(Post 17/07/2006) “CNTT là một trong những
ngành có độ quan trọng về bằng cấp thấp nhất. Điều này, dân trong nghề
biết rất rõ. Em không muốn phí thời gian tuổi trẻ của mình. Em muốn học
ở Aptech, học để thực hành ngay, học để tác nghiệp ngay, học để tiếp cận
công nghệ cập nhật ngay...” - Trần Lê Minh hiện đang là Trưởng nhóm giải
pháp của Công ty phần mềm Infoway, người đã quyết định ngưng học khoa
CNTT ĐH Thủy Lợi chỉ sau hơn 1 năm để trở thành một Aptechite.
Ngả rẽ trong đời
Hàng năm, được bước vào cánh cửa của các trường đại học,
cao đẳng là mong ước của hàng triệu triệu thí sinh. Cùng sẻ chia với họ
là tấm lòng của những người cha, người mẹ ngày đêm lo lắng và hồi hộp
với khát vọng cháy bỏng mong con cái mình đỗ đạt. Vậy mà vẫn có biết bao
bạn trẻ khi đã bước được vào cổng trường đại học lại sớm thoả mãn, quay
ra đua đòi, buông thả để rồi bị đuổi ra khỏi trường, làm mất đi cơ hội
tươi sáng ở tương lai.
Trần Lê Minh (1984) - cựu sinh viên khoa Công nghệ thông
tin (CNTT), ĐH Thuỷ Lợi lại tự nguyện “bị đuổi” khỏi trường ĐH Thuỷ Lợi
sau hơn 1 năm học tập. Tuy nhiên, trường hợp này của Lê Minh lại hoàn
toàn khác các “nhân vật” nêu trên.
Là con út trong một gia đình viên chức thành đạt, bố
mẹ đều giữ những chức vụ, vai trò quan trọng trong các cơ quan nhà nước,
anh trai tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc Hà Nội, Trần Lê Minh vào Đại học không
hề khó khăn. Ngay năm đầu, Minh đã chứng tỏ mình là một sinh viên có khả
năng và cá tính. Lê Minh đã tham gia nghiên cứu khoa học và đoạt giải
nhì “Hội thi nghiên cứu khoa học trẻ khối Nông – Lâm – Ngư” do Bộ Nông
nghiệp tổ chức cho toàn bộ các sinh viên, đoàn viên và các giảng viên
trẻ dưới 25 tuổi của Bộ. Minh còn được tín nhiệm bầu làm “Phó tổng biên
tập” tạp chí CNTT của trường ĐH Thuỷ Lợi. Cũng trong thời gian này, Trần
Lê Minh được nhận học bổng học lập trình viên quốc tế Aptech của Trung
tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Hanoi-Aptech.
Vì ước mơ chấp nhận chông gai
“Khi biết được con trai mình dám bỏ việc học đại học
để sang học hẳn tại Hanoi-Aptech, tôi đau lòng vô cùng. Bao nhiêu hi vọng
ở cậu con trai út, khi đó tôi có cảm giác đã mất hết. Tôi giận con không
nói được thành lời. Tôi “căm thù” cái học bổng Aptech đó”, bà Lê Thị Bích
Ngân - mẹ của Trần Lê Minh tâm sự.
Đó là câu chuyện bà Ngân nhắc lại vào năm cuối 2003 khi
Minh dứt khoát nghỉ học ở ĐH Thuỷ Lợi, và chuyển sang tập trung học tại
Hanoi-Aptech. “Em hiểu được suy nghĩ của bố mẹ, nhưng em không muốn thay
đổi quyết định của mình. Em đã lớn và có thể tự đi con đường đi của mình,
miễn sao sẽ trưởng thành, có được sự nghiệp như mình và cả bố mẹ mong
muốn.” Minh cho biết.
Mọi người cảm thấy hết sức vô lý với quyết định quá mạo
hiểm của Minh. Rõ ràng, không phải Minh không theo học được, cũng không
phải Minh chơi bời, lêu lổng như những thanh niên bỏ học khác. Giờ đây,
sau hơn 2 năm, khi được hỏi lại, Minh cho biết cậu không hề hối hận về
quyết định đó “CNTT là một trong những ngành có độ quan trọng về bằng
cấp thấp nhất. Điều này, dân trong nghề biết rất rõ. Em không muốn phí
thời gian tuổi trẻ của mình. Em muốn học ở Aptech, học để thực hành ngay,
học để tác nghiệp ngay, học để tiếp cận công nghệ cập nhật ngay”. Minh
tâm sự thêm: “Bố mẹ muốn em đi du học, em cũng mong muốn điều đó. Nhưng
cách em làm khác với bố mẹ nên mới gây cho bố mẹ nhiều phiền muộn. Em
dự tính sau khi học 2 năm ở Hanoi-Aptech, em đã trở thành một lập trình
viên, ở Aptech lại có chương trình du học chuyển tiếp sang trường Đại
học Southern Cross (SCU), trường mà em đã lựa chọn. Với con đường này,
em có được cả hai thứ, kiến thức, kỹ năng CNTT thực tế và học Đại học.
