(Post 14/07/2006) Sở hữu một chiếc PC mạnh
cỡ " lực sĩ Hercules" đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền không
nhỏ. Thực ra, để tăng tốc cho PC "mảnh mai" thêm mạnh mẽ và
hiệu quả hơn, có rất nhiều cách mà lại không tốn chi phí. Bài viết này
đưa ra 8 thủ thuật để đạt được hiệu năng tốt nhất
1. Ép xung bộ xử lý và card đồ hoạ
Một trong những thủ thuật mà người sử có kinh nghiệm
thường dùng là ép xung bộ xử lý. Khi ép xung CPU, bạn sẽ thấy rằng hệ
thống máy tính của mình chạy nhanh hơn tốc độ thực. Tuy nhiên, đừng cố
gắng ép xung lên quá cao mức có thể mà chỉ nên ép xung lên một chút. Hãy
cố gắng thử nghiệm mỗi lần ép xung xem hệ thống có hoạt động bình thường
không và CPU có bị nóng không. Bạn cũng nên trang bị cho mình một chiếc
quạt thật tốt cho CPU để phục vụ cho tản nhiệt.
Ép xung bộ xử lý bằng phần cứng
Ép xung bằng phần cứng tức là bạn sẽ phải chỉnh các thiết
lập tốc độ CPU, hệ số nhân bằng tay hoặc vào BIOS để chỉnh sửa. Ép xung
bằng cách này khá nguy hiểm và không an toàn. Vì vậy, VietNamNet khuyến
cáo chỉ có những người sử dụng có kinh nghiệm mới dùng phương pháp này.
Hiện nay, hầu hết các bo mạch chủ đều hỗ trợ ép xung bộ xử lý ngay trong
BIOS, người sử dụng chỉ cần cấu hình và điều chỉnh tốc độ bus (front-side
bus) và hệ số nhân của CPU.
Ép xung bộ xử lý bằng phần mềm
Một cách ép xung bộ xử lý an toàn và thích hợp với người
sử dụng thông thường là ép xung CPU bằng phần mềm. Đa số các bo mạch chủ
hiện đại đều hỗ trợ chức năng ép xung bộ xử lý ngay trong Windows. Các
hãng sản xuất thường bán kèm tiện ích ép xung với bo mạch chủ. Người sử
dụng chỉ cần cài đặt tiện ích này và ép xung theo nhu cầu của mình. Nếu
ép xung lên quá cao so với tốc độ thực thì Windows sẽ tự động khởi động
lại mà không gây ảnh hưởng gì tới phần cứng.
Ép xung card xử lý đồ hoạ
Hiện nay, hai "ông lớn" trong lĩnh vực bộ xử
lý đồ hoạ là Nvidia và ATI. Hai hãng này luôn cạnh tranh và đưa ra những
card xử lý đồ hoạ mạnh nhất. Không dừng lại ở phần cứng, mỗi trình điều
khiển trong Nvidia thường đi kèm tiện ích cho phép ép xung card xử lý
đồ hoạ, còn ATI lại chọn giải pháp sử dụng tiện ích đi kèm để ép xung
card đồ hoạ. Những tiện ích này thực sự hữu ích và cần thiết với dân "gamer"
chuyên nghiệp.
Một tiện ích ép xung card xử lý đồ hoạ chuyên nghiệp,
đơn giản và an toàn mà bạn nên tải về và sử dụng: Riva Tuner. Phần mềm
này cho phép ép xung toàn các card đồ hoạ của cả Nvidia và ATI.
2.Chỉnh thời gian trễ RAM
Thiết lập thời gian trễ của RAM xuống thấp hơn cũng đem
lại hiệu quả. Thiết lập độ trễ CAS (column address strobe) của RAM càng
thấp thì máy tính sẽ chạy nhanh hơn, thường thì từ chỉnh độ trễ CAS từ
3 hoặc 2.5 xuống 2. Tuy nhiên, chỉnh thời gian trễ của RAM xuống thấp
hơn ở những thanh RAM có chất lượng không đảm bảo thường cũng gây ra những
lỗi hoặc không ổn định. Vì vậy, nếu thấy PC chạy không ổn định thì hãy
thiết lập về mức bình thường.
3.Tắt chức năng tiết kiệm năng lượng
Chức năng tiết kiệm năng lượng luôn luôn được khuyến
sử dụng trong PC và đặc biệt là khi sử dụng laptop. Tuy nhiên, để đạt
được hiệu năng cao nhất cho những tác vụ cần thiết thì vô hiệu hoá chức
năng này cũng là một giải pháp. Để vô hiệu hoá chức năng tiết kiệm năng
lượng, hãy sử dụng chương trình Power Saving, có sẵn trong Windows. Chức
năng tiết kiệm năng lượng có thể làm chậm đĩa cứng, tốc độ CPU và các
thiết bị khác.
4.Tập tin trao đổi
Tập tin trao đổi có nhiệm vụ lưu giữ các thông tin từ
RAM trong trường hợp RAM hệ thống đã bị đầy. Thật không may, tốc độ đĩa
cứng chậm hơn rất nhiều so với RAM. Nên, các PC thường xuyên truy cập
vào các tập tin trao đổi sẽ làm giảm tốc độ của hệ thống.
Một cách tốt nhất là hãy đưa tập tin trao đổi này lên
một đĩa cứng thứ 2, thật lý tưởng nếu đĩa cứng này không chứa bất cứ chương
trình hoặc hệ điều hành nào. Nếu không có đủ khả năng tài chính thì đưa
tập tin trao đổi vào một phân vùng khác cũng đem lại hiệu quả tốt hơn.
