(Post 22/01/2007) Tập đoàn FPT vừa khai trương
Trường đại học FPT tại tòa nhà Detech (đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, Từ Liêm,
Hà Nội) và khai giảng khóa I. Đây là trường đại học chuyên ngành CNTT
đầu tiên tại Việt Nam với định hướng đào tạo gắn với nghề nghiệp và cam
kết việc làm có tính khả thi rất cao.
Trụ sở
chính của Trường đại học FPT |
|
Khóa I của đại học FPT gồm 299 sinh viên, được chia thành
10 lớp học chuyên ngành kỹ nghệ phần mềm. Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trường
Trường đại học FPT cho biết, các tân sinh viên có 6 tuần lễ để nghiên
cứu phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp và tiếp cận một số kỹ
năng “mềm”, như nghiên cứu tài liệu, viết báo cáo, thảo luận… - điều chưa
từng có tại các đại học khác. Tiếp đó, trong 2/3 của năm học thứ nhất,
các em được học ngoại ngữ (tiếng Anh), toán, các nội dung xã hội nhân
văn, phát triển cá nhân và nhập môn công nghệ. Từ đầu năm hai, sinh viên
được học chuyên ngành kỹ nghệ phần mềm và học tiếng Nhật. Chương trình
thực tập lập trình phần mềm sẽ được bắt đầu từ năm thứ ba tại các công
ty phần mềm danh tiếng trong và ngoài nước.
Theo ông Tùng, kết cấu chương trình giảng dạy này giúp
sinh viên khắc phục được những điểm yếu thường gặp của sinh viên Việt
Nam hiện nay là yếu về ngoại ngữ, thiếu kỹ năng thực tế trong công việc
và kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Dự lễ khai trương đại học FPT, có mặt nhiều tên tuổi
lớn trong “làng” công nghệ thông tin – viễn thông thế giới, đồng thời
cũng là những đối tác quan trọng của Tập đoàn FPT, như IBM, Microsoft,
Hitachi Software, Unisys, NRI, TIS, Oracle… Theo ông Trương Gia Bình,
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đó chính là lời cam kết của FPT về một môi
trường tốt để rèn luyện kỹ năng thực tế trong quá trình học cũng như việc
làm cho sinh viên trong tương lai. Ngay tại lễ khai trương, Tập đoàn IBM
đã ký kết hợp tác đào tạo với FPT, theo đó IBM hỗ trợ huấn luyện giảng
viên công nghệ thông tin cho FPT và cung cấp một phần lệ phí cho sinh
viên Đại học FPT thi lấy chứng chỉ của IBM. Phía FPT sẽ sử dụng giáo trình
và chương trình đào tạo kỹ nghệ phần mềm của IBM, công nhận các chứng
chỉ chuyên môn của IBM như tín chỉ cho một số môn học trong chương trình.
Tập đoàn FPT đã cam kết sẽ ký hợp đồng lao động với toàn
bộ sinh viên khóa I sau khi tốt nghiệp, với mức lương 200 USD đến 400
USD/tháng dựa trên kết quả học tập. Ngay tại lễ khai trương, FPT cũng
đã trao gần 50 suất học bổng toàn phần có trị giá 500.000 USD cho 50 sinh
viên xuất sắc và phối hợp với Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV)
trao hơn 80 suất vay tín dụng học phí có tổng trị giá hơn 600.000 USD
cho các sinh viên nghèo học giỏi. Như vậy, số sinh viên được nhận học
bổng và tín dụng hỗ trợ học tập chiếm đến 43% tổng số sinh viên của trường
– một con số mơ ước của bất cứ trường đại học nào khác trong nước.
Theo ông Lê Trường Tùng, tuy khóa I mới có 299 sinh viên,
nhưng ngay trong năm 2007, trường sẽ thu hút 1.000 sinh viên và đạt con
số 10.000 sinh viên trước năm 2010. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trường
đại học FPT đảm bảo đào tạo cho 900 sinh viên và Tập đoàn FPT đang xúc
tiến để tháng 9/2008, Đại học FPT sẽ khai trương trụ sở chính tại Khu
công nghệ cao Hòa Lạc trên diện tích hàng trăm ha, đủ chổ cho 5.000 sinh
viên chuyên ngành công nghê.
Bá Thư |