Đến cường quốc công nghệ thông tin  
 

(Post 05/07/2008) Không như Thomas L.Friedman (*), muốn tìm hiểu tại sao những người Ấn Độ đang giành mất công ăn việc làm của người Mỹ, chúng tôi chỉ mong khám phá ở một góc độ nào đó đất nước đang thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Chúng tôi tháp tùng nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sang Ấn Độ thực hiện những đàm phán thương mại đầu tiên. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Vũ Quang Diệm tỏ ra rất vui mừng khi biết tin chúng tôi sang và đã dành trọn một buổi tối để nói về "sự nổi lên" của đất nước mà ông, sau hơn 1 năm nhận công tác tại đây đã nắm bắt rất rõ. Ông nói: "Có hai Ấn Độ!".

Ngồi ô tô di chuyển qua các tuyến đường thủ đô, chúng tôi đã kiểm chứng ngay được những điều vị đại sứ nói. Rất dễ bắt gặp những người đàn ông, đàn bà Ấn Độ phải ngủ ngoài công viên giữa trời lạnh giá. Và rất nhiều những gia đình còn phải sống trong những túp lều ổ chuột, bên cạnh những khu đô thị mới hoành tráng mới mọc lên. Buổi sáng hôm đầu tiên thức dậy ở khách sạn Omni, chúng tôi cũng từng rất khó xử trước một em bé hành khất. Em bé này sau khi nhận tờ tiền 50 rubi đã chạy đi "báo tin mừng" cho cộng đồng ăn xin và chỉ trong vài phút sau đó, một đoàn lếch thếch phụ nữ và trẻ em đã vây lấy chúng tôi ngửa tay xin tiền.

Trong các tài liệu được Đại sứ quán cung cấp, chúng tôi cũng bắt gặp những vấn đề nhức nhối này. Nếu như năm 1970 khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn Ấn Độ mới chỉ là 2, thì nay đã là 8 lần. Trong khi tầng lớp trung lưu của họ lên đến hơn 300 triệu người thì xã hội vẫn còn tới 30% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ. Riêng bang Bihar ở vùng Đông Bắc, tỷ lệ người nghèo chiếm đến hơn 42%. Vẫn có nhiều quan chức tham nhũng và hạch sách dân. Thư ký của đại sứ kể, năm ngoái các phóng viên truyền hình Ấn Độ đã lập một kỳ công, khi quay phim toàn bộ cảnh người dân phải "lót tay" một đại biểu quốc hội để người này đưa vấn đề của họ ra chất vấn ở nghị trường.

Năm 1992-1993, Ấn Độ mới chỉ có 8 công ty xuất khẩu công nghệ thông tin thì đến năm 1999-2000 con số này đã lên 37 và đến năm 2000-2001 thì nhảy vọt lên 1.600 công ty. Hiện nay, các sản phẩm phần mềm của Ấn Độ đã có mặt tại gần 100 nước, trong đó 62% xuất sang Mỹ và Canada. 38% các cơ sở internet và buôn bán điện tử tại thung lũng Silicon của Mỹ thuộc sở hữu của người Ấn Độ. (Nguồn: Đại sứ quán VN tại Ấn Độ)

Nhưng chúng tôi cũng đã nhìn thấy một Ấn Độ đang dốc toàn lực để đi lên. Và sứ mệnh xóa nghèo cho dân chúng đã được trao vào tay những công ty "máu lửa" của họ. Chính phủ chủ trương "giải phóng tiềm năng sáng tạo của các doanh nghiệp và lực lượng sản xuất", đồng thời ráo riết xây dựng những kế hoạch dành thêm ngân quỹ cho giáo dục, cho tín dụng nông thôn; bảo vệ nông dân trước hàng hóa nhập khẩu giá rẻ...

Chúng tôi cũng may mắn được tham khảo nhiều đánh giá của thế giới đối với Ấn Độ, trong đó hầu hết đều coi những khó khăn trước mắt chỉ có thể "làm chậm sự nổi lên" chứ không làm đảo ngược xu thế tăng trưởng cao của họ trong những năm tới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Ấn Độ đang tiến rất gần đến vị trí của một cường quốc kinh tế. Khu vực tư nhân đã xuất hiện hàng trăm tập đoàn có tên tuổi trên thế giới, như Infosy, Tata, Birla, Essar, Jindal, Ranbaxy, JK... và đang bắt đầu một làn sóng đầu tư ra nước ngoài ồ ạt. Họ xây dựng đường sắt ở Malaysia với số vốn 1,8 tỉ USD. Họ cũng có dự án khai thác dầu ở Nga và cũng đang đầu tư vào ngành dầu khí của chúng ta hàng trăm triệu USD. Hai năm gần đây, nhiều tập đoàn Ấn Độ cũng đã mang tiền đi mua lại các công ty của nước ngoài, mà điển hình là vụ Tập đoàn Tata mua Công ty thép Corus của Anh. Thương vụ này lên đến hơn 12,1 tỉ USD và được coi là vụ mua bán lớn nhất của các đại gia Ấn Độ.

Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Mỹ Thomas L.Friedman, khi "tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21" đã chọn điểm đến đầu tiên là vùng Bangalore của Ấn Độ. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu hai năm nữa (đến năm 2010) trở thành trung tâm xuất khẩu phần mềm của thế giới và hiện đang có cả "đàn voi IT" hội tụ ở Bangalore. Và cùng với "sự nổi lên" đáng ngạc nhiên của công nghệ thông tin, hàng loạt những lĩnh vực khác của Ấn Độ cũng đang có thế mạnh, thu hút sự chú ý của thế giới, như hạt nhân, vũ trụ, công nghệ sinh học, dược phẩm, thăm dò tài nguyên... Ấn Độ đã chế tạo được máy tính siêu tốc và đang xuất sang châu Âu. Họ cũng đã lắp đặt thành công hệ thống cảnh báo sóng thần nhờ ứng dụng các công nghệ chụp ảnh vệ tinh và thăm dò địa chấn.

Đặc biệt với ngành hàng không, được xem như mũi nhọn thứ hai của Ấn Độ trong việc thu hút ngoại tệ và mở cửa hội nhập với thế giới, họ đã thông qua chính sách "bầu trời mở", cho phép hàng không tư nhân, cả trong và ngoài nước hoạt động. Họ đang có 126 sân bay, trong đó có 11 sân bay quốc tế. Tư nhân cũng đã đổ vốn đầu tư vào các sân bay tại Bangalore và Hyderabad. Đặc biệt, nhiều người cho rằng điều "có ý nghĩa nhất" là phần lớn các máy bay được sử dụng đều do Ấn Độ sản xuất.

Một điều khiến chúng tôi suy nghĩ là các doanh nhân Ấn Độ hầu như không uống bia rượu vào lúc ăn trưa. Họ cũng không đãi khách bằng những dịch vụ ăn chơi, thư giãn, mà dành tất cả thời gian gặp gỡ để tìm hiểu nhau, trao đổi thông tin và bàn chuyện làm ăn. Tại thủ đô New Delhi cũng không có những quán nhậu mở cửa suốt ngày đêm và những cửa hiệu cà phê hoành tráng để lôi kéo người ta đốt thì giờ. Trái lại trong nhiều nhà hàng và khách sạn sang trọng, chủ nhân cố ý trưng bày những câu nói hay hoặc những mẩu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc, để khách lúc nào cũng nhìn thấy và suy ngẫm. Hôm đầu tiên đến khách sạn Lemon Tree, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp dòng chữ tiếng Anh, tạm dịch là "không có gì hoàn hảo - tôi không hoàn hảo", được treo trang trọng trên tường. Rồi trong bữa ăn sáng, chúng tôi lại sốc với những ngôn từ "lạ" được bày đầy trên miếng lót đĩa, chẳng hạn: "Cấp trên của tôi là người ngu, tôi phải phấn đấu thành người ngu...".

* * *

Thăm Ấn Độ, chúng tôi lại nghĩ về những "doanh nhân máu lửa" của Việt Nam. Thực tế cho thấy rất nhiều tên tuổi lớn, rất dễ bắt gặp như Hoàng Anh Gia Lai, Cà phê Trung Nguyên, Gạch Đồng Tâm, Bánh Kinh Đô, Nguyễn Hoàng Group (NHG), Ô tô Trường Hải, VinaGames cùng hàng loạt những công ty địa ốc... đã nổi lên rất nhanh vì một khát vọng lớn lao. Tất cả họ đều quyết liệt trên đường làm ăn nhưng cũng rất chân tình và gần gũi với dân nghèo. Vấn đề là Chính phủ đã tạo điều kiện ưu đãi lớp công ty "máu lửa" của mình như thế nào và đã "giải phóng tiềm năng sáng tạo" cho họ - như kinh nghiệm rất đáng giá từ Ấn Độ - được đến đâu.

(*) Nhà báo Mỹ, tác giả các cuốn sách nổi tiếng: Chiếc Lexus và cành ô liu, Thế giới phẳng...

Trần Anh
(theo Thanhnien Online)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Gia công phần mềm: Liệu Việt Nam có trở thành Ấn Độ thứ hai?Lời khuyên cho dân IT
Các ĐH Mỹ cuốn vào làn sóng đầu tư ra nước ngoàiChân dung “ông trùm” thương mại điện tử Trung Quốc
SV và doanh nghiệp "chấm điểm" trường ĐHViệt Nam chưa thể trông mong vào thế hệ trẻ?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11