5. Loại bỏ tập tin trao đổi
Nếu hệ thống PC có trên 1 GB RAM, bạn có thể tăng tốc
PC bằng cách vô hiệu hoá các tập tin trao đổi, không sử dụng các thiết
lập bộ nhớ ảo.
Nhấn phím phải vào My Computer -> Properties ->
Advanced, chọn Settings dưới nhãn Performance, chọn thẻ Advanced. Tiếp
đó, trong thẻ "Performance" chọn nút bấm Change, sau đó hãy
chọn No paging file cho tất cả các ổ đĩa.
RAID là viết
tắt của Redundant Array of Independent
Disks, là hệ thống các đĩa cứng được kết hợp 2
hay nhiều hơn để đem lại hiệu năng và khả năng chịu lỗi cao. Trước
đây, các hệ thống đĩa RAID được sử dụng cho máy chủ nhưng giờ đây
RAID đã được sử dụng rộng rãi cho máy tính để bàn.
RAID 0
Đây là dạng RAID đang được người dùng ưa thích do khả năng nâng
cao hiệu suất trao đổi dữ liệu của đĩa cứng. Đòi hỏi tối thiểu hai
đĩa cứng, RAID 0 cho phép máy tính ghi dữ liệu lên chúng theo một
phương thức đặc biệt được gọi là Striping. Ví dụ bạn có 8 đoạn dữ
liệu được đánh số từ 1 đến 8, các đoạn đánh số lẻ (1,3,5,7) sẽ được
ghi lên đĩa cứng đầu tiên và các đoạn đánh số chẵn (2,4,6,8) sẽ
được ghi lên đĩa thứ hai. Để đơn giản hơn, bạn có thể hình dung
mình có 100MB dữ liệu và thay vì dồn 100MB vào một đĩa cứng duy
nhất, RAID 0 sẽ giúp dồn 50MB vào mỗi đĩa cứng riêng giúp giảm một
nửa thời gian làm việc theo lý thuyết. Từ đó bạn có thể dễ dàng
suy ra nếu có 4, 8 hay nhiều đĩa cứng hơn nữa thì tốc độ sẽ càng
cao hơn. Tuy nghe có vẻ hấp dẫn nhưng trên thực tế, RAID 0 vẫn ẩn
chứa nguy cơ mất dữ liệu. Nguyên nhân chính lại nằm ở cách ghi thông
tin xé lẻ vì như vậy dữ liệu không nằm hoàn toàn ở một đĩa cứng
nào và mỗi khi cần truy xuất thông tin (ví dụ một file nào đó),
máy tính sẽ phải tổng hợp từ các đĩa cứng. Nếu một đĩa cứng gặp
trục trặc thì thông tin (file) đó coi như không thể đọc được và
mất luôn. Thật may mắn là với công nghệ hiện đại, sản phẩm phần
cứng khá bền nên những trường hợp mất dữ liệu như vậy xảy ra không
nhiều.
Có thể thấy RAID 0 thực sự thích
hợp cho những người dùng cần truy cập nhanh khối lượng dữ liệu lớn,
ví dụ các game thủ hoặc những người chuyên làm đồ hoạ, video số.
|
6. Sử dụng RAID
Hãy sử dụng ổ cứng thứ 2 và cấu hình những ổ cứng này
thành hệ thống RAID. RAID sẽ tăng tốc độ truyền dữ liệu. Hầu hết các bo
mạch chủ hiện nay từ tầm trung tới cao cấp đều hỗ trợ RAID 0. Nếu bo mạch
chủ của bạn thuộc loại cũ thì bạn cũng có thể cắm thêm card PCI RAID.
RAID 0 giúp tăng tốc khả năng truy xuất đĩa cứng nhưng không có khả năng
chịu lỗi.
7. Kiểm tra các thiết lập AGP
Để tăng tốc xử lý đồ hoạ, hãy đảm bảo thiết lập tốc độ
AGP trên trong BIOS phù hợp, và đúng với tốc độ tối đa mà card đồ hoạ
hỗ trợ. Thường các card AGP mới thường hỗ trợ 4X, 8X. Nếu máy tính có
hỗ trợ AGP 4X hoặc 8X, hãy kích hoạt AGP Fast Write . Lựa chọn này cho
phép các dữ liệu đồ hoạ không đi qua bộ nhớ hệ thống, làm giảm bớt độ
trễ thời gian truyền dữ liệu giúp tăng tốc xử lý đồ hoạ.
8. Tăng tốc Gate A20
Gate A20 là một tuyến được sử dụng để quản lý truy cập
vùng bộ nhớ cao, hoặc 64 KB đầu tiên trong bộ nhớ mở rộng. Tuyến này thường
được sử dụng cho các thao tác bàn phím (có tốc độ chậm). Thông thường,
Gate A20 được đặt ở chế độ hoạt động bình thường (Normal), hãy chuyển
sang tốc độ cao (High) để có hiệu năng cao nhất. Thiết lập Gate A20 đều
có sẵn trong BIOS, nhưng tuỳ chọn này có thể sẽ có đôi chút khác biệt
giữa các hãng sản xuất BIOS.
Những những thủ thuật trên tương đối nguy hiểm và không
an toàn với những người sử dụng mới làm quen với máy tính. Để thực sự
an toàn và đạt được hiệu năng tốt nhất cho PC, hãy đọc thêm tài liệu tham
khảo đi kèm và nhớ đừng ngại thắc mắc và nhờ tư vấn từ những người dùng
có kinh nghiệm.
(theo VietnamNet) |