Những ông lớn đã "qua tay" Jane Wong gồm có Facebook, Google và Instagram.
Jane Manchun Wong là một cô gái 23 tuổi hướng nội, không quá nổi bật trong đám đông nhiều người. Nhưng trong thế giới của ngành áp dụng kỹ nghệ đảo ngược vào nghiên cứu ứng dụng – phân tích cấu trúc, chức năng và cách hoạt động của ứng dụng di động bằng cách "mổ xẻ" từng chi tiết của chúng, cô Wong là một nhân vật xuất sắc có tiếng.
Bản thân tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Massachusetts Darthmouth, cô thu hút sự chú ý của toàn giới "geek" vì đã tìm ra được các tính năng ẩn của các ứng dụng như Facebook, Instagram và Snapchat. Điểm đặc biệt là đây: đó toàn là những tính năng nhà phát triển không muốn cho người dùng hay biết.
Cô Wong là người đầu tiên phát hiện ra Facebook Messenger thử nghiệm chức năng "thu hồi tin nhắn đã gửi", Instagram tìm cách cho phép người dùng giới hạn những nơi có thể xem bài đăng của mình, chỉ cho phép những nước và khu vực nhất định được xem và tương tác với tài khoản của mình.
Rất nhiều hãng tin công nghệ theo dõi sát sao tài khoản Twitter của cô (nơi Wong hay đăng những gì mình tìm được), một vài nơi còn ngỏ ý muốn mời công về cộng tác, độc quyền sở hữu những gì cô Wong tìm được. Thế nhưng, cô từ chối mọi lời mời chào.
"Tôi tin rằng những thông tin như vậy nên được công khai cho tất cả mọi người, vậy nên tôi tìm được gì là tôi cứ post lên Twitter thôi", cô nói.
Cô cố gắng bóc tách mọi lớp che chắn các công ty dựng lên để ngăn người dùng biết được họ đang thực sự làm gì. Cụ thể hơn, cô muốn mọi thứ minh bạch, muốn cho mọi người biết các gã khổng lồ công nghệ đang làm gì với dữ liệu cá nhân của người dùng.
Có lần cô phát hiện ra rằng: khi người dùng đồng ý cho ứng dụng Facebook trên Android có thể truy cập vào thông tin về vị trí chính xác của thiết bị, dữ liệu có trong máy, họ cũng nghiễm nhiên đồng ý với việc ứng dụng gửi về các thông tin như cột phát sóng điện thoại có trong phạm vi khu vực, những mạng Wi-Fi thiết bị có thể kết nối được vào thời điểm hiện tại. Bằng những thông tin như vậy, có thể xác định được chính xác người dùng đang ở đâu, thậm chí còn biết luôn hàng xóm của họ là ai.
"Thiết bị của tôi vẫn có những ứng dụng ấy, nhưng sau chốt, tôi vẫn muốn biết chính xác những việc mà chúng đang thực hiện, cách thức chúng thu thập thông tin, không thể dừng lại ở ba cái dòng ‘đã sửa lỗi và cải thiện phần mềm’ nhàm chán", cô nói.
Cô Wong đã có sở thích tìm hiểu máy tính từ thuở bé. Khi mới 7 tuổi, gia đình cô đã cho phép Wong lên mạng tìm thông tin dưới sự quản lý chặt chẽ của gia đình; cũng như mọi gia đình khác, họ lo sợ con gái mình sẽ lạc vào những trang web độc hại.
Không muốn bị quản chế, cô bé Wong cài đặt trình duyệt Firefox để tránh việc Internet Explorer bị theo dõi, gia đình phải đặt cả mật khẩu cho hệ điều hành để giảm thời lượng online của Wong. Cô bé vẫn không chịu cảnh "áp bức", đã tự tới thư viện, mượn về quyển sách hướng dẫn sử dụng hệ điều hành Linux. Cô tìm cách cài hệ thống mã nguồn mở Linux thay thế cho Windows.
"Cha mẹ không thể ngăn được tôi", cô Wong vừa cười vừa nhớ lại. "Khi họ đặt mật khẩu máy tính, tôi đã tìm được cách reset cả bo mạch chủ để tránh mật khẩu, cuối cùng họ cũng phải đầu hàng và để tôi tự do nghịch máy tính, có điều là họ ngắt mạng luôn thôi".
(theo GenK)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn |