(Post 24/03/2007) Việc Đại học FPT được Chính
phủ chính thức cho phép thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên ngay trong
năm 2006, cho dù thủ tục có ít nhiều gặp trục trặc, được đánh giá là một
trong những điểm sáng của ngành CNTT-TT năm qua. Hy vọng luồng tư duy
mới này sẽ lan tỏa và cộng hưởng cùng sự phát triển của CNTT Việt Nam
trong Năm mới 2007...
Thừa nhận “thị trường giáo dục”
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2006 diễn
ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT lập Đề
án thí điểm cổ phần hóa từ 15 - 20 trường ĐH, CĐ (trong số 311 trường
ĐH, CĐ) trong 5 năm tới. Thủ tướng cũng lưu ý cần đặc biệt chú ý bán cổ
phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là,
một “thị trường giáo dục” – khái niệm tưởng như là bị “cấm kị” trong nhiều
năm qua - đã chính thức được thừa nhận tại Việt Nam. “Chấp nhận cơ chế
thị trường đào tạo ĐH thuộc các ngành kỹ thuật - công nghệ và dạy nghề”
– đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết “Gia nhập
WTO, cơ hội - thách thức và hành động của chúng ta” được đăng tải ngay
sau tiếng gõ búa của Chủ tịch Đại Hội đồng WTO chính thức kết nạp Việt
Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này.
Với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm
vừa qua (khoảng 25 -30%/năm), CNTT Việt Nam là một trong những ngành kỹ
thuật – công nghệ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất và nhu cầu nguồn nhân
lực mà thị trường đòi hỏi dường như cũng sôi động nhất. Đơn cử, chỉ riêng
Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip máy tính của Tập đoàn Intel tại Khu
Công nghệ cao TP. HCM đã có nhu cầu tuyển tới 4.000 lao động Việt Nam
trong những năm tới, hay Trung tâm thiết kế hệ thống công nghệ mạch tích
hợp cỡ lớn (LSI) của Tập đoàn Renesas Technology tại Khu chế xuất Tân
Thuận, TP. HCM cũng dự kiến sẽ nâng đội ngũ kỹ sư thiết kế từ 100 hiện
nay lên 1.000 kỹ sư trong vài năm tới. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho
thị trường gia công phần mềm Nhật Bản, Công ty FPT Software đã ra sức
tìm kiếm và chiêu mộ những sinh viên vừa giỏi CNTT, vừa thạo tiếng Nhật,
nhưng dường như cung vẫn ít hơn cầu...
Bối cảnh “khát” nhân lực CNTT cùng sức ép làm sao để
sản phẩm giáo dục, tức đội ngũ nhân lực, trở nên cạnh tranh hơn sau khi
Việt Nam gia nhập WTO, đã khiến yêu cầu về một cơ chế tự chủ trong đào
tạo nhân lực CNTT của trường đại học trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
“Bức tường rào” bao cấp cùng một tư duy cũ trong đào tạo nhân lực CNTT
– một ngành luôn đổi mới – đã bị bung ra cùng sự xuất hiện lần đầu tiên
của một trường đại học tư thục thuộc một doanh nghiệp CNTT – ĐH FPT.
Đại học FPT – phát súng lệnh
Ngay sau khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về việc cho phép chính thức thành lập, ĐH FPT đã công bố kế hoạch
tuyển sinh khóa đầu tiên (năm học 2006-2010) của họ ngay cuối tháng 10/2006,
với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 500 sinh viên để đào tạo ngành Kỹ nghệ
phần mềm. Nhưng trường ĐH này đã có một khởi đầu không dễ dàng. Chuyện
khúc mắc này, như mọi người đã biết, chỉ xoay quanh hai chữ “tự chủ”.
Điều đáng lưu ý là, Nghị quyết của Chính phủ về đào tạo
đại học đã khẳng định cơ chế tự chủ, các trường ĐH công lập cũng bày tỏ
mong muốn được tự chủ, Bộ GD&ĐT cũng nhất trí rằng việc tạo lập cơ
chế tự chủ cho các trường đại học là cần thiết. Nhưng trong câu chuyện
này, hai chữ “tự chủ” đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau và từ nhiều
góc độ khác nhau. Nếu “tự chủ” hiểu theo Bộ GD&ĐT chỉ liên quan đến
chuyện đào tạo và Bộ vẫn muốn áp cơ chế cấp quyết định mở ngành đào tạo,
cấp chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định chương trình khung đào tạo... thì
Hiệu trưởng ĐH FPT, ông Lê Trường Tùng lại nhận định tự chủ không chỉ
đơn thuần liên quan đến chuyện đào tạo mà liên quan đến cả một cơ chế
quản lý giáo dục. “Vì thế, chúng tôi không đề nghị Bộ GD&ĐT thay đổi
cơ chế quản lý hiện nay mà chỉ xin đề nghị được “thí điểm tự chủ” với
ĐH FPT, tức là thí điểm ở một trường ĐH mới toanh, đào tạo trong lĩnh
vực cũng rất mới mẻ và biến động nhanh chóng”, ông Tùng nói.
