time từ năm 2009 và đi làm chính thức sau tốt nghiệp 2 năm là thời gian để anh có bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
|
Văn phòng Công ty TNHH & DV Kiến tạo Việt tọa lạc tại Vinhomes Tân Cảng, TP.HCM. |
Trước khi khởi nghiệp như thế, năm 2015, anh từng được bạn bè giới thiệu một vị trí Design ở công ty nước ngoài mà với những kỹ năng anh đang có ở thời điểm đó, Công ty này sẵn sàng trả cho anh 1200$/tháng. Nhưng vì giấc mơ start-up quá lớn, ấp ủ đã đến thời điểm không chịu được nữa rồi (cười), anh quyết định từ chối vị trí đó và bắt đầu mở công ty của riêng mình. Từ đó đến nay, Công ty TNHH và DV Kiến tạo Việt cũng hoạt động được hơn 2 năm. Lúc mới bắt đầu, nhân sự chỉ có 5 người và kí kết với những dự án nhỏ, cho tới thời điểm hiện tại, dự án lớn nhất mà Công ty đã kí kết cũng chỉ mới ở vào khoảng 5 tỷ đồng. Sắp tới Công ty sẽ tăng giá trị các hợp đồng lên vượt con số này nhiều lần. Muốn thành công trong kinh doanh, lúc nào cũng cần tham vọng và tham vọng nhiều hơn nữa.
PV: Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ đam mê CNTT và mong muốn thành công, anh sẽ nhắn gửi điều gì?
Đối với các bạn yêu thích CNTT muốn xây dựng tài chính vững chắc, nên định hướng kinh doanh kết hợp với chuyên ngành đam mê của mình. Trong CNTT, đặc biệt là lập trình, muốn tạo ra 'cái lớn' thì phải hợp tác đội nhóm. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đủ kinh nghiệm, vì học và trải nghiệm là việc cả đời ở mọi người. Hãy đọc nhiều sách, đó là nền tảng để có tư duy chiến lược. Đồng thời, các bạn cũng không được ngại khó ngại khổ, người mới bắt đầu khởi nghiệp phải làm việc nhiều hơn 10 tiếng một ngày, giữ vai trò tạo ra 50% doanh số công ty, và luôn cố gắng với tới tham vọng (mục tiêu lớn hơn sức mình hiện tại). Đặc biệt lưu ý, chỉ có đam mê, các bạn mới có có động lực để "chiến" không ngừng nghỉ!
Cảm ơn anh về những lời khuyên quý giá. Chúc anh sẽ sớm hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới!
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn |