Sờ-cu (SCU) du ký  
 

(Post 24/9/2005) Chào các bạn, tôi là Nguyễn Ngọc Điệp cựu học viên C0107L Fpt-Aptech, tôi hiện đang học tại đại học Southern Cross (Southern Cross University - SCU) ở thành phố nhỏ Lismore, bang New South Wales, Australia theo chương trình du học chuyển tiếp giữa Aptech và SCU. Khi viết những dòng chữ này, tôi đang được nghỉ hè sau học kỳ đầu tiên tại SCU và tranh thủ về nhà ăn Tết. Tôi có đôi dòng kể về hành trình của mình tới SCU và việc sinh hoạt, học tập của những Aptechite ở SCU, Lismore. Mong rằng bài viết này sẽ giúp cho các bạn có quan tâm đến chương trình du học chuyển tiếp của Aptech biết thêm những thông tin về cuộc sống và học tập khi du học tại SCU.

Những cảm xúc ban đầu khi đặt chân đến SCU

Tôi vẫn nhớ như in những gì diễn ra trong cái ngày đầu tiên, hôm khởi hành lên đường đến SCU. Đó là một ngày rất đặc biệt mà tôi phải làm đến mấy cái việc lần đầu tiên, lần đầu tiên được đi ra nước ngoài, lần đầu tiên được đi máy bay, và là lần đầu tiên tôi “được” xa nhà.

Chuyến bay hôm đó cất cánh từ Hà Nội, quá cảnh ở Kuala Lumpur (vì tôi đi qua Malaysia Airline) chỉ vài giờ rồi lại bay thẳng đến Sydney. Tại đây, hành lý của tôi được trả lại và tôi phải đi làm thủ tục hải quan, thủ tục nhập cảnh vào Australia. Với vốn tiếng Anh “đu đủ xanh” và vài giờ đồng hồ phân tích cực kỳ động não, tôi cũng đã hiểu ra thủ tục hoạt động của hành khách quốc tế trong sân bay và kết thúc được các thủ tục hải quan cần thiết. Khi bước chân ra khỏi phi trường quốc tế Sydney, trên tay là chiếc xe đẩy hành lý (trolley), tôi cảm thấy mọi việc thật đơn giản. Để xem nào, mình đã trải qua phần lớn quãng đường hơn 7000 km, và chỉ còn một chuyến bay nội địa hơn 800 km nữa thôi là đã có mặt ở SCU. “Just a piece of cake, eh?”, tôi thầm nghĩ và đã cho rằng phần còn lại của cuộc hành trình chỉ đơn giản như một phép tính. Nhưng tôi đã lầm và như mọi lần, dự đoán của mẹ tôi lại đúng, tôi chưa bao giờ là một người lập kế hoạch tốt và lần này cũng vậy – đơn giản là tôi đã chẳng có kế hoạch nào cả.

Sau khi ra khỏi khu vực được dùng trolley để đẩy hành lý, tôi đã phải xách bằng tay đống hành lý nặng hơn 60 kg của mình. Sai lầm đầu tiên của tôi là đã không đi đến sân bay nội địa (domestic terminal) bằng taxi cho nhanh và đơn giản, lý do phần là vì tôi tiếc tiền (phải đến hơn 20 Aud), phần là vì tôi muốn thử xem cái thú chu du kiểu “fi nal fantasy” nó là như thế nào. Tôi chọn đã đi tàu điện ngầm. Hơn một tiếng đồng hồ là khoảng thời gian mà tôi đã mất để “lết” được đống hành lý và chính tôi từ trên đường (mặt đất) xuống dưới ga tàu điện ngầm 2 tầng sâu dưới lòng đất. Sau này, khi mường tượng lại, tôi thấy tôi đã đi mất một quãng đường cỡ gần nửa cây số (vì lòng vòng do không xem chỉ dẫn) để đến một nơi cách mình 10 mét theo phương thẳng đứng mà chỉ cần 2 lần đi cầu thang máy. Bị lỡ mất một chuyến tàu, tôi đợi chuyến sau. “Everything is still under control!”, tôi thầm nghĩ và vẫn bình thản, một tiếng đồng hồ nữa lại qua đi.

Tôi lên được chuyến tàu điện ngầm sau đó và xuống ở một nhà ga gần sân bay nội địa nhất. Tôi chợt thấy mình nên để ý đến thời gian và khi xem đồng hồ, tôi hơi run, 1 giờ nữa chuyến bay nội địa từ Sydney đến Lismore như đã ghi trong vé sẽ cất cánh. Quanh quẩn trong nhà ga tàu điện ngầm, không tìm nổi cho mình được một chiếc trolley nào, tôi và đống hành lý lại cùng nhau lết lên mặt đất. (Tôi khuyên các bạn khi đi xa, lúc đóng gói hành lý thì nên chọn vali loại vuông vắn, có bánh xe và tay kéo). Sau hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với chỗ hành lý, lúc xách, khi vác và cuối cùng là kéo lết tôi đã thấm mệt, thậm chí tôi không thể cùng lúc kéo được cả đống hành lý. Tôi phải kéo từng túi một, rồi lại quay về kéo túi khác, cứ như vậy. Vượt qua tiếp 2 cầu thang bộ và băng qua một con đường, tôi đã đến được sân bay nội địa Domestic Terminal 1 trong nỗi vui mừng khôn tả dù chỉ ít phút sau tôi sẽ được biết mình đã mừng hụt. Điều đó có nghĩa là tôi đã bị lỡ chuyến bay đến Lismore, điều tồi tệ nhất mà tôi tưởng tượng ra đã xảy đến. Tôi không tin nổi vào tai mình khi cô nhân viên làm thủ tục check-in của hãng hàng không bảo rằng chuyến bay của tôi đã cất cánh mới được có… 2 phút. Như hiểu được vẻ mặt thẫn thờ của anh chàng sinh viên khốn khổ, cô nhân viên bảo rằng tôi vẫn có thể đến Lismore được trong ngày hôm nay bằng chuyến bay cuối cùng của ngày sau 6 tiếng nữa (lúc đó đã là 9h sáng) và vé may bay của tôi vẫn có giá trị. Tôi như thấy mình vừa thoát khỏi được một tai nạn; tôi thất thểu đi làm thủ tục check-in và vào ngồi trong phòng chờ.

“Đã đến lúc mình phải ‘chuẩn bị’ một chút”, khi trong phòng chờ tôi thầm nghĩ và lôi chiếc máy tính xách tay của mình ra. Tôi nghĩ mình lỡ chuyến bay thế này nên, cậu bạn Dũng (cũng là cựu học viên Fpt-Aptech, sinh viên SCU, người hứa sẽ ra sân bay đón tôi ở Lismore) sẽ đón hụt tôi, chửi thề vài câu và đi về sau đó một lát.

Tôi cần số điện thoại của Dũng để liên lạc sau khi đến được Lismore bằng chuyến bay cuối cùng. Số điện thoại của Dũng tôi có lưu trong máy tính xách tay và mọi chuyện đã có thể suôn sẻ hơn nếu như chiếc máy tính xách tay chết tiệt hôm đó lại tối thui cái màn hình đúng vào cái lúc mà tôi cần nó sáng hơn cả, ‘Holy shzzz!’. Cái màn hình máy xách tay của tôi đã bị hỏng. Đúng lúc lắm, rất đúng lúc! Tôi vật vờ chờ cho đủ 6 tiếng trong khi cái đầu mụ mị của tôi không nghĩ được cách gì ra hồn. Chỉ một lúc sau cái đầu đó khi bước lên được chuyến bay cuối cùng của ngày mà tôi không thể nhỡ, đã lại bay bổng trong những tưởng tượng về những ngày tháng thiên thần ở SCU mà tôi vẽ ra: những em gái Úc xinh tươi, ‘màu mỡ’, những buổi party náo nhiệt, thật tuyệt vời.

Chiếc máy bay mà tôi đã bay từ Sydney đến Lismore là một chiếc máy bay rất nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với 2 chiếc máy bay Boeing trước mà tôi đã bay từ Hà Nội đến Kuala Lumpur và từ Kuala Lumpur đến Sydney. Nó giống như một chiếc xe buýt dài có cánh và biết bay hơn là một cái… phi cơ. Vì thế, nó bay rất ồn và xóc hơn 2 chiếc Boeing kia, lại có vẻ không an toàn; và dù vậy chăng nữa nó cũng chẳng đủ làm tôi sợ hãi vì tôi đã quá mải nghĩ đến Lismore, đến SCU và đến Aussie girls, ‘Woo hoo’. My destination, điểm đến của tôi.

Vào khoảng 6h30 chiều, tôi đặt chân xuống sân bay Lismore.Cái cảm giác đầu tiên mà tôi đặt chân đến Lismore (xin bạn đọc xem lại tiêu đề của đoạn này) là một cảm giác buồn… rất khó tả. Trở ra từ nhà vệ sinh, tôi xách đồ đạc và hành lý ra xe taxi; như một người khách lữ hành dặm trường đầy kinh nghiệm, tôi nói dõng dạc với nguời lái xe: ‘Please take me to SCU, No.1 Military Rd, East Lismore, thanks!’. Đi được một lát, từ phía đằng xa tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng của ngôi trường SCU mà tôi đang nóng lòng được nhìn thấy. Southern Cross University tọa lạc trên một ngọn núi không cao lắm, rất nhiều cây và khuôn viên, những toà nhà nằm xen nhau và trên những thảm cỏ xanh mượt. SCU trong cái nhìn đầu tiên của tôi chỉ có như thế, vì trời lúc đó đã bắt đầu xâm xẩm tối.