Có người đặt câu hỏi: Tại sao ĐH FPT không đồng thuận
với cơ chế hiện có của Bộ GD&ĐT mà lại cứ thích “tự chủ” và cương
quyết không chịu “thỏa hiệp”, như quan điểm mà ông Hoàng Minh Châu, Phó
tổng giám đốc Công ty FPT bày tỏ với giới báo chí?
“ĐH FPT không nhận tiền từ ngân sách Nhà nước. Vì thế,
chúng tôi cần được tự chủ từ khâu xây dựng trường đến khâu tuyển sinh,
chỉ tiêu tuyển sinh và chúng tôi chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo
của mình”, ông Lê Trường Tùng giải thích. Còn ông Hoàng Minh Châu nhận
xét: “Những sản phẩm liên quan đến giáo dục vẫn cần có sự quan tâm của
Nhà nước. Nhưng tôi cho rằng, ngay cả trong những ngành này (ngành CNTT-PV),
thị trường vẫn đóng vai trò giám sát, điều chỉnh tốt hơn Nhà nước”.
Sự cương quyết bảo vệ quan điểm “tự chủ” của lãnh đạo
FPT cũng xuất phát từ một thực tế là những trường ĐH do các đối tác nước
ngoài đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, như trường ĐH RMIT Việt Nam (100%
vốn nước ngoài) được tự chủ hoàn toàn trong đào tạo, về kế hoạch tuyển
sinh và chương trình khung đào tạo. Trong khi đó, những trường ĐH tư thục
như FPT lại gặp khó. Kiểu “trọng người, khinh ta” như thế quả là bất cập.
Theo những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, dịch vụ
đào tạo đại học là 1 trong 12 ngành dịch vụ phải mở cửa chỉ trong một
vài năm tới và các nhà đầu tư (giáo dục) nước ngoài được đảm bảo quyền
tham gia thị trường giáo dục đại học Việt Nam. Khi đó, nếu cơ chế quản
lý đào tạo không có sự thay đổi kịp thời, thì sự “bấp cập” trên sẽ chuyển
biến thành một vấn đề “nguy hiểm” nội tại cho chính hệ thống đào tạo đại
học của Việt Nam.
Rất đáng mừng, sau cuộc “đấu tranh tư tưởng” – mà theo
chúng tôi là không kém phần quyết liệt – Bộ GD&ĐT cũng đã có được
hành động phù hợp với xu thế phát triển: Cho phép ĐH FPT được tổ chức
thi tuyển sinh ngay trong năm 2006 với 500 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy (theo
Công văn số 13183/BGDĐT-ĐH&SĐH do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến
Long ký ngày 15/11/2006).
Phát súng lệnh đánh dấu một tư duy mới trong đào tạo
nhân lực CNTT nói riêng và đào tạo nhân lực nói chung đã chính thức nổ.
Theo nhiều chuyên gia, chắc chắn trong năm 2007 và những năm tiếp theo,
CNTT Việt Nam sẽ chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình đại học tư thục
– thuộc doanh nghiệp CNTT (Báo BĐVN dự đoán trường ĐH thứ hai sẽ là Đại
học TMA).
Các Tổng giám đốc, Chủ tịch các tập đoàn CNTT-VT đa quốc
gia khi đến Việt Nam dự Hội nghị CEO Summit 2006 trong khuôn khổ Tuần
lễ Cấp cao APEC 14 đều có chung một nhận xét: “Nhân lực là yếu tố số 1
cho sự thành công của CNTT-TT Việt Nam”. Để sự thành công đó không chỉ
là trên giấy tờ hay những lời nói đầu môi, đào tạo nhân lực CNTT nhất
thiết cần có một luồng tư duy mới. Tư duy mới đã có, vấn đề còn lại là
làm thế nào để cả ngành CNTT-TT Việt Nam cộng hưởng nhanh và thăng hoa
cùng với luồng tư duy mới này.
Tùng Sơn
(theo báo Bưu Điện Việt Nam) |