Thật tiếc vì khi đó, bố mẹ không hiểu được hướng đi này của em.”
Sống hết mình với hoài bão!
Hiện nay, Lê Minh đang là Trưởng nhóm giải pháp của Công
ty phần mềm Infoway. Đây là kết quả bước đầu của những gì chàng trai trẻ
này trên con đường đi của mình. Khi học tại Aptech, Minh được các giảng
viên và bạn bè đánh giá rất cao về khả năng cũng như sức cầu tiến. “Học
tại Aptech không hề dễ dàng, vậy mà Lê Minh chọn cách học cùng một lúc
học hai lớp để tiết kiệm thời gian học tập. Khách quan, tôi đánh giá Trần
Lê Minh là một trong những học viên xuất sắc nhất của Hanoi-Aptech.” ông
Trương Xuân Nam – Giám đốc đào tạo Hanoi-Aptech cho biết.
Cũng trong thời gian học tập tại Hanoi-Aptech, Trần Lê
Minh đã đoạt giải nhì và giải khuyến khích Hội thi Tay nghề ASEAN thành
phố Hà Nội trong hai lần liên tiếp (năm 2004 và năm 2006). Minh cũng làm
ra nhiều sản phẩm phần mềm ứng dụng cho các doanh nghiệp. Gần đây nhất,
sản phầm project tốt nghiệp của Minh và nhóm bạn mang tên “Smart Map”
đã đạt điểm 97%, một thành tích rất ấn tượng. Hiện tại, “Smart Map” đã
được Công ty phầm mềm Infoway đầu tư và tiếp tục được Minh phát triển.
Ông Lương Đình Dũng – Giám đốc Infoway đánh giá: “Trưởng nhóm giải pháp
là một vị trí quan trọng trong một dự án phần mềm, tôi tin tưởng Lê Minh
làm tốt ở vị trí này. Phần kiến thức CNTT của Minh ở độ tuổi 22 quả là
đáng nể. Công ty tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ Minh cùng các bạn trẻ phát triển
“Smart Map”.”
Giá trị của ước mơ
“Giờ đây, tôi thấy tự hào về Lê Minh rồi. Là những người
làm cha, làm mẹ, đã có những lúc chúng tôi thất vọng về Minh ghê gớm.
Tôi có dám nói cho họ hàng, bạn bè biết về chuyện cháu bỏ Thủy Lợi đâu.
Giờ có lẽ nhiều người biết khi xem chương trình về Minh ở Cuộc sống số
trên VTV1. Khi âm thầm chứng kiến cháu miệt mài với CNTT, quyết tâm học
một lúc 2 lớp, tôi cảm thấy xấu hổ khi đã có lúc không tin tưởng vào con
trai của mình. Người lớn chúng ta quá áp đặt cho con trẻ, đó là một điều
sai lầm.” bà Bích Ngân tâm sự.
Người phương Đông vốn có cách giáo dục con cái rất khác
phương Tây, chăm sóc và hướng dẫn con cái rất “tỉ mỉ” cho đến khi “chúng”
kết thúc việc học đại học mới “thôi”. Có những khi, chúng ta hay duy ý
chí, áp đặt hướng suy nghĩ và hành động cho con trẻ. Trong khi những đức
tính như tự lập, sống không thụ động, sống có hoài bão, sống bằng chính
khả năng của mình, tự chịu trách nhiệm bản thân cần được khuyến khích,
thì chúng ta lại vô tình khiến các em không phát huy được bản thân để
phát triển. Điều này, giờ đây có rất nhiều điều cần xem lại.
Với Trần Lê Minh, con đường đang rất rộng mở. “Em thấy
hạnh phúc với cuộc sống của em. Em đã được sống và làm việc theo đam mê
và khả năng của mình. Có thể em là người may mắn (cười).” May mắn chỉ
có thể có được khi con người biết phấn đấu hết mình để đạt được may mắn
đó. Hiện tại, Minh đã hoàn thành gần hết mọi thủ tục để đi du học tại
trường ĐH Southern Cross tại Úc vào tháng 2/2007.
Anh Thơ
(theo Tuổi Trẻ Thủ Đô) |