Người lái xe taxi thả tôi xuống trên ngọn đồi cao nhất của trường, trước cửa nhà trung tâm hành chính, sau khi tranh luận với tôi một hồi là tôi nên xuống xe ở đâu vì quả thật lúc đó tôi đã ở tại SCU nhưng tôi cũng không biết là mình nên đến chỗ nào. Tôi lại một mình trên đường với đống hành lý mà theo tôi lúc đó là phải nặng đến cả tấn, tức là tôi đã không còn sức lê chúng đi đâu thêm một mét nào nữa. Trời đã xẩm tối, đã ngoài giờ hành chính từ lâu nên rất vắng vẻ, tôi chỉ để ý thấy lác đác có vài người đang rảo bước ra về. May thay, lúc đó có một cô gái tóc đỏ xinh xắn, cao, mà trạc người đầy đặn, bước ra từ toà nhà đối diện. Quả thật đang rất hoang mang, nên tôi đánh bạo tiến tới hỏi chuyện và nhờ giúp đỡ. Sau khi tôi ‘trình bày hoàn cảnh’, cô gái tóc đỏ tỏ vẻ thông cảm và như rất sẵn sàng giúp đỡ tôi. Chúng tôi bỏ lại toàn bộ đồ đạc và hành lý bên đường, trên vỉa hè và cô gái dẫn tôi đi xuống chỗ văn phòng quốc tế của trường. Thế nhưng, chúng tôi đều không lấy gì làm ngạc nhiên lắm khi văn phòng đã đóng cửa. Thấy trời đã tối nên tôi e ngại giùm cho cô gái tóc đỏ, tôi nói lời cảm ơn cô ấy rất nhiều và rằng tôi đã có cách giải quyết, cô gái cũng có vẻ như đang bận nên chào tôi rồi đi luôn (tôi cũng quên không hỏi tên cô ấy và sau này tôi cũng không gặp lại được cô gái tóc đỏ ấy nữa). Tôi lại một mình, mà đường đi từ chỗ này lên trở lại chỗ tôi để đồ trên đồi thế nào đây nhỉ? Trời ngày càng tối mịt mà đường đi thì quanh co, lên đồi xuống dốc, tôi hoàn toàn bị mất phương hướng.

Mò mẫm một lát, tôi đến được một chỗ (mà sau này tôi được biết người ta gọi nó là Plaza, nơi sinh viên tụ tập nói chuyện, trao đổi, mua bán, cũng có nhiều hàng quán) và nhìn thấy một máy điện thoại công cộng. Nhớ lại lúc nãy cô gái tóc đỏ có khuyên tôi dùng máy điện thoại công cộng để liên lạc nếu cần, tôi lại gần một căn nhà có ánh đèn để đổi ít tiền xu để gọi điện. Tôi buộc phải gọi điện về Việt Nam cho bố tôi, nhờ bố tôi gọi điện thoại cho bố của Dũng, để hỏi số di động của Dũng bên này. Bố tôi ghi lại, tôi gọi về lần thứ 2 và có được số điện thoại của Dũng. Tôi vội vàng quay số của Dũng, tiếng chuông điện thoại reo lên và Dũng đang nghe máy: ‘Alo, Dũng đây, nghe rõ trả lời!’ - Tôi biết mình đã được cứu sống.

Dũng và Sơn (Aptechite, Fpt-Aptech TP HCM) ra đón tôi và chúng tôi mất hơn một tiếng đồng hồ nữa để đi tìm lại đồ đạc và hành lý của tôi. Lý do là trường thì rộng mà tôi thì không thể nhớ nổi là tôi đã vứt hành lý của mình ở đâu. Khi chúng tôi tìm được hành lý, Dũng và Sơn đi gọi xe của bảo vệ trường (gọi là security guard) nhờ họ trở về tận nhà. Nhà của Dũng và Sơn không to lắm, thật ra là rất lụp xụp, hay gọi đùa là ‘Hắc Điếm’, trong nhà còn có 2 Aptechite nữa cũng bằng tuổi nhau (tất nhiên toàn là male). Tôi tắm rửa qua loa, ăn tối cùng mọi người và có đêm đầu tiên của mình ở SCU, Lismore, ở giữa những người bạn Aptechite. Cám ơn các bạn.

Lời khuyên: 4P – Proper Plan Prevent Poor Execution cho tất cả những gì bạn đang làm và chuẩn bị làm.

NGỌC ĐIỆP


 
 

 
     
 
Người Aptech khác:


Cô gái dám thách thức với "thần chết"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11